Cấu trúc tài sản của doanh nghiệp là cơ cấu tài sản, mức độ phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay là tỷ trọng tài sản hữu hình trên tổng tài sản của doanh nghiệp. Giữa cấu trúc tài sản và cấu trúc tài chính có liên quan chặt chẽ với nhau, phản ánh sự phù hợp về kỳ hạn của vốn và tài sản. Sự ảnh hưởng của tài sản hữu hình đến cấu trúc tài chính được thể hiện qua cơ chế đòn bẩy hoạt động, nếu kết hợp với đòn bẩy tài chính sẽ làm gia tăng nhanh lợi nhuận cho vốn chủ. Một doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản cố định cao chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mang tính đầu tư dài hạn, tiềm ẩn rủi ro lớn, nên khi đó nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay thì có thể có được đòn bẩy dương nhưng cũng đưa lại rủi ro khá lớn và ngược lại.
Theo lý thuyết đánh đổi, các doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản hữu hình lớn, doanh nghiệp sẽ sử dụng nợ nhiều hơn các doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản vô hình cao vì các tài sản hữu hình rất hữu ích trong việc thế chấp để vay nợ. Hơn nữa, giá trị thanh lý của doanh nghiệp có tài sản hữu hình cao hơn doanh nghiệp có tài sản vô hình cao, và điều này sẽ làm giảm thiệt hại cho trái chủ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản.
Lý thuyết về chi phí đại diện cũng giải thích mối quan hệ này. Jensen và Meckling (1976) cho rằng tài sản hữu hình sẽ làm giảm sự bất cân xứng về thông tin vì những tài sản này có thể sử dụng làm tài sản thế chấp, giảm rủi ro gánh chịu chi phí đại diện của khoản nợ của trái chủ. Như vậy, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp sẽ có chi phí cao khi sử dụng nợ để tài trợ và kết quả là họ sẽ sử dụng vốn cổ phần để tài trợ. Với những đặc điểm nêu trên, ta thấy tài sản hữu hình có quan hệ tỷ lệ thuận với đòn bẩy tài chính.