Giọng trữ tình, thiết tha, sâu lắng

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 100)

Trang viết của Tạ Duy Anh không chỉ xoáy sâu vào những mặt trái của cuộc sống, những nỗi đau, trăn trở của đời người mà đôi lúc cũng thấm đượm chất trữ tình. Đó là khi nhà văn viết về tuổi thơ trong sáng đầy mộng ước, về vẻ đẹp trong sáng giữa cõi trần tục, về tình yêu và những giấc mơ huyền thoại.

Vẻ đẹp thanh khiết đến kì lạ của chị em Tâm được Tạ Duy Anh miêu tả bằng tất cả niềm tin ngây thơ, trong sáng: “Chị em nó chỉ ăn hoa, lá mà đứa nào cũng xinh như tiểu thiên thần. Nhà ở rìa làng nên chị em con Tâm quen hồn nhiên như những con vịt trời. Tuy con Tâm đã mười ba, nó vẫn lội xuống máng tắm truồng. Nó đập bì bõm, té nước lên mặt rồi đưa tay kì cọ…lần lượt phơi từng mảng thịt trắng ngần… toàn thân bóng loáng nước” [4, 113]. Vẻ đẹp hồn nhiên ấy đã đem đến cho tuổi thơ của Hai Duy những mộng ước lãng mạn: “Nó trở nên hay mơ mộng những điều giống như truyện cổ tích. Nó tưởng tượng nó cùng con Tâm cưỡi trâu bay lên trời. Chốc chốc con bé lại reo lên “mát quá, mát quá” [4, 114].

Vẻ đẹp tinh khiết mà bí ẩn của Thảo Miên cũng thấm đẫm chất thơ: “Trong bộ váy trắng muốt và vì thế trông cô như một thiếu nữ con nhà đang chuẩn bị đi hội hơn là một gái bar. Tim tôi chợt thắt lại khi thêm một lần nữa tôi thấy nét tinh khiết tỏa ra từ cặp mắt buồn, hơi lo lắng khi nhìn ai đó của cô… Cặp mắt mở to, vừa như có lỗi, vừa như trách móc” [9, 78]. Vẻ đẹp ấy làm dịu đi cuộc sống chứa đầy những âu lo, bất trắc, đầy những toan tính mưu mô.

Giọng điệu trữ tình, thiết tha còn xuất hiện khi nói về tình yêu trong trạng thái ngây ngất và được thăng hoa: “Tóc nàng bỏ xõa, nhấp nhô uốn lượn theo nhịp bước. Từ nàng toát ra một cái gì vô cùng êm dịu, vô cùng tinh khiết, y như một tiên nữ giáng trần trong tưởng tượng của tôi hồi bé. Tim tôi cồn lên, tâm hồn tôi như mặt hồ bị con thiên nga làm xao động. Tôi chỉ muốn lao ra ôm thốc lấy nàng, dìm đầu tôi

vào suối tóc của nàng cùng với bầu ngực đầy như trăng giữa tháng. Bất chấp những gì tôi từng biết về nàng, tôi sẽ quỳ xuống nói với nàng rằng, thực ra tôi sống được cho đến hôm nay, sau đủ thứ săn đuổi, đày ải, đi xuyên qua cả địa ngục chỉ vì biết có nàng trên đời. Người tôi chờ đợi từ khi chưa sinh ra là nàng. Nàng sẽ đưa tôi tới miền an lạc không còn thù hận, giết chóc mà chỉ còn ánh sáng và tình yêu. Tôi sẽ miệt mài ngồi khắc những vần thơ ca ngợi nàng lên đá” [9, 213].

Cũng có khi đó là cảm giác thực sự bình yên, hạnh phúc khi tránh xa được cái ác, khi cảm nhận được hơi ấm tình người và sự thanh thản của tâm hồn: “Tôi nhớ là mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng tối đang đang tàn lụi. Tôi biết chắc như vậy không phải nhờ tiếng con gà nào đó sẽ gáy như mọi hôm mà nhờ vào tiếng bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu mặt. Ông ta và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ, khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt chúng tôi là gì và khi ánh sáng tràn đến… Khuôn mặt anh im lìm qua lớp sương mỏng và cứ sáng dần lên cùng với những tia sáng đầu tiên của một ngày hứa hẹn sẽ đẹp trời… Tôi chụm tay, hướng về phía mặt trời hét lên một tiếng hay cho lời giã biệt bóng tối…” [15, 304].

Đó còn là những giấc mơ đậm chất huyền thoại về vẻ đẹp của làng quê thơ mộng – nơi gắn với những kỉ niệm tuổi thơ của nhân vật “thiên thần”: “Trong khi đó một con suối lại ôm phía trước mặt làng, tạo ra những khúc ngoặt đẹp mê hồn. Mỗi buổi sáng mặt trời lên, mặt suối như dát bạc. Hằng trăm loài chim thi nhau hót. Suốt những năm tuổi thơ cô đã chân trần lội dưới suối bắt những con ốc đá, vỏ như ngọc, ánh lên ngũ sắc khi đặt ra nắng. Chiều nào cũng vẳng lên tiếng chuông nhà thờ của xóm đạo bên cạnh. Cuộc sống thật hiền hòa, tươi tốt và nên thơ. Cuộc sống chính là diễm phúc lớn nhất dành tặng cho con người. Cô cùng đám mục đồng thường kéo nhau vào rừng tìm hái hoa quả và hát những bài đồng dao dọc con suối”[4, 355].

Có thể nói, giọng trữ tình thiết tha sâu lắng trong sáng tác của Tạ Duy Anh là tiếng vĩ cầm óng chuốt để đối lại với chất giọng bỗ bã dung tục, làm cho trang viết của nhà văn này vừa lắng đọng, vừa ngân vang như những bài thánh ca. Nó gợi cảm giác bình yên, đưa hồn người bay bổng trong những giấc mơ siêu thoát.

Như vậy, giọng điệu trần thuật của Tạ Duy Anh đa dạng, phong phú, là “bản hòa tấu nhiều cung bậc”. Ở đó hội tụ nhiều sắc thái chất vấn, đay đả, giễu nhại, dung tục, triết lý, suy ngẫm, trữ tình. Với việc lựa chọn chất giọng để kể, Tạ Duy Anh đã khẳng định được phong cách nghệ thuật, bản lĩnh nghệ sĩ của mình.

KẾT LUẬN

Xã hội Việt Nam bước vào thời kì đổi mới trong sự chuyển mình của tất cả các lĩnh vực. Văn học đã phản ánh sự thay đổi đó và đồng thời, văn học cũng tự làm mới mình. Trong đó, tiểu thuyết là thể loại thực sự thành công bởi cách khai thác các vấn đề, cách viết mới mẻ, đa dạng, đa chiều phù hợp với thực tế bộn bề ngổn ngang và đầy biến động của xã hội Việt Nam đương đại. Hiện thực và con người trong những trang tiểu thuyết hôm nay được nhìn nhận ở tất cả các mặt và ở chiều sâu nhân bản. Để đạt được điều ấy, người cầm bút phải đổi mới tư duy về hiện thực và con người nhằm có được cảm quan mới phù hợp với thời đại, với nhận thức, cảm nhận của chính mình và với thị hiếu của độc giả. Những cái mới ấy thuộc về nội dung, tư tưởng cũng phải được thể hiện dưới một hình thức mới lạ, khác với những gì văn học trước đó đã thể hiện. Điều đó đòi hỏi tiểu thuyết phải không ngừng chú trọng đến kĩ thuật viết. Tất cả các nhà văn có tâm đều tìm tòi những cách thể hiện độc đáo, mới lạ nhằm đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Chính sự nỗ lực ấy đã tạo nên một nền tiểu thuyết mới đáp ứng được nhu cầu mới của thời đại.

Tạ Duy Anh không phải là nhà văn tiên phong trên con đường đổi mới nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi đổi mới và đã đạt được những thành công nhất định. Giờ đây, ông là một nhà văn có vị trí đặc biệt trong nền văn học đương đại. Thành công ở cả lĩnh vực truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, nhưng với Tạ Duy Anh, ta có thể nhận thấy rõ truyện ngắn như bước chuẩn bị, tạo đà và là chất liệu để ông xây dựng những tiểu thuyết có sức khái quát hơn, tập trung hơn, dồn nén được nhiều vấn đề hơn. Chúng ta có thể thấy hình bóng của Bước qua lời nguyền, Vòng trầm luân thời gian, Ngôi nhà của cha tôi, Hóa kiếp, Làng nhỏ thanh bình, Lũ vịt trời… trong tiểu thuyết Lão Khổ; có thể thấy Luân hồi, Những chiếc gáy, Người khác, Con vẹt, Giai điệu đen,

Dịch quỷ sứ… như những phiến đoạn nhỏ trong Đi tìm nhân vật… Tiểu thuyết của ông đã phản ánh được những vấn đề rộng lớn của xã hội hiện thời.

Điều đáng ghi nhận nhất ở Tạ Duy Anh là ông đã chuyển tải thành công các quan niệm nghệ thuật của mình về con người, về hiện thực vào trong những hình tượng có tính sáng tạo, cách tân mới mẻ và độc đáo; trong bút pháp nghệ thuật giàu cá tính và trong hiệu quả tư tưởng và thẩm mĩ đối với người đọc. Những tiểu thuyết của ông không ngần ngại bàn đến, luồn thật sâu vào các vỉa, tầng hiện thực trần trụi với tất cả những gì nó có – cả ánh sáng lẫn những phần khuất tối mà nếu chỉ nhìn một cách hời hợt sẽ khó nhận thấy. Hiện thực trong tác phẩm của Tạ Duy Anh vì thế có thể khiến người đọc ghê sợ bởi nó đã vạch ra, bóc trần để phơi bày cả những điều con người e ngại khi phải đối mặt. Cùng với hiện thực không che đậy, con người trong tác phẩm của Tạ Duy Anh cũng được thể hiện chân thực, sâu sắc và phong phú hơn. Đó không phải là những con người hoàn hảo mà là những con người rất thật với tất cả những khuyết thiếu, yếu đuối và khát khao vốn có. Họ không phải là những nhân vật chính diện hay phản diện tuyệt đối để người đọc dễ dàng phán xét. Có thể trong một con người cùng lúc tồn tại cả cái xấu, cái ác lẫn phần trong trẻo, thánh thiện. Và tất cả những nhân vật ấy là những con người ta vẫn gặp thường ngày trong cuộc sống này, nhờ sự mổ xẻ sâu sắc của ông mà ta hiểu hơn về họ. Bên cạnh đó, khi đọc tác phẩm của ông, người đọc có thể giật mình nhận ra cả những phần khuất tối của bản thân và không thể không day dứt để đến với hành trình “giã biệt bóng tối” thoát khỏi kiếp sống “khổ”, kiếp sống luôn phải “sám hối”. Nhà văn viết về một thế giới đầy những ám ảnh tăm tối, tội ác nhưng vẫn lấp lánh niềm tin yêu con người. Tiểu thuyết Tạ Duy Anh cho con người nhận chân tội ác nhưng vẫn mở ngỏ một lối về để con người hướng thiện chứ không đẩy con người ta ra khỏi cuộc sống. Như vậy, với cái nhìn không khoan nhượng về con người, Tạ Duy Anh đã giúp con người hoàn thiện hơn. Phải là một nhà văn có tâm, có tài thực sự mới làm được việc chinh phục tâm hồn, hướng thiện cho con người như thế.

Tất cả những quan niệm và thông điệp văn chương đều được Tạ Duy Anh chuyển tải dưới một hình thức phù hợp nhất. Qua những tiểu thuyết của mình, Tạ Duy Anh thể hiện một bản lĩnh sáng tạo độc đáo và táo bạo trên hành trình vượt thoát chính mình. Ông tạo được dấu ấn riêng, một phong cách Tạ Duy Anh để người đọc

không nhầm lẫn với bất cứ nhà văn nào. Và quan trọng hơn, chính nhà văn luôn làm mới mình qua từng tác phẩm để trang văn của ông không theo lối mòn nhàm chán mà luôn tươi mới, bất ngờ. Để làm được những điều không dễ ấy, ông đã phải quan sát, suy ngẫm, trăn trở và day dứt về cuộc đời. Đồng thời, nhà văn cũng đã rất cẩn trọng trong việc lựa chọn cách viết. Từ việc lựa chọn xây dựng kết cấu, môtip, lựa chọn điểm nhìn đến việc đưa vào các chi tiết nghệ thuật, xác định giọng điệu… đều có dụng ý và đạt được hiệu quả thẩm mỹ đáng kể. Kết cấu truyện lồng truyện, phân mảnh, lắp ghép và sự thâm nhập các thể loại khác vào thể loại tiểu thuyết đã tạo nên sự bứt phá khỏi những mô thức tự sự truyền thống, đem đến cho người đọc cách tiếp cận mới. Các yếu tố kì ảo, các môtip nghệ thuật trong tác phẩm của ông đã mở ra bình diện mới cho việc chiếm lĩnh và khám phá thế giới nội tâm đầy phức tạp và bí ẩn của con người. Bằng lời văn sắc lạnh, nhà văn để cho người đọc chạm đến tận cùng nỗi đau của nhân thế. Và sau lời văn lạnh lùng đến tàn nhẫn ấy, nhà văn gửi gắm vào đó tất cả những xót xa, thương cảm về số kiếp con người.

Tiểu thuyết Tạ Duy Anh là cả một thế giới nghệ thuật để người đọc khám phá. Bản thân người viết đã cố gắng trình bày những tìm tòi của mình về những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Tạ Duy Anh nhằm có được một cái nhìn tổng thể về tiểu thuyết của nhà văn này. Tuy nhiên, do thời gian tìm hiểu và phạm vi của luận văn có hạn, người viết vẫn chưa có điều kiện khám phá hết được tất cả các vấn đề, bình diện của tiểu thuyết Tạ Duy Anh. Những vấn đề về ngôn ngữ, kết cấu, cụ thể như ngôn ngữ nhân vật có ý nghĩa như thế nào trong việc diễn tả quá trình tự ý thức, tự thức tỉnh của nhân vật; Những kiểu kết cấu trong tác phẩm của Tạ Duy Anh có gì mới lạ, nó tác động như thế nào đến cảm quan người đọc, nó góp phần cách tân nghệ thuật tổ chức truyện kể ra sao… Người viết sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề trên, đồng thời sẽ so sánh một cách toàn diện những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết Tạ Duy Anh với các nhà tiểu thuyết đương đại ở Việt Nam để thấy được diện mạo của tiểu thuyết hiện nay cũng như phong cách của Tạ Duy Anh trong thời gian tới ở những bài viết và công trình khác.

Qua quá trình tìm hiểu về tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, chúng tôi khẳng định ông là nhà văn đã rất dày công trong việc sáng tạo và gặt hái được những thành quả xứng đáng. Trang viết của ông thực sự đã mang đến cho người đọc những day dứt khôn nguôi trước những vấn đề của cuộc sống. Nó có thể khiến người đọc giật mình bàng hoàng và có những phút giây trầm lắng suy tư để nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại thế giới mình đang sống. Nó còn là món quà tinh khiết thanh lọc tâm hồn con người giữa cõi đời còn lắm bụi trần. Chính tất cả những điều đó mà tiểu thuyết của ông chiếm một vị trí nhất định và không thể thay thế được trong lòng độc giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạ Duy Anh (1990), Bước qua lời nguyền (tập truyện ngắn), Nxb Văn học. Hà Nội.

2. Tạ Duy Anh (1994), Luân Hồi (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Tạ Duy Anh (1995), Người thắng trận - Truyện ngắn trên báo văn nghệ (1987- 1995), NXB Văn học, Hà Nội.

4. Tạ Duy Anh (2004), Lão Khổ - Thiên thần sám hối (tiểu thuyết), Nxb Hội Nhà văn.

5. Tạ Duy Anh (2004), Bố cục hoàn hảo (tập truyện ngắn), Nxb Hội nhà văn , Hà Nội.

6. Tạ Duy Anh (2004), Môtíp “Tội ác và trừng phạt” sẽ còn ám ảnh các nhà văn, Hồ Thị Hoà phỏng vấn, http://evan.com.vn

7. Tạ Duy Anh (2006)– “Chỉ thân xác không thôi rất đáng sợ”, http:// www.vietnamnet.vn.servic

8. Tạ Duy Anh (2007), Người khác (tập truyện ngắn), Nxb Hà Nội.

9. Tạ Duy Anh (2008), Trò đùa của số phận (Kịch và tiểu thuyết), NXB Tổng hợp Đồng Nai.

10. Tạ Duy Anh (2008), Bức tranh của em gái tôi, Nxb Đồng Nai.

11. Tạ Duy Anh, (2004), Bất kì sự buông thả nào sẽ phải trả giá, vnexpress.net 12. Tạ Duy Anh (2008), Truyện ngắn chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. 13. Tạ Duy Anh (2008), Truyện vừa thiếu nhi chọn lọc, NXB Đồng Nai. 14. Tạ Duy Anh (2008), Những giấc mơ của tôi, Nxb Hội Nhà văn. 15. Tạ Duy Anh (2010), Giã biệt bóng tối, Nxb Hội Nhà văn.

16. Vũ Tuấn Anh (1995), Đổi mới văn học và sự phát triển”, Tạp chí Văn họcsố 4. 17. Đào Tuấn Ảnh (2005), “Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu

hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8.

18. Lại Nguyên Ân (1989), “Mấy nhận thức về đổi mới trong văn nghệ”, Văn nghệ,

19. Bakhtin, (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, Hà Nội.

20. M. Bakhtin, (1993), Những vấn đề thi pháp Đostoievski, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 21. Lê Huy Bắc (1998), “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại”, Văn học số

9.

22. Nguyễn Thanh Bình, Khi nhà văn Tạ Duy Anh “Giã biệt bóng tối ”, www.my.opera.com.

23. Nguyễn Thị Bình (2003), “Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975”, Văn học, số 4.

24. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Nghị quyết 05 về văn hóa, văn nghệ.

25. Nguyễn Minh Châu (1987), “Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)