6. Bố cục của luận văn
1.3.2 Vụ thảm sát công nhân đồn điền chuối
Trong quá trình khai thác các đồn điền chuối tại Colombia, Liên hiệp công ty hoa quả Hoa Kỳ (UFC) đã bóc lột thậm tệ người lao động bản địa. Vì vậy, trong tháng 10 năm 1928, nhiều cuộc biểu tình của công nhân đồn điền trồng chuối tại Colombia đã diễn ra đòi quyền lợi về điều kiện vệ sinh, thực phẩm, trả lương bằng tiền mặt, bản hợp đồng làm việc tám giờ một ngày, sáu ngày một tuần…Nhưng các ông chủ Hoa Kỳ đã phớt lờ những yêu cầu chính đáng đó. Sự việc lên đến cực điểm vào đêm 6.12.1928, tại Cienaga đã nổ ra một cuộc bãi công lớn của các công nhân đồn điền chuối dẫn đến một cuộc thảm sát thương tâm nhất trong lịch sử Colombia. Ngay trong khi cuộc bãi công diễn ra, chính phủ Colombia đã điều một trung đoàn quân đội từ Bogotá đến để đối phó. Các binh sĩ đặt súng máy trên các mái nhà, chặn đứng mọi ngã đường, tiến hành bao vây và xả súng không thương tiếc vào những
người biểu tình chỉ sau năm phút cảnh báo. Cuộc tàn sát đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người vô tội. Nhưng đau lòng thay, toàn bộ sự kiện này đã bị chính phủ Colombia làm ngơ và xóa sạch ngay trong sách giáo khoa lịch sử. Cortés Vargas – người chỉ huy quân đội đêm đó và đọc nghị định số 4 của chính phủ cho rằng chỉ có hơn 40 người chết .Việc ông ban hành lệnh xả súng vì đã có thông tin tàu thuyền Mĩ đã sẵn sàng trên bờ biển Colombia để bảo vệ Liên hiệp công ty Hoa quả Hoa kỳ (UFC) và ông hành động như vậy thì Mĩ sẽ không tấn công Colombia. Dù trên thực tế, con số người chết được ước tính khoảng 2.000 người cùng hàng trăm người âm thầm bị thủ tiêu sau đó và những lời giải thích chỉ là ngụy biện. Bởi vì chính phủ quan liêu muốn duy trì dòng chảy của đô la Mỹ vào Colombia mà chối bỏ trách nhiệm với người dân của mình. Mặc dù toàn bộ sự kiện đau lòng đã bị xóa sổ nhưng G.G Márquez vẫn âm thầm đưa nó vào “Trăm năm cô đơn”. Nhìn chung, nhà văn vẫn giữ đúng sự thật các yếu tố căn bản như quá trình diễn ra, số người chết, thái độ thờ ơ của nhà cầm quyền nhằm che đậy vụ thảm sát thậm chí cả nghị định đặc biệt do chính phủ ban hành. Quá trình tiến hành, giải quyết cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và những người đình công trong tiểu thuyết rất chặt chẽ với mô hình của sự kiện lịch sử đã diễn ra. Cuộc bãi công diễn ra có sự tham gia của José Arcadio Segundo – người tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ công nhân của công ty chuối. Hơn ba nghìn người, ngoài những người lao động còn có phụ nữ và trẻ em đứng đợi tàu trên sân ga, đã bị quân đội bịt các lối đi và “đặt bốn khẩu súng máy xếp thành hàng, hướng nòng ra phía đám đông”[61,tr.448]. Nhà văn mô tả chính xác cả sắc lệnh số 4 và viên sĩ quan quân đội - Cortés Vargas - đã ký và thi hành nó. Thực chất, Sắc lệnh số 4 dùng để chỉ một luật năm 1905 của Colombia nhượng lại quyền can thiệp cho quân đội và toà án khi họ thấy cần thiết trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Cuộc thảm sát được miêu tả trong tiểu thuyết rất tàn khốc “Những người đình công bị vây tròn lại, cứ xoay tít như cơn lốc khổng lồ đang ngày một thu hẹp chấn tâm lại, bởi những vòng người ở ngoài của cơn lốc này đang bị lưỡi dao sắc ngọt của nghệ thuật bắn súng máy gọt chung quanh như bóc củ hành”[61,tr.451]. Sau khi đã giết chết những người biểu tình, quân đội đã chất xác
họ lên một đoàn tàu như xếp các buồng chuối đem đổ ra biển và xóa sạch dấu vết. Cũng như trong lịch sử, sự kiện này gần như bị quên lãng và không ai tin nó đã xảy ra. Bởi vậy, José Arcadio Segundo và cậu bé may mắn được sống sót bị gọi là “thằng hề” khi cố gắng tìm mọi cách để chứng minh vụ thảm sát có thật.
Vụ thảm sát công nhân đồn điền chuối là một trong những sự kiện thương đau trong lịch sử Colombia. G.G Márquez đã dựng lại trong “Trăm năm cô đơn” như một bằng cứ rõ rệt cho chính sách quân phiệt của Mĩ ở Mĩ Latin và sự vô tâm của chính phủ quan liêu bị điều khiển bởi thế lực bên ngoài.
Cuộc nội chiến kéo dài và vụ thảm sát công nhân đồn điền chuối là hai trong số những biến động lịch sử đẫm máu của Colombia. Mặc dù nhà văn không trực tiếp chứng kiến nhưng bằng câu chuyện được kể lại cùng hiểu biết cá nhân và trên hết là lòng yêu nước sâu sắc G.G Márquez không thể thờ ơ, ông đã đưa vào tiểu thuyết của mình để tái hiện lại biến cố lịch sử đau thương của dân tộc. Cách thể hiện đó một lần nữa khẳng định tinh thần quả cảm dám nói lên sự thật và luôn hướng về lịch sử dân tộc của nhà văn. Chính vì thế Fidel Castro - chủ tịch Cuba đã từng nhận xét về văn chương của G.G Márquez: “Các tác phẩm của ông mang đậm bản sắc châu Mĩ Latin, toát lên sự giản dị của tâm hồn, lòng trung kiên và tình yêu vô bờ của ông đối với mảnh đất gắn bó này” [62,tr.5].
CHƯƠNG 2 : LỊCH SỬ VÀ NHỮNG ĐỒNG VỌNG HUYỀN THOẠI