Giọng điệu

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 91)

Theo Từ điển văn học, giọng điệu trong tác phẩm văn học “mang tính tổng hợp và tính độc đáo rất cao. Trong giọng thể hiện cả nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn. Đồng thời giọng cũng là cái không lẫn được. Chính tính tổng hợp và độc đáo ấy làm cho giọng trở thành nhân tố mang phong cách rất rõ. Giọng vừa liên kết với các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng có chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm quy tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó, trong chỉnh thể giọng ấy mỗi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí có khi mới mẻ hơn” [79, 534]. Như vậy, giọng điệu là một yếu tố hết sức quan trọng trong tác phẩm văn học. Nó là phương tiện biểu hiện quan trọng trong tác phẩm, là yếu tố hàng đầu trong việc thể hiện phong cách nhà văn. Có thể nói, giọng điệu là thước đo không thể thiếu trong việc xác định tài năng, phong cách nhà văn. Nó là yếu tố bộc lộ chủ thể trần thuật một cách trung thực, cho phép người đọc nhận ra nét riêng, sự độc đáo của mỗi nhà văn. Các tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm có giọng điệu riêng, tiêu biểu cho thái độ của nhà văn đối với vấn đề được phản ánh, đối với cuộc đời. Chính vì thế, khi sáng tác, người viết phải tạo ra được giọng riêng và khi tiếp nhận người đọc cũng phải bắt được giọng ấy. Đối với người đọc, nếu bắt được “giọng” của nhà văn là xem như bắt được một phần cái “thần” của tác phẩm. Và muốn hiểu sâu tác phẩm, người đọc không thể bỏ qua yếu tố giọng điệu. Cuộc sống mỗi ngày một đa dạng, phức tạp, nhiều chiều vì thế mà giọng điệu văn học cũng ngày một linh hoạt, phong phú hơn.

Trong tiểu thuyết, giọng điệu được thể hiện bởi hai yếu tố chính: giọng người kể và giọng nhân vật. Các giọng kể này đôi khi trùng lặp nhau để cùng thể hiện một quan điểm tư tưởng nào đó. Giọng nhân vật đôi khi là tiếng nói của người trần thuật, của tác giả, lại cũng có khi là giọng độc lập đối thoại cùng tác giả. Giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo của nhà văn, ở điểm nhìn trần thuật trong tác

phẩm. Để tiểu thuyết không nhàm chán, nhà văn di chuyển điểm nhìn trần thuật, trao lời trần thuật cho các nhân vật. Câu chuyện trong tiểu thuyết vì thế được kể từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc độ khác nhau, khi thì ở nhân vật này, khi thì ở nhân vật khác, có khi lại ở người trần thuật. Sự luân chuyển điểm nhìn trần thuật tạo ra nhiều tiếng nói, nhiều giọng điệu khác nhau, nhân vật có điều kiện đối thoại nhau, đối thoại với chính mình. Và khi người trần thuật luân chuyển điểm nhìn như vậy, nhân vật được tách ra khỏi sự chi phối của người trần thuật để có tiếng nói riêng của mình. Lúc bấy giờ câu chuyện không bị ràng buộc bởi một chất giọng của người kể mà nó có tính chất đối thoại, tạo được sự khách quan cho câu chuyện được kể, đồng thời đem đến cho người đọc sự tự do thoải mái trong cách cảm nhận vì không có cảm giác bị áp đặt một chiều. Nghĩa là, việc luân chuyển điểm nhìn đã làm cho nhân vật được đứng ngang hàng với người trần thuật, người trần thuật không còn xoay chuyển câu chuyện theo ý mình nữa, cũng không còn là người am hiểu tất cả mọi chuyện. Nhờ thế mà người đọc sẽ tự do cảm nhận mà không bị chi phối, ràng buộc bởi lập trường tác giả.

Trong thể loại tiểu thuyết, giọng điệu rất đa dạng, có sự phối hợp giữa giọng “chủ”, giọng “mượn”, giọng “giả” - tạo thành bản hòa âm của nhiều cung bậc khác nhau. Giọng chủ làm nên phong cách nhà văn còn giọng giả, giọng mượn làm nên sự đa dạng trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn. Đọc tác phẩm người đọc cần tinh tế nhận ra giọng chủ, giọng mượn để tìm con người thật của nhà văn. Đọc tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy sự phong phú, đa dạng của giọng điệu. Khi khảo sát những tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, chúng tôi nhận thấy có sự hài phối nhiều giọng điệu. Điều đó làm nên tính đa thanh cho tiểu thuyết đồng thời tạo nên phong cách riêng của Tạ Duy Anh.

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 91)