Ảnh hưởng của lịch sử Colombia đối với sự nghiệp sáng tác của G.G

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 26)

6. Bố cục của luận văn

1.1.2 Ảnh hưởng của lịch sử Colombia đối với sự nghiệp sáng tác của G.G

Márquez.

Đầu những năm 80, nhà sử học Pháp Pierre Nora – tác giả bộ sách Những di chỉ của ký ức (Les lieux de mémoire) - đã đề xuất một phương pháp tiếp cận lịch sử mới là thông qua điểm ký ức. Đồng thời ông cũng chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa những điểm ký ức và lịch sử dân tộc Pháp. Trước đây, lịch sử chỉ được biết qua những tài liệu ghi chép, di tích, hiện vật được lưu giữ ở bảo tàng nhưng giờ đây ở một khía cạnh khác, lịch sử còn được lưu giữ trong ký ức. Bởi “con người dù ở bất cứ thời đại nào cũng đều mang trong mình những ký ức của thời đã qua, những ký ức đó đọng lại trong tâm thức…Chính qua những ký ức mà con người cảm nhận được lịch sử” [65,tr.39]. Tuy nhiên, lịch sử được viết lại qua những điểm ký ức ấy không giống một lịch sử nào khác. Nó không phải từng sự kiện rõ ràng, càng không phải là những ghi chép lịch sử và rất khác với lịch sử theo lối thực chứng. Xét ở góc độ này, những sự kiện lịch sử dội vào tâm thức để trở thành những điểm ký ức. Theo thời gian, những điểm ký ức ấy được hồi tưởng lại và nhất đối nhà văn nó trở thành chất liệu sáng tác và đi vào tác phẩm một cách tự nhiên trong quá trình cầm bút. Bởi vậy, trong một số trường hợp, chính qua ký ức của nhà văn mà người đọc cảm nhận được lịch sử. Điều đó đúng với trường hợp của tác giả tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” – nhà văn G.G Márquez. Mặc dù lịch sử và văn học là hai lĩnh vực khác nhau nên không thể áp dụng phương pháp tiếp cận chung. Nhưng đề xuất của Pierre Nora đã gợi mở cho chúng tôi nhiều ý tưởng khi thực hiện đề tài có liên quan đến lịch sử trong tác phẩm văn học. Vì xét cho đến cùng, nhà văn cũng như những người khác đều sinh ra và lớn lên ở một thời đại cụ thể với nhiều biến động của lịch sử nên bất cứ ai cũng mang trong mình những ký ức khó quên. Nhưng đối với nhà văn những ký ức lưu giữ lịch sử ấy lại được dùng để làm chất liệu sáng tạo tác phẩm. Đối với tác giả “Trăm năm cô đơn” ảnh hưởng của lịch sử Colombia đối với ngòi bút của ông là điều không thể phủ nhận. Bởi G.G Márquez là con người có

cuộc đời “hành động”, ông trưởng thành từ những nếm trải cay đắng lẫn ngọt ngào của cuộc sống sôi động bên ngoài. Mặt khác, con đường văn chương của G.G Márquez không phải được ấp ủ từ trong kho tàng sách vở như những nhà văn khác mà chính là con đường đời cùng với những lăn lộn, thăng trầm và thử thách.

Sinh ra đầu thế kỷ XX, G.G Márquez trải qua thời kỳ hỗn loạn chính trị kéo dài cho đến khi ông viết “Trăm năm cô đơn”. Chính sự bất ổn chính trị, các cuộc bạo loạn thường xuyên diễn ra đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong ý thức của nhà văn yêu nước. Là người dám sống cho điều mình tin tưởng, biết chiến đấu đến cùng cho lý tưởng đã chọn, G.G Márquez đã từ bỏ ngành luật ở trường Đại học Bogotá để quyết tâm trở thành nhà văn đồng thời là nhà hoạt động chính trị tích cực. Bởi vậy, ngoài việc nghiền ngẫm những trang văn của Ernest Hemingway, James Joyce, William Faulkner, G.G Márquez còn đọc thêm về chủ nghĩa Marx. Chính vì ý thức chính trị như vậy cùng hoàn cảnh đất nước liên miên xảy ra nội chiến tranh giành quyền lực đã thôi thúc G.G Márquez suy ngẫm về bản chất của chủ nghĩa thực dân và lịch sử dân tộc. Vì vậy, từ những bài báo đến các tác phẩm lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông đều lưu dấu nhiều sự kiện lớn trong lịch sử quốc gia. Qua đó, nhà văn muốn lột tả hết mọi góc cạnh của xã hội ông đang sống, kể cả những sự kiện lịch sử, những mất mát đau thương của dân tộc. Bởi vậy, G.G Márquez được vinh danh trên văn đàn thế giới không chỉ vì nghệ thuật viết văn độc đáo mới mẻ mà còn ở nội dung mang đậm tính nhân bản và đề cập đến nhiều vấn đề có ý nghĩa toàn nhân loại.

Trong các tác phẩm của mình, G.G Márquez chủ yếu sử dụng những tư liệu lịch sử được rút ra từ ký ức thời thơ ấu qua câu chuyện kể của ông ngoại cùng những biến động tàn khốc mà ông đã trải qua cùng lịch sử đất nước. Điều đáng khâm phục ở G.G Márquez là ông đã dũng cảm đưa những sự kiện bị chối bỏ, cố tình bị quên lãng trong lịch sử vào tác phẩm để vạch rõ âm mưu chính trị cùng sự can thiệp trắng trợn của chủ nghĩa đế quốc và hành động bán nước của chính phủ tay sai phản động. Trong số đó có cuộc thảm sát công nhân đồn điền chuối năm 1928 tại Cienaga - một sự kiện đau thương nhất trong lịch sử Colombia đã được nhà

văn đề cập. Mặc dù không chứng kiến trực tiếp nhưng qua lời kể của mẹ và ông ngoại – đại tá Nicolas Márquez, cuộc thảm sát công nhân của công ty Liên hiệp hoa quả Hoa Kỳ đã ăn sâu vào tiềm thức của G.G Márquez từ nhỏ. Nó đã trở thành “bóng ma ám ảnh” nhà văn, ông miêu tả đầy đủ sự kiện đau lòng này không chỉ một mà trong nhiều tiểu thuyết của mình. Trong tự truyện “Sống để kể lại”, ông đã khẳng định điều này:

Lời kể của mẹ tôi chỉ kèm theo những số liệu rất mơ hồ và nơi xảy ra tấn thảm kịch lại quá nhỏ bé không như trí tưởng tượng nên gây bao thất vọng cho tôi. Sau này, khi nói chuyện với các nhân chứng sống và tham khảo các bài báo và tài liệu chính thức tôi nghiệm ra rằng sự thật không ở hẳn về một phía giải thích nào cả. Những người thỏa hiệp thì nói là không có ai bị chết. Ngược lại, những người quá khích thì khẳng định một cách chắc chắn rằng có hơn một trăm người đã bị bắn chết, máu chảy lênh láng trên quảng trường và xác chết chất đầy trên các toa chở hàng đưa đi vứt ra biển, tựa như những nải chuối mất chất bị mang đi đổ tống đổ tháo vậy. Đối với tôi, sự thật nằm ở đâu giữa hai thái cực này. Sự kiện này cứ đeo đuổi day dứt trong tôi đến mức, trong một cuốn tiểu thuyết, tôi đã mô tả nó một cách chính xác và đầy vẻ khủng khiếp như vụ tàn sát do trí tưởng tượng của tôi đã thêu dệt lên từ nhiều năm trước. Tôi đưa ra con số người chết là ba ngàn cho ngang tầm với tấn thảm kịch và số liệu thực tế đã chứng minh là tôi đúng : cách đây không lâu, trong lễ tưởng niệm sự kiện bi thảm này tổ chức ở Thượng viện, một diễn giả đã đề nghị mọi người giữ một phút im lặng để tưởng nhớ ba ngàn liệt sĩ vô danh đã bị lực lượng cảnh sát giết hại” [62,tr.93].

Kí ức về cuộc thảm sát đẫm máu in đậm vào tâm trí của G.G Márquez nên ông quyết tâm nói lên sự thật trong các tác phẩm của mình, trong đó có “Trăm năm cô đơn”.

Giai đoạn thảm khốc nhất trong lịch sử Colombia, gọi là “La violencia” (Thời bạo loạn) cũng tác động đến cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của G.G Márquez.

Nhà văn đã sống trong những ngày tháng đẫm máu và thấu cảm được nỗi đau thương mà bạo lực gây ra đối với đất nước. Thời bạo loạn bùng nổ bắt đầu từ sự kiện Jorge Eliécer Gaitán – một nhà chính trị thuộc đảng Tự do bị ám sát ngày 9 tháng 4 năm 1948 tại Bogotá. Chàng sinh viên luật Márquez đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc này và nó đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ông. Vụ ám sát đã châm ngòi cho hàng loạt các vụ bạo động xảy ra trên toàn Colombia gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người, đất nước bị chia rẽ sâu sắc, ruộng đồng bỏ hoang, dân cư phải đi tị nạn…Tất cả những nỗi kinh hoàng mà G.G Márquez đã trải qua trong thời bạo loạn đã khích động lòng căm thù chủ nghĩa đế quốc làm thức dậy niềm đồng cảm với chủ nghĩa cộng sản trong ông. Trong nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của mình, nhà văn đã tái hiện nhiều cảnh tượng khủng khiếp của giai đoạn này, đặc biệt là trong Giờ xấu. Những điều tận mắt chứng kiến đã hình thành trong ông ý thức chính trị rõ ràng. Bởi vậy, khi quyết định bỏ học luật để theo nghiệp văn chương, G.G Márquez đã bắt đầu có các bài báo mang tính chiến đấu cao lôi ra ánh sáng những sự việc xấu xa bị che đậy để bênh vực chính nghĩa. Nhưng chính những bài báo đó đã đẩy G.G Márquez vào rắc rối chính trị, ông bị lọt vào danh sách đen của chính phủ và buộc phải bỏ trốn khỏi đất nước.

Ông sang châu Âu làm phóng viên biệt phái của El Espectadortrước khi tờ báo này buộc phải đóng của bởi chính quyền độc tài Pinilla. G.G Márquez đã từng sống tha hương trong hoàn cảnh túng thiếu ở London, Paris trước khi trở về Nam Mỹ. Năm 1981, ông bị chính phủ bảo thủ Colombia vu khống đã bí mật cung cấp tài chính cho phong trào du kích cánh tả M-19. Và một lần nữa García Márquez phải rời bỏ quê nhà, sang sống lưu vong tại Mexico trong tình trạng thường xuyên bị đe dọa ám sát. Hiện nay, G.G Márquez vẫn sống chủ yếu tại Mexico chứ không phải ở Colombia. Dù vậy, trái tim và tâm hồn ông vẫn hướng về mảnh đất quê hương với tình cảm tha thiết. Bằng chứng là trong các tác phẩm của G.G Márquez, hình ảnh về đất nước xã hội Colombia vẫn chiếm một vị trí không thể thay thế được. Những rắc rối chính trị đã mang đến cho ông cùng gia đình nhiều phiền toái nhưng nó không cản trở được ngòi bút của một nhà văn đầy nhiệt huyết và giàu tính

nhân bản. Chính những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi trên con đường sáng tạo nghệ thuật đã mang đến vinh quang cho G.G Márquez với giải thưởng Nobel Văn học năm 1982.

Như vậy, từ nhỏ G.G Márquez đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nguồn văn hóa Mĩ Latin, truyền thống gia đình, bên cạnh đó là những câu chuyện kể nhuốm màu huyền thoại của bà ngoại. Khi trưởng thành, trên cuộc hành trình đến với văn học, nhà văn lại tiếp cận với những khuynh hướng huyền thoại hóa trong văn học thế kỷ XX đồng thời tiếp xúc với các tác phẩm và ảnh hưởng khá rõ nét về phương pháp sáng tác của F. Kafka, William Faulkner. Thêm vào đó, trong tâm hồn G.G Márquez luôn thường trực một xúc cảm mạnh mẽ về những gì thuộc về ý thức bản ngã. Đó là ý thức về những biến động lịch sử và nỗi đau thương do bạo lực gây ra trên quê hương mình. Những nguồn lực khách quan trên đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành phong cách sáng tác của G.G Márquez: chú trọng khai thác vấn đề lịch sử dưới ánh sáng huyền thoại.

Đối với tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, đằng sau vẻ thần bí hoang đường thấm đẫm huyền thoại là cả quá trình lịch sử Colombia chân thực và sống động. Những sự kiện lịch sử dân tộc dội vào ký ức nhà văn được ngòi bút chắt lọc trong từng trang tiểu thuyết. Để có cái nhìn khái quát về hiện thực được miêu tả trong “Trăm năm cô đơn” trên cơ sở song chiếu với những sự kiện lịch sử của Colombia. Chúng tôi lọc bỏ các yếu tố huyền thoại để nghiên cứu ở các chương sau, chỉ giữ lại các chi tiết ứng với lịch sử Colombia bao gồm quá trình thành lập quốc gia và những biến động lịch sử đầy bạo lực đẫm máu.

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)