Con người sợ hãi, hoài nghi

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 62)

Nỗi sợ là một trong những chủ đề được Tạ Duy Anh đặc biệt chú ý: “Tôi nghiền ngẫm về chủ đề Nỗi Sợ từ lâu, nhất là hồi tôi nằm trên giường bệnh và đối mặt với cái chết mà nếu tin vào kết quả xét nghiệm thì cầm chắc. Nhưng sẽ còn mất nhiều thời gian để tôi suy nghĩ về hậu quả do nỗi sợ gây ra cho đến khi tôi được khích lệ bởi những điều Thánh Paul nói về Nỗi Sợ…: Nỗi sợ như cái gai đâm sâu vào da thịt ta. Chỉ một câu nói đó thôi đủ nói nên Nỗi Sợ tác động đến đời sống con người như thế nào” [4, 393]. Chủ đề Nỗi Sợ đã được Tạ Duy Anh thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật. Con người được khắc họa trong tác phẩm hầu hết là những con người sợ hãi, hoài nghi trước cuộc đời. Kiểu nhân vật này cũng đã xuất hiện trong những tiểu thuyết khác của ông.

Đi tìm nhân vật, con người sợ hãi được biểu hiện bằng sự hoảng loạn, luôn bị ám ảnh bởi một uy quyền nào đó. Nhân vật “tôi” “luôn luôn sợ một cái gì đó sẽ hút

mình vào, luôn có cảm giác bị rình rập, bị theo dõi bủa vây thường trực bởi nỗi sợ bị con thú nào đấy xồ ra”[9, 58]. Để lí giải cho sự sợ hãi thường xuất hiện ở con người, Tạ Duy Anh cho rằng nỗi sợ ấy chỉ có thể có khi con người luôn cảm thấy nhỏ bé, bất lực, thậm chí cả sự tàn phế. Trong tác phẩm này, Tạ Duy Anh xây dựng nhân vật có những khuyết tật, què quặt về thể xác lẫn tâm hồn. Nhân vật “tôi” thiếu tự tin vì “niềm kiêu hãnh đàn ông bị đánh cắp”[9, 31]. Từ sự thiếu tự tin dẫn đến sợ hãi, anh ta né tránh phụ nữ vì sợ họ lật tẩy mình. Trước hành động của cô gái dở người, anh ta xấu hổ và sau đó thì căm giận. Như vậy, nỗi sợ hãi cũng tạo nên sự tha hóa của con người. Nhân vật “tôi” hành động giết con chim bồ câu thật man rợ và cưỡng bức cô gái một cách đầy bản năng đã chứng tỏ điều đó. Chính sự sợ hãi đã khiến con người thu mình lại để dò xét thế giới xung quanh và lắng nghe sự bàn tán của mọi người về cuộc sống, về chính mình như một sự tìm kiếm mình từ bên ngoài, đồng thời, chạy trốn trước những nguy hiểm có thể ập đến với mình. Như vậy, ở đây con người vừa chạy trốn vừa tìm kiếm. Trên hành trình ấy, càng tiến sâu thì con người càng hoảng loạn, càng rơi vào nỗi sợ hãi lớn hơn. Nhân vật “tôi” trong Đi tìm nhân vật là một con người như thế. Anh ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng, giả vai một kẻ cô đơn để chạy trốn và tìm kiếm. Với vị trí ấy, anh lắng nghe, quan sát người khác và suy diễn, tưởng tượng ra những điều người khác nghĩ về mình. Tuy nhiên, những con người ấy cũng không có được những phán xét cuối cùng về anh ta. Có nhiều lúc anh hoang mang trước hình ảnh của mình trong mắt người khác, song, cuối cùng anh vẫn tự biết đánh giá về bản thân mình. Như thế, nhân vật đã tự giấu mình và quan sát, lắng nghe để có thể soi mình qua ý thức người khác, để biết được tất cả những nhận định khách quan về bản thân mình. Đồng thời, nhân vật ấy cũng biết mọi khả năng hình ảnh của mình có thể bị khúc xạ trong các tấm gương ý thức của người khác và cũng biết rằng tất cả những nhận định ấy đều không thể hoàn kết mình bởi nhân vật tự ý thức được chúng. Hơn ai hết, nhân vật “tôi” biết rằng lời nói cuối cùng chỉ có thể thuộc về mình. Chi tiết nhân vật “tôi” đã tự ẩn mình trước Thảo Miên khiến cô nhìn “tôi” mà không chút nghi ngờ đó là “tôi”, bởi nếu đó là “tôi” thì nhất định Thảo Miên phải nhận ra. Như vậy, chỉ có “tôi” mới có thể tự khẳng định “tôi” là “tôi”, không ai có thể thay thế

“tôi” làm được việc đó cả. Trong lúc ẩn mình ấy, “tôi” lắng nghe lời bình phẩm của tất cả mọi người để rồi hoài nghi và cố gắng tìm câu trả lời. Điều đó chứng tỏ “tôi” không chấp nhận những phán xét của người khác, lời phán xét cuối cùng phải là của chính “tôi”. Như vậy, “tôi” là “tôi” với tất cả những gì thuộc về “tôi” chứ không phải là “tôi” trong cách nhìn của người khác.

Có thể nói, sự sợ hãi luôn ngự trị trong con người, như là bản tính có sẵn. Một nhân vật của Tạ Duy Anh đã nói: “Phải biết sợ mới thành người được chú ạ. Có cả ngàn thứ đáng sợ: tai mắt ở đời, toàn loại tai mắt rắn độc cả đấy? Kinh khủng lắm chú ơi! Rồi còn mật vụ, cảnh sát, guồng máy quyền lực luôn luôn đói khát. Nó có thể nghiền nát tôi và chú thành một thứ bùn rồi nếu cần nặn lại thành chó, thành chuột, thành bọ chét, thành giun dế… Chú có ở cạnh con quái vật ấy đâu mà biết nó đáng sợ như thế nào” [9, 137]. Ở Đi tìm nhân vật, nhân vật “tôi” trốn chạy bởi sự sợ trả thù đã được tiên định trước. Vì nỗi sợ ấy, “tôi” trốn chạy cái chết và cuộc đời mình trong quá khứ. Nhưng sâu xa hơn, nhân vật tự biết là sợ lịch sử phản lại chính mình. Như lời ông Bân từng nói: “Hiện tại hắn đang nắm giữ bí mật của cuộc báo thù mà hắn cũng bị săn đuổi. Nhưng sở dĩ hắn không dám mở ra xem vì sẽ vô cùng kinh hãi nếu, rốt cuộc, chẳng có bất cứ bí mật nào hết. Nó còn kinh sợ hơn cả việc hắn trở thành con mồi của những kẻ giết người. Bởi vì khi đó hắn mất luôn cả ảo tưởng mình là nạn nhân của một bi kịch mang tính lịch sử. Vả lại, mất đi sự bí ẩn, dù đó là bí ẩn mang bộ mặt thần chết, thì cuộc sống kém biết bao sự hấp dẫn?” [9, 271]. Chính vì thế, nhân vật tôi chỉ có một khả năng duy nhất để lựa chọn: “nỗi sợ không cho tôi nghĩ được bất cứ điều gì ngoài khả năng chạy trốn”. Và vì không dám nhìn thẳng vào quá khứ để biết được thực ra mình là ai, anh ta càng trở nên hoang mang trước hiện tại: “Mệt mỏi, hoang mang, lo âu, chán nản,…Ngần ấy thứ bao vây lấy tôi. Tôi có cảm tưởng mỗi cá nhân giống như một mã số, một kí hiệu, … luôn có nguy cơ biến dạng, bị nhiễu, bị sai lạc về tín hiệu hoặc mất hút mà không ai cần biết lí do” [9, 206].

Nhân vật tiến sĩ N – một bản sao khác của “tôi”, khi phải sống bằng một bộ mặt nạ, đã rất lo sợ “có người khui ra nguồn gốc của mình nhưng lại mong được sòng

phẳng với sự thật, cho dù phải giam cầm, đày ải hoặc chết mục xương ở một xó rừng nào đó” [9, 140]. Chính cái gánh nặng phải sống cho hình ảnh mình trong con mắt người khác và không có cơ hội để nói ra sự thật đã đẩy ông đến với cái chết.

Không chỉ con người trong Đi tìm nhân vật luôn phải đối mặt với nỗi sợ mà trong các tác phẩm khác, con người cũng không thoát được nỗi sợ luôn thường trực bởi bao nguyên do khác nhau. Trong Lão Khổ, con người phải sống với nỗi sợ bị báo thù bởi các thế lực đối lập. Tạ Bông sau bao chìm nổi của cuộc đời đã từng thốt lên rằng: “Tôi thấy sợ quá ông ạ: Mình ra đường bây giờ cứ như lạc vào nghĩa địa ấy! Nó lạnh lùng, nó tàn khốc, nó nguy hiểm chứ chả được như ngày xưa còn có tí đạo lý” [4, 206]. Lão Khổ nhiều đêm đối mặt với quá khứ, với hiện tại cô đơn, với bóng đêm đã thú thật: “Bố thấy sợ quá. Trần gian cứ tối tăm mãi thế này thì khủng khiếp quá” [4, 238]. Và ngay cả khi nằm mơ thấy mình chịu hình phạt phải “về trần sống tiếp”, lão cũng đã “hù lên một tiếng kinh hãi” [4, 221]. Ông Tư khi về già, ngẫm lại những việc đã làm trong quá khứ đã rơi vào nỗi sợ triền miên bởi những giấc mơ. Ông sợ cả những bóng ma, những lũ âm binh đòi mạng xuất hiện trong những giấc mơ của mình. Còn trong Thiên thần sám hối, các nhân vật cũng bị ám ảnh bởi nỗi sợ luôn đeo đẳng. Thai nhi khi chưa ra đời đã dè chừng, sợ phải đối mặt với cuộc đời không mấy bình yên bên ngoài: “Ái chà, xem ra cái cuộc đời ngoài kia cũng bất trắc và nguy hiểm lắm nhỉ. Có biết bao tai họa khó lường mình còn chưa cắt nghĩa được bằng từ ngữ. Vậy thì dại gì mà chui đầu vào rọ khi mình có toàn quyền quyết định”

[4, 257]. Những người mẹ trót từ bỏ con của mình lo sợ sự trả thù, sự báo ứng. Cô Giang từ khi uống thuốc độc để chối bỏ đứa con không biết là của chồng hay của ông tổng biên tập, đã không thể nào sinh con được, lần nào cũng “cứ đến đúng tuổi cái thai bị em giết là nó sảo ra”. Và cô “không dám cho người ta siêu âm vì rất sợ nó không bình thường [4, 338]. Ngay cả mẹ của thai nhi cũng từng “có một nỗi sợ mà em không thoát được: em sợ có con. Hồi đó em sợ có con anh ạ” [4, 315].

Như vậy, nỗi sợ luôn đeo bám con người một cách dai dẳng. Dường như con người không có khả năng vượt thoát nỗi sợ ấy. Và từ sự sợ hãi, con người trở nên hoài nghi đời sống xung quanh và dần dần đi đến hoài nghi chính bản thân mình. Lão

Khổ - kẻ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nỗi hận thù và nghi ngờ của mình đã từng than thở: “Cuộc sống này phải chăng tồn tại bằng sự vờ vĩnh. Chao ôi, bao giờ con người mới gỡ được chiếc mặt nạ phải đeo vào kể cả khi ngủ với tình nhân?” [4; ]. Phải chăng, con người luôn tự đeo cho mình một chiếc mặt nạ và vì thế cũng chỉ được nhìn thấy người khác ở cái mặt nạ của họ mà thôi. Thế nên, tất cả đều nghi ngờ, không dám tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì, kể cả bản thân mình. Giống như một gã thanh niên mà “tôi” gặp trong Đi tìm nhân vậtđã từng nói: “Thôi, em chuyện tếu cho vui chứ biết tin vào cái gì bây giờ… Bây giờ chuyện thật là bịa, còn chuyện bịa thì là thật. Em cũng chịu không biết chuyện nào mình bịa, chuyện nào có thật. Đại loại bịa mãi thành thật. Còn thật mà kể mãi thì thành bịa.

- Nhưng phải có cái gì không bịa chứ?

- Ông anh cho em thấy ngay thứ ấy đi.

- Chẳng hạn cái mặt tao, cái mặt mày?

- Mặt ông anh thì còn phải xét, chứ mặt em thì bịa một trăm phần trăm. Làm gì còn của thật. Vả lại, chỉ đáng tin vào cái gì bịa ra thôi” [9, 225].

Như vậy, chính sự đổ vỡ niềm tin mà con người hiện đại rơi vào trạng thái sợ hãi, hoài nghi. Để tránh mọi tai họa, con người đã tự che giấu, ẩn con người thật của mình đi. Và chính vì thế, con người mất niềm tin, hoài nghi tất cả, ngay cả bản thân mình. Tạ Duy Anh đã đi sâu khám phá và tìm hiểu điểm yếu ấy ở con người hiện đại chắc chắn là không chỉ để khôi phục lòng tin của con người mà còn là cảnh báo cho xã hội hiện tại và dự báo cho xã hội tương lai.

Với cái nhìn đầy yêu thương và niềm tin nhưng không né tránh về hiện thực và con người, Tạ Duy Anh đã thể hiện một cách chân thực, sâu sắc những quan niệm của mình về hiện thực và con người. Dưới ngòi bút của nhà văn, hiện thực cuộc sống được phơi bày đến mức nghiệt ngã khiến người đọc đôi khi e ngại. Cùng với hiện thực, đối tượng trung tâm của văn học – con người – được nhà văn khám phá và thể hiện ở tất cả các mặt và chiều sâu vốn có của nó. Con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh được chạm đến ngay cả phần đời sống tâm linh đầy bí ẩn lẫn những phần khuất tối không dễ nhận ra. Bằng ngòi bút không khoan nhượng, Tạ Duy Anh đưa hiện thực

vào tác phẩm để người đọc ghê sợ cái phần xấu xa của nó, từ đó tìm cách thay đổi, hướng đến những gì tốt đẹp. Đó là dụng ý, là tấm lòng của nhà văn hết lòng yêu thương con người.

Chương 3

TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH – NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT

Để thể hiện quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người, Tạ Duy Anh đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Là một nhà văn có ý thức coi trọng kĩ thuật viết, Tạ Duy Anh chọn lọc đưa vào tác phẩm của mình những thủ pháp nghệ thuật phù hợp nhằm đạt hiệu quả biểu đạt cao nhất. Ở chương này, người viết đi sâu vào các yếu tố nghệ thuật đặc sắc nhất làm nên thành công và dấu ấn cho tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)