Phân biệt biểu tượng và cổ mẫu

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 84)

6. Bố cục của luận văn

3.1.1 Phân biệt biểu tượng và cổ mẫu

Thuật ngữ “biểu tượng” đã trở nên quen thuộc trong các công trình nghiên cứu văn học từ trước đến nay. Các nhà nghiên cứu đã không ngừng lý giải nội hàm khái niệm “biểu tượng”. Ở phần này, chúng tôi không có ý định lặp lại công việc đó mà chỉ nêu ra một số cách hiểu về thuật ngữ “biểu tượng” để hướng đến việc tìm hiểu nét khác biệt của “biểu tượng” trong sự đối sánh với “cổ mẫu”. Sở dĩ như vậy, bởi vì cổ mẫu (hình ảnh) và biểu tượng có những điểm trùng lắp tinh tế, khó phân định rạch ròi.

Trước hết, theo nghĩa từ nguyên, thuật ngữ “biểu tượng” (symbol) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “symbolon”. Symbolon có nghĩa là ký hiệu, dấu hiệu, lời nói, tín hiệu, triệu chứng, hợp đồng v.v.... Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “symbol” xuất phát từ động từ “symballo” có nghĩa là "ném vào một vị trí", "liên kết", "suy nghĩ về", "thoả thuận", "ước hẹn" v.v... Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới

“khởi nguyên biểu tượng (symbole) là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hai người mỗi bên giữ một phần, chủ và khách, người cho vay và người đi vay, hai kẻ hành hương, hai người sắp chia tay lâu dài…Sau này, ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối dây thân tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước” [17, tr.XXIII]. Về sau, biểu tượng có nghĩa rộng hơn là “tính chất của một thực thể, khái niệm, đồ vật, người hoặc một câu chuyện thể hiện một thực thể khác dựa trên sự tương đồng về bản chất hoặc quy ước tùy ý” [8,tr.150]. Trong triết học và tâm lý học, khái niệm “biểu tượng" có nội hàm khá rộng “là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [35,tr.23]. Từ góc độ phân tâm học, C.Jung – nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, cho

rằng “một chữ hay một hình ảnh sẽ trở thành một biểu tượng khi nó gọi đến cái gì khác ngoài ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp. Chữ ấy hay hình ảnh có một khía cạnh không thể ý thức được, sâu rộng hơn, chưa bao giờ được phân minh, được giải thích đầy đủ” [42,tr.18]. Có thể nhận thấy, định nghĩa biểu tượng của C.Jung mang tính tiền đề cho khái niệm cổ mẫu được ông khởi xướng về sau. Bởi vậy, trong các công trình nghiên cứu của C.Jung, “biểu tượng” đôi khi được hiểu đồng nhất với “cổ mẫu”. Còn từ điển Larousse cho rằng : "Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động, hay đồ vật, biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó"4. Như vậy, thuật ngữ “biểu tượng” được sử dụng trong nhiều lĩnh vực với những cách hiểu khác nhau.

Để giới hạn phạm vi nghiên cứu, chúng tôi chỉ chú ý đến biểu tượng trong văn học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, trong nghĩa rộng biểu tượng thể hiện “đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật”. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là “một phương thức chuyển nghĩa của lời nói” đặt bên cạnh ẩn dụ, hoán dụ hoặc là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt “có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” [35,tr.24]. Theo đó, biểu tượng trong tác phẩm văn học có thể là một nhân vật, hình ảnh, sự vật…có khả năng gợi ra những hình ảnh khác hoặc biểu đạt ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa hiển nhiên, trực tiếp. Có thể nói, biểu tượng trong văn học thường là một hình ảnh cụ thể được “mã hóa” từ những cảm xúc, tư tưởng của nhà văn và nó có khả năng gợi ra một trường liên tưởng đối với người đọc. Tác phẩm văn học có thể có hàng loạt biểu tượng tùy theo khả năng sáng tạo và mục đích nghệ thuật của tác giả. Qua phần giới thuyết về cổ mẫu ở chương hai và những nét phác thảo về biểu tượng ở trên, chúng tôi nhận thấy vô thức tập thể là tiêu chí quan trọng để phân biệt biểu tượng và cổ mẫu (hình ảnh). Vì cổ mẫu trước hết cũng là biểu tượng nhưng nó có sức khái quát hơn bởi cổ mẫu là “những nguyên mẫu của các tập thể biểu tượng”. Nếu biểu tượng bị chi phối trực tiếp bởi ý đồ sáng tạo của tác giả và có

thể ý thức được thì cổ mẫu hình thành từ cội nguồn xa xưa, là “cấu trúc tâm thần bẩm sinh” sinh tạo trong vô thức tập thể được kế thừa qua các thế hệ bằng con đường “di truyền văn hóa” và “chúng xuất hiện ở bất cứ thời đại nào, bất cứ ở đâu trên khắp thế giới”. Rõ ràng, cổ mẫu thuộc về lĩnh vực của vô thức (vô thức tập thể) còn biểu tượng thuộc về lĩnh vực của ý thức. Bởi vậy, cổ mẫu có mặt trước khi đi vào tác phẩm một cách tự nhiên từ vô thức còn biểu tượng nổi lên trong tác phẩm dưới ý đồ của tác giả. Cổ mẫu hiện diện trong tác phẩm không phải như một thủ pháp nghệ thuật mà trước hết là sự ngẫu nhiên của tâm thức nghệ sĩ. Mặt khác, ý nghĩa của biểu tượng bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử, tôn giáo còn cổ mẫu thoát thai từ vô thức tập thể được kết tinh từ “những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người”. Cổ mẫu có tính tự trị nên bản thân mỗi cổ mẫu như một “tiểu văn bản” có đầy đủ ý nghĩa khi đứng một mình còn biểu tượng thường phải gắn với nội dung tác phẩm thì mới bật lên ý nghĩa mà nhà văn đã cài đặt. Vì cổ mẫu thoát thai từ vô thức tập thể - “nơi tàng trữ cô đọng lại những kinh nghiệm của cả loài người” [43,tr.95] nên thời khắc phát hiện ra cổ mẫu thường mang lại cường độ cảm xúc đặc biệt cho nhà “thăm dò” khi mà “giọng nói của toàn nhân loại thức dậy”. Đó là dấu hiệu thuộc về trực giác cá nhân để phân biệt cổ mẫu và biểu tượng.

Một tác phẩm văn học có thể có nhiều biểu tượng nhưng không phải biểu tượng nào cũng là cổ mẫu. “Trăm năm cô đơn” là tác phẩm đan xen nhiều tầng lớp ý nghĩa nằm ẩn sâu dưới lớp vỏ ngôn từ nên khai thác hệ thống biểu tượng trong tiểu thuyết có thể giải mã được nhiều bức thông điệp mà tác giả kí thác. Trong hàng loạt biểu tượng nổi lên trong tác phẩm, chúng tôi chọn lọc hai biểu tượng lớn là ngôi làng Macondo và gia đình Buendía để tìm hiểu trong phần này. Bởi vì chúng có độ bao phủ xuyên suốt tác phẩm và mang thông điệp lịch sử. Ngoài ra, trong “Trăm năm cô đơn” còn có nhiều biểu tượng tràn đầy ý nghĩa như cá vàng, đường sắt, bông hồng, chiếc khăn của Remedios…

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)