PHƯƠNG PHÁP LÀM CHUYỀN

Một phần của tài liệu Tổ chức công việc theo khoa học (Cẩm nang dành cho nhà quản lý) (Trang 102)

Phương pháp làm chuyền là kết quả của một lối phối trí tuyệt khéo. Công việc chuyền tay nhau hoặc chuyền từ máy này qua máy khác, tiếp tục không lúc nào ngưng cho tới khi thành hoá vật mới thôi.

Không có gì kích thích ta mạnh bằng cảnh một dây máy lắp xe hơi, máy này lắp một bộ phận khác thêm vào, tiếp tục như vậy, chỉ trong 45 giây đồng hồ là xong được một chiếc xe hơi! Cách xếp đó thật tài tình làm sao!

Ở Âu Mỹ, không những các xưởng mà cả phòng giấy nữa, người ta sắp đặt cho công việc “trôi” từ tay người này qua tay người khác, như một dòng sông trôi giữa hai bờ, không vướng một cái cầu, cái đập nào cả.

Nhưng cách làm chuyền đó đã bị nhiều người chỉ trích. Bạn nào đứng tuổi chắc

được coi phim “Les temps modernes” trong đó anh chàng Charlot đóng vai một

người thợ trong một xưởng lớn ở Mỹ. Anh ngồi trước một cái máy nó cứ chạy đều đều. Khi nó đưa tới trước mặt anh một công việc nào đó thì anh phải làm ngay một

103

hai cử động cho xong công việc ấy, làm rất mau, nếu không thì không kịp vì máy sẽ chạy đi chỗ khác mất. Vừa xong công việc ấy thì công việc khác cũng y như công việc trên lại lù lù ở trước mặt anh rồi. Thành thử luôn trong mấy giờ, anh phải ngồi một chỗ, làm hoài một vài cử động, làm rất mau, mà không được nghỉ một giây. Nếu nghỉ thì công việc sẽ không xong, không sao làm tiếp được. Chủ sẽ thấy lỗi của anh liền và sẽ đuổi anh. Sau một buổi làm việc như vậy, anh bước ra, lảo đảo, muốn như điên.

Vậy cách làm chuyền, mau thì mau thật, nhưng cũng tàn nhẫn nếu người ta không nghĩ tới sự nghĩ ngơi của thợ. Nó biến con người thành một cái máy, một cái máy bằng xương bằng thịt mà cứ phải theo cái điệu đều đều không biết mệt của cái máy bằng gang thép.

Đau lòng nhất là cái máy người đó lại có một bộ óc để suy nghĩ, một tấm lòng để cảm xúc để tự ví tình cảnh của mình với tình cảnh những tên nô lệ thời xưa rồi mà thổn thức, thấy sao ông chủ sung sướng như vậy mà mình thì cực khổ như vầy, muốn gãy xương sống mà vẫn phải ngồi không nhúc nhích, đương cơn nóng lạnh mà vẫn phải đứng như pho tượng, không bao giờ nghỉ tay được một chút, vì nếu nghỉ thì chủ biết, thì bị cúp lương hoặc bị đuổi. Và kiếp người còn có gì nhục nhã bằng suốt đời phải đóng hoài một cái đinh hoặc vặn một con ốc không. Trời cho một bộ óc mà không được dùng, cho hai bàn tay làm đủ ngàn việc mà chỉ được làm mỗi một cử động! Cây đờn độc huyền kia còn phát lên những âm bỗng, trầm, trong, đục, chứ người thợ nô lệ cho phương pháp độc huyền này chỉ làm được mỗi một cử động thôi và chỉ có thể phát được một lời thôi, là lời oán!

Một phần của tài liệu Tổ chức công việc theo khoa học (Cẩm nang dành cho nhà quản lý) (Trang 102)