Trong văn học hiện đại, Tạ Duy Anh không phải là là người đề cập đến cái chết nhiều nhất. Tuy nhiên, sự xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại của cái chết trong tác phẩm của ông đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người đọc. Tạ Duy Anh nói nhiều đến cái chết của con người. Đó thường là cái chết của những con người từng trải, đã quá mệt mỏi với cuộc sống nhân sinh. Nhiều người phải chấp nhận cái chết như một kết cục tất yếu. Nhưng cũng có người coi đó là lựa chọn duy nhất và có ý nghĩa nhất cho đời mình. Đặc biệt, tác phẩm của nhà văn này cũng nói nhiều đến cái chết của những sinh linh chưa bao giờ được làm người. Môtip Cái chết trong tiểu thuyết của ông ẩn chứa những thông điệp, những ý nghĩa riêng mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả.
Cái chết với vai trò như một sự trừng phạt đối với những tội lỗi của con người được xuất hiện nhiều lần nhất. Đó là cái chết của lão Phụng, lão Tự… trong Lão Khổ; của tên San, mụ Hường, lão Thìn, lão Phụng, lão Định mắm … trong Giã biệt bóng tối. Tất cả họ đều ít nhiều vướng vào những tội ác đối với con người và họ phải trả giá cho những hành động ấy bằng chính sinh mạng của mình. Môtip Cái chết ở đây như một lời nhắc nhở để con người tránh xa tội ác.
Nếu như nhiều nhân vật của Tạ Duy Anh phải nhận lấy cái chết như một hình phạt lớn nhất, thì cũng trong nhiều tác phẩm của ông, không ít các nhân vật khác lại tìm đến cái chết như một sự giải thoát duy nhất đối với họ. Chị Thư trong Lão Khổ
sau lần tìm gặp lão Khổ trong đêm, không hề giấu giếm khao khát của mình và bị lão từ chối nên đã tự tìm đến cái chết. Cái chết lúc đó quả thật là sự giải thoát đối với chị, bởi chị không thể sống nổi trong sự hành hạ, ghen tuông vì bất lực của người chồng; chị cũng không thể sống nổi khi phải luôn kìm nén những khao khát hạnh phúc chính đáng. Và nguyên nhân trực tiếp nhất, quan trọng nhất là chị không thể tiếp tục sống khi ngày hôm sau phải đối mặt với người đã xua đuổi, từ chối chị - người duy nhất có thể cứu vớt chị khỏi cõi trần gian đầy khổ ải: “Chị Thư đứng chết lặng, lòng tê tái bởi hình như chị vừa bị làm nhục. Với tư cách một người đàn bà, chị khinh bỉ lão Khổ. Nhưng như vậy chính chị đã tự lột truồng ra trước mắt lão và bị lão cười cợt. Chị
cầu mong mặt trời bỗng nổ tung để không còn có ban ngày nữa. Lòng danh dự, ý thức về phẩm giá như một trái núi đổ ập xuống cuộc đời chị, không cho chị còn chút sức lực để gượng dậy” [4, 218]. Lão Khổ trong tác phẩm này thì mệt mỏi bởi bao hận thù, đấu đá của đời người, chán ngán trong nỗi tuyệt vọng chưa tìm thấy lối thoát đã nghiệm ra: “ở một khía cạnh nào đó, sống là cuộc đi đày, và cái chết là dấu hiệu đầu tiên của tự do” [4, 237]. Cái chết đối với lão không đáng sợ mà ngược lại lão sợ tiếp tục cuộc sống ở trần gian. Và với lão, cái chết có thể giúp mình thoát kiếp sống “biến con người thành quỷ dữ” [4, 50].
Nhân vật Thượng trong Giã biệt bóng tối dù còn là một đứa trẻ cũng đã nghĩ đến việc từ bỏ kiếp sống mà mình đang có: “Tôi chỉ muốn gục xuống, ngủ một giấc và không dậy nữa, chẳng cần biết thêm bất cứ sự gì trên đời. Ai đó có thể tin không một đứa bé hơn chục tuổi nhưng lại đã nghĩ đến cái chết. Nhưng tôi thấy mình sống thế cũng đủ mệt rồi” [15, 200]. Đó là sự mệt mỏi bởi gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai bé bỏng. Nhưng quan trọng hơn, chính là sự mệt mỏi bởi phải sống trong bầu không khí thiếu vắng tình người, chỉ có những đua chen, lọc lừa.
Tiến sĩ N trong Đi tìm nhân vật cũng tìm đến cái chết để giải thoát con người thật của mình, để từ chối một cuộc sống mà ở đó ông phải sống như một người khác, bằng một gương mặt nạ không thể cởi bỏ ngay cả khi ngủ bên vợ. Trước khi chết bằng cách tự sát, tiến sĩ N đã từng tìm đến cái chết bằng cách nộp đơn tình nguyện vào chiến trường. Ông đã từng thú nhận, thật ra hành động “làm sửng sốt giới đồng nghiệp lúc ấy, chính là những ám ảnh sau khi chia tay với em tôi” [9, 139]. Bởi từ sau lần gặp gỡ ấy, anh ta “luôn luôn sợ hãi có người khui ra nguồn gốc của mình nhưng lại mong sớm được sòng phẳng với sự thật, cho dù phải giam cầm, đày ải hoặc chết mục xương ở một xó rừng nào đó. Bởi vì quả là chết có lẽ đỡ khổ hơn là sống như tôi. Phải tìm cái chết là quyết tâm của tôi. Nhưng tôi vẫn cần cái chết đem lại ảo tưởng “vì một cái gì đó” và nó chỉ có ở chiến trường” [9, 140]. Thế nhưng cái cách giải quyết để sòng phẳng với bản thân nhưng lừa bịp mọi người đã không thành. N không chết. Trở về với cuộc sống thời bình, N không còn cơ hội để nói ra sự thật vì “sự kính trọng ấy chính là hình phạt khủng khiếp nhất giáng lên đời tôi. Chính nó đã tước của
tôi khả năng cuối cùng nói ra sự thật. Tôi biết có nhiều người như tôi, không được quyền nói ra sự thật của đời mình. Bởi vì xóa bỏ trong kí ức người khác một thần tượng, còn báng bổ hơn cả việc lừa dối họ” [9, 154]. Có lẽ, nhu cầu tự thú, ý thức cá nhân đã khiến tiến sĩ N quyết định chọn cái chết. Như vậy, “thằng tôi bản gốc” đã giết “thằng tôi bản sao” để tự giải thoát mình. N không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự tự kết liễu. Chỉ có cái chết mới giải thoát cho ông khỏi những gánh nặng quá sức ở cõi trần gian. Cái chết của một người thành đạt, hạnh phúc như ông khiến nhiều người ngoài cuộc không thể lí giải “bởi vì ai mà tin được một người như tiến sĩ N suốt đời chỉ làm được một việc có ý nghĩa: Ấy là tự sát!” [9, 160].
Những cái chết như một sự giải thoát là tiếng chuông cảnh tỉnh con người hãy biết sống như thế nào để không phải coi kiếp sống của mình là sự đày ải ở chốn trần gian.
Trong các tác phẩm của mình, cái chết của những đứa trẻ chưa thành người ở
Thiên thần sám hối có một sức ám ảnh đặc biệt đối với người đọc. Khép lại trang sách của nhà văn này, người đọc không khỏi day dứt, tra vấn chính bản thân mình. Con người thời hiện đại với những hiểu biết đáng kính nể thực chất có mang lại cuộc sống tốt đẹp cho đồng loại? Tại sao có những đứa trẻ trước khi ra đời đã trăn trở rất nhiều với quyết định tưởng chừng không hề phải suy nghĩ? Tại sao có rất nhiều đứa trẻ đã chối bỏ quyền làm người trong khi những đấng sinh thành mỏi mắt ngóng trông? Bởi vì, cuộc đời mà nó sắp đón nhận không đủ hơi ấm tình người, khi nó biết rằng, đã có bao đứa trẻ khao khát đến cháy bỏng là được ra đời lại bị từ chối trong sự ghét bỏ tột độ. Cái chết của những đứa trẻ khao khát hay chối bỏ quyền làm người đều có sức nặng tố cáo thực trạng đạo đức của con người trong xã hội hiện nay.
Trong Đi tìm nhân vật, ông Bân – một nhà văn đang tìm nhân vật cho cuốn sách của mình: “Nhân vật chính là một thanh niên có tài, hơi khác người ở chỗ anh ta chuyên đi sưu tầm các kiểu chết: chết do bị giết; chết vì tai nạn; chết bởi không biết sống thêm để làm gì; chết vì sợ; chết vì sướng quá; chết vì tình; vì tiền; chết bởi quyền lực; chết bởi bạn bè; chết do thắt cổ, trầm mình, uống thuốc độc; chết bằng dao, bằng chun quần phụ nữ; chết vì thua kiện; vì hóc xương gà; chết vì sám hối, vì
thấy vô nghĩa; chết như thánh thần, như trâu chó vv… Nghĩa là những cái chết về thể xác” [9, 165]. Việc đi tìm những cái chết của nhân vật này được lí giải là nhằm “hiểu được bi kịch của thời đại”. Thế nhưng, nhân vật ấy trong quá trình tìm hiểu những cái chết luôn nhớ về quá khứ - nơi mình trở thành nhân vật chính. Và “cuối cùng, cuộc tìm kiếm thật sự, cuộc tìm kiếm bi thảm nhất chính là tìm kiếm cái chết của chính nhân vật”. Theo ông Bân, “hắn chết, tức là giấc mơ của con người lụi tắt theo sự sụp đổ của cái thế giới, với bát nháo loại tư tưởng, nơi mà hắn nương náu”. Và “chủ đề mà tôi theo đuổi là khi lịch sử phụ họa cho các cuộc phiêu lưu mang con người ra thể nghiệm, tất yếu nó đẩy con người đến chỗ là kẻ thù của tương lai. Nó tạo ra một thế giới vong thân, vong bản, và đó là cái chết kinh khủng nhất, cái chết không có cơ hội phục sinh” [9, 166]. Bân đã rút ra ý nghĩa sâu xa trong việc nhân vật của mình tìm hiểu về những cái chết: “Cái chết mà hắn tìm kiếm là cái chết sau sự giải thiêng triệt để các cấp giá trị, cái chết như là hậu quả tất yếu mang theo dấu ấn của thời đại hắn, thời đại của những thể nghiệm tăm tối và những kiếm tìm ngạo ngược nhưng vô vọng. Vì thế hắn hành động bất chấp mọi logic, ngoại trừ logic của hắn (…). Hắn bắt đầu sự kiện thằng bé đánh giày bị đâm chết mà hoàn toàn có thể coi như một thiên sứ mang thông điệp bị giết. Đó là một sự kiện, bản thân nó đã hàm chứa những ẩn ý cay đắng. Nhân loại giết thiên sứ, có thể do họ chối bỏ Thiên Đường, cũng có thể vì họ không còn tồn tại khái niệm thiên sứ” [9, 272].
Vì sao ông Bân lại có hứng thú viết về cái chết như vậy? Trong suốt cuộc đời đi tìm nhân vật của mình, suy ngẫm nhiều về cái chết, ông nghiệm ra rằng “sự thối rữa thân xác là sự dâng tặng Chúa một cách toàn tâm nhất linh hồn của mình” [9, 245]. Chính vì thế ông đã chuẩn bị cho cái chết của mình: “Cậu cứ chờ đấy, tôi sắp có quà cho cậu. Tôi tin đó sẽ là món quà có ý nghĩa với cậu bởi vì đó chính là cái chết của tôi như một tặng vật ghi dấu tình bạn của chúng ta”. Và “chỉ ít hôm sau cái lần tôi gặp ông, ông bỏ đi lang thang và chết như một kẻ đầu đường xó chợ, ở một bãi đất hoang, vào ban đêm” [9, 246]. Ông đã tìm được nhân vật cho mình và nhân vật của ông vẫn tiếp tục mải miết trên hành trình kiếm tìm những cái chết của con
người, trong đó có cái chết của chính ông. Bi kịch của thời đại cũng dần được khám phá qua những cái chết mà nhân vật đi tìm.
Một lí do nữa khiến ông Bân để nhân vật của mình tìm hiểu về cái chết là ông “luôn luôn bị ám ảnh về cái chết” từ sau khi chứng kiến cảnh đám đông hùa nhau chôn sống người bạn gái bé bỏng của ông chỉ vì bố mẹ cô bé bị bệnh hủi. Cái chết của cô bé đáng thương ấy cũng đồng thời là cái chết của tính người, tình người. Đồng loại chôn sống cô bé tức là đang tự chôn những phẩm chất tối thiểu cuối cùng cần có ở con người. Họ không chỉ gây ra cái chết cho cô bé mà còn đem đến cái chết của niềm tin yêu, hi vọng, của tâm hồn trong trẻo, thánh thiện nơi người bạn thân của cô bé ấy: “Tôi trở thành đứa trẻ câm lặng, đầy mặc cảm, luôn trốn tránh đám đông, luôn luôn bị ám ảnh về cái chết” [9, 169].
Như vậy, sự thiếu hiểu biết và ích kỉ khiến con người mất hết tình người và đem đến cái chết cho đồng loại, cho chính mình. Ở Lão Khổ xuất hiện cái chết do sự hận thù. Chính những hận thù truyền khiếp trong ngu muội đã giết chết cuộc sống thanh thản, hạnh phúc của bao đời người; giết chết tình yêu; giết chết tương lai. Trong tác phẩm này, chúng ta có thể thấy rõ, những hận thù ấy đã giết chết tuổi thơ lẽ ra sẽ rất tươi đẹp, trong sáng, đầy mơ mộng và khát khao của Hai Duy. Những hận thù đó cũng đem lại bi kịch cho tình yêu trong trẻo, thủy chung của Hai Duy và Giang Tâm. Tình yêu ấy nếu không được đôi bạn trẻ đấu tranh để gìn giữ đến cùng thì chắc hẳn cũng đã bị giết chết bởi những hận thù mà họ chẳng hề gây ra.
Tác phẩm của Tạ Duy Anh còn nhắc nhiều đến cái chết của những con người tự đánh mất mình. Họ là những người bị tác động bởi hoàn cảnh và đã thay đổi, đánh mất con người rất riêng, rất nhân tính, rất đáng quý lúc đầu. “Cái chết” ấy diễn ra ở rất nhiều nhân vật như mụ tú bà, gã thầy lang, đám đông (Đi tìm nhân vật). Như vậy, Tạ Duy Anh quan niệm rằng, chấp nhận sự vong thân, vong bản là chấp nhận cái chết tận cùng về mặt bản thể.
Môtíp Cái chết được Tạ Duy Anh xây dựng có sức ám ảnh lớn đối với người đọc. Mỗi cái chết đều ẩn sau nó những tầng sâu ý nghĩa, triết lý. Trước những “Cái
chết” ấy, con người ta sẽ biết “Sống” hơn. Phải chăng đó là điều mà tạ Duy Anh mong muốn nhận được ở những độc giả của mình?