Giọng điệu triết lý, suy ngẫm trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh được thể hiện sâu sắc với những suy tư về con người, cuộc đời, thời thế và đồng loại,… Các nhân vật sau khi trải qua những cay đắng, cơ cực của kiếp người đã có nhiều triết lý, suy ngẫm. Tình huống dẫn đến chất giọng triết lý của nhà văn nhiều khi rất đơn giản, chỉ một chi tiết, một sự kiện nhỏ cũng được nâng lên thành triết lý, thành quy luật chung của con người, cuộc đời. Có thể nhận thấy, trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh, giọng triết lý, suy ngẫm là của chính nhà văn. Tác giả thường triết lý xen lời kể nhưng đôi lúc thông qua lời nhân vật để thể hiện những triết lý, suy ngẫm của mình.
Các nhân vật trong Lão Khổ,hầu hết đều trải nghiệm và am hiểu lẽ đời. Họ nói về cuộc đời, về tự do, về công lý bằng giọng nhẹ nhàng mà cay đắng thế sự. Biểu hiện rõ nhất là ở nhân vật lão Khổ. Lão luôn suy ngẫm về cuộc đời mình. Từ thân phận của một kẻ đi ở bần cùng được đưa lên địa vị danh dự, được tung hô chào đón, lão luôn tận tâm phục vụ cách mạng và nhân dân. Ấy vậy mà đến khi cải cách ruộng đất, lão lại bị chính nhân dân kết tội là kẻ thù phá hoại ngầm, bị đọa đày. Lão đau đớn nhận ra rằng: “Thế mới biết danh vọng là thứ đôi khi thật hão huyền, khốn nạn, hiển nhiên nhất ở sự phù phiếm … Phận người càng ngày càng bé tí ti. Chẳng ai đêm nay biết sáng mai mình có còn là người hay không” [4, 189]. Nỗi cô đơn, sự hẫng hụt, những suy ngẫm hoài nghi của lão Khổ phải chăng cũng chính là trạng thái tâm hồn của không ít con người trong thời đại này.
Đến Đi tìm nhân vật,thông qua những điều mà nhân vật “tôi” chứng kiến, ghi lại, con người trong xã hội hiện đại bộc lộ sự trống rỗng, vô luân, ích kỉ. Họ trở nên vô cảm trước mọi hiện tượng đời sống, ngay cả trước cái chết của đồng loại: “Ai đó chết chứ không phải ta, thằng bé đánh giày nào đó bị đâm chết chứ không phải con trai ta, cháu ta”. Họ chỉ còn quan tâm đến bản thân mình. Con người cười trên nỗi đau của đồng loại. Chính vì lòng ích kỉ đó mà con người cảm thấy vui, hạnh phúc khi tai họa không xảy ra với mình, cho dù nó đang xảy ra với ai. Nhân vật “tôi” chua chát kết luận: “Đa cảm - một biểu hiện quá xa xỉ của tình cảm trong thời buổi hiện nay”
Trong Thiên thần sám hối, Tạ Duy Anh đã để cho thai nhi có những suy nghĩ mang tính triết lí, khiến người đọc phải suy ngẫm. Chẳng hạn khi chứng kiến cảnh người ta trao nhau những tờ giấy bạc để có thể đạt được những điều mình muốn, thai nhi đã cất lên những câu hỏi đậm chất triết lí: “Nó là bùa ngải gì mà kì diệu thế nhỉ. Dường như cứ khi nào nó xuất hiện là chẳng việc gì không trôi chảy” [4, 268]. Hay như khi lí giải về quyết định ra đời, thai nhi cho rằng: “Nhưng tôi chấp nhận sống, còn bởi một sự thật ngàn lần khó tin hơn: con người chẳng làm được gì hơn ngoài sự chuẩn bị cho cái chết của chính mình. Vì thế, họ phải chuẩn bị đến nới đến chốn” [4, 371].
Tạ Duy Anh là nhà văn muốn bảo vệ cái đẹp, cái thiện và giữ niềm tin cho con người nên trang viết của ông không mang lại cảm giác bi quan. Bên cạnh những dòng suy tư đầy cay đắng, đau xót, nhà văn cũng đặt niềm hi vọng vào những gì tốt lành, thánh thiện – những gì xứng đáng được tồn tại. Trong Giã biệt bóng tối, nhân vật “tôi” cảm nhận: “Tôi nhớ là mình đã nằm xuống trong cái ý thức là bóng tối đã tàn lụi. Tôi biết chắc như vậy không phải nhờ tiếng con gà nào đó sẽ cất tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ tiếng bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu mặt”. Nhân vật “tôi” cũng đủ bao dung để tha thứ cho những tỗi lỗi của người khác vì “chính bà tôi có lần bảo rằng khi ai đó phải nói những câu như tẩm thuốc độc nhằm vào người khác, có lẽ họ cũng chẳng sung sướng gì”[15, 209].
Trong tác phẩm của mình, nhà văn cũng trực tiếp đưa ra những suy ngẫm, triết lí thông qua nhân vật người kể chuyện. Đó là những phút mà ông không kìm nén được lời an ủi, cảm thông và xót thương cho lão Khổ: “Lão Khổ ơi, có ai cấm lão tin. Nói cho cùng, tội ác dã man nhất mà loài người trút lên nhau là tước mất lòng tin. Cầu cho niềm tin của lão tái sinh trong một kiếp sống không biến con người thành quỷ dữ” [4, 250].
Những chiêm nghiệm sâu xa, đậm tính nhân văn về cuộc đời và thời cuộc luôn thấm đẫm trong các sáng tác của Tạ Duy Anh. Tác giả đã mượn lời nhân vật để nói thay mình những suy ngẫm của ông về thời cuộc, về cuộc đời. Những triết lí mà nhà văn tự cho là “triết lí vặt” chứa đầy những nỗi niềm suy tư khiến người đọc phải nhìn
sâu hơn vào thế giới nội tâm của bản thân mình; làm cho họ băn khoăn, thao thức, tâm sự, giãi bày và chia sẻ để trong sạch hơn, công tâm hơn và nhân văn hơn. Giọng điệu ấy có sức tác động lớn đến người đọc, nó khiến chúng ta phải trầm lắng suy tư, tự nhìn nhận lại chính mình và ngộ ra được những chân lí sống tốt đẹp hơn.