Giọng điệu giễu nhại

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 94)

Tiểu thuyết Tạ Duy Anh mạnh dạn xông vào mọi ngõ ngách của cuộc đời, những ẩn khuất trong lòng người và có lẽ vì thế mà chất giọng tiêu biểu được nhà văn lựa chọn là giọng giễu nhại. Việc sử dụng lời văn giễu nhại thể hiện được bản lĩnh của người cầm bút. Nhà văn thâm nhập vào những ngõ ngách tâm hồn nhân vật, phơi bày những cái nghịch dị, nhiễu nhương đáng cười nhằm phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống, tạo nên những bất ngờ thú vị cho người đọc khi những ẩn khuất trong lòng người bị nhà văn bới tung lên bằng giọng giễu nhại. Cùng với các nhà văn đương thời, Tạ Duy Anh đã làm nên một dấu ấn phong cách, một biện pháp nghệ thuật đắc dụng trong sáng tạo nghệ thuật từ kiểu giọng điệu này.

Nếu Nguyễn Huy Thiệp dựa trên nền tảng những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết trong quá khứ của văn học dân gian, sáng tạo nên những truyện cổ tích, truyền thuyết mới của cuộc sống hiện đại (Con gái thủy thần, Trương Chi…) thì ở tiểu thuyết Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh cũng đã diễn dịch lại những câu chuyện cổ tích vốn đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta như “Rùa chạy thi với thỏ”,Trí khôn của ta đây”, “Tấm Cám”, “Mỵ Châu – Trọng Thủy” nhưng theo quan điểm rất riêng và hoàn toàn mới lạ của nhà văn. Nhân vật “tôi” trong bài tham luận khi đưa ra những quan điểm này đã vấp phải một sự kháng cự mạnh mẽ từ phía những người chuyên

nghiên cứu về nghệ thuật. Sự kháng cự ấy nhân danh dân tộc nhưng dường như tất cả đều cảm thấy chính mình bị phỉ báng, bị lật mặt. Họ gán cho nhân vật này nhiều tội danh vừa vì xúc phạm văn hóa dân tộc vừa vì bản thân không thể chấp nhận được cách nhìn quá mới mẻ ấy. Như vậy, dụng ý của nhà văn thông qua chi tiết này là muốn độc giả nhìn nhận lại các tác phẩm một cách nghiêm túc, không như cách họ vẫn đọc, đa phần được định hướng trước do thói quen thụ động có căn nguyên lịch sử. Với hình thức nhại những câu chuyện cổ tích, Tạ Duy Anh có ý thức nhìn nhận lại những giá trị truyền thống đã in sâu trong tiềm thức của cộng đồng và đặt ra vấn đề nhìn nhận lại chính mình trên con đường tự hoàn thiện.

Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh còn đưa vào tác phẩm nguyên văn hai văn bản hành chính thời kì trước cải cách như sự nhại lại phong cách ngôn ngữ của một thời. Điều đó giúp ta hiểu rõ hơn về lịch sử, về tâm lí và về bản chất của các đối tượng khác nhau trong xã hội.

Điểm nổi bật ở tiểu thuyết này là giọng điệu giễu nhại được sử dụng một cách triệt để. Đầu tiên là cấp độ nhại từ vựng, nó được thể hiện ở hiện tượng “iếc hóa”.

Hiện tượng này được sử dụng tối đa qua miệng của lão già – kẻ ẩn mình trong bóng tối. Với việc “iếc hóa”, tất cả dưới mắt lão già chỉ là trò hề vớ vẩn: “Kịch thắt nút rồi. Kịch kọt được đấy. Diễn viên diễn viếc. Tao đã bảo là nó sẽ cắt tiết mày vì chính là tao đang điều khiển linh hồn nó. Mày không thấy nó đi đứng khác thường ư? Nó gọi cô bạn gái của nó bằng thứ ngôn ngữ mới đểu làm sao. Thôi nào, cắn nát, đục ngang khoét dọc, bôi bẩn, đập phá tan tành,… Khẩu hiệu khẩu hiệc. Diễn tiếp đi chú mày” [15, 293]. “Con điếm kia ở đâu mò ra triết lí gì thế, triếc lí triếc liếc, làm hỏng việc của tao rồi… Hỏi được lắm. Như trí thức chính hiệu ấy. Trí thức trí thiếc. Loại bán trôn ấy mà, đừng có nghe lời nó. Đĩ điếc sao không vào nhà chứa nhỉ” [15, 295].

Như vậy, dày đặc trên trang viết của nhà văn là giọng giễu nhại. Với chất giọng này, nhà văn đã chuyển tải đến người đọc những tư tưởng thầm kín của mình, tìm kiếm nơi người đọc sự đồng cảm khi phơi bày những điều nghịch lí, phi lí vẫn còn trì bám vào những ngóc ngách của đời sống tâm linh con người. Mục đích giễu nhại của nhà văn không chỉ phơi bày chúng ra mà nó còn là tiếng cười để chia tay với những

nghịch dị, phi lí của quá khứ, loại trừ nó ở hiện tại và tương lai. Với giọng điệu giễu nhại, nhà văn hướng người đọc đến những “bất ổn” ở đáy sâu của đời sống khiến họ phải trăn trở, suy tư nhiều hơn.

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 94)