2. Bốn qui tắc căn bản 3. Một thí dụ
4. Tinh thần khoa học rất khó có.
II. Phương pháp thí nghiệm của Claude Bernard. III. Bốn phương pháp của Stuart Mill
I. BỐN QUI TẮC CỦA DESCARTES 1. Tinh thần Descartes 1. Tinh thần Descartes
Ta có thể nói tất cả khoa học ngày nay và tất cả sự tổ chức tinh mật của Âu, Mỹ đều xây trên bốn qui tắc của Descartes, một nhà triết học Pháp, đã mạnh bạo đánh đổ khoa triết lí kinh viện và mở đường cho khoa triết lí thực nghiệm. Đương thời ông, những học viện đều do giáo đường lãnh đạo hết. Trong những học viện đó,
người ta lấy Thánh kinh để dạy học trò và hết thảy những điều dạy trong kinh đều
phải nhận là đúng. Kẻ nào dám cãi lại thì bị trừng trị nặng. Ai cũng biết chuyện ông
Galilée vì tuyên bố rằng trái đất quay, trái hẳn với Thánh kinh mà 70 tuổi đầu, còn
bị giáo đường làm nhục ra sao.
Descartes cũng không chịu tin những điều dạy trong Thánh kinh. Ông gột bộ óc ông cho hết những điều mà triết lí kinh viện đã nhồi vào rồi hùng tâm tự tìm lấy SỰ THỰC.
27 2. Bốn qui tắc.
a) Ông tự nhủ: “Tất cả những điều từ trước tới nay ta tin là đúng, có đúng thật không? Chưa chắc, vì ta chưa chứng nghiệm được. Bây giờ ta phải xét lại từng điều một. Điều nào chứng nghiệm được thì mới tin, không thì không tin. Trước hết, ngay cả thân ta này có thiệt không? Ta có tồn tại thiệt không?
Chắc chắn có người cho ông ta gàn và nói: Cần gì phải chứng minh nữa? Thì tôi thấy anh ta ngồi đó tức là anh ta tồn tại, chúng ta tồn tại rồi. Anh nghe thấy tiếng nói của anh, tức là anh tồn tại rồi.
Nhưng ta có thể hỏi lại người đó: Trông thấy, nghe thấy chưa đủ chứng minh tồn tại. Đêm qua tôi nằm mộng thấy một con cọp đuổi tôi, rõ ràng nghe thấy nó gầm lên, vang cả một góc rừng. Vậy con cọp và góc rừng đó có thiệt sao? Tồn tại thiệt sao? Mộng khác, sự thiệt khác. Phải. Nhưng khác ở chỗ nào? Thử chứng minh ra.
Tất người đó sẽ loanh quanh không trả lời được. Người đó không có tinh thần khoa học vì đã nhận sự tồn tại của họ là có thiệt khi họ chưa chứng minh được sự tồn tại đó.
Descartes đã chứng minh sự ấy. Ông nói: Tôi tự hỏi rằng: Tôi có tồn tại thiệt không? Vậy tôi đã tư tưởng và tư tưởng đó của tôi có thiệt, tồn tại thiệt. Vậy tôi cũng tồn tại thiệt vì nếu tôi không tồn tại, sao tôi có tư tưởng được.
Ông khuyên ta: Chứng nghiệm một sự thực nào rồi mới nhận nó là sự thực. Đó là qui tắc thứ nhất của ông.
b) Qui tắc thứ nhì: Phải chia sự khó khăn ra làm nhiều phần nhỏ, càng nhiều càng hay, nghĩa là phải phân tích (analyzer) nó ra để giải quyết. Qui tắc này chúng ta thường áp dụng khi chúng ta chia công việc cho mỗi người chuyên làm một việc: Người lo chế tạo, người lo mua nguyên liệu, người lo bán, người lo sổ sách.
28
c) Sau khi phân tích ra làm nhiều phần tử, phải thu nhập lại những phần tử đó theo từng loại, theo sự quan trọng của chúng để kiếm cách xử trí, lập chương trình hành động. Qui tắc này ngược lại qui tắc trên và gọi là qui tắc tổng hợp.
d) Sau cùng, qui tắc thứ tư là phải kiểm điểm lại cho đủ. Xét cho khắp để khỏi bỏ sót một chút gì. Qui tắc này dạy ta kiểm soát lại công việc cho chắc chắn.
3. Một thí dụ
Chúng ta lấy một thí dụ cụ thể rồi áp dụng những qui tắt trên cho hiểu rỏ phương pháp khoa học. Ta muốn mở một nhà máy bán cà rem cây ở Hà Tiên chẳng hạn. Có người nói với ta rằng: Sẽ lời nhiều vì hiện nay châu thành đó chưa có máy cà rem cây nào hết.
Ta có tin ngay như vậy không? Không. Vì qui tắc thứ nhứt của Descartes bắt ta chứng minh một điều gì rồi mới cho ta quyền tin nó. Muốn chứng minh sự mở tiệm bán cà rem cây ở Hà Tiên sẽ có lời, ta phải chia vấn đề đó ra làm nhiều phần nhỏ để nghiên cứu từng phần một cho được minh bạch (qui tắc thứ 2). Ta chia như sau này:
a) Tiền mua máy cà rem cây bao nhiêu?
- Số tiền đó nếu đi vay, sẽ phải chịu bao nhiêu tiền lời mỗi tháng, mỗi năm. - Tiền mướn nhà để mở tiệm là bao nhiêu?
- Tiền phí tổn cho máy chạy mỗi ngày 6 giờ là bao nhiêu? 12 giờ là bao nhiêu? - Các thứ thuế là bao nhiêu?
b) Dân số châu thành Hà Tiên hiện nay là bao nhiêu?
- Dân số đó sẽ tăng hay giảm? Tại sao? Tăng độ bao nhiêu? Giảm độ bao nhiêu?
29
- Cứ 1000 người thì mỗi ngày trung bình tiêu thụ bao nhiêu cà rem cây? Muốn trả lời được những câu này phải so sánh với những tỉnh khác. - Sức tiêu thụ mùa mưa là bao nhiêu? Mùa nắng tăng lên bao nhiêu? c) Hiện nay có tiệm cà rem cây nào ở Hà Tiên chưa?
- Có người nào mới xin mở mà chưa mở không? - Nếu có một tiệm thì lời bao nhiêu?
- Nếu có 2 tiệm thì lời hay lỗ? bao nhiêu?
Đó là mới xét sơ thôi, thật ra mỗi câu hỏi đó còn chia ra nhiều câu hỏi phụ nữa. Ví dụ trong câu hỏi: Tiền mua máy cà rem cây là bao nhiêu? Phải tính tiền máy lấy tại hãng, tiền chuyên chở; trong tiền chở chuyên phải kể tiền xe, tiền tàu, tiền khuân vác v.v…
Sau khi giải quyết từng vấn đề, trả lời từng câu hỏi, ta thu thập những tài liệu để tính tiền phí tổn, tiền thâu được trong một năm và sau cùng biết tiền lời hoặc lỗ. Đó là áp dụng qui tắc thứ 3.
Trong khi tổng hợp tiền phí tổn, phải tính cho đủ những phí tổn đã kê trong khi phân tích, đừng bỏ sót một phí tổn nào. Như vậy phải kiểm điểm từng số một, nghĩa là phải áp dụng qui tắc thứ tư.
Tóm lại: 4 qui tắc: chứng nghiệm, phân tích, tổng hợp, kiểm điểm không có chi mới lạ cao xa hết. Trong khi làm việc các bạn thường áp dụng nó mà không hay vì nó chỉ là lẽ tất nhiên phải như vậy. Chỉ cần có chút lương tri là hiểu được nó.
30
Nhưng cái lẽ tất nhiên đó, ít ai nhớ tới, trong đời, biết bao người ai nói sao tin ngay làm vậy, không hề suy xét xem lời đó đúng không. Ta tự xét ngay cũng thấy rất nhiều lần làm trái hẳn qui tắc thứ nhất của Descartes. Ta lười biếng không chịu suy nghĩ. Khi làm việc không sắp đặt việc trước việc sau, chia ra việc khó việc dễ, có khi đương làm phải bỏ dở để làm công việc khác, thành thử tốn thì giờ, phí tiền của, lỗ lã. Ta hiểu 4 qui tắc trên kia lắm, nhưng óc ta chưa được thấm nhuần trong tinh thần khoa học, ta không được đào tạo trong lò khoa học.
Cho nên, hiểu rõ 4 qui tắc trên chưa đủ, phải tập luyện cho nó nhập trong tiềm thức của bạn, sao cho nhất cử nhất động của bạn tự nhiên theo nó.
Nghĩa là phải có tinh thần khoa học, có tập quán khoa học. Điều đó rất khó. Không phải một tháng, một năm mà ít nhất là vài ba năm.
Nhưng khi đã có tinh thần đó thì không thể nào mất nó được hết (cũng như người đã có thứ tự không khi nào mất tính đó cả) và giải quyết mọi việc một cách dễ dàng.