6. Bố cục của luận văn
2.2.1 Huyền thoại về đại hồng thủy
Trong huyền thoại của các dân tộc trên thế giới đều lưu giữ câu chuyện về đại hồng thủy như“một biến cố xảy ra trong thời kỳ đầu tiên, thời kỳ hoang đường nguyên thủy”. Huyền thoại nổi tiếng về đại hồng thủy được ghi lại trong Kinh Thánh (sách Sáng Thế Ký), chuyện kể rằng: loài người được Đức Chúa tạo ra trên mặt đất đã xây dựng được nền văn minh phát triển nhưng họ suy đồi về đạo đức và trái tim trở nên ích kỷ, độc ác. Họ thường xuyên có những ý nghĩ gian ác cùng mưu tính xấu xa. Điều này khiến Đức Chúa buồn lòng và hối hận nên Chúa quyết định hủy diệt loài người đã tha hóa bằng cơn đại hồng thủy. Tuy nhiên, Chúa đã lựa chọn ông Noah để báo trước thảm họa sắp xảy ra vì ông là người công chính, hoàn hảo, được lòng Đức Chúa. Chúa dạy ông cách đóng một chiếc tàu để tránh đại hồng thủy cùng gia đình và hướng dẫn tuyển lựa các cặp đôi động vật, đồng thời dự trữ nhiều thức ăn trên tàu. Bảy ngày sau, nước hồng thủy tràn trên mặt đất, mưa đổ xuống đất trong bốn mươi ngày đêm không ngớt làm cho tất cả chìm trong bể nước. Nước dâng lên trên mặt đất suốt một trăm năm mươi ngày, mọi loài sinh vật đều bị hủy diệt. Khi trời ngừng mưa ông Noah mở cửa sổ con tàu, thả chim bồ câu ra để xem nước rút chưa nhưng con bồ câu không tìm được chỗ đậu chân nên trở về. Ông đợi thêm bảy ngày rồi thả bồ câu ra khỏi tàu một lần nữa, vào buổi chiều, chim trở về ngậm cành ô liu tươi báo hiệu nước đã rút dần. Bảy ngày trôi qua, ông thả bồ câu lần thứ ba nhưng nó không bay về nữa vì nước rút và chim đã tìm thấy đất liền. Cơn đại hồng thủy đi qua, gia đình Noah với vợ chồng ba người con trai đã sinh sôi lại loài người và nhanh chóng hồi sinh sự sống trên trái đất.
Ngoài câu chuyện đại hồng thủy được lưu giữ trong Kinh Thánh, huyền thoại này có đến hàng trăm dị bản khác nhau ở mỗi vùng đất:
Ở Hy Lạp, câu chuyện huyền thoại đại hồng thủy kể về vợ chồng Deucalion và Pyrrha được thần Promete báo trước về trận đại hồng thủy mà thần Zeus giáng xuống mặt đất để tẩy rửa sạch giống người hư hỏng nên đã tai qua nạn khỏi. Sau đó, đôi vợ chồng này đã tái sinh loài người nhờ vào sự giúp đỡ của thần Zeus. Theo lệnh của Zeus, Deucalion nhặt hòn đá vứt qua đầu về phía sau mình biến thành một người đàn ông, còn Pyrrha cũng làm tương tự lại thành một người đàn bà. Và loài người cứ thế hồi sinh trên mặt đất đông vui nhộn nhịp, họ ra sức làm lụng để khôi phục thời hoàng kim tràn đầy hạnh phúc xưa kia.
Trong huyền thoại Ấn Độ, đại hồng thủy gắn liền với câu chuyện kể về Manu thứ bảy – thủy tổ của loài người. Chuyện kể rằng: từ thưở xa xưa Manu cứu sống một con cá nhỏ nên được nó báo trước về trận đại hồng thủy sẽ hủy diệt trái đất và bày cho cách thoát nạn. Manu làm theo lời cá dặn nên riêng mình ông sống sót còn tất cả muôn loài đều bị cuốn trôi. Ông sống cô đơn một mình giữa trời đất bao la nên đã cầu nguyện thần Brahama xin ban cho một con người làm bạn. Bỗng một cô gái hiện ra trước mặt Manu tự nhận mình là con gái đẻ của ông. Hai người sống chung với nhau cùng làm lụng để kiếm ăn và được trời cho sinh một đứa con. Đứa con ấy là Manu thứ tám, một trong những thủy tổ của loài người.
Khác với Hy Lạp, Ấn Độ, câu chuyện về nạn đại hồng thủy trong huyền thoại Trung Quốc có nhiều chi tiết khác biệt. Chuyện kể rằng, vào một ngày mưa giông, rồng sấm sét xuống trần gian và bị một nông dân bắt được. Người này định nấu chín thần Sấm để ăn nhưng trong lúc ông đi vắng, hai đứa con đã giúp thần Sấm thoát ra. Trước khi bỏ đi, nó tặng hai đứa trẻ một chiếc răng, chúng gieo xuống đất và thu được một quả bầu khổng lồ. Khi cơn hồng thủy đến, hai đứa trẻ lấy trái bầu đó làm thành một chiếc thuyền và chui vào bên trong. Qua đại hồng thủy, loài người bị tuyệt diệt chỉ còn hai anh em núp trong quả bầu là sống sót. Em gái gọi anh là “anh Phục Hy” còn anh trai gọi em là “em Phục Hy” (Phục Hy tức là Bào Hy có nghĩa là quả bầu). Sau đó, hai anh em lấy nhau và người con gái sinh ra một khối thịt. Họ đem cắt thành nhiều mảnh nhỏ và bọc trong giấy. Nhưng một cơn gió đã
cuốn bay bọc giấy làm rơi vài mẫu thịt trên đất thành những con người. Vợ chồng Phục Hy đã tái sinh loài người cùng sự sống trên mặt đất.
Ở Việt Nam, huyền thoại đại hồng thủy có nhiều phiên bản khác nhau trong kho tàng thần thoại của người Việt lẫn dân tộc thiểu số. Nhìn chung, các huyền thoại đều mang những chi tiết tương đồng nhưng được kể theo cách khác nhau. Câu chuyện về đại hồng thủy của người Cơ ho kể rằng trời đã trừng phạt con người bằng cách làm cho nước lụt ngập hết mặt đất. Sau bốn mươi ngày đêm, tất cả đều bị hủy diệt chỉ còn hai người anh em (con gái là Pang Phi, con trai là Pang Phanh) sống sót nhờ nằm trong một cái trống nổi lên trên mặt biển. Nước từ từ cạn, cái trống trôi đến núi R’Mai, hai anh em mở trống chui ra. Vì trời lạnh nên hai người tìm đá đánh lửa người con gái chạm vào đá một cái thì lửa văng vào người con trai và con trai chạm vào một cái lửa văng vào người con gái. Sau đó, hai anh em lấy nhau và tái sinh loài người trên khắp mặt đất.
Tóm lại, các dân tộc trên thế giới đều lưu giữ huyền thoại về đại hồng thủy với nhiều phiên bản khác nhau tùy theo văn hóa của từng vùng đất. Dù vậy, tất cả các huyền thoại đều có những yếu tố ổn định giống nhau như các thần dùng đại hồng thủy để trừng phạt tội lỗi của con người; trước cơn hồng thủy, một người có đạo đức được thần lựa chọn để báo trước thảm họa sẽ xảy ra và chỉ cho cách thoát nạn; sau khi đại hồng thủy đi qua, những người sống sót bằng cách này hay cách khác hoặc tự mình (thường là hai người cùng huyết thống loạn luân để duy trì nòi giống) hoặc nhờ các thần giúp đỡ để tái sinh loài người trên mặt đất. Họ trở thành thủy tổ của muôn loài và bắt đầu cuộc sống mới.
Mặt khác, xuất phát từ ba chủ đề chính trong ý nghĩa tượng trưng của nước là “nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh”[17,tr.709], hồng thủy được xem như một dạng của cổ mẫu nước. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới:
Hồng thủy là dấu hiệu của một giai đoạn nảy mầm và tái sinh. Một trận hồng thủy chỉ phá hủy vì các hình thái đó đã cũ mòn và cạn kiệt, nhưng sau đó, bao giờ cũng là một nhân loại mới, một lịch sử mới…Hồng thủy
thường gắn liền với những lỗi lầm của nhân loại, về mặt đạo đức hoặc về các lễ thức, với các tội lỗi và các dạng vi phạm pháp luật và các quy tắc. Hồng thủy tẩy uế và tái sinh như lễ rửa tội tập thể rộng mênh mông, không phải do lương tri con người quyết định tiến hành mà do một lương tri tối cao quyết định mọi sự [17, tr.455].
Như vậy, đại hồng thủy mang ý nghĩa “thanh tẩy” mặt đất, tái sinh loài người và khai sáng thế giới mới trong huyền thoại. Nó xóa bỏ những cái cũ mòn, tàn tạ để tái sinh cái mới đầy sức sống.
Huyền thoại đại hồng thủy trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” với nhiều biến đổi và ý nghĩa trung tâm của huyền thoại này cũng thay đổi. Trận hồng thủy kéo dài bốn năm, mười một tháng, hai ngày giáng xuống ngôi làng Macondo sau khi công ty chuối rút đi như một sự trừng phạt. Cơn hồng thủy không hủy diệt hoàn toàn cuộc sống nơi đây mà khiến nó rơi vào bế tắc, con người sống mòn mỏi trong cảnh trời mưa dầm dề. Ngay cả Ucsula – con người có nghị lực phi thường, vượt qua bao nhiêu thăng trầm cũng “chỉ đợi cho trời tạnh ráo để chết”. G.G Márquez đã khoác cho huyền thoại đại hồng thủy một chiếc áo mới mang màu sắc thời hiện đại nhưng không khí cổ xưa của những thiên huyền thoại vẫn bàng bạc trong tiểu thuyết. Điểm kết hợp này là nơi tỏa sáng nhiều thông điệp mà nhà văn muốn chuyển tải trong tác phẩm.
Trước hết, trong “Trăm năm cô đơn”, nguyên nhân gây ra đại hồng thủy được lý giải là do chính con người, tác giả đã chỉ đích danh “chính các kĩ sư của công ty chuối đã gây nên nạn lụt để lấy cớ hủy bỏ hợp đồng với những người lao động” [61,tr.509]. Thoạt tiên, tưởng chừng trận đại hồng thủy trong “Trăm năm cô đơn” không liên quan đến các vị thần linh tối cao như trong những thiên huyền thoại. Nhưng trên thực tế, ngòi bút của tinh tế của G.G Márquez đã đan lồng yếu tố huyền thoại và lịch sử một cách tài tình khi đề cập đến mối liên quan giữa công ty chuối và trận hồng thủy.
Về góc độ huyền thoại, sau vụ thảm sát tàn bạo công nhân đồn điền chuối, ngài Brown đã ra thông báo dối trá sẽ chấp nhận mọi yêu sách của người lao động
đồng thời “đình chỉ mọi hoạt động khi trời còn mưa” [61,tr.455] và “đã ba tháng
trời không mưa và lúc này đang ở mùa khô. Nhưng khi ngài Brown tuyên bố
quyết định của mình thì trận mưa rào đổ xuống…” [61,tr.456] gây ra trận đại hồng thủy. Rõ ràng, lời tuyên bố của ngài Brown có dấu ấn của motif lời nguyền mà các bậc thần linh giáng xuống để trừng phạt tội lỗi con người thường xuất hiện trong huyền thoại. Vì khi ông chủ công ty chuối vừa dứt lời thì trời bắt đầu đổ mưa như sự báo ứng linh nghiệm ngay lập tức. Đặt lời nguyền này vào diễn biến câu chuyện của “Trăm năm cô đơn” thì nó thuận theo ý trời – góp phần vào quá trình hủy diệt làng Macondo. Bởi số mệnh của dòng họ Buendía và ngôi làng Macondo đã được định sẵn trong lời tiên tri của Mequíades ngay từ thuở khai lập “Nó có thể sẽ là một thành phố sáng rực rỡ, với những tòa nhà pha lê đồ sộ, là nơi sẽ không còn một dấu tích nào của dòng dõi nhà Buendía” [61,tr.101] và ghi rõ trong tấm da thuộc định mệnh mà Aureliano Babilonia đã giải mã: “người đầu tiên của dòng họ bị trói vào một gốc cây và kiến đang ăn người cuối cùng của dòng họ” [61,tr.604] và “thành phố những tấm gương (hay đúng hơn thành phố những ảo ảnh) sẽ bị gió cuốn đi và sẽ bị xóa sạch khỏi ký ức con người” [61,tr.607]. Như vậy, trận đại hồng thủy trong “Trăm năm cô đơn” như tiếng đồng vọng từ những thiên huyền thoại. Vì thế, không khí thiêng càng phủ kín tác phẩm bởi cơn hồng thủy “bốn năm, mười một tháng, hai ngày” đó “không phải do lương tri con người quyết định tiến hành mà do một lương tri tối cao quyết định mọi sự” [17,tr.455].
Về góc độ lịch sử, trận đại hồng thủy mang hai tầng ý nghĩa cùng phản ánh thực tại của Colombia và Mĩ Latin. Thứ nhất, đại hồng thủy là ẩn dụ cho hậu quả của công cuộc khai thác tàn bạo đến mức kiệt quệ của công ty chuối lên mảnh đất này. Ngôi làng Macondo không còn giữ được bản sắc của riêng mình mà phụ thuộc hoàn toàn vào những ảnh hưởng bên ngoài. Bởi vậy, công ty chuối rút đi đã mang theo cả cuộc sống thịnh vượng, phát đạt và gây ra cảnh hoang tàn, ảm đạm cho ngôi làng. Thứ hai, hồng thủy là một dạng của cổ mẫu nước cùng ý nghĩa “gột rửa” tất cả “những hành vi độc ác, những tội lỗi” để tái sinh một cuộc sống mới. Theo đó, đại hồng thủy dội xuống ngôi làng Macondo quét sạch những hậu quả của công ty
chuối để lại ở nơi đây. Nhưng khác với huyền thoại, trong “Trăm năm cô đơn”, cơn hồng thủy đi qua không mang lại sự tái sinh, ngược lại, nó kéo theo một thảm họa khác hủy diệt Macondo. Sau cơn hồng thủy, Macondo tiếp tục chịu một đợt nắng hạn khủng khiếp tấn công và bị hủy diệt bởi một cơn cuồng phong. Như vậy, huyền thoại đại hồng thủy trong “Trăm năm cô đơn” chỉ còn là âm thanh đồng vọng từ câu chuyện huyền thoại nguyên thủy, nó đã được thay xiêm đổi áo phù hợp với thời đại. Bởi vậy, dưới màn sương huyền thoại dấu vết lịch sử và thực tại xã hội Colombia vẫn hiện lên nguyên vẹn. Cơn đại hồng thủy do công ty chuối gây ra cuốn theo thời kì thịnh vượng của ngôi làng Macondo phản ánh phần nào hậu quả của công cuộc khai thác của thực dân châu Âu đối với Colombia. Đồng thời với tầng nghĩa tái sinh, đại hồng thủy sẽ quét sạch mọi hậu quả của công cuộc khai thác thuộc địa ở Colombia và Mĩ Latin để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Trong thực tế, Mĩ Latin giàu tài nguyên khoáng sản, thiên nhiên tươi đẹp đã trở thành miếng mồi béo bở cho các nước tư bản phương Tây. Họ đã biến các quốc gia ở khu vực này thành thuộc địa và khai thác triệt để về tất cả mọi mặt. Như ở chương một đã đề cập, công cuộc khai thác này mang lại cho các nước Mĩ Latin sự phát triển nhanh chóng nhưng kéo theo hậu quả nặng nề làm tài nguyên ở đây trở nên cạn kiệt và môi trường tàn phá nặng nề. Đặc biệt, tư bản phương Tây chi phối hoàn toàn về kinh tế lẫn chính trị đối với khu vực này. Bởi vậy, sự phát triển kinh tế vượt bậc thực chất chỉ là “bong bóng xà phòng”, nó sẽ vỡ tung khi không còn sự “hậu thuẫn” từ bên ngoài. Hơn nữa, sau khi thoát khỏi sự thống trị và giành độc lập, Colombia vẫn không tự mình xây dựng được cuộc sống mới mang một vận mệnh khác mà nhấn chìm trong vòng xoáy nghèo đói và bạo lực. Vì thế, ý nghĩa “tái sinh” những giá trị mới chưa thành hiện thực nhưng nó thể hiện mong ước đầy tính nhân bản của G.G Márquez dành cho đất nước mình.
Ngoài hai ý nghĩa trên, cơn đại hồng thủy cùng nạn hạn hán còn ám chỉ thảm họa hủy diệt do sự tàn phá môi trường ở Colombia và Mĩ Latin. Nguồn tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, thiên tai thường xuyên xảy ra khiến ruộng
đồng bỏ hoang dân cư phải đi tị nạn – đó là những thực tế mà các quốc gia Mĩ Latin đang phải đối mặt.
Như vậy, huyền thoại đại hồng thủy đồng vọng vào trong tác phẩm đã được bồi đắp thêm những lớp nghĩa mới để chuyển tải thông điệp của nhà văn. Đặc biệt, lớp nghĩa huyền thoại và lịch sử hòa quyện vào nhau một cách chặt chẽ: trong chi tiết huyền thoại có đan lồng yếu tố lịch sử và ngược lại. Là một dạng của cổ mẫu nước, ý nghĩa “tẩy sạch” của đại hồng thủy vẫn giữ nguyên còn ý nghĩa “tái sinh” đã thay thế bằng hủy diệt. Cơn đại hồng thủy không đơn thuần mang ý nghĩa sự trừng phạt đối với tội loạn luân đeo bám các thế hệ gia đình Buendía mà nó còn ám chỉ hậu quả của công cuộc khai thác thuộc địa của các nước đế quốc ở miền đất này. G.G Márquez muốn nhấn mạnh rằng nếu như khu vực Mĩ Latin không tự mình quyết định được vận mệnh mà mãi phụ thuộc vào tư bản nước ngoài thì sự hủy diệt là khó tránh khỏi. Cơn lốc cuốn Macondo khỏi mặt đất phải chăng là hình ảnh của cơn lốc văn hóa phương Tây tràn vào Colombia và Mĩ Latin đã cuốn đi tất cả những gì thuộc về bản thể truyền thống.