Ngôi làng Macondo

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 87)

6. Bố cục của luận văn

3.1.2.1 Ngôi làng Macondo

G.G Márquez từng thừa nhận rằng trong số những bậc thầy văn chương ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của ông có William Faulkner. Nếu như F. Kafka là người đã mở cánh cửa văn chương cho cuộc đời G.G Márquez và ảnh hưởng đến phương diện tư tưởng của nhà văn về nỗi ám ảnh của bạo lực, nạn độc tài, sự cô đơn về bản chất con người, Ernest Hemingway ảnh hưởng đến kĩ thuật viết thì William Faulkner tác động đến tâm hồn của ông. Thật vậy, một trong những điểm gặp gỡ của hai nhà văn kiệt xuất W.Faulkner và G.Márquez chính là những sáng tạo kì diệu của thế giới hư cấu dẫn dắt người đọc vào “khu rừng đầy phù chú của trí tưởng tượng”. Trong nhiều thiên truyện, William Faulkner đã thành công khi xây dựng một không gian tưởng tượng mang tên quận Yoknapatawpha đầy ám ảnh còn G.G Márquez đã đạt đến đỉnh điểm của nghệ thuật hư cấu với “đặc phẩm” là ngôi làng Macondo huyền thoại. Nếu quận Yoknapatawpha trở thành “một biểu tượng văn hóa và tinh thần, một huyền thoại về cuộc xung đột tàn khốc ở miền Nam nước Mỹ” [72,tr.68] thì ngôi làng Macondo là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa gắn liền với lịch sử Colombia nói riêng và Mĩ Latin nói chung.

Cái tên Macondo được G.G Márquez chú ý “ngay từ những chuyến đi đầu tiên với ông ngoại”, đó là tên một đồn điền chuối ở quê hương ông. Mặc dù, không hiểu ý nghĩa của nó nhưng sau này nhà văn đã dùng tên Macondo đặt cho thị trấn tưởng tượng trong ba tiểu thuyết lớn của mình vì “tên nó đọc lên nghe rất nên thơ”. Mãi sau này, G.G Márquez đọc “trong một cuốn Bách khoa toàn thư rằng đó là tên của một loại cây vùng nhiệt đới giống như cây gạo nhưng không có hoa và quả, thân gỗ xốp thường được dùng để làm thuyền độc mộc và đồ dùng nhà bếp” và “trong cuốn Bách khoa toàn thư nước Anh có ghi rằng: ở Tanganyika có một tộc người du mục tên là Makondos” [62,tr.35] nhưng ông không có ý định tìm hiểu vì có thể nó chưa từng tồn tại trong cõi đời. Trong “Trăm năm cô đơn”, cái tên Macondo lại đến từ giấc mơ: “Đêm ấy Jóse Arcadio Buendía nằm mộng thấy ở ngay nơi đó một thành phố đông vui với những ngôi nhà có tường kính đã mọc lên.

Ông hỏi đó là thành phố gì và ông được trả lời bằng một cái tên chưa bao giờ nghe thấy, một cái tên chẳng có ý nghĩa gì nhưng nó cứ vang vọng trong giấc mơ: Macondo”[61,tr.59]. Như vậy, ngôi làng Macondo của G.G Márquez không phải được khởi nguồn cảm hứng từ tên của loại cây nhiệt đới hay tộc người du mục cũng không thuộc về một xứ sở cụ thể nào mà nó mang tính chất phiếm chỉ và là sản phẩm của giấc mơ.

Vùng đất Macondo chính là nơi G.G Márquez thực hiện dụng ý xây dựng một “mô hình thu nhỏ” của đất nước Colombia nói riêng và mọi địa danh, xứ sở ở Mĩ Latin nói chung. Ở tầm rộng hơn, quá trình khai lập, phát triển, thịnh vượng và suy tàn của Macondo tương ứng với lịch sử “từ thuở hồng hoang của con người cho đến thời hậu hiện đại” [13,tr.221] đồng thời Macondo trở thành “một biểu tượng hủy diệt những điều phi nhân bản để tái sinh những nét tốt đẹp vững bền trong cuộc sống người dân Comlombia và nhân loại nói chung” [69,tr.71]. Chính vì ý nghĩa biểu tượng như vậy nên Macondo xuất hiện trong giấc mơ của Jóse Arcadio Buendía là ngôi làng có những ngôi nhà có tường kính và trong lời tiên tri định mệnh, Macondo là “thành phố những tấm gương”[61,tr.607]. Như vậy, dụng ý của G.G Márquez xây dựng địa danh hư cấu Macondo như một tấm gương phản chiếu nỗi ám ảnh thực tại đất nước của nhà văn.

Ngôi làng Macondo là sản phẩm hư cấu của riêng G.G Márquez và nó trở thành biểu tượng tái xuất liên tục trong các tác phẩm của nhà văn, đặc biệt được xây dựng tập trung nhất ở tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra làng Macondo được lấy nguyên mẫu từ ngôi làng Aracataca – quê hương của tác giả. Thế nhưng, qua ngòi bút tài tình của G.G Márquez, làng Macondo trở thành điểm giao cắt giữa thực tế và tưởng tượng. Nói cách khác, Macondo không hoàn toàn là bản sao chép của Arcataca mà ở đó có sự pha trộn đặc biệt giữa yếu tố hiện thực và hư ảo. Người đọc có thể bắt gặp ở Macondo bóng dáng xứ sở Mĩ Latin trong những trận mưa nhiệt đới dai dẳng, “nơi bụi và hơi nóng đã trở nên rất khó chịu đến mức thở cũng vất vả lắm”[61,tr.587], trong “cái nóng ngột ngạt vào ban trưa” đến nỗi “bản lề chốt cửa bằng sắt cũng phải quăn lại vì hơi nóng [61,tr.59],

nơi có “những vườn hoa héo úa vì bụi và hơi nóng”[61,tr.434], “những chiếc xe bò chở chuối trên những con đường lầm bụi”, “những em nhỏ xanh tái và bẩn thỉu” [61, tr.434]…Và hơn thế nữa, Macondo là ngôi làng ven bờ biển Caribe thấm đẫm vị mặn chát của nước biển, nồng nàn trong mùi thơm của các loài hoa nhiệt đới như hải đường, hoa hồng, bạc hà, oải hương, hoa nhài, mẫu đơn… nhưng cũng nồng nặc mùi bùn tanh, mùi hôi của súc vật, mùi ẩm mốc, mùi thuốc súng… Rõ ràng, làng Macondo là hóa thân bóng hình của xứ sở với khí hậu bất thường của miền nhiệt đới, là nơi mà cái đói nghèo, thiên tai, chiến tranh luôn rình rập, là nơi có nền văn hóa “lai” của nhiều dòng người di cư. Không chỉ dừng lại ở bờ bến của hiện thực, ngôi làng này còn tràn ngập những điều kì diệu đến mức hoang đường. Ở đó, người dân có khả năng ngoại cảm kì lạ với điềm báo của thiên nhiên và có thể trò chuyện với người chết, là nơi có những sự kiện kì lạ như trận mưa hoa, người bay lên trời, đứa bé có đuôi lợn… Sự giao cắt giữa hiện thực và hư ảo xuất hiện ngay từ nguồn gốc cái tên. Trong thực tế cái tên Macondo có thực ở Arcataca (dù không rõ nghĩa) thậm chí liên quan đến đồn điền chuối nhưng trong “Trăm năm cô đơn” nó lại đến từ giấc mơ. Vì vậy, Macondo không phải là vùng đất cụ thể được định danh mà nó trở thành mô hình chung cho tất cả những miền đất của Mĩ Latin trong đó có Colombia.

Nhìn chung, biên niên sử của làng Macondo có nét tương đồng với tiến trình lịch sử Colombia và Mĩ Latin từ quá trình khai lập, các giai đoạn phát triển với sự ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Bắt đầu từ sự kiện thành lập làng Macondo của José Arcadio là do lạc đường “sau vài tháng lạc lối giữa những đầm nước...họ nghỉ lại bên bờ một con sông nhiều đá, nước trong như một dải pha lê đông lạnh...ông hạ lệnh cho họ phát quang một vùng bên cạnh sông, nơi thoáng mát hơn và tại đó họ lập làng”[61,tr.58-59]. Sự kiện này gợi nhớ đến truyền thuyết lịch sử Colombus tình cờ phát hiện ra châu Mĩ do bị lạc đường trên hành trình tìm con đường đến Ấn Độ. Hơn nữa, thuở ban đầu, ngôi làng Macondo mang đậm chất của một vùng đất mới chỉ “gồm vài chục nóc nhà tranh vách đất dựng bên bờ con sông nước trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín, trắng bong, to như

những quả trứng thời tiền sử”[61,tr.27]. “Macondo là một làng ngăn nắp gọn gàng và chuyên cần hơn bất kỳ làng nào trong số những làng được ba trăm cư dân ở đây biết tới cho đến lúc bấy giờ. Thực tế, đó là một làng hạnh phúc, là nơi chưa một ai ngoài ba mươi tuổi và chưa hề có người chết”[61,tr.38]. Đó là một mô hình của “tân thế giới” thuở mới khai lập. Người dân của Macondo hoàn toàn xa lạ với những thứ bình thường, thậm chí còn xem chúng là “phát minh vĩ đại” như kính lúp, đá nam châm, nước đá, hàm răng giả...Cuộc sống ở Macondo trôi êm đềm, mọi người đều được đối xử bình đẳng, công bằng dưới sự quản lý của tộc trưởng José Aricadio Buendía. Trải qua thời kì yên bình, Macondo bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ dưới sự ảnh hưởng từ bên ngoài. Đầu tiên, người digan tìm đến đây để trao đổi hàng hóa rồi những đoàn người di cư do Ursula dẫn về khiến cuộc sống ở ngôi làng này trở nên náo nhiệt. Từ đó, Macondo không còn biệt lập với thế giới bên ngoài, quan thanh tra Moscote được chính phủ cử đến để thành lập chính quyền và xây dựng nhà thờ tại đây. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với số phận của ngôi làng Macondo. Cuộc sống thanh bình đã bị thay thế bởi xung đột và bạo lực trong cuộc nội chiến kéo dài hai mươi năm giữa đảng Tự do và Bảo hoàng.

Macondo bắt đầu đạt đến thời kì phát triển thịnh vượng khi tuyến đường sắt được khai thông đem đến vô số thứ của thế giới hiện đại như máy hát, rạp phim... Tiếp đến, công ty chuối đầu tư vào các đồn điền ở Macondo đã giúp ngôi làng đạt đến đỉnh điểm của sự phát triển. Nhưng song hành cùng nó là những nỗi đau không thể lấp đầy khi các ông chủ của công ty chuối phối hợp với quân đội tiêu diệt hơn ba ngàn người biểu tình đòi quyền lợi trên sân ga và xóa bỏ sự kiện này vĩnh viễn. Không chỉ biên niên sử của làng Macondo tương đồng với các giai đoạn trong lịch sử Colombia và Mĩ Latin mà trên thực tế, G.G Márquez tái hiện chi tiết những biến cố tàn khốc trong lịch sử dân tộc như vụ thảm sát công nhân đồn điền chuối, cuộc nội chiến…Về khía cạnh này, chúng tôi đã phân tích cụ thể ở chương một trong quá trình tìm hiểu nội dung từ lịch sử Colombia đến hiện thực trong “Trăm năm cô đơn”.

Qua những nét phác thảo về biên niên sử Macondo kết hợp với nội dung đã đề cập ở chương một, chúng tôi nhận thấy rõ ràng G.G Márquez đan cài ý định xây dựng Macondo thành một mô hình thu nhỏ của Colombia nói riêng và Mĩ Latin nói chung. Chính vì thế, Macondo không chỉ là không gian diễn ra câu chuyện trong “Trăm năm cô đơn’ mà còn trở thành một biểu tượng ngập tràn ý nghĩa. Người đọc có thể tìm thấy những nét độc đáo trong văn hóa, những sự kiện lịch sử đau thương cùng những biến cố định mệnh của con người và vùng đất Mĩ Latin gói trọn trong biên niên sử làng Macondo. Ngôi làng này sinh ra đã mang một định mệnh nghiệt ngã, nó trở thành cõi lưu đày của một dòng họ bị kết án “Trăm năm cô đơn” và cuối cùng bị một trận cuồng phong cuốn khỏi mặt đất. Bởi vậy, nó trở thành “biểu tượng cho sự hủy diệt những điều lạc hậu và tái sinh những giá trị mới” đồng thời làng Macondo bị hủy diệt là lời cảnh tỉnh cho đất nước Colombia và Mĩ Latin về hậu quả tất yếu nếu tiếp tục tình trạng phụ thuộc vào bên ngoài, không tự mình hòa nhập để phát triển.

Ngôi làng Macondo hiện lên trong tác phẩm như một bản án, một sự trừng phạt nhưng nó cũng là nơi gửi gắm thông điệp của G.G Márquez với lời kêu gọi đoàn kết trên toàn thế giới để “sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ bị kết án Trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này”[39,tr.243]. Địa danh Macondo được xây dựng ở điểm giao cắt giữa thực tế và hư ảo đã giúp nhà văn chuyển tải thông điệp lịch sử nhưng không làm người đọc có cảm giác áp đặt mà nó đến tự nhiên tùy vào cảm nhận của mỗi người bởi Macondo không phải là một vùng đất cụ thể nào mà là một ngôi làng huyền thoại.

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)