Huyền thoại với motif loạn luân

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 70)

6. Bố cục của luận văn

2.2.3Huyền thoại với motif loạn luân

G.G Márquez đã mở đầu “Trăm năm cô đơn” bằng một cuộc hôn nhân loạn luân của José Arcadio Buendía – Úrsula Iguarán và kết thúc cũng bằng mối tình loạn luân định mệnh của Aureliano Babilonia – Aramanta Úrsula. Sự loạn luân như một bản lề khép mở cuốn tiểu thuyết, nó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả dẫn đến bi kịch tuyệt diệt của dòng họ Buendía. Nó gợi người đọc liên tưởng đến motif loạn luân trong những thiên huyền thoại được lưu giữ đến tận ngày nay. Tuy vậy, từ motif loạn luân trong huyền thoại, G.G Márquez khoác cho nó một tấm áo ý nghĩa hoàn toàn mới để lý giải nhiều thông điệp xã hội mang tính thời đại.

Sự loạn luân trong xã hội cổ đại có nghĩa là vi phạm chế độ ngoại hôn (hiểu một cách phổ biến là kết hôn với người ngoài thị tộc). Theo Meletinski, loạn luân trong các xã hội cổ đại được hiểu ở phạm vi rộng hơn cách hiểu thời nay, không chỉ “quan hệ tình dục hay kết hôn giữa bố mẹ và con cái, giữa các anh chị em ruột” mà bao gồm cả họ hàng thân thuộc như “các chị em gái của mẹ hay vợ của các anh em trai của bố, chị em họ…” [64,tr.262]. Trong công trình “Vật tổ và cấm kỵ”, S. Freud đã đề cập đến nỗi sợ sệt loạn luân của người hoang dã trong mối liên quan chặt chẽ với tục thờ tôtem (vật tổ). S.Freud sử dụng những cứ liệu dân tộc học để nghiên cứu vấn đề này trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân mắc chứng nhiễu tâm. Bởi ông cho rằng “nỗi sợ sệt loạn luân tạo thành một đặc điểm ấu trĩ (tức là hiện tượng lùi lại với đặc điểm tâm lý của một đoạn phát triển trong thời kỳ thơ ấu) và phù hợp một cách lạ lùng với những gì chúng tôi biết về đời sống tâm thần của những người bệnh nhân nhiễu thần kinh” [74,tr.53]. Ở các bộ lạc hoang dã, những người cùng chung một tôtem (tức là thờ chung vật tổ) phải tuân thủ những cấm kỵ trong đó có cấm kỵ loạn luân “theo nó thì các thành viên của cùng một tôtem không được quan

hệ tính giao với nhau”[74,tr.29]. Vì ở đây, quan hệ họ hàng máu mủ được thay thế bằng quan hệ theo tôtem – những ai sinh ra từ cùng một tôtem nghĩa là chung dòng máu. Nếu vi phạm cấm kỵ này sẽ kéo theo sự trừng phạt đích đáng như bị xử tử…Bởi thế, người hoang dã dường như bị ám ảnh bởi nỗi sợ sệt loạn luân và họ tự áp đặt một sự ngăn cấm nghiêm khắc để bảo vệ mình, chống lại ham muốn dục tính. Nhưng những cấm chỉ loạn luân ngặt nghèo nhiều lúc thái quá, không theo một logic nào tạo nên đặc điểm ấu trĩ. Và xuất phát từ nỗi sợ hãi loạn luân, những cư dân nguyên thủy tạo ra tục ngoại hôn (tức là đàn ông và đàn bà phải tìm quan hệ tính dục với những người ngoài thị tộc). Từ mối liên hệ giữa sự tổ chức kiểu tôtem với sự cấm chỉ loạn luân, S.Freud chỉ ra lý do ra đời của tục ngoại hôn.

Các nhà dân tộc học nổi tiếng như E.B Tylor, J.Frazer, C.Lévi Strauss đã phát hiện, nghiên cứu mối quan hệ loạn luân ở các bộ lạc hoang dã có đời sống tâm thần gần gũi với người nguyên thủy trong các công trình tiêu biểu như Văn hóa nguyên thủy, Cành vàng, Nhiệt đới buồn. Trong đó, C.Lévi Strauss – nhà nhân học và dân tộc học nổi tiếng người Pháp, đã coi tình trạng phổ biến của việc cấm đoán loạn luân là cốt lõi của quan hệ họ hàng. Ông đã đi ngược lại với lý thuyết về quan hệ họ hàng của khoa nhân học anglo – saxon dựa trên quan hệ dòng máu. Theo ông, việc cấm loạn luân đã nảy sinh tình trạng trao đổi phụ nữ lẫn nhau giữa các nhóm người (tức là người đàn ông không thể kết hôn với chị em họ hàng nên trao đổi người ấy cho người đàn ông khác và nhận lại được người phụ nữ là chị em hoặc vợ của ông ta). C.Lévi Strauss cho rằng tình trạng này là “biểu hiện tiêu cực của một luật về trao đổi” nhưng cũng “là sự bù lại cần thiết cho việc thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa các gia đình” [50,tr.XIII]. Và việc phổ biến cấm kỵ loạn luân đã tạo nên một mạng quan hệ xã hội được thiết lập từ “liên minh hôn nhân”. Dựa vào những dữ liệu thu thập được ở những bộ lạc hoang dã còn duy trì thực trạng trên, C.Lévi Strauss đã xây dựng một “lý thuyết tổng quát về quan hệ họ hàng”. Như vậy, theo quan điểm của C.Lévi Strauss, cấm kỵ loạn luân có ý nghĩa tích cực trong quá trình mở rộng quan hệ xã hội của người nguyên thủy. Từ đó hình thành nên kiểu tổ

chức xã hội mới không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, thị tộc cùng dòng máu mà mở rộng ở quy mô lớn hơn.

Như vậy, vấn đề loạn luân xuất hiện từ thời nguyên thủy và trở thành điều cấm kỵ. Xuất phát từ đó, nỗi sợ loạn luân đeo bám con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và trên thực tế, khoa học đã chứng minh, những thế hệ sinh ra từ quan hệ loạn luân theo dòng máu thường suy giảm trí tuệ và mắc nhiều di chứng bệnh tật. Bởi vậy, quan hệ loạn luân không được thừa nhận và trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi sâu xa trong ký ức loài người. Nó mang đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội cổ đại cho đến tận ngày nay.

Motif loạn luân có thể tìm thấy trong nhiều hệ huyền thoại của các dân tộc khác nhau từ Đông sang Tây. Dù cách xa về không gian địa lý cũng như đặc điểm văn hóa nhưng trong huyền thoại nhiều nước, motif loạn luân thường xuyên hiện diện và có khuynh hướng mang ý nghĩa chung. Thông thường, mối quan hệ loạn luân trong huyền thoại thường xảy ra giữa các vị thần hoặc các vị tổ - đấng sáng tạo để tạo ra loài người. Vì vậy, tổ tiên loài người – cặp vợ chồng khởi thủy xuất hiện trong nhiều huyền thoại với tư cách anh trai – em gái, thậm chí mẹ con. Người da đỏ bản địa châu Mĩ đã kể một huyền thoại khác hẳn về nguồn gốc con người so với các nước khác nhưng nó cũng bắt đầu từ sự loạn luân giữa hai người cùng chung huyết thống. Theo sách Huyền thoại thế giới, huyền thoại của người Chibcha thuộc đế quốc Inac ở châu Mĩ về sự xuất hiện con người đầu tiên kể rằng: một người đàn bà tên là Bachue (nghĩa là Ngực lớn) từ dưới hồ Iguage hiện lên cùng một đứa con trai trên tay. Hai mẹ con sống bình yên với nhau bên hồ cho đến khi người con trở thành một chàng trai khỏe mạnh. Bachue đã chung đụng xác thịt với con trai và sinh được rất nhiều con. Từ đó, con người bắt đầu xuất hiện trên mặt đất. Được một thời gian, hai người phải trở về hồ nước thiêng nên đã gọi những người con đến dặn dò, khuyên họ chung sống hòa bình tôn trọng thần thánh.

Huyền thoại Hy Lạp ghi nhận nhiều cuộc hôn nhân loạn luân của các vị thần. Khởi đầu là cuộc hôn phối giữa đất mẹ Gaia và Uranus - đứa con đầu lòng của mình. Tiếp đến, Zeus – vị thần tối cao của đỉnh Olympus lại lấy chị gái Hera làm vợ

và trở thành cặp vợ chồng quyền lực. Mối quan hệ loạn luân trong gia đình “thần thánh” không dừng lại ở đó, Zeus còn qua lại với chị gái Demeter sinh ra nàng Persephone. Kết quả của mối tình loạn luân này lại tiếp tục cho một quan hệ loạn luân khác. Thần âm phủ Hades đã phải lòng và lấy nàng Persephone - cháu gái ruột của mình (vừa là bác vừa là cậu). Như vậy, mối quan hệ loạn luân xuất hiện lặp đi lặp lại trong các cuộc hôn phối giữa các vị thần thuộc nhiều thế hệ trong huyền thoại Hy Lạp đã trở thành một motif phổ biến. Huyền thoại Ai Cập cũng có cuộc hôn nhân loạn luân giữa Osiris – vị thần cai quản Âm cung và nữ thần Isis – em gái của ông.

Khép lại thiên huyền thoại Hy Lạp, Ai Cập để đến với những huyền thoại của phương Đông huyền bí, ta lại gặp những mối quan hệ loạn luân của các vị thần lẫn con người trần tục. Trong các huyền thoại ban đầu của Ấn Độ có câu chuyện về thần Prajapati (chúa tể vạn vật), về sau vị thần này lại được đồng hóa với Brahama, Shiva và Tvashtri. Ở thời kì Purusha, Prajapati muốn có người bầu bạn đã tự tách mình ra làm hai phần nam và nữ. Hai phần này phối hợp với nhau sinh ra loài người. Người nữ cảm thấy xấu hổ vì tình yêu loạn luân đã tự biến thành nhiều loại súc vật để chạy trốn khỏi chồng mình. Nhưng lần nào người nam cũng biến hóa tương tự để đuổi theo và phối hợp với nó. Vì thế, nhiều loại súc vật trên mặt đất đã được sinh ra theo cách này. Huyền thoại Ấn Độ còn lưu giữ câu chuyện về sự loạn luân của thần Brahma – đấng sáng tạo tối cao để giải thích nguồn gốc loài người. Chuyện kể rằng thần Brahma là thủy tổ luật âm dương trung tính đã tự phân thành âm dương đực cái, tách âm và cái ra khỏi bản thân mình thành các con gái. Thần Brahma giao hợp lại với phần âm đã tách ra từ mình (tức người con gái) để sinh ra loài người.

Trong chuỗi huyền thoại về nạn đại hồng thủy mà chúng tôi đã tìm hiểu ở phần trên thường xuất hiện motif loạn luân. Ở huyền thoại Ấn Độ, sau nạn đại hồng thủy, Manu (con người đầu tiên) đã loạn luân với con gái mình để tái sinh loài người. Còn trong huyền thoại Trung Quốc, Phục Hy và Nữ Oa là hai anh em nhưng cũng là vợ chồng trong câu chuyện gắn với quả bầu và nạn đại hồng thủy. Tương tự

như vậy, trong huyền thoại của các nước Đông Nam Á, motif loạn luân xuất hiện khá phổ biến trong truyện về hai anh em ruột ẩn náu trong quả bầu và sống sót sau nạn đại hồng thủy. Những người sống sót duy nhất thường là hai anh em và họ bắt buộc phải loạn luân để duy trì nòi giống con người trên mặt đất.

Tóm lại, motif loạn luân xuất hiện nhiều trong các bản kể huyền thoại liên quan đến thời kỳ khởi thủy của loài người. Trong huyền thoại, loạn luân như cây cầu để tái sinh loài người sau cơn đại hồng thủy cũng như giải thích sự sáng tạo con người của các bậc thần thánh. Có thể nhận thấy, sự loạn luân trong huyền thoại mang ý nghĩa tái sinh và trở thành motif phổ biến trong các chuyện kể liên quan đến nguồn gốc loài người. Nói cách khác, loạn luân được chấp nhận trong các huyền thoại vì chỉ thông qua loạn luân thế giới loài người mới xuất hiện hoặc tái sinh. Vì vậy, loạn luân trong huyền thoại đều mang ý nghĩa tích cực, đem lại sự tái sinh và duy trì sự sống thay vì hủy diệt.

G.G Márquez đã sử dụng loạn luân như một motif trung tâm trong Trăm năm cô đơn. Từ huyền thoại đi vào tiểu thuyết, motif loạn luân đã thay đổi ý nghĩa cơ bản để vừa chuyển tải thông điệp của tác phẩm nhưng vẫn giữ mối liên kết bền chặt với huyền thoại. Có thể nói, nhà văn đã tái cấu trúc motif loạn luân huyền thoại nhưng chuyển đổi ý nghĩa theo hướng “phản huyền thoại” phù hợp với nỗi ám ảnh loạn luân trong ký ức loài người. Quả vậy, nếu như loạn luân trong huyền thoại xưa sẽ dẫn đến sự tái sinh thì loạn luân trong “Trăm năm cô đơn” trở thành tội lỗi đưa đến sự diệt vong của một dòng tộc.

Bi kịch của dòng họ Buendía bắt đầu từ cuộc hôn nhân loạn luân giữa hai người đầu tiên José Arcadio Buendía – Úrsula Iguarán cùng lời tiên tri định mệnh “người đầu tiên của dòng họ bị trói vào một gốc cây và kiến đang ăn người cuối cùng của dòng họ” [61,tr.604]. Sự kết duyên giữa José Arcadio Buendía – Úrsula Iguarán vốn dĩ không được chấp nhận vì tổ tiên của họ đã có những cuộc hôn nhân loạn luân và sinh ra một đứa bé có đuôi lợn. Nhưng vượt qua sự phản đối của gia đình và bất chấp “tấm gương tày liếp” của người bà con, hai người vẫn quyết tâm lấy nhau. Ám ảnh cái chết của người bạn bị mình giết, José Arcadio Buendía đã

đem vợ cùng những người cùng chí hướng ra đi để tìm kiếm cuộc sống mới mong thoát khỏi “bóng ma” quá khứ. Tưởng chừng cuộc chạy trốn khỏi quê hương đi đến vùng đất mới của vợ chồng José Arcadio Buendía sẽ mang đến một tương lai tươi sáng nhưng thực tế nó đã đẩy dòng họ này chìm đắm vào cõi cô đơn vô tận rồi đi đến tuyệt diệt. Bởi gia đình Buendía đã tự mình tách rời cuộc sống cộng đồng xã hội để sống lay lắt trong “ốc đảo” cô đơn. Cho nên, dù Ursula luôn dặn dò con cháu phải mở to mắt để nhìn ra bà con họ hàng, tránh chung đụng với nhau nhưng tội loạn luân dường như truyền kiếp trở thành nỗi ám ảnh dằng dặc đeo bám các thế hệ của dòng họ Buendía. Các thế hệ của gia đình Buendía tiếp tục rơi vào vòng loạn luân luẩn quẩn: Aramanta đã quan hệ loạn luân với cháu mình là Aureliano, Arcadio tư thông với mẹ mình là Pila…và kết thúc bằng cuộc tình định mệnh của hai dì cháu Aureliano Babilo - Aramata Ursula. Mối tình này xuất phát từ tình yêu thực sự nhưng trái với đạo lý đã đưa đến sự tuyệt diệt của dòng họ Buendía với đứa bé có đuôi lợn. Dù đứa trẻ “là người duy nhất trong một thế kỷ đã được hoài thai bằng tình yêu” [61,tr.599] nhưng nó lại là kẻ tội đồ gánh chịu tội lỗi loạn luân của dòng họ. Như vậy, loạn luân đã đưa dòng họ Buendía vào con đường diệt vong “không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này” [61, tr.607].

G.G Márquez đã thành công khi dùng một motif phổ biến trong huyền thoại để giải mã những vấn đề của xã hội hiện đại. Vì xét cho đến cùng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vòng loạn luân của gia đình Buendía là cuộc sống lay lắt với nỗi cô đơn, khép kín trong không gian nhỏ hẹp và đóng cửa tâm hồn với thế giới bên ngoài của mọi thành viên. Như vậy, trong “Trăm năm cô đơn”, loạn luân gắn với nỗi cô đơn và đồng nghĩa với sự hủy diệt. Nói cách khác, chính nỗi cô đơn di truyền với lối sống không giao lưu với bên ngoài đã khiến cho dòng họ Buendía rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát dẫn đến tuyệt diệt.G.G Márquez dùng motif loạn luân để miêu tả đậm nét nỗi cô đơn truyền kiếp của gia đình này. Bởi cuộc hôn nhân loạn luân của vợ chồng José Arcadio Buendía – Úrsula Iguarán có thể chấp nhận được vì họ là cặp vợ chồng khởi thủy gắn với sự tái sinh và phát triển như trong huyền thoại. Dù về mặt xã hội, họ vẫn mang nỗi ám ảnh loạn luân của loài người (nỗi ám ảnh về

đứa con có đuôi lợn). Tuy nhiên, mối quan hệ loạn luân trong gia đình Buendía không dừng lại mà vẫn tiếp diễn ở các thế hệ sau bởi vì họ quá cô đơn với lối sống không giao lưu trong không gian nhỏ hẹp, hầu hết các thành viên đều không rời khỏi làng Macondo ngoại trừ một số nhân vật ra đi nhưng rồi lại quay trở về. Rõ ràng về phương diện xã hội, nhà văn muốn viện dẫn một vấn đề có tính quy luật đúng với mọi cá nhân, mọi xã hội và mọi thời đại. Dù là cá nhân hay xã hội, ở bất kì thời đại nào nếu chỉ biết sống riêng lẻ, tách biệt, từ bỏ mối quan hệ với cộng đồng thì sẽ bị diệt vong. Với tầng nghĩa đó, motif loạn luân trong “Trăm năm cô đơn” có ý nghĩa khác xa so với trong huyền thoại vì nó mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Thêm vào đó, nhà văn đã lồng ghép bức tranh về sự tồn tại và diệt vong của một dòng họ đã tự tách mình khỏi cộng đồng xã hội vào bức tranh rộng lớn của xã hội

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 70)