0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh

Một phần của tài liệu NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH (Trang 37 -37 )

2.2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, văn học lấy con người là đối tượng trung tâm để phản ánh. Văn học nghệ thuật càng phát triển thì việc đề cập tới con người và tất cả những gì liên quan đến con người càng được chú trọng. Theo lịch sử phát triển, ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, con người lại có những cách quan niệm khác nhau về chính mình và đồng loại. Văn học cũng vậy, trải qua thời gian, quan niệm về con người có nhiều thay đổi. Mỗi nhà văn là một thế giới riêng, luôn tiếp nhận những ảnh hưởng khác nhau của cuộc sống và do đó, quan niệm nghệ thuật nói chung và quan niệm nghệ thuật về con người nói riêng của họ là rất đa dạng và phong phú. Nhà văn nhào nặn tác phẩm từ quan niệm nghệ thuật về con người. Toàn bộ sáng tác của nhà văn bộc lộ quan niệm đó. Quan niệm này sẽ chi phối toàn bộ công việc sáng tạo của nhà văn. Và muốn tiếp cận tác phẩm, chúng ta không thể không tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Ở nước ta, từ sau đổi mới, nền văn học được cởi trói, các nhà văn đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm riêng của mình về con người. Cách nhìn nhận và quan niệm về con người cũng có những chuyển biến đáng kể. Nếu như trước đó, các nhà văn nhìn con người ở phương diện đạo đức, lí tưởng vì cộng đồng, thì giờ đây họ nhìn nhận con người ở tất cả những góc khuất, chiều sâu trong tâm hồn. Vì khi chiến tranh qua đi, con người trở về với cuộc sống đời thường với tất cả những phức tạp vốn có của nó. Chính lúc đó, con người sẽ bộc lộ bản chất thật nhất của mình. Con người với đầy đủ các phẩm chất và thuộc tính, bản năng và ý thức, thấp hèn và cao thượng, phần con và phần người … Từ con người tập thể sang con người đời thường với tất cả tính chất mâu thuẫn phức tạp. Một quan niệm mới về

con người được hình thành, đấy là “con người cá nhân, con người chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của chính bản thân mình” Con người ấy không còn “nguyên phiến sử thi” - chữ dùng của Trần Đình Sử - mà hiện lên với nhiều mâu thuẫn. Những mặt trái của đời sống được phơi bày cụ thể; sự tha hóa về nhân cách, những số phận bi kịch, những tâm trạng lo âu khắc khoải được đặc tả. Con người được hình dung và thể hiện ở nhiều mặt : Không chỉ có ý chí, tư tưởng, tình cảm mà còn được khắc họa ở các phương diện bản năng vô thức, tâm linh, nghịch lí… Và có thể nói, “trong tất cả các loại hình văn học thì tiểu thuyết có khả năng tiếp cận số phận mỗi con người hơn cả. Với đặc trưng thi pháp của mình, tiểu thuyết có thể đi vào mỗi ngóc ngách của của số phận, lí giải các tình huống tâm lí và chỉ ra sự tất yếu trong hàng loạt những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên xảy ra trong mỗi cuộc đời con người” [111, 420]. Chính vì vậy, nhiều nhà văn đã tìm đến thể loại này để tái hiện và thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình về con người.

Sự phức tạp, phong phú trong đời sống con người đòi hỏi văn học phải nhìn nhận con người một cách toàn diện, sâu sắc hơn. Chính điều đó đã thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người của các nhà văn. Tạ Duy Anh cũng là một trong số đó. Qua tác phẩm của mình cũng như những bài trả lời phỏng vấn, nhà văn này đã bộc lộ rất rõ quan niệm nghệ thuật về con người của mình. Là một trong những nhà văn tiêu biểu sau thời kì đổi mới, Tạ Duy Anh cũng có những quan niệm nghệ thuật rất riêng về con người. Với ông, bản thân mỗi con người luôn tồn tại cái Thiện và cái Ác. Và con người trong cuộc sống hiện đại luôn rơi vào trạng thái cô đơn, dễ tha hóa, đánh mất bản thân mình. Trong bài trả lời phỏng vấn, Tạ Duy Anh khẳng định: “Tôi là người thích đi mấp mé bên bờ vực của cái ác và thiện với hi vọng có thể soi rọi vào nó ở những phần khuất lấp ít người chạm tới. Và sau đó - nếu có thể - là chiếm lĩnh “Bờ bên kia của cái thiện và cái ácnhư tưởng tượng của Nietzsche. Những gì tôi mô tả có thể xem như kết quả của quá trình khám phá đó. Cuộc mạo hiểm nào cũng phải trả giá đắt và tôi đã sẵn sàng cho việc đó” [4, 419]. Như thế, Tạ Duy Anh đã khẳng định mình chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng hiện sinh của Nietzsche. Ông khám phá con người ở những phần khuất tối, đi sâu tìm hiểu những dục vọng thấp hèn có khả năng

cầm tù con người. Cái mới của nhà văn này là ông cho rằng “bản thân con người không thể loại bỏ được tội ác ra khỏi đời sống”. Và cái ác trong quan niệm của ông bao gồm cả sự tối tăm, thù hận, ngu dốt… Trong các sáng tác về nông thôn, nhân vật của ông hầu hết đều là những con người thù hận. Chính sự thù hận đã đày đọa họ và những người chung quanh. Sống trong vòng thù hận lẩn quẩn ấy, con người trở thành những tội nhân gieo đau khổ cho đồng loại và chính bản thân mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Lão Khổ và rất nhiều truyện ngắn. Trong Lão Khổ, biết bao con người ở làng Đồng đã sống suốt đời trong thù hận. Sự hận thù đã được họ lưu truyền, nuôi nấng ngày một lớn và chính khát vọng trả thù đã đem lại bất hạnh cho tất cả. Kẻ trả thù và người bị trả thù, tất thảy đều không tìm được hạnh phúc, đều mất đi sự thanh thản trong tâm hồn - cái mà lẽ ra họ có thể có nếu hóa giải sự hận thù. Trong quan niệm của Tạ Duy Anh, con người trong xã hội hiện đại đã tự phơi bày sự thấp hèn, bản tính phi nhân, thú dữ của mình. Ông cho rằng “có một tí thánh thần, một tí súc vật, một tí người, một tí quỷ, một tí sâu bọ… mỗi thứ một tí trong con người” [9; 242]. Tác phẩm Đi tìm nhân vật thể hiện đậm nét nhất quan niệm này của ông. Những nhân vật như Chu Quý, Thảo Miên, tiến sĩ N, người gác rừng, … đều là những con người không đơn nhất mà phức tạp vô cùng. Chính sự phức tạp ấy đã tạo nên những con người rất thật, rất gần với những gì nó có.

Bên cạnh việc thể hiện trạng thái con người mấp mé giữa lằn ranh Thiện - Ác, trang văn của Tạ Duy Anh chất chứa nỗi buồn trước sự tha hóa của con người, nỗi lo về thân phận con người, về sự biến mất của cá nhân. Nhân vật của ông hầu hết là những con người cô đơn đến tột cùng và đang dần đánh mất bản thể của mình. Trong cuộc sống hiện đại, cái đáng sợ nhất là con người không còn nhận ra mình trong vòng quay hối hả của cuộc sống… Cuộc sống không có mục đích để theo đuổi, không còn những cuốn hút, say mê nên ngưng đọng đến ngạt thở. Con người trở nên nhỏ nhen, ti tiện, “bị bủa vây trong nỗi sợ hãi, vong thân, vong bản, đánh mất mình là sự cảm nhận đớn đau về số phận con người, là mối quan tâm lớn nhất của Tạ Duy Anh”. Chu Quý trong Đi tìm nhân vật mải miết trên hành trình đơn độc đi tìm bản thể và đã có không ít lần hoài nghi về sự tồn tại của mình. Kiếp người trong tác phẩm của nhà văn

này gắn liền với bao đau khổ. Và ông băn khoăn đi tìm những nỗi khổ ải của con người. Ông cho rằng “Từ ánh sáng con người bước vào bóng tối với khát vọng quằn quại đi tìm ánh sáng! Khởi thủy của bi kịch, tình yêu, niềm đam mê tự do, của nỗi khổ … bắt đầu từ đấy” [9; tr ]. Với quan niệm đó, Tạ Duy Anh đã tạo ra những nhân vật luôn sống trong trạng thái tinh thần căng thẳng, bị dằn vặt và muốn chuộc lỗi, những kiếp người đầy khổ đau và niềm trắc ẩn. Trong trạng thái đó, con người thấm thía nỗi đau của mình và của loài người nói chung. Rất nhiều lần trong những tác phẩm của mình, Tạ Duy Anh đã để nhân vật nói lên tư tưởng ấy. Chị Thư trong Lão Khổ chua xót khi khẳng định: “Kiếp người nào chẳng đầy rầy khổ đau và nước mắt” [4; tr219], “những ai sinh ra đều khốn khổ chẳng riêng gì em và ông” [4; tr214]. Lão Khổ cho rằng “ở một khía cạnh nào đó, sống là một cuộc đi đày và cái chết là dấu hiệu của tự do”. Người phụ nữ mang thai trong Thiên thần sám hối thì nghiệm ra “làm người hóa ra là khốn nạn nhất”. Một nhân vật khác thì đau đớn nhận ra: “em thấy làm thằng người khổ quá”… Như vậy, tất thảy họ đều là những con người bất hạnh, khổ đau. Cuộc sống với họ như là sự trừng phạt. Chẳng thế mà đã có lần lão Khổ nằm mơ về hình phạt khủng khiếp mà tòa buộc mình phải nhận là “bắt về trần sống tiếp”.

Với cách nhìn và quan niệm như vậy về con người, Tạ Duy Anh đã tạo ra trong các tác phẩm của mình nhiều kiểu loại nhân vật khác nhau. Đó là những con người tha hóa trước bao biến động của dòng đời; là những con người mải miết suốt đời trong hành trình kiếm tìm bao điều phù du và kiếm tìm chính bản thể con người mình; là những con người cô đơn giữa cuộc đời; sống trong sợ hãi, hoài nghi; là những con người luôn tự vấn, sám hối… Tất cả đều là kiểu nhân vật “phi chính thống”, nghĩa là rất khác với nhãn quan chính - tà, thiện - ác, ta - địch. Thế giới nhân vật ấy trong sáng tác của Tạ Duy Anh gây ấn tượng rất mạnh. Nó khác hẳn kiểu nhân vật truyền thống. Chính vì thế mà khi đến với tác phẩm của ông, người đọc đôi lúc có cảm giác bị thôi miên, ám ảnh. Đúng như M. Gorki từng nói: “Nghệ thuật bắt đầu từ nơi mà người đọc quên tác giả, chỉ có trông và nghe thấy những con người do tác giả trình bày trước người đọc”.

2.2.2. Các kiểu dạng con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh 2.2.2.1. Con người tha hóa 2.2.2.1. Con người tha hóa

Con người tha hóa là con người bị biến chất thành xấu đi; biến thành cái khác đối nghịch lại. Như vậy, tha hóa là hiện tượng một người bị biến thành người khác, đánh mất đi cái tôi nguyên bản tốt đẹp vốn có của mình, dưới tác động của môi trường. Con người trong xã hội hiện đại đầy tính cạnh tranh và thực dụng, nhiều người đã không giữ được những phẩm chất đáng quý của mình. Những tác động mạnh mẽ từ cuộc sống xã hội nhiều khi đã làm con người không còn giữ được những bản chất tốt đẹp của mình, làm họ mất đi tính người, tình người. Vì hoàn cảnh, vì những ích kỉ, vụ lợi cho riêng mình, họ đã dần biến thành những kẻ xấu xa, tàn ác. Tạ Duy Anh không ngần ngại né tránh mà mạnh dạn phơi bày cái thấp hèn cũng như bản tính phi nhân, thú dữ tồn tại trong mỗi con người. Không phải nhân vật nào trong tác phẩm của ông cũng bị tha hóa, đánh mất phần người của mình. Tuy nhiên, nhân vật bị tha hóa xuất hiện trong tác phẩm của ông với mật độ khá dày và với những cấp độ sắc thái đậm nhạt khác nhau.

Nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Đó là sự tha hóa một phần qua hành động, lời nói, suy nghĩ. Đó có khi là sự tha hóa hoàn toàn trên mọi phương diện. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông đã dần đánh mất mình, không còn giữ được tính cách, phẩm chất của mình, thay đổi thành một con người khác đối lập với chính mình trước đó. Sự tha hóa này nhằm thích nghi với cuộc sống hiện tại, với xu hướng mới nhưng tiêu cực và phi nhân bản mà gạt bỏ đi những giá trị tốt đẹp vốn có. Đáng ngại hơn khi họ không nhận ra sự tha hóa của mình bởi nhìn đâu cũng thấy những con người đã mất nhân cách. Khi còn là mình, con người thường cảm thấy lạc lõng, xa lạ với cộng đồng. Khi hòa tan vào cộng đồng, con người lại trở nên xa lạ với chính mình, với những bản tính rất người. Họ yên tâm bởi sự hậu thuẫn của đám đông để rồi đánh mất mình lúc nào không biết. Như vậy, sự tha hóa diễn ra trên diện rộng, trở thành điều nhức nhối. Tạ Duy Anh đã phơi bày tất cả cái xấu xa của con người. Ông viết về sự tha hóa, về cái xấu, cái ác của con người nhằm đánh thức cái thiện trong tâm hồn họ. Sự hiện diện của cái xấu,

cái ác trong tác phẩm vừa là sự phản ánh hiện thực vừa là một cách phản ứng đối với hiện thực. Và thực ra, tái hiện cái ác cũng là một hình thức chống lại cái ác. Mỗi tác phẩm của ông là sự nhắc nhở lương tâm, là sự phán xét mỗi khi con người không còn đủ nghị lực để đối diện với chính mình. Ông còn phơi bày cái ác để cảnh tỉnh con người đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt yêu thương, bị tha hóa. Để làm được điều đó, Tạ Duy Anh đã viết với một thái độ tỉnh táo, lạnh lùng và quyết liệt với cái ác, cái xấu. Nét độc đáo ở nhà văn này là ông đã giao cho nhân vật cái quyền tự lên án và tự biện hộ, tự buộc tội và tự giải thoát, vừa là bị cáo vừa là quan tòa xử tội trước tòa án lương tâm. Với cách thể hiện như vậy, có thể nói, Tạ Duy Anh đã can thiệp một cách tích cực vào cuộc sống hiện tại. Người đọc có thể nhận ra bóng dáng mình với những phần còn khuất tối bên trong để tự lên án, tự sửa đổi hoàn thiện bản thân mình.

Một kiểu con người tha hóa rất đặc biệt trong tác phẩm của Tạ Duy Anh là con người đánh mất mình, con người bị hòa tan vào cộng đồng. Kiểu nhân vật này được thể hiện rất độc đáo trong Đi tìm nhân vật. Nhân vật Chu Quý mải miết đi tìm nguyên nhân cái chết của thằng bé đánh giày ở phố G đã nhiều lần giật mình bởi bị lạc vào một mê cung đám đông – nơi mà anh ta không còn biết thật ra mình là ai. Sau mỗi lần gặp, “tôi” không còn là “tôi” nữa mà đã bị đám đông khoác cho bộ mặt kẻ khác, khiến cho anh ta hồ nghi về chính sự tồn tại của mình. Không ai nhận diện được ai, không ai tự nhận diện được mình trong cái “cộng đồng” bát nháo mà dối trá. Ở đó, sự thành thực, đạo đức, tội lỗi, … tất cả đều lẫn lộn, quay cuồng và tiêu diệt lẫn nhau. Trong cái cộng đồng lớn ấy, số phận cá nhân có nguy cơ bị nhấn chìm, đè bẹp. Con người cá nhân dường như biến mất, tất cả đều na ná giống nhau, không còn đặc điểm nào để phân định giữa người này và người khác. Nhân vật “tôi” khi quay trở lại phố G và trực tiếp nghe mọi người nói về mình đã nhận ra là tiếp xúc với đám đông này “tôi sẽ không còn biết chính tôi là ai và đang sống ở thời đại nào nữa” và thực sự hoang mang: “Nhưng mà tôi là ai nhỉ? Hay tôi chính là cái thằng cha đi hỏi về cái chết của thằng bé đánh giày? Tự dưng tôi rất muốn đi tìm hắn để xem hắn có phải là tôi không? Hay tôi là hắn lúc nào mà tôi không biết? Hay tôi đã không còn là tôi từ đời tám hoánh nào rồi? Vậy thì tôi là ai? Là hắn hay là một tôi khác?”[9, 205].

Những câu hỏi ấy cứ ám ảnh nhân vật “tôi” khiến “tôi” có lúc muốn thét lên “Tôi

Một phần của tài liệu NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH (Trang 37 -37 )

×