Mỗi một nhà văn đều có những quan niệm riêng về văn chương nghệ thuật. Quan niệm ấy sẽ chi phối cách thể hiện tác phẩm như thế nào. Tạ Duy Anh là một nhà văn có quan niệm hết sức nghiêm túc về văn chương nghệ thuật. Điều đó được thể hiện rõ trong các tác phẩm cũng như trong các bài trả lời phỏng vấn của ông. Là một nhà văn có bản lĩnh và khát vọng cách tân, Tạ Duy Anh đã mạnh dạn khước từ thứ văn chương chăm chăm giáo huấn, áp đặt chân lí cho người đọc, tuyên chiến với những kinh nghiệm thẩm mĩ quen thuộc. Ông muốn người đọc có sự đổi mới trong cách đọc, trong tư duy đánh giá tác phẩm.
Nguyễn Hưng Quốc cho rằng : “Đức tính lớn nhất đối với một người cầm bút không phải là thành thực hay khiêm tốn mà, theo tôi, chính là sự táo bạo. Không táo bạo, không thể sáng tạo. Trong lĩnh vực văn học, người dám xông thẳng vào bụi rậm và gai góc để lần mò một lối đi riêng bao giờ cũng có triển vọng đi xa hơn những kẻ khôn ngoan phóng mình theo lối mòn có sẵn. Ở đây, người ta chỉ ghi nhận thành tích của những người trèo lên những đỉnh núi cao, dẫu trèo một cách chậm chạp, ì ạch, khổ sở, thậm chí có khi thất bại” [83]. Có thể coi táo bạo là phẩm chất nổi bật ở Tạ Duy Anh. Nhà văn luôn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc để không lặp lại những người đi trước và không lặp lại chính mình. Tạ Duy Anh xây dựng tác phẩm bằng một lối đi rất riêng, rất lạ. Ông không phải là người mở đường cho những đột phá về nhận thức xã hội, quan niệm văn chương, đổi mới cách viết, cách thể nghiệm trần thuật – công lao đó thuộc về Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài…, nhưng ông là người có những thể nghiệm tìm tòi đảo lộn các quan niệm cũ, thay đổi lối nhìn đơn giản, xuôi chiều quen thuộc, làm thức dậy nhu cầu nhận thức và tự nhận thức những vấn đề của hiện tại và quá khứ.
Tạ Duy Anh sớm gặt hái thành công ngay từ tác phẩm đầu tay Bước qua lời nguyền, song nhà văn không dừng lại ở đó, ông tỉnh táo để vượt qua chính mình. Với ông, sáng tạo đồng nghĩa với quá trình tự “tiêu hóa”, “tự làm sạch mình”, nhà văn không nên và không thể thỏa mãn với những gì đã có. Tạ Duy Anh khẳng định “Điều
duy nhất khiến tôi quan tâm là chính mình có chán lối viết của mình hay không?” và “bất kì sự buông thả nào cũng phải trả giá. Suốt nhiều năm tôi đã vất vả tìm cách thoát khỏi chính mình. Và suy cho cùng điều đó thuộc về logic sáng tạo”. Ông cho rằng “Bản thân sáng tạo là khám phá những điều chưa bao giờ được biết đến về đối tượng của nó và đây là điều kiện tiên quyết. Mỗi một tác phẩm lớn đều đã bao hàm trong đó yếu tố cách mạng về thủ pháp nghệ thuật hoặc quan niệm về hiện thực. Nếu không đạt được điều đó thì những gì tạo ra ít có cơ may sống sót” [4, 396].
Giống như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh,… Tạ Duy Anh là nhà văn có bản lĩnh, có khát vọng cách tân, dám trả giá để bảo vệ một quan niệm riêng. Điều đó thể hiện rõ qua việc nhà văn xác nhận tính trò chơi trong Thiên thần sám hối. Ngay từ lời tựa, ông đã khẳng định: “Câu chuyện khó tin này là của một đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ. Nếu đọc xong quý vị vẫn không tin thì cũng không sao”. Và người kể chuyện xưng tôi chính là cái bào thai ấy. Trong Đi tìm nhân vật, nhà văn tạo ra các phản đề kích thích đối thoại. Đây chính là cách thức nhà văn khước từ thứ văn chương giáo huấn, áp đặt chân lí cho người đọc. Thị hiếu tạo cho ta sự ổn định thẩm mĩ nhưng thị hiếu cũng ngăn cản sự cách tân. Do đó nhà văn đã luôn tìm cách phá bỏ thị hiếu thông thường của người đọc.
Nếu như Nguyễn Huy Thiệp dựa vào cổ tích để viết những tác phẩm mới theo phương thức “giả cổ tích”, thì Tạ Duy Anh dùng chính cổ tích để lật lại cách nghĩ truyền thống, làm thay đổi thị hiếu người đọc. Truyện cổ tích là thể loại văn học tự sự dân gian nổi bật với số lượng tác phẩm rất lớn, phản ánh cuộc đấu tranh giữa con người với con người: Giàu - nghèo, hiền - dữ, thiện - ác trong mối quan hệ giữa các tầng lớp, giai cấp. Truyện cổ tích còn phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của nhân dân lao động. Đó là nguyện vọng cải tạo hiện thực, là lời tố cáo những bất công của xã hội phong kiến, là lời cổ vũ cho cuộc đấu tranh về một xã hội công bằng, nhân đạo hơn. Vì thế, với truyện cổ tích, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, dù cái ác lúc đầu bao giờ cũng mạnh, cũng thắng thế. Đó chính là quy luật nhân quả “thưởng thiện phạt ác”. Nó vừa là thủ pháp nghệ thuật để xây dựng cốt truyện, vừa là ước vọng của nhân dân lao động. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng phương thức “giả cổ tích” để viết nên
những truyện cổ tích thời hiện đại, ở đó hiện rõ một hiện thực trần trụi không phải như con người mơ ước. Với Tạ Duy Anh, trong Đi tìm nhân vật, ông đã chọn truyện cổ tích để đưa ra một cách hiểu, một quan niệm hoàn toàn mới. Ở truyện “Rùa chạy thi với thỏ”, Tạ Duy Anh cho rằng “chúng ta đã dạy cho con em mình sự khôn lỏi bằng cách nói dối. Kẻ bị đem chế giễu là kẻ trung thực” [9, 120]. Và tác giả khái quát truyện trên bằng câu “thật thà là cha thằng dại”. Với truyện “Trí khôn của ta đây”, nhà văn cho rằng “sự khôn lỏi đã được đẩy lên thành trí khôn và để đạt được nó thì phải lừa dối. Lừa dối trở thành phương tiện để đạt mục đích và nó được sự cổ vũ của sự dốt nát” [9, 121]. Truyện “Tấm Cám” được tác giả kết luận là “cái thiện trở thành thảm hại trước cái ác”. Với cả ba truyện cổ tích trên, Tạ Duy Anh phân tích để thấy rõ kẻ chiến thắng ở cuộc chiến này là quỷ và sự lừa dối. Ở truyện “Mị Châu – Trọng Thủy”, Tạ Duy Anh đã có một cách nhìn, một cách nghĩ hoàn toàn mới khi cho rằng “viên minh châu đã cứu chuộc mọi lầm lỗi, ngu muội”. “Và những chiếc lông ngỗng không phải là kẻ chỉ điểm, không phải là minh họa cho sự khờ dại mà nó đánh dấu con đường đi đến sự vĩnh cửu” [9, 121]. Như vậy, nhà văn đã đưa ra một cách nhìn, cách đánh giá thực sự mới mẻ, nó khiến người đọc nghi ngờ sự nghiêm túc của vấn đề mà ông đưa ra, nhưng có thể ngay sau đó lại nghi ngờ sự đúng đắn của tất cả những gì đã ăn sâu vào tiềm thức và cả nếp nghĩ, nếp tư duy của mình xưa nay.
Nếu Nguyễn Huy Thiệp dựa trên những chi tiết lịch sử, những sự kiện lịch sử có thật để chọn cho mình một lối đi riêng khi nhìn nhận lịch sử từ góc độ cá nhân theo tư duy văn học và được thể hiện dưới cách viết hoàn toàn mới lạ thì Tạ Duy Anh luôn có ý thức nhìn nhận lại, nghi ngờ tất cả những gì đã được xác tín để xây dựng những cách nhìn mới, những giá trị mới. Ông cho rằng nhà văn không phải là thằng hầu của lịch sử: “Bản thân lịch sử là vô ý, vô cảm và chẳng có giá trị gì với chính nó. Nó chỉ có giá trị với tương lai ở khía cạnh kinh nghiệm và những bài học. Những bài học lịch sử, đặc biệt là những bài học rút ra từ những thảm họa, cần phải được nhắc đi nhắc lại,…Mọi sự bóp méo, che giấu hoặc thổi phồng các sự kiện lịch sử đều là tội ác” [4, 384]. Tinh thần hoài nghi về lịch sử thường được thể hiện qua tác phẩm của ông. Mặc dầu những cái nhìn mới về lịch sử, về con người đôi khi đã gây cho nhà
văn những hệ lụy nhất định, thế nhưng ông vẫn sẵn sàng trả giá. Ở Đi tìm nhân vật, ông không ngần ngại để nhân vật của mình phát ngôn: “Cuộc sống là những gì ta tin, hơn là những gì diễn ra” [9, 123]. Có lúc nhân vật của ông “lội ngược về quá khứ” và “lờ mờ cảm thấy có một sự trục trặc gì đó từ phía lịch sử khiến chúng ta bị cuốn vào một trò chơi tàn khốc, trong đó tất cả biến thành những kẻ bị săn đuổi” [9, 114].
Ông chấp nhận bị bài xích, thậm chí nguyền rủa để tạo ra một cảm nhận khác, một tư duy khác. Đó là tinh thần dũng cảm khi ông chọn cho mình một lối đi đơn độc, nhưng có lẽ chính sự đơn độc ấy đã tạo nên tên tuổi Tạ Duy Anh rất riêng trên văn đàn.
Hơn ai hết, nhà văn Tạ Duy Anh hiểu rằng mỗi người cầm bút muốn chiếm được vị trí trong lòng người đọc thì cần phải tạo ra được những điều mới mẻ. Và với tiểu thuyết, nhân vật là yếu tố quan trọng nhất. Ông cho rằng mỗi nhà văn “chỉ cần sinh ra được một nhân vật và cố gắng tạc chân dung của nó vào kí ức độc giả đã là may mắn lớn” [4, 420]. Và điều đáng ghi nhận là những nhân vật của ông đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người đọc. Độc giả chắc hẳn không thể quên được một lão Khổ có cuộc đời long đong đúng như cái tên của lão – một con người đáng thương lẫn đáng trách trong tiểu thuyết cùng tên; cũng không thể không giật mình bởi nhân vật “hắn” biến ảo khôn lường và có cảm giác nhân vật ấy ở đâu đây xung quanh ta trong xã hội này ở Đi tìm nhân vật; và chắc chắn, người đọc sẽ còn ám ảnh mãi về nhân vật vô hình và phi lí – bào thai trong Thiên thần sám hối. Chính những nhân vật đáng nhớ ấy khiến người đọc không thể quên được người đã sinh ra chúng.
Trong văn chương hiện đại, mỗi người viết phải tự khẳng định tư cách tồn tại bằng sự sáng tạo riêng. Mỗi tác phẩm là tiếng nói, kinh nghiệm riêng. Bước qua lời nguyền được coi là “hiện tượng văn học của một thời”. Chính tác phẩm đầu tiên này đã khẳng định tư cách nhà văn của Tạ Duy Anh. Cùng với Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Thời xa vắng
(Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)…,
Bước qua lời nguyền đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống văn học. Truyện ngắn này của Tạ Duy Anh quả là một tiếng nói có tác động rất mạnh vào kinh nghiệm nghệ
thuật và thị hiếu công chúng. Ông thành công bắt đầu từ thể loại truyện ngắn nhưng đã không ngần ngại thể nghiệm và khẳng định mình ở thể loại tiểu thuyết. Ông đã dùng chính những truyện ngắn của mình tạo nền, làm bước đà vững chắc để đến với những tiểu thuyết dài hơi hơn. Mỗi tác phẩm của ông đều gặt hái những thành công nhất định. Và có thể khẳng định, khi liệt kê những tiểu thuyết tiêu biểu đương đại, chúng ta không thể không nhắc đến tiểu thuyết của Tạ Duy Anh và khi nhắc đến tên tuổi của các nhà văn có nhiều đóng góp hiện nay, chúng ta cũng sẽ chắc chắn phải nhắc đến nhà văn này.
Tạ Duy Anh là tác giả miệt mài tìm kiếm kĩ thuật viết nhưng ít khi thỏa mãn với nó. Sau Bước qua lời nguyền, sự bận tâm chủ yếu của nhà văn xoay quanh câu hỏi về cách viết. Ông quan niệm “sáng tác đồng nghĩa với việc tìm tòi kĩ thuật viết… Kĩ thuật viết xét cho cùng là sự nỗ lực tạo ra hình thức và hiệu quả cao nhất cho tác phẩm” [15, 378]. Từ Lão Khổ đến Đi tìm nhân vật, từ Đi tìm nhân vật đến Thiên thần sám hối, từ Thiên thần sám hốiđến Giã biệt bóng tốilà những cố gắng liên tục của Tạ Duy Anh để ngày càng làm mới mình. Ở tiểu thuyết Lão Khổ, lắp ghép là thủ pháp nổi bật. Nghĩa là về mặt cấu trúc, Lão Khổ là sự lắp ghép các phiến đoạn khác nhau, nhiều truyện ngắn trong một tiểu thuyết. Đi tìm nhân vật vẫn có xu hướng dùng cấu trúc lắp ghép nhưng mạch tự sự lại rất gần gũi với tiểu thuyết “dòng ý thức”. Còn Thiên thần sám hối là “trò chơi” cấu trúc văn bản. Cách biểu đạt trên tinh thần phân mảng cho thấy một lối viết mới, một thể nghiệm riêng của Tạ Duy Anh. Và có thể thấy ở tiểu thuyết Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối, nhà văn đã bớt đi những triết lí lộ liễu, cũng không còn các sắc thái văn chương quá nghiêm trang như ở Lão Khổ. Hiện thực nghiệt ngã được nhìn dưới góc độ hài hước, pha chút giễu nhại, tự trào đã làm nên sự phong phú thẩm mĩ cho ngòi bút Tạ Duy Anh. Đến Giã biệt bóng tối, ông tiếp tục đổi mới mình ở những cách tân từ điểm nhìn trần thuật đến giọng điệu giễu nhại, việc sử dụng yếu tố huyền ảo… Tạ Duy Anh đã phát huy tối đa trí tưởng tượng của mình khi đưa những yếu tố huyền ảo, những điều khó xảy ra trong hiện thực vào tác phẩm. Bởi ông cho rằng “trí tưởng tượng là tất cả với tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Bản thân nó là sự thăng hoa và khi có nó thì ý tưởng chính
là hình ảnh siêu thực về một thế giới khác” [4, 404]. Tạ Duy Anh đã làm mới những sáng tác của mình so với đồng nghiệp và cũng không lặp lại chính mình trong từng tác phẩm. Chính tinh thần làm việc nghiêm túc đó đã đưa nhà văn này trở thành một tác giả tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam đương đại, tiêu biểu cho khuynh hướng phát triển của văn học nước ta trong xu thế hội nhập.
Chương 2
TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH – NHỮNG ĐẶC SẮC VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI