Gia đình Buendía

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 91)

6. Bố cục của luận văn

3.1.2.2 Gia đình Buendía

Nếu như ngôi làng Macondo là mô hình thu nhỏ của đất nước Colombia và Mĩ Latin thì gia đình Buendía trở thành biểu tượng cho xã hội Colombia ngổn ngang những vấn đề lịch sử và là mô hình về phương diện dân tộc.

Trước hết, về quy mô, gia đình Buendía mang đặc điểm của kiểu gia đình mở rộng – một đặc trưng của xã hội Colombia. Nghĩa là gia đình không đơn thuần chỉ có ba mẹ và con cái mà là một số đông người ruột thịt họ hàng bao gồm nhiều thế hệ. Cả bảy thế hệ của gia đình Buendía đều sinh ra, lớn lên và sống chung dưới một mái nhà do các bậc sáng nghiệp xây dựng. Ngoài con cháu ruột thịt, gia đình Buendía còn có các thành viên khác như cụ già người digan Melquíades, cô con gái nuôi Rebeca, người giúp việc da đỏ…Mặc dù những người đàn ông Buendía có quan hệ yêu đương phức tạp ở bên ngoài nhưng cuối cùng con cháu đều được đưa về nuôi dưỡng hay thừa nhận trong gia đình. Điều này cũng không quá khó hiểu đối với xã hội Colombia bởi ở đây “hôn nhân chính thức không phải là nền tảng của mối quan hệ gia đình”[40,tr.85].

Các thành viên của gia đình Buendía đều là những con người có tính nết khác thường, luôn đắm mình trong nỗi cô đơn truyền kiếp. Nhưng nếu xét ở khía cạnh khác, có thể nhận thấy họ là đại diện cho một số lớp người trong xã hội Colombia có liên quan đến vấn đề lịch sử. Bởi hầu hết các Buendía đều tham gia vào những sự kiện lịch sử được G.G Márquez tái hiện trong “Trăm năm cô đơn”. Cụ tổ José Arcadio Buendía mang hơi hướng của người tiền sử có dòng máu phiêu lưu của những người chinh phục kết hợp khát khao khám phá của dân bản địa. Nhân vật này vừa đại diện về tầm vóc của bậc tiền khu đi khai phá vùng đất mới lại vừa đại diện cho sự ấu trĩ lỗi thời về khoa học kĩ thuật của người bản địa thời kì chinh phục. Bà tổ mẫu Ursula trở thành hình ảnh tiêu biểu cho mẫu người phụ nữ Latin trong vai trò quán xuyến gia đình và nuôi dạy con cái cùng đức tính cần mẫn, dịu dàng, kiên nghị. Đại tá Aureliano phát động ba mươi hai cuộc nổi dậy có liên quan trực tiếp đến các cuộc nội chiến ở Colombia. Ông là hiện thân của thành phần lãnh đạo cuộc cách mạng trên toàn vùng biển Caribe giữa phái Bảo hoàng và Tự do diễn ra trong lịch sử. Đó là cuộc chiến phi nghĩa đem lại nhiều đau thương mất mát cho người dân vì mục đích hoàn toàn mơ hồ và mang tính cá nhân. Người cháu Arcadio cũng tham gia cuộc chiến hào hùng như người chú nhưng anh ta là kẻ dâm đãng, hiếu chiến, bạo lực và sử dụng quyền lực cách mạng như một tên độc tài khát máu.

Nhân vật José Arcadio Segundo từng làm đốc công cho đồn điền chuối và là người trực tiếp tham gia vào cuộc đình công của công nhân trên sân ga vào ngày thứ sáu định mệnh. Và chính ông đã chứng kiến tận mắt cảnh thảm sát hơn ba ngàn người biểu tình vô tội của quân đội – một sự kiện có thật trong lịch sử Colombia. Còn Fernanda del Carpio thuộc lớp người sùng đạo đến mức cuồng loạn. Đó là sự ám thị quá nặng nề của nhà thờ Công giáo cùng ảnh hưởng của văn hóa thực dân đã ăn sâu vào một bộ phận người bản địa. Ngoài ra, cuộc sống đầy bản năng nhục dục, hưởng thụ, ăn chơi của những người đàn ông cùng tên José Aricadio (kể cả Aureliano Segundo) là ẩn dụ cho lối sống buông thả, sa đọa của lớp người trong xã hội Mĩ Latin do ảnh hưởng sự lai căng văn hóa phương Tây, lối quân phiệt thân Mĩ. Điều này bộc lộ rõ ở Aureliano Segundo khi trở thành trụ cột của gia đình Buendía gắn liền với giai đoạn công ty chuối đến Macondo. Ảnh hưởng từ lối sống của những người ngoại quốc với tiệc tùng và nhảy nhót, mức độ ăn chơi trác táng của Aureliano Segundo đã vượt xa các bậc tiền bối. Đỉnh điểm của thói ngông cuồng, phóng túng của ông ta là hành động phản kháng lại lời than trách của Ursula bằng cách đem tiền dán khắp nhà: “có một ngày Aureliano Segundo thức dậy với niềm vui điềm tĩnh, cầm một sọt tiền giấy, một xô hồ và một chổi phết hồ, hát trong họng những bài hát cũ của cụ Francisco – Con người, rồi dán những tờ bạc một đồng peso lên tường nhà, dán từ trên xuống dưới, cả bên trong lẫn bên ngoài…kể từ bức tường mặt tiền đến tận nhà bếp, kể cả cầu tiêu và phòng ngủ, rồi ném số tiền thừa xuống sân”[61,tr.298]. Thêm vào đó, những mối quan hệ tình ái chằng chịt, chung đụng xác thịt bừa bãi của các thế hệ gia đình Buendía vừa biểu hiện cho cách sống buông thả của một số lớp người trong xã hội vừa nối tiếp câu chuyện loạn luân của định mệnh cô đơn đối với dòng họ bị kết án cô đơn một trăm năm.

Mặt khác, cách thức tổ chức sinh hoạt của gia đình Buendía còn thể hiện truyền thống hiếu khách của người Colombia. Ở nước này, những người khách đến thăm gia đình được tiếp đãi trịnh trọng “bà con họ hàng là những vị khách lui tới thường xuyên trong một ngôi nhà Colombia…một vị khách lạ sẽ được tiếp đãi trong phòng khách” [40,tr.94]. Nhìn chung, người Colombia sẵn sàng đón tiếp những vị

khách đến thăm gia đình mình dù quen biết hay xa lạ một cách nồng nhiệt. Truyền thống văn hóa này được G.G Márquez nhắc đến trong cuốn tự truyện “Sống để kể lại” khi kể về hồi ức những tháng ngày sống ở ngôi nhà của ông bà ngoại tại Aracataca: “Phần lớn những người khách của gia đình là từ tỉnh đến bằng các chuyến xe lửa hàng ngày…Họ thường chỉ mang chiếc ba lô độc nhất và dù không báo trước, nhưng vẫn ở lại dùng bữa cơm trưa. Tôi không bao giờ quên được câu nói bất di bất dịch của bà ngoại mỗi khi bước vào cửa nhà bếp: “Phải nấu đủ các món đấy nhé bởi vì không ai biết số khách sắp tới thích ăn món gì” [62,tr.96]. Dường như bóng dáng ngôi nhà của ông bà ngoại – nơi nhà văn đã sống qua tuổi ấu thơ lẩn khuất trong hình ảnh ngôi nhà của gia đình Buendía trong “Trăm năm cô đơn”. Từ khi Ursula tìm được con đường thông thương giữa Macondo với thế giới bên ngoài, gia đình Buendía trở nên tấp nập khách khứa. Ngôi nhà mới được Ursula xây dựng lại với “hai phòng khách đầy đủ tiện nghi và thoáng mát… một phòng ăn đủ rộng kê chiếc bàn ăn to với mười hai chỗ ngồi để gia đình và khách khứa cùng ăn một thể…chín phòng ngủ đều mở cửa thông ra sân…”[61,tr.102] trở thành ngôi nhà hiếu khách nhất vùng đầm lầy. Vào thời điểm, đường sắt được xây dựng ở Macondo, khách khứa đến ngôi nhà Buendía càng đông hơn. Tất cả “khách lạ” đều được đón tiếp dù Aureliano Segundo “phải làm thêm phòng ngủ ở ngoài sân, mở rộng thêm nhà ăn, thay chiếc bàn cũ bằng chiếc bàn mới mười sáu chỗ ngồi, bát đĩa, dao dĩa đều phải mới hết, phải bố trí ăn trưa thành từng đợt” [61,tr.348] còn Ursula háo hức ra lệnh cho bốn chị nấu bếp tất tưởi nấu đủ các món đãi khách. Lối sống phóng khoáng, hiếu khách của văn hóa vùng biển Caribe in đậm trong phong cách sống của gia đình Buendía dưới sự điều hành của Ursula. Dù về sau, Fernanda del Carpio với tư tưởng ảnh hưởng sâu sắc của nhà thờ Công giáo đã biến ngôi nhà của gia đình Buendía vốn thoáng đãng, hiếu khách, tràn đầy sức sống trở thành gần như một nhà tu kín với cửa “im ỉm đóng suốt ngày”. Điều này càng làm nổi bật truyền thống hiếu khách là nét văn hóa vốn có của cư dân bản địa Colombia nói riêng và Mĩ Latin nói chung.

Như vậy, gia đình Buendía thật sự trở thành biểu tượng của xã hội Colombia với sự dung hợp hầu hết những vấn đề điển hình của nó. Cuộc sống của các thành viên gia đình Buendía liên quan mật thiết đến nhiều mặt của đời sống xã hội Colombia từ cuộc nội chiến đẫm máu, bạo lực, xung đột, những ảnh hưởng từ bên ngoài lên lối sống của cư dân bản địa và cách thức tổ chức gia đình mở rộng cùng vai trò của người phụ nữ, truyền thống hiếu khách của văn hóa vùng biển Caribe. Nói cách khác, người đọc có thể nhận thấy các đặc điểm điển hình của xã hội Colombia qua biểu tượng gia đình Buendía. Nó thực sự là một xã hội thu nhỏ ngổn ngang những vấn đề lịch sử.

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)