Cuộc nội chiến kéo dài

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 41)

6. Bố cục của luận văn

1.3.1Cuộc nội chiến kéo dài

Sau khi giành được độc lập từ Tây Ban Nha, Colombia lại rơi vào vòng xoáy bạo lực của các cuộc nội chiến kéo dài suốt thế kỷ XIX. Năm 1820, Simón Bolivar trở thành tổng thống đầu tiên của Colombia thiết lập một chế độ độc tài. Năm 1849, những bất đồng chính trị đã khiến quốc gia hình thành hai đảng phái chính trị đối lập nhau. Đảng Bảo thủ ủng hộ cho chính quyền trung ương và gắn bó chặt chẽ với giáo hội Công giáo, đảng Tự do ủng hộ một nhà nước liên bang và tách

rời giáo hội với chính phủ. Bản chất của hai đảng này đều bạo lực, tham nhũng và thường xuyên phát động chiến tranh để giành quyền lực. Hai đảng thay phiên nhau cầm quyền xen lẫn mâu thuẫn nội bộ khiến đất nước luôn trong tình trạng bất ổn vì những cuộc bạo loạn và đảo chính. Năm 1899, xung đột lên đến đỉnh điểm khi cuộc chiến tranh 1000 ngày nổ ra. Thời kì này trở thành giai đoạn đẫm máu đau thương nhất trong lịch sử các cuộc nội chiến ở Colombia với mức tàn phá khốc liệt gây ra cái chết của 100.000 người và đất nước đứng bên bờ vực của sự sụp đổ. Năm 1902, cuộc chiến tranh kết thúc bằng hiệp ước Neerlandia với thất bại của phái Tự do. Không lâu sau đó, hòa bình được khôi phục nhờ sự giúp đỡ của Mĩ – đánh dấu âm mưu can thiệp của Mĩ vào Colombia về cả kinh tế lẫn chính trị.

Trong “Trăm năm cô đơn”, các cuộc chiến tranh liên miên được phản ánh trong sự nghiệp chinh chiến của đại tá Aureliano. Mặc dù, G.G Márquez đã tiểu thuyết hóa tất cả những sự kiện này trong tác phẩm nhưng ở góc độ lịch sử nhà văn vẫn giữ nguyên những biến cố đau thương và đẫm máu của dân tộc. Cuộc nội chiến dường như không dứt được miêu tả sinh động giữa phái Bảo hoàng và Tự do trong tiểu thuyết theo sát những năm dài chiến tranh căng thẳng ở Colombia khi đảng Tự do và Bảo thủ tranh quyền lãnh đạo đất nước. Đặc biệt, nhân vật đại tá Aureliano có nhiều điểm giống nhân vật lịch sử General Rafael Uribe (lãnh đạo đảng Tự do mà ông ngoại của nhà văn – đại tá Nicolas Ricardo Márquez Mejia đã từng chiến đấu dưới quyền trong cuộc chiến tranh 1000 ngày). Dưới góc nhìn không chỉ của một nhà văn mà còn của một nhà hoạt động chính trị tích cực, G.G Márquez đã chỉ rõ bản chất thực sự của các đảng phái, tình trạng bạo loạn của đất nước qua nhiều chi tiết trong tác phẩm. Dù “Trăm năm cô đơn” đan xen nhiều yếu tố huyền diệu, siêu nhiên nhưng cốt lõi của nó vẫn gắn liền với lịch sử Colombia và Mĩ Latin.

G.G Márquez vạch rõ sự khác biệt giữa hai đảng phái chính trị dẫn đến xung đột thông qua “bài học” mà Moscote giảng giải cho Aureliano – người vào thời gian đó còn “có những nhận xét hồ đồ về sự khác biệt giữa những người bảo thủ với những người tự do”:

Những người tự do, ông ta nói, là những người Tam điểm, đám người xấu xa, ủng hộ việc treo cổ các cha cố, chủ trương hôn nhân bình quyền và ly hôn, công nhận quyền bình đẳng giữa con hoang và con trong giá thú, tán thành việc phân chia đất nước thành từng bang và các bang này liên kết trong thể chế liên bang, nhằm tước bỏ các quyền lực địa phương để tập trung trong chính phủ tối cao. Trái lại, những người thuộc phái bảo hoàng vốn đã nhận quyền lực trực tiếp của Thượng đế, bảo vệ trật tự công cộng đã được thiết lập và đạo đức gia đình, là những người bảo vệ Chúa Crixto, bảo vệ cơ sở của quyền lực và không cho phép chia đất nước thành các bang tự do.[61,tr.162].

Lời giải thích của Moscote đứng về phía đảng Bảo hoàng nhưng trên thực tế ngoài sự khác biệt về tư tưởng thì bản chất hai đảng này xấu xa như nhau.

Vì có sự mâu thuẫn trong quyền lợi chính trị nên hai đảng này gây ra cuộc nội chiến đẫm máu không có một mục đích chính nghĩa nào cả. Sau khi đã phát động ba mươi hai cuộc đấu tranh vũ trang, đại tá Aureliano mới nhận ra rằng động lực tiềm ẩn của hai đảng là nỗi khát khao quyền lực. Và ngay chính bản thân ông cũng trở thành một tên độc tài khát máu, chiến đấu vì niềm kiêu hãnh cá nhân. Trong một lần trò chuyện với người bạn chiến đấu của mình, ông đã bộc lộ nỗi lòng:

“Có một đêm nọ, chàng hỏi đại tá Gerineldo Marquez: - Hãy nói với tôi đi, vì sao anh bạn chiến đấu?

- Sao anh lại hỏi tôi như thế nhỉ - đại tá trả lời – Vì đảng Tự do vĩ đại

- Anh thật hạnh phúc, vì đã biết mục tiêu chiến đấu của mình – chàng trả lời Còn về phần mình, cho đến bây giờ hầu như tôi mới biết rằng mình chiến đấu vì lòng kiêu hãnh. [61,tr.219]”

Trong cuộc nội chiến, ranh giới phân biệt giữa hai đảng rất mơ hồ vì cả hai đều tàn bạo, khủng bố giống nhau. Điều này thể hiện ở màu sắc của những ngôi nhà ở Macondo qua cảm nhận của đại tá Aureliano “các ngôi nhà, đã quét vôi xanh, rồi quét vôi đỏ sau đó lại quét vôi xanh, bắt đầu mang một màu sắc khó gọi được tên”

[61,tr.202]. Lúc đầu những ngôi nhà ở đây được quét màu trắng từ thời khai lập nhưng sau đó đảng Bảo hoàng nắm quyền thì yêu cầu người dân địa phương sơn nhà màu xanh, còn đảng Tự do thì bắt buộc sơn màu đỏ. Dần dần màu sắc của những ngôi nhà ở đây không thể xác định được cũng như giới hạn mơ hồ giữa hai đảng phái.

Mặt khác, sự trái ngược trong nội bộ đảng Tự do cũng được tác giả đề cập ở nhiều khía cạnh. Trong khi đại tá Aureliano cùng lực lượng của mình đang “tổ chức một cuộc chiến tranh một mất một còn, nhằm kết liễu mọi vết tích của một chế độ tham nhũng và bê bối do bọn xâm lược nước ngoài dựng lên”[61,tr.367] thì ở Macondo, Arcadio – cháu trai của ông lại thiết lập một chế độ độc tài, Arcadio “điên khùng siết chặt các ốc vít của bộ máy kìm kẹp cho đến khi cậu ta trở thành tên khát máu nhất, chưa từng có trong số những nhà chức trách ở làng Macondo” [61,tr.174-175], còn ở chính phủ thì “những nhà lãnh đạo của đảng Tự do trong lúc ấy đang thương lượng để có sự tham gia của mình trong quốc hội, đã coi chàng như một kẻ phiêu lưu mạo hiểm không đại diện cho đảng”[61,tr.211]. Mặt trái của cuộc chiến bộc lộ rõ vì ngay những người chiến đấu cho từng đảng cũng không hiểu mình đấu tranh cho điều gì. Thành viên của hai phái âm thầm cấu kết để đạt mục đích cá nhân “các tay địa chủ thuộc phái tự do, những người ngay từ lúc đầu ủng hộ cách mạng, đã ngầm liên minh với các tay địa chủ thuộc phái bảo hoàng để chặn đứng cuộc cải cách ruộng đất. Các chính khách từng tài trợ cho cuộc chiến tranh, ngay từ ở hải ngoại họ đã công khai phản đối những quyết định táo bạo của chàng”[61,tr.258].

Sự phản bội của các chính trị gia và bản chất của giai cấp tư sản đã bộc lộ rõ trong những hành động của chúng. Mặc cho quân lính chiến đấu, dân chúng bỏ mạng, các nhà lãnh đạo vẫn ngầm thỏa hiệp:

kể cả trong những lúc xảy ra chiến sự ác liệt nhất, hai vị tư lệnh này đã thỏa thuận ngừng bắn để trao đổi tù binh. Đó là những lúc hưu chiến với không khí vui vẻ đến mức tướng Moncada đã lợi dụng thời gian ấy để dạy đại tá Aureliano Buendia chơi cờ đam. Đã có những lúc hai người

nghĩ đến khả năng phối hợp những yếu tố nhân dân có cả hai đảng để loại trừ ảnh hưởng của các nhà quân sự và các nhà chính trị nhà nghề và thiết lập một thể chế nhân đạo nhờ khai thác triệt để những mặt ưu việt của từng học thuyết [61,tr.234].

Chính vì vậy đại tá Aureliano trải qua hai mươi năm vật lộn chiến đấu bỗng nhận ra sự hư vô của chiến tranh, lại trở về với nỗi cô đơn tiếp tục sản xuất những con cá vàng cho đến cuối đời. Ông chiến đấu với vai trò lãnh đạo của đảng Tự do để rồi mãi sau này rút ra kết luận “Điểm khác nhau duy nhất hiện nay giữa phái Tự do và phái Bảo hoàng là ở những người tự do đi lễ nhà thờ vào lúc năm giờ và những người bảo hoàng thì đi vào lúc tám giờ”[61,tr.366]. Qua cuộc nội chiến miêu tả khá chi tiết tiểu thuyết nêu bật một thực tế là đảng Tự do và Bảo thủ xoay xở để có một chỗ đứng trong nền chính trị Colombia và không mang lại một sự tiến bộ nào mà còn làm cho đất nước càng bị khóa chặt trong vòng xoáy đầy bạo lực và đẫm máu.

Không chỉ dừng lại ở bản chất của hai đảng phái, G.G Márquez còn mô tả tình trạng bạo lực và ám sát cá nhân xảy ra ở Macondo suốt thời gian nội chiến như hình ảnh song chiếu với tình hình chính trị của Colombia. Quân đội Bảo hoàng mới đến Macondo đã bắn giết man rợ dân thường “bốn tên lính dưới sự chỉ huy của hắn ta đã cướp phá gia đình một người đàn bà bị chó dại cắn, và đã dùng báng súng đánh chết bà ta ngay giữa đường cái”[61,tr.170]; đánh đập cha xứ “…một tên lính đã lấy báng súng nện bốp một cái làm chảy máu đầu cha. [61,tr.169], và siết chặt lệnh giới nghiêm “ngay từ sáu giờ chiều, chúng đã thổi kèn giới nghiêm. Lần này chúng lục soát từng nhà, từng nhà một cách khủng khiếp hơn lần trước, tịch thu cả từ cái liềm trở đi”[61,tr.169]. Khi đảng Tự do giành chiến thắng, José Arcadio nắm quyền ở Macondo cũng thô bạo, độc ác, say mê quyền lực không kém “Ngay từ ngày đầu thực thi quyền lực của mình, Arcadio đã lộ mặt là kẻ hống hách. Hàng ngày, cậu ta đọc lệnh cho tới bốn giờ chiều để ra lệnh và sắp đặt mọi việc theo ý muốn của mình. Cậu ta thì hành lệnh cưỡng bức quân sự đối với những người từ mười tám tuổi, tuyên bố trưng dụng những súc vật nào còn lang thang ngoài đường sau sáu giờ chiều và bắt buộc những người đàn ông lớn tuổi phải đeo băng đỏ ở

cánh tay…” [61,tr.174]; hơn thế José Arcadio sẵn sàng giết chết và tống giam bất cứ ai làm trái ý của hắn. Dường như hai đảng này đều dùng bạo lực làm chính sách chủ yếu. Cuối cùng, sự kiện ký kết hiệp ước Neerlandia chấm dứt cuộc chiến 1000 ngày cũng được G.G Márquez đưa vào tác phẩm, từ đây đảng Tự do và Bảo thủ thay phiên nhau lãnh đạo đất nước nhưng không đem lại kết quả, bạo lực vẫn tiếp diễn. Đỉnh điểm của tình trạng này là vụ ám sát 17 con trai của đại tá Aureliano cùng một lúc sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Thêm vào đó, lực lượng cảnh sát cũ bị thay thế bằng bọn giết người dùng dao chặt mía do công ty chuối đem tới còn tàn bạo hơn “chẳng may, đứa trẻ va phải viên đội xếp cảnh sát và đánh đổ các nước ngọt vào quần áo y. Tên man rợ này liền rút dao chém đứa bé làm mấy khúc, người ông chạy tới ngăn cản liền bị chém phăng đầu”[61,tr.361].

Cuộc nội chiến giữa hai đảng phái kéo dài trong suốt lịch sử Colombia đã khiến đất nước rơi vào thời kì đen tối nhất, kéo theo sự can thiệp của các nước đế quốc vào quốc gia này. G.G Márquez đã đưa cả thời kì đau thương của dân tộc vào trong tiểu thuyết như một bằng chứng rõ rệt cho chính sách phản động của các nhà cầm quyền. Rõ ràng, chiến tranh và bạo lực đã trở thành một phần không thể tách rời trong “Trăm năm cô đơn” cũng như lịch sử Colombia.

Một phần của tài liệu lịch sử và huyền thoại trong “trăm năm cô đơn” của gabriel garcía márquez (Trang 41)