6. Bố cục của luận văn
2.2.4 Cổ mẫu Hành trình (huyền thoại với motif sự ra đi và trở về của người anh
anh hùng)
Trước một thế giới vô vàn điều bí ẩn, người nguyên thủy luôn muốn khám phá cuộc sống xung quanh mình. Đặc biệt, khi nhà nước hình thành thì nhu cầu khai phá vùng đất mới để mở rộng thành bang càng trở nên cần thiết. Vì vậy, những anh hùng tiên phong ưu tú của cộng đồng đã thực hiện những chuyến phiêu lưu chinh phục những điều mới lạ bất chấp những khó khăn trắc trở. Huyền thoại đã ghi nhận rất nhiều chuyến đi như vậy và nó trở thành một motif quen thuộc. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hành trình có ý nghĩa biểu trưng rất phong phú, nó mang ý nghĩa là những cuộc “tìm chân lý, hòa bình, bất tử, là tìm kiếm và phát hiện một trung tâm tinh thần”[17,tr.385] đồng thời hành trình còn “biểu đạt một ước muốn sâu sắc về những chuyển biến nội tâm, một nhu cầu về sự trải nghiệm mới”[17,tr.386]. Như vậy, cổ mẫu Hành trình thiên về ý nghĩa tượng trưng cho những cuộc tìm kiếm tinh thần trong chính bản thân mình (đôi khi là một cuộc chạy trốn bản thân) hơn là một sự di chuyển về địa lý. Theo ý nghĩa ấy, hành trình “trở thành dấu hiệu và biểu tượng của sự luôn luôn chối từ bản thân. Cuộc du hành duy nhất có giá trị là cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình”[17,tr.386]. Cổ mẫu Hành trình được sách A handbook of critical approaches to literature xếp vào nhóm motif cổ mẫu với tên gọi Sự truy tìm. Theo sách, những anh hùng với vai trò của người giải nguy, vị cứu tinh thực hiện một cuộc hành trình dài với nhiều thử thách gian nan như giải những câu đố không thể trả lời, chiến đấu chống lại quái vật, vượt qua nhiều chướng ngại được để cứu vương triều. Trải qua quá trình đó, người anh hùng được khai tâm trở nên chín chắn và trưởng thành về tinh thần. Chính sự biến đổi này nên cổ mẫu Hành trình được xem như một biến thể của cổ mẫu cái chết và tái sinh. Như vậy, cổ mẫu Hành trình có ý nghĩa biểu trưng về tinh thần với khả năng giải thoát tâm linh đạt đến nhận thức mới bên trong của người anh hùng.
Trong huyền thoại Hy Lạp, các thủy thủ của con tàu Argo đã thực hiện một chuyến hải hành vĩ đại để đạt bộ lông cừu vàng – vốn là báu vật của người Hy Lạp,
nó đảm bảo cho xứ sở ấm no, yên lành và thoát khỏi mọi tai họa. Năm mươi anh hùng danh tiếng khắp đất nước Hy Lạp dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Jason đã có cuộc hành trình vượt qua nhiều thử thách trên biển từ Hy Lạp đến xứ Conkhide. Trên đường đi, những thủy thủ Argono gặp nhiều trở ngại như đụng độ những người khổng lồ trên bán đảo Cysique ăn thịt người, xung đột với người Bebryces ở xứ Bithynie…nhưng bằng sự thông minh dũng cảm cùng sự giúp đỡ của các vị thần, những thủy thủ của con tàu Argo đã đến được Conkhide. Ở miền đất này, Jason cùng những người đồng hành tiếp tục đương đầu với ba thử thách cực kì khó khăn của vua đưa ra để đoạt được bộ lông cừu vàng. Nhờ sự giúp đỡ Medee, những người Argonos đã lấy được bộ lông cừu vàng nhưng chặng đường trở về của họ cũng gặp không ít gian nan. Các thủy thủ Argonos đã trải qua những thử thách khó khăn để hoàn thành sứ mạng nặng nề lập được chiến công hào hùng và trở về với mảnh đất quê hương. Từ cuộc hành trình huyền thoại ấy mà ngày nay “Argonos” đã trở thành danh từ chung chỉ những người dũng cảm dấn thân vào hành trình phiêu lưu nguy hiểm còn bộ lông cừu vàng dùng để “chỉ một sự nghiệp lớn, nhiều khó khăn đòi hỏi hy sinh, cố gắng mới có thể đạt được” [47,tr.577].
Không chỉ các thủy thủ dũng cảm của con tàu Argnos mà Uylisses – người anh hùng tượng trưng cho trí tuệ Hy Lạp cũng có một hành trình suốt mười năm trời sau chiến thắng thành Troia. Hành trình trở về quê hương bằng đường biển của Uylisses đã trở thành một cuộc hành hương về nguồn bằng một chuỗi thử thách để khai tâm. Chàng gặp phải trở ngại đầu tiên ở hòn đảo của những người ăn hoa sen rồi đến đất của những người khổng lồ một mắt, đất của vua gió và của những người khổng lồ ăn thịt người…Tiếp theo, ở đảo của bà phù thủy Circe, các bạn đồng hành của Uylisses bị biến thành lợn. Sau đó, chàng tiếp tục cuộc hành trình trên biển, một mình sống sót sau vụ đắm tàu, Uylisses đến đảo Helios và đảo Ogygie trước khi trở về quê hương Ithaque. Hành trình trở về của người anh hùng Uylisses kéo dài suốt mười năm trời phiêu bạt trên biển, trải qua nhiều thử thách có khi cái chết cận kề nhưng chàng đã vượt qua tất cả để trở về với người vợ thủy chung ở quê nhà.
Nếu như những cuộc hành trình của các anh hùng trong huyền thoại Hy Lạp đều đạt được chiến công vĩ đại mang lại lợi ích cho đất nước thì trong huyền thoại Ấn Độ, kết quả của những chuyến hành trình chủ yếu là trải nghiệm mới về tinh thần chuyển biến về nội tâm nhằm hướng tới khát vọng giải thoát. Đó là những cuộc hành hương về phía sông Hằng hay lên đỉnh Hymalaya. Nó mang ý nghĩa của cuộc hành trình bên trong con người để tẩy trần những bụi bặm tội lỗi và hướng tới sự khám phá hoàn thiện bản ngã đạt đến sự giải thoát tinh thần. Huyền thoại Kinh Thánh cũng có những cuộc hành trình theo lời Chúa như Apraham đi theo tiếng gọi của Jehovah để thực hiện cuộc hành trình tìm đến miền đất chảy sữa và mật ong, Moise thực hiện cuộc hành trình dài bốn mươi năm dẫn dân chúa rời khỏi Aicập tìm về miền đất hứa, miền đất phì nhiêu. Và cuộc hành trình vĩ đại của chúa Jesu trên con đường cứu nạn.
Ngoài những thiên huyền thoại, motif sự ra đi và trở về của người anh hùng còn xuất hiện trong truyện cổ tích của nhiều dân tộc trên thế giới. Điều này cũng không khó lý giải, bởi theo Meletinski “truyện cổ tích thoát thai từ huyền thoại” [64,tr.355]. Như vậy, cổ mẫu Hành trình trở thành một motif quen thuộc trong nhiều huyền thoại và liên tục tái xuất trong các tác phẩm văn học.
Motif sự ra đi và trở về của người anh hùng (cổ mẫu Hành trình) trong “Trăm năm cô đơn” được G.G Márquez tái lại từ trong kho tàng huyền thoại nhưng không chỉ gợi nhớ mà ông còn giải thiêng nó với sắc thái ý nghĩa hoàn toàn mới. Trong tiểu thuyết ghi dấu nhiều cuộc hành trình như chuyến đi tìm kiếm con đường nối Macondo với thế giới bên ngoài của cụ José Arcadio Buendía, José Arcadio đi theo đoàn người di-gan và trở về Macondo sau sáu mươi lăm lần vòng quanh thế giới, Aramanta Ursula đi học ở Bỉ…nhưng cuộc hành trình mang dấu ấn cổ mẫu đậm sắc màu huyền thoại lại gắn liền với con đường binh nghiệp của đại tá Aureliano. Đó là cuộc hành trình của một “chiến binh thần thánh” có nhiều chiến công rực rỡ nhưng cũng không ít những khổ đau, dằn vặt. Từ một chàng trai trẻ chưa phân biệt được điểm khác nhau giữa phái Tự do và Bảo hoàng, Aureliano trở thành tư lệnh các lực lượng vũ trang vùng duyên hải Caribe lãnh đạo phái Tự do
tiến hành ba mươi hai cuộc nổi dậy với nhiều chiến thắng vang dội. Trên con đường chinh chiến, Aureliano đối mặt với vô vàn nguy hiểm tưởng chừng cái chết cận kề. Có lần chàng bị một cô gái đang “lăm lăm khẩu súng sắp nhả đạn” tấn công, lần khác ngài đại tá bị đầu độc bằng một ly cà phê không đường với lượng “mã tiền đủ giết chết một con ngựa đực”. Tài năng quân sự bẩm sinh cùng khả năng tiên đoán siêu việt đã giúp Aureliano nổi tiếng như một chiến binh có tài “xuất quỷ nhập thần” khắp vùng Caribe cùng các cuộc tấn công khiến phái Bảo hoàng khiếp sợ. Nếu các anh hùng trong huyền thoại trải qua hành trình sẽ được khai tâm và chín chắn về tinh thần thì đại tá Aureliano hoàn toàn ngược lại. Vì càng lên đỉnh vinh quang thì Aureliano càng trở nên băng hoại về nhân tính. Chàng không còn là một người quả cảm chiến đấu vì chính nghĩa mà trở thành một tên độc tài khát máu kiêu ngạo. Chàng cách ly khỏi mọi người muốn trở thành “trung tâm của vũ trụ” và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có quyền lực kể cả ra lệnh xử bắn người bạn thân hay thanh trừng vị tướng cùng đảng nếu cần thiết. Sự thay đổi bản tính của ngài đại tá bắt nguồn từ chính những vinh quang lẫn tủi nhục mà ông đã trải qua trên con đường binh nghiệp. Những dư vị ngọt ngào lẫn cay đắng của cuộc chiến đã cho Aureliano thấy trò hề của số phận nên chàng càng trở nên ích kỷ chỉ chiến đấu cho niềm kiêu hãnh của riêng mình. Trong khi đại tá Aureliano cùng đội quân của mình đang lăn lộn trên các chiến trường để chiến đấu cho đảng Tự do thì “những nhà lãnh đạo của đảng Tự do trong lúc ấy đang thương lượng để có sự tham gia của mình trong quốc hội đã coi chàng như một kẻ phiêu lưu mạo hiểm không đại diện cho đảng”[61,tr.211].
Càng lấn sâu vào cuộc chiến Aureliano càng nhận ra tính vô nghĩa của nó cùng bộ mặt thật của cái gọi là dân chủ, tự do mà chàng theo đuổi bấy lâu. Thực sự, các nhà lãnh đạo đảng Tự do chỉ theo đuổi những toan tính cá nhân thay vì đem lại lợi ích cho người dân lao động, chính Aureliano phải than thở với binh lính “chúng ta sẽ còn mất thời gian nữa trong lúc những tên chó má trong đảng Tự do đang xin xỏ một chỗ ở nghị trường”[61,tr.217]. Bản chất này bộc lộ rõ khi đại tá Aureliano đề ra chính sách cải cách ruộng đất thì những người trong đảng đã phản đối quyết
liệt vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của họ. Thậm chí “các tay địa chủ thuộc phái tự do, những người ngay từ lúc đầu ủng hộ cách mạng, đã ngầm liên minh với các tay địa chủ thuộc phái bảo hoàng để chặn đứng cuộc cải cách ruộng đất. Các chính khách từng tài trợ cho cuộc chiến tranh, ngay từ hải ngoại họ đã công khai phản đối những quyết định táo bạo của chàng” [61,tr.258]. Thực tế phũ phàng của bộ máy lãnh đạo cách mạng thối nát đã khiến Aureliano thất vọng, chán nản vì bầu nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp chính nghĩa trong chàng đã tan vỡ. Trải qua hai mươi năm chiến đấu gian khổ để rồi một ngày ngài đại tá phải mỉm cười chua chát “chúng ta đang chiến đấu chỉ để giành chính quyền thôi” [61,tr.263] khi các sứ giả đề nghị bỏ hết cuộc cải cách ruộng đất, bỏ cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng của giáo hội và bỏ lí tưởng bình đẳng quyền lợi giữa con hoang và con đích – tất cả những mục tiêu của cuộc cách mạng.
Mặc dù, đại tá Aureliano khinh bỉ hành động toan tính vì mục đích cá nhân của những người trong đảng nhưng chính chàng cũng có nỗi khát khao quyền lực mãnh liệt bên trong. Chàng mang trong mình bản tính ích kỉ bất lực với tình yêu ngay từ trong bụng mẹ. Ursula phải thừa nhận đại tá Aureliano “chưa hề yêu mến ai” và “ngài tham gia nhiều cuộc chiến tranh như vậy không phải vì sự say mê lý tưởng như mọi người nghĩ…mà do một nguyên nhân: đích thị là thói kiêu ngạo đầy tội lỗi” [61,tr.372]. Rõ ràng con người của đại tá Aureliano là một khối mâu thuẫn lớn khó có thể lý giải trọn vẹn. Chàng vừa muốn chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “thống nhất các lực lượng liên bang vùng trung Mĩ để quét sạch chế độ bảo hoàng từ Alasca đến Patagonia” vừa muốn trở thành người anh hùng lãnh đạo duy nhất trong cuộc chiến. Aureliano phản đối thủ đoạn bạo lực, cảm thấy tởm lợm trước những hành động ích kỷ cá nhân của các nhà lãnh đạo đảng Tự do nhưng chính chàng lại trở thành tên độc tài khát máu cùng nhiều toan tính ích kỷ. Những chuyển biến về mặt tinh thần của đại tá Aureliano minh chứng cho sự thất bại hoàn toàn của cuộc hành trình mà chàng đã dấn thân từ khi còn trẻ. Tư chất ích kỷ, cô đơn, khép kín của Aureliano không hề thay đổi mà tâm hồn chàng càng trở nên băng hoại về đạo đức. Sau những năm tháng chiến tranh vinh quang lẫn cay đắng, chàng lại trở
về với công việc đúc cá vàng ở Macondo cùng nỗi cô đơn chảy trong huyết quản cho đến khi lìa đời. Cái còn lại của vầng hào quang chiến thắng là một con đường mang tên Aureliano ở Macondo và những trò hề vinh danh của chính phủ để giễu cợt ngài. Con đường đến với chiến tranh như một cái cớ để trốn chạy nỗi cô đơn đang ngự trị trong mình khi người vợ trẻ đột ngột qua đời của ngài đại tá đã hoàn toàn thất bại. Rõ ràng Aureliano càng cố gắng chạy trốn cô đơn thì nó càng bủa vây chàng trong vòng luẩn quẩn.
Dù xét ở khía cạnh nào thì đại tá Aureliano cũng là một người anh hùng của thời đại nhưng cuộc hành trình trải dài hai mươi năm của chàng hầu như không đem lại thành quả nào cho đất nước. Đồng thời hành trình bên trong tâm hồn chàng không đưa đến sự chín chắn khai tâm về tinh thần. Đó là sự khác biệt với cuộc hành trình của các anh hùng trong huyền thoại. Nguyên nhân lý giải cho sự thất bại này đến từ nhiều phía nhưng chung quy lại tất cả đều xuất phát từ chính chủ nghĩa cá nhân xa rời tinh thần cộng đồng.
Motif sự ra đi và trở về của người anh hùng trong huyền thoại đi vào “Trăm năm cô đơn” dưới ánh sáng của thời hiện đại. G.G Márquez đã lồng ghép vào đó bức tranh chân thực về bản chất tham nhũng, bạo lực, ích kỷ, cá nhân của các nhà lãnh đạo cách mạng khiến cho cuộc nội chiến ở Colombia kéo dài không có tương lai, mãi khóa chặt đất nước trong vòng bạo lực. Mặt khác, cuộc cách mạng dân chủ của đảng Tự do chỉ là trò lừa bịp khi các thành viên chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình chứ không phải của quốc gia. Chính điều này khiến đại tá Aureliano chán nản từ bỏ lý tưởng chính nghĩa nhưng rồi chính chàng lại rơi vào hố sâu cá nhân tách biệt hoàn toàn với mọi người và hành trình của chàng đã thất bại. Còn hành trình của các anh hùng trong huyền thoại không có chỗ cho những lợi ích cá nhân mà đặt trên tất cả phải là lợi ích của cộng đồng đất nước. Vì thế cuộc hành trình của họ luôn đạt kì tích mang về chiến thắng cho tập thể đồng thời họ được tôn vinh mãi mãi.
Như vậy, cổ mẫu Hành trình mà tác giả “Trăm năm cô đơn” sử dụng không mang ý nghĩa là cuộc “tìm chân lý, hòa bình, bất tử, là tìm kiếm và phát hiện một
trung tâm tinh thần” đồng thời “biểu đạt một ước muốn sâu sắc về những chuyển biến nội tâm, một nhu cầu về sự trải nghiệm mới” mà nó chuyển tải một thông điệp đầy tính nhân văn. Đó chính là lời kêu gọi đoàn kết, vượt khỏi chủ nghĩa cá nhân để hòa mình với tập thể cộng đồng. Điều này có ý nghĩa với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi đất nước và toàn thể nhân loại. Đất nước Colombia cũng như toàn Mĩ Latin cần đoàn kết để làm một cuộc cách mạng thực sự đưa đất nước, châu lục thoát khỏi tình trạng chậm phát triển mang lại bình đẳng dân chủ cho nhân dân để ở đó không còn tồn tại chủ nghĩa cá nhân. Đối với mỗi con người sự đoàn kết trong cộng đồng là cần thiết để tồn tại và phát triển. Toàn nhân loại cũng cần đoàn kết để giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường cấp bách đang đe dọa sự tồn vong của loài người. Trong xã hội hiện đại, sự đoàn kết lại càng trở nên quan trọng khi càng ngày con người càng trở nên vô cảm, lạnh lùng, khép kín trong “ốc đảo” của mình.