6. Bố cục của luận văn
1.2.2 Thời kì hậu thuộc địa
Sau thời gian dài thuộc địa, Colombia đã giành độc lập từ Tây Ban Nha vào năm 1810. Nhưng đất nước này chỉ được hưởng một giai đoạn tự do ngắn ngủi rồi lại rơi vào các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực diễn ra suốt thế kỷ XIX. Thêm vào đó Colombia liên tiếp chịu sự can thiệp từ các nước phương Tây nhất là Hoa Kỳ về cả kinh tế lẫn chính trị.
Thời kỳ này được G.G Márquez miêu tả khá rõ trong “Trăm năm cô đơn” với các giai đoạn phát triển, thịnh vượng và gặp phải ảnh hưởng từ bên ngoài của ngôi làng Macondo. Từ đây mô hình lịch sử Macondo trở thành mô hình chung cho Colombia từ khi nó giành được độc lập. Những người đầu tiên tham gia thành lập làng Macondo đầy hy vọng và lạc quan xây dựng cuộc sống thanh bình ở miền đất mới và quên đi nỗi ám ảnh quá khứ. Cũng giống như đất nước Colombia đã bắt đầu nhiều hy vọng khi giành được độc lập sau một thời gian dài chịu sự cai trị của thực dân. Nhưng miền đất vốn giàu tài nguyên chưa được khai thác này đã trở thành miếng mồi béo bở cho các nước tư bản phương Tây. Bởi vậy, các nước này nhanh chóng xâu xé và thế chỗ Tây Ban Nha khai thác các quốc gia ở Mĩ Latin. Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã bắt đầu có ảnh hưởng đến Colombia vào đầu thế kỷ XX. Vào năm 1903, Hoa Kỳ giúp Panama ly khai khỏi Colombia và tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình về kinh tế ở các nước Mĩ Latin. Những năm 1903 – 1930 là thời kỳ ổn định không bình thường, Colombia bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào thương mại quốc tế thông qua xuất khẩu xăng dầu, khoáng sản, cà phê, cacao và đặc biệt là chuối – mặt hàng chủ lực. Đồng thời các tập đoàn tư bản đầu tư vào nước này một cách ồ ạt dẫn đến sự phát triển quá mức và lạm phát. Trong đó, Liên hiệp công ty hoa quả Hoa Kỳ (UFC) là công ty khét tiếng nhất có vốn đầu tư vào sản xuất chuối. Công ty này có trụ sở tại Hoa Kỳ nhưng nắm quyền kiểm soát toàn bộ các đồn điền trồng chuối ở Colombia cũng như Mĩ Latin. Qua các công ty độc quyền xuyên quốc gia, chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã tạo nên sự giàu có giả tạo ở Mĩ Latin. Vì vậy,
Colombia đã trải qua những năm phát triển bộc phát, đường xe lửa và các nhà máy điện được xây dựng. Nhưng đằng sau sự thịnh vượng này là những bê bối tham nhũng, rối loạn chính trị và sự bóc lột tàn bạo người lao động bản xứ. Vì kinh tế phụ thuộc vào tư bản nước ngoài nên khi cuộc đại suy thoái năm 1933 xảy ra Colombia đã rơi vào thảm họa tài chính. Từ đây, khủng hoảng kinh tế cùng xung đột chính trị khiến cho đất nước này chìm trong đói nghèo và bạo lực.
Trong “Trăm năm cô đơn” G.G Márquez đã xây dựng công ty chuối như một phiên bản của công ty Liên hiệp hoa quả Hoa Kỳ trong lịch sử. Ngôi làng Macondo đã có thời kỳ phát triển thịnh vượng khi công ty chuối xuất hiện. Cùng việc mở rộng giao lưu với thế giới bên ngoài, Macondo bước vào thời kì phát triển đỉnh cao khi tiếp cận nền công nghiệp hiện đại với rạp chiếu phim, máy phát điện, đường ray xe lửa, máy hát, điện thoại. Gia đình Buendía cũng trở nên giàu có đến nỗi tiệc tùng không ngớt. Cuộc sống ở Macondo trở nên phồn hoa đô hội và bắt đầu tiếp xúc lối sống Tây phương với khiêu vũ, chơi tennis, bơi lội trong khu nhà của người Mĩ. Các đại lý của công ty chuối cung cấp nhiều mỹ phẩm, đồ trang sức từ nước ngoài. Nhưng đằng sau sự phát triển vượt bậc không bình thường đó là bản chất xấu xa, bóc lột người lao động của công ty chuối đã được G.G Márquez miêu tả cụ thể trong tiểu thuyết:
…Sự phản đối của những người lao động đã dựa trên những yếu tố sau đây: nhà ở không bảo đảm sức khỏe cho công nhân, ngành phục vụ y tế thì giả nhân giả nghĩa , điều kiện lao động thì rất bất công.
...Công ty không trả lương cho họ bằng tiền mặt mà trả bằng bông chỉ dùng để mua giămbông Vơcginia trong những cửa hàng ủy thác của công ty.
…Thầy thuốc của Công ty không khám bệnh cho người ốm mà chỉ bắt họ xếp hàng một ngày trước bệnh xá, và một nữ y tá đặt vào lưỡi họ một viên thuốc có màu sunphát đồng bất kể họ bị bệnh sốt rét, bệnh lậu hay mắc chứng táo bón.
Trước điều kiện lao động thảm hại đó công nhân đã tổ chức tổng bãi công đòi quyền lợi – đó là nguyên nhân gây nên vụ thảm sát tàn bạo tại Macondo. Những tình tiết ấy được G.G Márquez rút ra từ thực tế lịch sử Colombia đặc biệt là vụ thảm sát dã man công nhân đồn điền chuối được tác giả giữ nguyên đến từng chi tiết (chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau). Sau sự kiện này, công ty chuối rút lui khỏi Macondo gây nên tình trạng suy thoái nghiêm trọng, xơ xác, tiêu điều. Ngôi làng bị nhấn chìm trong trận lụt kéo dài bốn năm, mười một tháng, hai ngày để rồi bị cuốn đi vĩnh viễn khỏi mặt đất bởi một trận cuồng phong.
Như vậy, sau khi thoát khỏi chủ nghĩa thực dân cũ trong một thời gian ngắn Colombia lại rơi vào tay bọn thực dân mới với chính sách bóc lột tinh vi và thâm độc hơn. Hình ảnh Macondo suy tàn sau khi công ty chuối rút đi chứng tỏ sự phụ thuộc kinh tế của Colombia vào tư bản nước ngoài và hậu quả nặng nề của nó để lại đối với đất nước này.
Ngôi làng Macondo tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, đường sắt được xây dựng mang theo nhiều thay đổi. Từ đây, dòng người tứ xứ ồ ạt tràn vào Macondo đủ mọi thành phần xã hội từ “những gái làng chơi tuyệt mỹ, những cô gái diêm dúa được huấn luyện với tài nghệ không thể tưởng tượng nổi”; “những đám đông hiếu động và mạo hiểm chen lấn xô đẩy nhau bên những bàn cờ bạc, bên những bàn bắn súng ăn tiền…” [61,tr.346], đến “những người da đen vùng Antidat với những căn nhà gỗ ọp ẹp” [61,tr.347]. Cuộc sống vốn yên bình trở thành lộn xộn, phức tạp “…một sự xâm nhập quá ư ầm ĩ và không đúng lúc, đến nỗi trong thời gian đầu người ta không thể nào đi lại trong phố đầy những đồ đạc, hòm xiểng, và những gỗ ván, tre nứa của những người nghiễm nhiên dựng nhà ở bất cứ miếng đất trống nào mà chẳng cần xin phép ai…”[61,tr.347]. “Thời phồn thịnh chớp nhoáng của công ty chuối” đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống ở Macondo bởi những yếu tố ngoại lai của dòng người nước ngoài. Điều này được tác giả rút ra từ thực tế lịch sử của thị trấn Aracataca (ngôi làng thời thơ ấu của nhà văn) khi công ty Liên hiệp hoa quả Hoa Kỳ (UFC) còn hoạt động ở đây. Trong tự truyện “Sống để kể lại”, G.G Márquez đã kể về cuộc “đổ bộ” của dòng người tứ xứ lên thị trấn quê hương :
“Những chuyến tàu hỏa, bé nhỏ như đồ chơi, thường đổ xuống bãi cát nóng hầm hập những đám người từ tất cả các ngõ ngách tràn về, coi trời bằng vung, tay súng tay gậy, chiếm lĩnh toàn bộ đường phố. Sự phát triển điên rồ này đã gây nên nạn bùng nổ dân số và cảnh hỗn loạn xã hội không có cách nào kìm hãm được nữa” [62,tr.63]. Những yếu tố ngoại lai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống ở một vùng quê mà cả đất nước Colombia nói chung. Bởi vậy, văn hóa của đất nước này vốn đã “lai tạp”, “hỗn độn” càng trở nên phức tạp, đánh mất bản sắc riêng của mình. Mặt khác, sự du nhập của lối sống phương Tây với nhiều biến tướng đã hình thành lối sống ích kỷ, khép kín, sa đọa của một số lớp người trong xã hội Colombia. Chính sự lai căng văn hóa và hủ tục lạc hậu làm cho Colombia đánh mất chính mình, phụ thuộc vào nước ngoài và không thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, kém phát triển.
Thời kì hậu thuộc địa của đất nước Colombia được tác giả ghi dấu trong tiểu thuyết trùng với thời kì phát triển thịnh vượng đến suy tàn của thị trấn Macondo. G.G Márquez đưa vào tác phẩm một số sự kiện nổi bật trong lịch sử với quá trình can thiệp của Hoa Kỳ vào Colombia từ kinh tế lẫn chính trị với hình ảnh công ty chuối – phiên bản của Liên hiệp hoa quả Hoa Kỳ (UFC). Là một người yêu nước và đấu tranh không ngừng cho độc lập dân tộc, G.G Márquez đã dựng lại khá nguyên vẹn hoàn cảnh lịch sử đất nước thời kì này trong tiểu thuyết. Đặc biệt, cả những sự kiện thương đau nhưng đã bị nhấn chìm trong quên lãng vì nhiều lý do cũng được nhà văn tái hiện rõ nét như vụ thảm sát công nhân đồn điền chuối, bản chất chính trị của các đảng phái…