2.1.1. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực
Hiện thực cuộc sống là đối tượng phản ánh của văn học và luôn là mảnh đất màu mỡ để văn học khai phá. Thông qua tác phẩm, quan niệm về hiện thực của nhà văn sẽ được thể hiện. Quan niệm hiện thực là một vấn đề liên quan trực tiếp đến nhận thức về bản chất, chức năng của nghệ thuật. Song, mỗi nhà văn lại có một quan niệm rất riêng về hiện thực. Milan Kundera – một tiểu thuyết gia lớn của Pháp cho rằng “tiểu thuyết suy xét hiện hữu chứ không phải hiện thực. Hiện hữu không phải là cái gì xảy ra, hiện hữu là thế giới của những khả hữu con người, bất cứ cái gì con người có thể trở nên, bất cứ cái gì hắn có khả năng làm. Tiểu thuyết gia là người vẽ bức bản đồ sự hiện hữu bằng cách khai phá khả hữu này hay khả hữu kia của con người” [54].
Hiện thực trong văn học vì thế được thể hiện không đơn giản xuôi chiều mà đa dạng, phong phú do được soi chiếu bằng cả kinh nghiệm cộng đồng và kinh nghiệm cá nhân với các quan điểm nhân bản khác nhau. Các nhà văn viết về hiện thực nhưng không nhằm mô tả hiện thực. Hiện thực chỉ là cái nền cho sự diễn biến những cuộc đời, những số phận, những trạng thái tinh thần. Như vậy, cái mà nhà văn hướng đến là trình bày trạng thái tồn tại của con người trong hiện thực. Tiểu thuyết hiện đại tìm kiếm một phương thức phản ánh không lệ thuộc vào thực tại khách quan. Nó không chỉ tái hiện hiện thực mà còn nỗ lực vươn đến sáng tạo những hiện thực mới, một thực tại chỉ có trong ý nghĩ. Nói như thế không có nghĩa là tiểu thuyết hiện đại không phản ánh hiện thực, thực chất nó không loại trừ tiểu thuyết hiện thực nhưng tiểu thuyết hiện thực chỉ là một mảnh đất nhỏ. Như vậy, công việc của người viết tiểu thuyết là phải tạo ra một thế giới mới, thế giới hoàn toàn khác. Ở đó có những yếu tố rất thực lại có những yếu tố ảo do nhà văn sáng tạo nên. Và vì thế, có thể nói những
gì được coi là hiện thực trong tiểu thuyết, trên thực tế không gì khác hơn chính là sự hình dung về nó.
Từ sự thay đổi và mở rộng quan niệm về hiện thực, mối quan hệ giữa nhà văn với hiện thực đã có sự thay đổi. Nếu ở giai đoạn trước, con người là phương tiện để biểu đạt “cái lịch sử” thì bây giờ “lịch sử lại trở thành phương tiện để biểu đạt con người. Hiện thực không bị đóng cứng bởi tiêu chí lịch sử theo tinh thần sử thi mà mang nội dung linh động, dân chủ hơn nhiều với hứng thú tìm “lịch sử trong mỗi con người”. Lịch sử theo kinh nghiệm cộng đồng chuyển thành lịch sử theo kinh nghiệm cá nhân. Kinh nghiệm cộng đồng dù phong phú đến đâu cũng không thể so sánh được với kinh nghiệm cá nhân về tính cụ thể, sinh động và đa dạng. Nhiều nhà văn đã lấy lịch sử làm chất liệu để truyền đạt những thông điệp hiện tại như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh…
Như vậy, với cách nhìn mới, quan niệm mới, hiện thực không còn bó hẹp ở thực tế đời sống xã hội, các nhà văn có được cái nhìn toàn diện và mới mẻ hơn về hiện thực. Tạ Duy Anh “tâm đắc với ý nghĩ rằng cái mà tiểu thuyết quan tâm không phải là thế giới này thế nào mà thế giới nó tạo ra sẽ ra sao” [4, 397]. Tiểu thuyết Tạ Duy Anh đôi khi biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực. Hiện thực trong tác phẩm đa dạng và nhất quán với quan niệm của Tạ Duy Anh: Viết những cái xấu, cái ác để hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Trong tác phẩm của mình, Tạ Duy Anh viết nhiều về cái ác, cái xấu: “Văn chương anh lúc nào cũng đau đáu, riết róng chuyện tàn ác, liêm sỉ và vô lương” [4, 374]. Lão Khổ là những hận thù truyền kiếp; Đi tìm nhân vật là cái ác ngự trị trong bản thân mỗi con người;
Thiên thần sám hối là sự băng hoại đạo đức, nhân tính của con người; Giã biệt bóng tối là cái ác luôn lẩn khuất nhưng sẵn sàng tác quái bất cứ lúc nào con người không có khả năng kháng cự.
Với Tạ Duy Anh, cái nhìn hiện thực trong quan niệm của ông không phải là cái nhìn xuôi chiều, dễ dãi và lạc quan. Ông nhìn thẳng vào sự thật trần trụi với tất cả những gì nó có. Với quan niệm: “Mỗi người có một cách nhìn hiện thực được quy định trước hết bởi môi trường sống, khả năng nhận thức, những ám ảnh về hạnh
phúc và tai ương mà họ trải qua, chiều hướng tư tưởng mà họ theo đuổi… Nó thuộc về sự bí ẩn cá nhân, không thể lí giải bằng các quy luật bịa đặt chủ quan như phần lớn những nhà nghiên cứu thô thiển vẫn làm. Tôi được chuẩn bị từ chính cuộc đời để khai thác hiện thực như những gì mọi người cho là gai góc” [4, 401]. Tạ Duy Anh đặc biệt coi trọng hiệu quả của công việc: “Hiện thực cuộc sống, theo tôi, giống như phương tiện trong tay nhà văn và anh ta có thể sử dụng nhiều lần cho các công việc khác nhau, với những cách thức khác nhau giúp anh ta thực hiện được ý đồ của mình. Điều quan trọng là ở hiệu quả của công việc chứ không phải ở cách thức anh ta sử dụng phương tiện” [4, 403]. Không chỉ dừng lại ở việc nhìn thẳng không né tránh sự thật, Tạ Duy Anh còn nhìn thấy một hiện thực luôn tiềm ẩn những nguy cơ làm biến dạng, tha hóa tất cả. Với ông, “bản thân con người không thể loại bỏ được tội ác ra khỏi đời sống nhưng có thể và cần phải nhận thức được bản chất của nó… Cách của tôi là làm cho mọi người ghê sợ và kinh tởm bạo lực bằng việc phơi bày nó” [4, 382].
Sau 1975, nhờ cách khai thác hiện thực từ nhiều chiều, văn xuôi Việt Nam xuất hiện nhiều khuynh hướng thẩm mỹ mới, trong đó khuynh hướng nổi bật là nhận thức lại hiện thực, lấy lịch sử - quá khứ làm đối tượng phân tích. Các nhà văn ở thời kì đổi mới đã nhìn thẳng vào lịch sử để trình bày suy nghiệm cá nhân về lịch sử. Có thể kể đến những tác giả có sự đột phá trong quan niệm, trong cách thể hiện như Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh… Họ đã khiến người đọc ngỡ ngàng, sửng sốt bởi cách xử lí hoàn toàn mới với một đề tài vốn dĩ đã rất quen thuộc. Tạ Duy Anh cũng giải thoát văn chương cửa mình ra khỏi yêu cầu “phản ánh hiện thực” bằng cách lật lại những cách nghĩ truyền thống, nhận thức lại hiện thực lịch sử. Nhà văn cho rằng “Lịch sử là những gì người ta tin hơn là những gì diễn ra” bởi “dẫu sao lịch sử thường rất tù mù và ta chỉ nên tin vừa phải thôi”. Theo ông, “bản thân lịch sử là vô ý, vô cảm và chẳng có giá trị gì với chính nó. Bất kì sự kiện nào cũng chỉ có giá trị tương lai ở khía cạnh kinh nghiệm và những bài học” [4, 384]. Chính vì thế mà “mọi sự bóp méo, che đậy hoặc thổi phồng các sự kiện lịch sử đều là tội ác”, “một xã hội văn minh, biết đề cao phẩm giá luôn phải tạo điều kiện để các
công dân tiếp cận với mọi sự thật lịch sử, thuộc làu nó ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và không ngừng truy tìm tận căn nguyên của từng sự kiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới họ” [4, 384]. Với quan niệm như vậy, Tạ Duy Anh đã viết rất nhiều tác phẩm chạm đến lịch sử và những sai lầm của nó. Ông cho rằng “Những bài học lịch sử, đặc biệt là những bài học rút ra từ những thảm họa cần phải được nhắc đi nhắc lại (…) để tránh sự tái diễn tương tự bởi vì lịch sử luôn có nguy cơ lặp lại” [4, 384]. Như vậy, ông nhìn thẳng vào sự thật lịch sử không chút khoan nhượng, không né tránh và phản ánh nó một cách chân thực. Những sai lầm trong lịch sử là điều tất yếu và con người khó tránh khỏi, bởi về bản chất, con người không hoàn thiện. Chỉ khi con người dám nhìn thẳng vào sai lầm của mình, khi đó mới tránh được những sai lầm đáng tiếc khác. Tạ Duy Anh buộc chúng ta phải nhìn nhận những sai lầm ấy cốt để tìm ra nguyên nhân và không lặp lại chúng. Nhà văn của chúng ta tái hiện lại bức tranh hiện thực nhằm thể hiện những day dứt khôn nguôi về thời cuộc.
2.1.2. Cách phản ánh hiện thực
Với quan niệm nhìn thẳng vào hiện thực, không né tránh và phản ánh nó theo cái nhìn riêng của mình, Tạ Duy Anh đã đưa vào trang văn của mình một hiện thực cuộc sống đầy gai góc. Có thể nói, hiện thực ấy là “thế giới của những cái khủng khiếp” – theo cách nói của Văn Giá. Trong Đi tìm nhân vật, không gian gói gọn ở một khu phố G mà có biết bao điều đáng sợ xảy ra. Bức tranh hiện thực ngột ngạt của quyền lực, cái chết, sự đồi bại… có sức ám ảnh lớn đối với người đọc. Những cái khủng khiếp trong tác phẩm là có thật nhưng đôi khi cũng là do con người bịa đặt, tưởng tượng ra. Và đối diện với hiện thực ấy, con người có lúc không phân biệt thực hư. Chuyện thật tưởng bịa và chuyện bịa lại khiến người ta tin là có thật. Và cuối cùng, cái cốt yếu là những điều ấy đều có thể là sự thật. Tạ Duy Anh không chỉ phản ánh một hiện thực như nó vốn có mà còn tạo ra một hiện thực như nó có thể có.
Thiên thần sám hối là tác phẩm thể hiện rõ điều đó. Nhà văn đã chọn điểm nhìn từ một nhân vật không có thật để phản ánh cuộc sống hiện tại. Nhân vật “bào thai” đã có được cái nhìn về hiện thực cuộc sống bên ngoài bằng đôi tai thính nhạy của mình. Hiện thực cuộc sống vì thế thực chất là hiện thực được tưởng tượng bởi
thai nhi. Song hiện thực ấy không phải là không thể có thật, mà ngược lại đó là một hiện thực trần trụi với tất cả những tội ác, mưu toan vốn có của con người. Chúng ta không hoài nghi chuyện có hay không một thai nhi có thể nghe thấu và suy ngẫm mọi điều về cuộc sống bên ngoài, chúng ta cũng không lấy làm lạ chuyện một người mẹ vui mừng khi được nhận tiền chi phí cho việc đồng ý ngâm cồn những đứa con của mình, mà cái chính là cảm giác đớn đau khi chứng kiến sự tha hóa về đạo đức của con người. Những điều mà thai nhi nghe ngóng được về cuộc sống bên ngoài cho nó hình dung một cách khá đầy đủ về hiện thực mà nó sắp đón nhận. Hiện thực ấy đáng sợ, nó từng khiến thai nhi có ý định từ chối việc chào đời vì không cảm thấy an toàn. Hiện thực ấy cũng hứa hẹn nhiều điều bởi “cuộc sống là ân sủng lớn nhất”. Chính sự hứa hẹn đó của hiện thực mà thai nhi đã đón nhận nó.
Ở Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh chọn kể một câu chuyện có vẻ hoang đường với nhiều tình tiết li kì, nhưng ẩn đằng sau nó là một hiện thực với bao sự kiện, biến cố gắn liền với số phận của bao con người rất thật. Chọn không gian hẹp chỉ trong một làng quê nhưng Tạ Duy Anh đủ sức tái hiện được bức tranh của cả xã hội ở quá khứ lẫn hiện tại. Đấy vẫn là một xã hội với nhiều điều khủng khiếp – một xã hội với đầy rẫy cái ác, cái xấu. Bóng tối dường như bao trùm lên tất cả, chi phối tất cả. Nó dồn nhân vật vào đường cùng không lối thoát và nó cũng khiến cho người đọc khiếp đảm. Như vậy, Tạ Duy Anh đã đặt ra được những điều cần thiết mà xã hội cần xem xét lại, đó là sự xuống cấp về nhân phẩm, sự tha hóa về tính cách của con người. Chính con người đã tự tàn phá nhân phẩm, tư cách làm người của mình. Tuy nhiên, tác giả không mất hết niềm tin ở con người. Ông sẵn sàng gửi gắm niềm tin ấy ở ngay những thân phận hèn mọn như cô gái làm tiền hay thằng bé lang thang. Bằng tất cả tình cảm và sự điêu luyện trong lối viết, Tạ Duy Anh đã tạo ra một hiện thực nhập nhằng như chính cuộc sống của thời hiện tại mà chúng ta đang sống. Để từ bỏ cái xấu không phải là việc dễ dàng, song con người không bao giờ bị mất đi niềm hi vọng. Cái thiện như một ánh sáng le lói trong đêm đen của cái ác. Thế nhưng, cuối cùng, cái thiện vẫn tồn tại, nó thoát ra khỏi bóng tối dẫu bao lần bị chà đạp, xô đẩy tưởng chừng không đứng vững được. Bóng tối của cuộc đời và bóng tối của chính mỗi con
người bị đẩy lùi. Đấy là niềm tin, niềm hi vọng của tác giả vào cuộc đời, vào con người. Nó giữ cho người đọc đứng lại được bên bờ vực thẳm của bóng tối và cái ác. Nó khiến cho ta thấy cần phải sống như thế nào để loại bỏ được bóng tối ra khỏi cuộc đời. Đấy chính là giá trị nhân bản mà tác phẩm mang lại.
Tạ Duy Anh còn là nhà văn có cái nhìn mới mẻ, độc đáo về hiện thực của quá khứ. Trong các tác phẩm của mình, Tạ Duy Anh đã cố gắng tạo ra một thế giới hiện thực “không đáng tin cậy”. Vì thế, theo lời mở đầu của người dẫn chuyện thì câu chuyện đã xảy ra, và người đọc có quyền tin hay không về tính chân thực của câu chuyện được kể. Đọc tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, đôi khi chúng ta không thấy mối liên hệ rõ ràng giữa nhân vật với hiện thực xã hội, giữa bạn đọc với thực tại trong tác phẩm hay cuộc đời đang sống. Bởi tác giả đã từ cái nhìn của thì tiếp diễn mà chiếu ngược trở về quá khứ đã qua, từ cái nhìn của một kẻ “lạc loài” tự tách mình ra khỏi đám đông nhân quần mà đứng xa trông lại. Chính cái nhìn ấy làm “lạ hóa” hiện thực cuộc sống. Điều đó khiến người đọc tưởng tác giả hoàn toàn hư cấu, tưởng rằng giữa tác phẩm và hiện thực không hề có sợi dây liên hệ nào. Để rồi sau đó độc giả mới nhận ra rằng hiện thực qua tác phẩm đã được phủ lên lớp sương mờ. Thông qua lớp sương mờ ảo ấy, người đọc khám phá hiện thực. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết của nhà văn này. Trong “Thiên thần sám hối”, ngay từ lời tựa, tác giả đã khẳng định đây là “một câu chuyện khó tin” và điều quan trọng là người đọc “sẽ còn ám ảnh về chuyện có thể tin được hay không?”. Chính vì thế mà người đọc có thể liên tưởng, chiêm nghiệm song không hề đối chiếu những điều được nhà văn kể với hiện thực ngoài đời để đòi hỏi nó phải như thật. Tất cả các câu chuyện đều được kể bởi một thai nhi chưa ra đời – một điều hoàn toàn không thực. Nhưng trong suốt tác phẩm, người đọc không hề hoài nghi chuyện có thật hay không một hài nhi lại có thể nghe thấu, suy ngẫm và triết lí về cuộc đời. Đọng lại trong mỗi người sau khi đọc tiểu thuyết này là một hiện thực trần trụi khá tàn khốc. Nó cho thấy những mặt “khuất lấp” xấu xa, thấy cái ác còn ngự trị trong mỗi con người. Như vậy, hiện thực không chỉ là cái “cầm nắm” được, miêu tả được mà hiện thực còn là những ám ảnh chập chờn, là niềm tin, tín ngưỡng… xuất hiện trong đời sống tinh thần, tâm linh của con
người. Với tiểu thuyết này, Tạ Duy Anh đã tạo ra một hiện thực bằng cái phi lí, kì ảo. Chính cái phi thực ấy là nhằm mục đích không phải để người đọc tin vào hiện thực được mô tả mà cốt để khơi gợi suy ngẫm, kích thích đối thoại.