“Tội ác và trừng phạt” là một môtíp quen thuộc trong văn học. Từ xa xưa, trong dân gian đã có quan niệm “trời cao có mắt”, “ác giả ác báo”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”… Những tác phẩm văn học dân gian đã thể hiện rất rõ quan niệm ấy của nhân dân. Đến văn học viết, các nhà văn vẫn tiếp tục môtip quen thuộc này. Và nhà văn Đoxtoiepxki viết tác phẩm mang tên“Tội ác và trừng phạt” mà theo Berdjazev “Đoxtoiepxki đã khảo sát được sự sâu thẳm của bản chất con người chính là bởi vì ông miêu tả con người đứng mấp mé trên ranh giới, trong tình huống của những tấn bi kịch tuyệt vọng và nhiều mâu thuẫn”. Môtip “tội ác và trừng phạt” trong tác phẩm của Đoxtoiepxki là sự biểu hiện của tín ngưỡng tôn giáo.
Sáng tác Tạ Duy Anh chịu ảnh hưởng bởi môtíp “tội ác và trừng phạt” của Đoxtoiepxki kết hợp với tinh thần dân gian. Ông đặt các nhân vật của mình trong vòng xoay nhân quả. Và đằng sau lớp vỏ duy tâm là khát vọng chế ngự cái ác, hướng tới chân – thiện – mĩ.
Khảo sát tác phẩm của Tạ Duy Anh, ta nhận thấy nhân vật của ông có thể mang bản tính thiện – nhân cách trong sạch (Thảo Miên trong Đi tìm nhân vật, người mẹ trong Thiên thần sám hối,…), nhưng cũng có thể có bản tính ác hoặc có làm việc ác.
Mặt Đen trong Đi tìm nhân vật là kẻ mang sẵn bản tính ác. Hắn phạm tội một cách có ý đồ và hoàn toàn chủ động. Căn nguyên tội ác của hắn hoàn toàn nằm trong chính tâm hồn – tâm hồn “vĩnh viễn bị dìm trong bóng tối”, tâm hồn “thích bóng tối”. “Hắn có một khả năng rất kì lạ: vạch ra những thói xấu của người khác nhất là những trò ma quỷ … tự tay hắn giết hàng trăm con chó đực vào mùa phối giống,…
bố trí cho hai thằng bạn cưỡng dâm một cô bạn gái để đứng ngoài quan sát “biểu hiện thú vật của con người” [9, 179]. Hắn mê những con người của lịch sử không phải ở tài năng mà ở phần kì dị của họ: Nietzsche, Đoxtoievxki, Hitler, Stalin, Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông,… Theo kết luận của vị giáo sư: Những kẻ coi phạm tội ác là nhu cầu thể hiện mình “giống nhau ở chỗ đều thù ghét đồng loại, muốn dùng đồng loại làm thí nghiệm” [9, 179].
Tội ác của gã thợ săn trong Đi tìm nhân vật lại do hoàn cảnh. Ông già gác rừng không cho săn bắn trong địa phận này, ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi người trong đoàn đi săn. Do đó nhiều người trong đoàn có ý định giết ông lão và một anh chàng thợ săn đã có hành động thực sự. Gã bào chữa cho mình “Tôi không thể là thủ phạm bởi tôi không có khả năng giết người và trong trường hợp ông gác rừng bị bắn chết bởi tay tôi, thì chỉ có thể nói, hắn, một kẻ vô hình nhưng có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ chỗ nào con người có sự ganh ghét thù hận đã biến tôi thành công cụ của hắn” [9, 41]. Tội ác có thể nảy sinh ở bất cứ ai, nhưng kẻ phạm tội là kẻ bị chỉ định trở thành kẻ phạm tội.
Có khi tội ác bắt nguồn từ những ý nghĩ tăm tối. Trong Đi tìm nhân vật, nhân vật “tôi” giết con chim bồ câu, đẩy cô gái câm đến chỗ chết. Và trên đường tìm Thảo Miên, “tôi” dùng chân hất thằng bé đánh giày “bằng một sự ghét bỏ mà tôi chưa từng thấy ở tôi bao giờ. Có thể từ một tình huống tương tự thế này mà một thằng bé đánh giày nào đó bị đâm chết”. “Tôi” hình dung vụ thằng bé đánh giày bị đâm chết không loại trừ mục đích thỏa mãn một sự chiêm ngưỡng. Vì sự ích kỉ, con người cũng có thể sa vào tội ác, như hành động trút bỏ đứa con đầu tiên của nhân vật người mẹ bào thai trong Thiên thần sám hối.
Trong Giã biệt bóng tối, xoay quanh nhân vật thằng bé Thượng, nhiều người đã phạm tội ác. Tội ác ở đây không đến mức gây ra cái chết song sự đối xử tệ bạc, hành hạ, chửi rủa, đẩy thằng bé vào bước đường cùng là điều không thể chấp nhận.
Với Tạ Duy Anh, cái ác là sự tối tăm, thù hận, ngu dốt và lầm lẫn. Ông hay viết về cái ác như một sự ám ảnh. Viết về cái ác để giúp con người từ bỏ nó, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đã gây ra tội ác thì phải nhận sự trừng phạt. Sự trừng phạt có thể đến từ bên ngoài hoặc bên trong nhân vật – bị trừng phạt và tự trừng phạt.
Những con người gây ra tội ác với thằng bé Thượng đều phải chuốc lấy cái chết thê thảm đau đớn trong Giã biệt bóng tối. Đó là ông Tung, ông Thìn, ông Phụng, là lão Định mắm, là bà Hường, tên San…; Anh chồng phạm tội giết ả cave (Thiên thần sám hối) đã để lại ác nghiệp cho người vợ: cô nhiều lần mang thai nhưng không thể nào giữ được đứa con của mình; Nhân vật lão Phụng trong Lão Khổ
phải đón nhận cái chết trong sự hoảng loạn bởi tưởng như có cả đoàn âm binh đuổi theo lão, đẩy lão xuống vực khi có tâm địa phản trắc, vụ lợi. Rồi thì lão Tự thời có quyền đã hại bao người đến lúc thời thế đổi thay, tuổi già phải chịu sự ruồng bỏ của mọi người, sống kiếp sống không phải của con người. Họ đã phải trả giá đắt bởi chính những tội ác mà mình gây ra. Sự trừng phạt ấy như lời cảnh báo để con người tránh xa những suy nghĩ, hành động không tốt, để con người hướng thiện ít nhất cũng là vì bản thân mình.
Trong tác phẩm của mình, nhà văn cũng bộc lộ quan niệm rằng hình phạt khổ đau nhất chính là sự tự trừng phạt. Nhà văn để cho nhân vật của mình phải sống trong sự tự đọa đày, dằn vặt “ôm trong lòng một vết thương lúc nào cũng lở lói và treo trước mắt”. Nhân vật người thợ săn trong Đi tìm nhân vật, người con trai giết bố đẻ trong Thiên thần sám hối là những nhân vật như vậy. Cuộc sống như con diều ở đỉnh cao danh vọng của tiến sĩ N (Đi tìm nhân vật) là sự tự trừng phạt ghê gớm. Bởi nó chứa đầy sự giả tạo, vô nghĩa, nó là “hố chôn cái thằng tôi bản gốc” trong khi “cái thằng tôi bản sao” vẫn sống. Nhân vật “tôi” thì phải chịu sự tự trừng phạt là những ám ảnh dính đầy máu có hình ảnh hồn trinh nữ đi lang thang ngoài cửa sổ bởi trước đây đã từng cưỡng hiếp người con gái muốn dâng hiến cho mình.
Một kiểu hình phạt thật lạ trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh là nhân vật phải sống cuộc sống trần thế. Nhân vật lão Khổ trong tác phẩm cùng tên mơ thấy mình bị tuyên án: “Tên Tạ Khổ này, vì mù quáng mà gây tội lỗi. Nhưng xét ra tâm địa hắn cũng không đến nỗi nào. Hắn đã không biết việc hắn làm thì làm sao hắn biết tội mà nhận. Hình phạt với hắn là bắt về trần sống tiếp” [4, 221]. Những tưởng khi nghe
bản tuyên án ấy lão Khổ phải sung sướng lắm vì không phải chịu cảnh ngục tù hay nhận cái chết, nhưng lão lại “hù lên một tiếng kinh hãi”. Thì ra, hình phạt cao hơn cả là phải sống cuộc sống trần thế. Cũng trong tác phẩm này, Tạ Duy Anh thể hiện quan niệm “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” khi để con cháu dòng họ Tạ phải chịu sự trừng phạt bởi tội ác trước đây của thế hệ trước. Hay như con cái lão Tự cũng phải chịu sự trừng phạt bởi tội ác xưa kia của lão.
Ranh giới giữa thiện và ác, thiên đường và địa ngục nhiều khi rất mong manh. Con người chênh vênh đứng trên ranh giới ấy. Viết về những vấn đề có tính chất “tội ác và trừng phạt”, Tạ Duy Anh muốn “bản thân con người không tự loại bỏ được tội ác ra khỏi đời sống nhưng có thể và cần phải nhận thức được bản chất của nó”. Và ông cho rằng “Môtip tội ác và trừng phạt sẽ còn luôn ám ảnh các nhà văn với tư cách là những người đại diện tinh thần trong quá trình tìm lại thiên đường bằng sám hối”.