2.2.2.1. Con người tha hóa
Con người tha hóa là con người bị biến chất thành xấu đi; biến thành cái khác đối nghịch lại. Như vậy, tha hóa là hiện tượng một người bị biến thành người khác, đánh mất đi cái tôi nguyên bản tốt đẹp vốn có của mình, dưới tác động của môi trường. Con người trong xã hội hiện đại đầy tính cạnh tranh và thực dụng, nhiều người đã không giữ được những phẩm chất đáng quý của mình. Những tác động mạnh mẽ từ cuộc sống xã hội nhiều khi đã làm con người không còn giữ được những bản chất tốt đẹp của mình, làm họ mất đi tính người, tình người. Vì hoàn cảnh, vì những ích kỉ, vụ lợi cho riêng mình, họ đã dần biến thành những kẻ xấu xa, tàn ác. Tạ Duy Anh không ngần ngại né tránh mà mạnh dạn phơi bày cái thấp hèn cũng như bản tính phi nhân, thú dữ tồn tại trong mỗi con người. Không phải nhân vật nào trong tác phẩm của ông cũng bị tha hóa, đánh mất phần người của mình. Tuy nhiên, nhân vật bị tha hóa xuất hiện trong tác phẩm của ông với mật độ khá dày và với những cấp độ sắc thái đậm nhạt khác nhau.
Nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Đó là sự tha hóa một phần qua hành động, lời nói, suy nghĩ. Đó có khi là sự tha hóa hoàn toàn trên mọi phương diện. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông đã dần đánh mất mình, không còn giữ được tính cách, phẩm chất của mình, thay đổi thành một con người khác đối lập với chính mình trước đó. Sự tha hóa này nhằm thích nghi với cuộc sống hiện tại, với xu hướng mới nhưng tiêu cực và phi nhân bản mà gạt bỏ đi những giá trị tốt đẹp vốn có. Đáng ngại hơn khi họ không nhận ra sự tha hóa của mình bởi nhìn đâu cũng thấy những con người đã mất nhân cách. Khi còn là mình, con người thường cảm thấy lạc lõng, xa lạ với cộng đồng. Khi hòa tan vào cộng đồng, con người lại trở nên xa lạ với chính mình, với những bản tính rất người. Họ yên tâm bởi sự hậu thuẫn của đám đông để rồi đánh mất mình lúc nào không biết. Như vậy, sự tha hóa diễn ra trên diện rộng, trở thành điều nhức nhối. Tạ Duy Anh đã phơi bày tất cả cái xấu xa của con người. Ông viết về sự tha hóa, về cái xấu, cái ác của con người nhằm đánh thức cái thiện trong tâm hồn họ. Sự hiện diện của cái xấu,
cái ác trong tác phẩm vừa là sự phản ánh hiện thực vừa là một cách phản ứng đối với hiện thực. Và thực ra, tái hiện cái ác cũng là một hình thức chống lại cái ác. Mỗi tác phẩm của ông là sự nhắc nhở lương tâm, là sự phán xét mỗi khi con người không còn đủ nghị lực để đối diện với chính mình. Ông còn phơi bày cái ác để cảnh tỉnh con người đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt yêu thương, bị tha hóa. Để làm được điều đó, Tạ Duy Anh đã viết với một thái độ tỉnh táo, lạnh lùng và quyết liệt với cái ác, cái xấu. Nét độc đáo ở nhà văn này là ông đã giao cho nhân vật cái quyền tự lên án và tự biện hộ, tự buộc tội và tự giải thoát, vừa là bị cáo vừa là quan tòa xử tội trước tòa án lương tâm. Với cách thể hiện như vậy, có thể nói, Tạ Duy Anh đã can thiệp một cách tích cực vào cuộc sống hiện tại. Người đọc có thể nhận ra bóng dáng mình với những phần còn khuất tối bên trong để tự lên án, tự sửa đổi hoàn thiện bản thân mình.
Một kiểu con người tha hóa rất đặc biệt trong tác phẩm của Tạ Duy Anh là con người đánh mất mình, con người bị hòa tan vào cộng đồng. Kiểu nhân vật này được thể hiện rất độc đáo trong Đi tìm nhân vật. Nhân vật Chu Quý mải miết đi tìm nguyên nhân cái chết của thằng bé đánh giày ở phố G đã nhiều lần giật mình bởi bị lạc vào một mê cung đám đông – nơi mà anh ta không còn biết thật ra mình là ai. Sau mỗi lần gặp, “tôi” không còn là “tôi” nữa mà đã bị đám đông khoác cho bộ mặt kẻ khác, khiến cho anh ta hồ nghi về chính sự tồn tại của mình. Không ai nhận diện được ai, không ai tự nhận diện được mình trong cái “cộng đồng” bát nháo mà dối trá. Ở đó, sự thành thực, đạo đức, tội lỗi, … tất cả đều lẫn lộn, quay cuồng và tiêu diệt lẫn nhau. Trong cái cộng đồng lớn ấy, số phận cá nhân có nguy cơ bị nhấn chìm, đè bẹp. Con người cá nhân dường như biến mất, tất cả đều na ná giống nhau, không còn đặc điểm nào để phân định giữa người này và người khác. Nhân vật “tôi” khi quay trở lại phố G và trực tiếp nghe mọi người nói về mình đã nhận ra là tiếp xúc với đám đông này “tôi sẽ không còn biết chính tôi là ai và đang sống ở thời đại nào nữa” và thực sự hoang mang: “Nhưng mà tôi là ai nhỉ? Hay tôi chính là cái thằng cha đi hỏi về cái chết của thằng bé đánh giày? Tự dưng tôi rất muốn đi tìm hắn để xem hắn có phải là tôi không? Hay tôi là hắn lúc nào mà tôi không biết? Hay tôi đã không còn là tôi từ đời tám hoánh nào rồi? Vậy thì tôi là ai? Là hắn hay là một tôi khác?”[9, 205].
Những câu hỏi ấy cứ ám ảnh nhân vật “tôi” khiến “tôi” có lúc muốn thét lên “Tôi là ai? Là tôi? Là hắn? Hay không phải là tôi?”. Không còn dám chắc mình là ai, “tôi” thấy rõ sự biến mất của mình và “cảm thấy mỗi cá nhân giống như một mã số một kí hiệu,… luôn luôn có nguy cơ bị biến dạng, bị nhiễu, bị sai lạc về tín hiệu hoặc mất hút mà không ai cần biết lí do” [9, 206]. Con người trong cộng đồng ấy không còn nhận ra chính bản thân mình và càng chắc chắn là không thể nhận ra người khác đúng như con người thật của họ. Họ giống nhau, tất thảy đều có “gáy”, có “bụng” mà không có “mặt” riêng của mình. Đối mặt với thực tế đó, con người hoang mang, bị cuốn vào guồng quay của lịch sử, không thể làm chủ được mình. Ở đây, Tạ Duy Anh đã đặt ra vấn đề về sự tha hóa của con người bằng việc đưa ra một bằng chứng về sự vong bản, sự hòa tan cá tính trong một xã hội bầy đàn hóa, rô-bốt hóa bằng những lập trình có sẵn. Tác phẩm này là lời cảnh báo về sự phi lí của cuộc sống khi cơ sở tồn tại của nó là những con người cá nhân đã bị đánh đồng, không còn một chút bản sắc của riêng mình. Xã hội loài người lúc ấy sẽ chỉ còn là những bản sao giống hệt nhau nhưng lại vô cảm, chẳng thể cảm thông, thấu hiểu cho nhau. Và lúc ấy, cũng sẽ không ai chứng minh được cái “tôi” cá nhân của mình, thậm chí không còn tin mình là một cá nhân bởi thật ra chính mình cũng không biết rõ về bản thân mình. Người đọc thực sự giật mình khi nhận ra thông điệp của nhà văn gửi gắm qua tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì, phải sống như thế nào để không đánh mất mình, để vẫn có thể nhận ra mình giữa xã hội loài người rộng lớn này.
Con người tha hóa trong trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh còn là những con người độc ác, phi nhân tính. Qua các tác phẩm của mình, Tạ Duy Anh phơi bày sự thật nghiệt ngã về con người bằng kiểu nhân vật này. Cái xấu, cái ác xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của ông. Dường như viết về cái ác, cái xấu đã trở thành sở trường của nhà văn họ Tạ này. Ta có thể nhận thấy mật độ kẻ thủ ác và những chuyện làm ác quá nhiều trong tác phẩm của Tạ Duy Anh. Nhiều nhân vật của ông nếu không giết người thì cũng mưu toan làm những chuyện ác. Ở Thiên thần sám hối, nỗi ám ảnh người đọc chính là hành động thủ ác của các nhân vật. Họ là những con người hiện lên chỉ như một lát cắt của dòng đời, người đọc có thể không hình dung được dáng hình, nét
mặt, cá tính, song lại không thể nào quên được những suy nghĩ, mưu toan cũng như những hành động phi nhân tính của họ. Có thể liệt kê ra hàng loạt những nhân vật phi nhân trong tác phẩm này. Đó là thằng họ Sở, có vợ ở quê rồi mà vẫn lừa một cô gái, đến khi cô này mang bầu thì khuyên đi nạo, lí do anh ta đưa ra là “Cái lão sếp của anh cứ ốm quặt ốm quẹo mà chả chết cho. Hắn không chết thì anh còn phải chờ” [4; tr260]. Còn cô gái bị lừa cũng thật ghê gớm. Cô coi đứa con trong bụng như của nợ: “Nó ra ngày nào em hết nợ ngày đấy” và “em mang con anh ta trong bụng chẳng khác nào mang cục đá, mang cái nghiệp chướng. Em chẳng có tình cảm gì với nó sất. Giá nó chết ngạt đi thì càng mừng” [4, 261]. Thật độc ác khi một người mẹ có thể nghĩ như vậy về đứa con trong bụng của mình. Và quả thực người mẹ ấy đã hành động như vậy. Khi đẻ đứa con ra chị ta coi như trút xong tội nợ, hằn học nhìn đứa con và nói: “Thằng chó, con mày đấy, cái ách của mày đấy, đến mà nhận về. Bà hết việc với mày rồi” [4, 261]. Đó là gã trai con nhà giàu có chỉ thích vui thú và sợ trách nhiệm đối với trẻ con: “Đang chết dở vì trẻ con đây. Chúng nó chỉ chờ mình sơ suất một tẹo là chui ra rông rổng rồi ngoác miệng đòi cuộc sống, đòi tương lai” [4, 281].
Đó còn là một chàng trai khuyên người yêu bó bụng để trì hoãn và trốn tránh đám cưới. Khi cô gái tỏ ý lo lắng sợ sau này đứa bé bị dị dạng thì hắn ta đáp bằng giọng lọc lõi: “Nếu có cái chuyện kinh khủng ấy thì tống cổ nó ra rồi làm đứa khác. Chuyện ấy quá đơn giản” và “Nó khác gì trứng vịt lộn đâu. Nếu cần anh sẽ chén luôn, thế là chẳng bỏ đi đâu tí nào. Của Sê – da trả cho Sê – da” [4, 286]. Gã trai ấy, để thoát khỏi sự ràng buộc của đứa bé trong bụng người yêu, đã nhờ chính bạn mình tán tỉnh cô ta để cô ta tự phản bội, từ bỏ đứa bé. Cô gái ấy cũng bị hoàn cảnh đưa đẩy và tha hóa rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, nàng đã quyết định từ bỏ cái thai. Đến bà Phước – một phụ nữ nông thôn chất phác, vì hoàn cảnh riêng phải lên thành phố kiếm sống, rồi bà làm “vợ” của bốn bố con lão già và sinh ra một bọc bốn đứa trẻ. Bà hí hửng vui mừng “em được bồi dưỡng bốn triệu đồng mà chỉ phải kí xác nhận đồng ý cho người ta ngâm cồn những đứa con chưa thành người của em (…) Giá được thêm vài bọc nữa thì em đủ tiền xây nhà” [4, 310]. Còn cô gái tên Giang – một nữ phóng viên trẻ xinh đẹp, khi có thai đã “dằn vặt ghê gớm bởi không biết nó là của
chồng tôi hay của papa”. Và cô ta cũng có những suy nghĩ hết sức độc ác: “Nếu tôi đẻ ra mà nó là con ông, tôi sẽ bóp chết. Con tôi mang trong bụng đã được định đoạt là nó phải chết khi chưa thành người. Đúng hơn nó không được phép thành người. Nó đã ngấm thuốc độc, có để đẻ cũng thành dị dạng. Việc nó bám dai dẳng vào da thịt tôi trở nên không thể chịu đựng nổi. Tôi nguyền rủa nó, cầu mong nó sớm kết thúc số kiếp” [4, 337]. Hành động của cô đã được suy tính và thực hiện thật nhẫn tâm mà cô không có chút dằn vặt, xót xa… Có thể nói, trong Thiên thần sám hối, sự tha hóa, cái ác ngự trị ở mỗi con người đã được tác giả phơi bày rõ nét. Nó khiến người ta kinh hoàng và lo sợ cho tương lai của mỗi con người. Sự tha hóa của con người trong Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh là những gì rất thật đang tồn tại. Từng con người, từng mẩu chuyện được tác phẩm kể đến chúng ta có thể dễ dàng gặp đâu đó trong cuộc sống này. Thế nhưng, cái mới của Tạ Duy Anh là ông đã chọn một không gian nghệ thuật rất độc đáo. Chỉ trong một bệnh viện phụ sản mà có biết bao cuộc đời với những éo le rất riêng của thân phận cá nhân được biết đến. Cũng trong bệnh viện ấy – nơi cứu cánh, gieo mầm sống cho con người lại có vô khối những kẻ mang bản tính phi nhân. Họ bao gồm cả những người cần sự cứu giúp lẫn những những người mang sứ mệnh đem lại điều tốt đẹp cho đồng loại. Tất cả họ đều bị nhìn thấu, xuyên suốt để hiện lên cả những góc tối của tâm hồn. Điều đặc biệt là Tạ Duy Anh đã để một nhân vật chưa thành người quan sát, suy ngẫm và kể lại những gì mình biết được. Điểm nhìn nghệ thuật mới lạ, độc đáo ấy có sức ám ảnh lớn, tác động mạnh đến người đọc, tạo nên hiệu quả nghệ thuật bất ngờ mà nếu chọn một điểm nhìn khác, tác phẩm không thể nào chạm đến. Chính cái nhìn của hài nhi trong bụng mẹ - cái nhìn lạ lẫm và dò xét đối với thế giới bên ngoài đã tạo được sự khách quan trong việc phản ảnh hiện thực, con người. Để một đứa trẻ chưa chào đời suy ngẫm và e sợ cái cuộc đời mình sắp đón nhận, tác giả đã khiến người đọc phải tự nhìn nhận lại mình. Như vậy, điểm nhìn mà nhân vật lựa chọn ở tác phẩm này đã chạm đến đáy sâu lòng người để tạo nên những rung cảm mạnh mẽ nhất.
Ở Đi tìm nhân vật, “tôi” trong hành trình “đi tìm nhân vật” đã nhận ra mình cũng từng có những hành động ác. Anh đã từng đẩy cô gái dở người đến cái chết,
điều mà lúc ấy anh không hề cảm thấy tội lỗi. Và trong khi cuống cuồng chạy đến chỗ hẹn gặp Thảo Miên, “tôi” đã dùng chân hất thằng bé đánh giày ngang đường “bằng một sự ghét bỏ mà tôi chưa từng thấy xuất hiện ở tôi bao giờ. Có thể từ một tình huống tương tự thế này mà một thằng bé đánh giày nào đó bị đâm chết – Tôi nghĩ một cách lạnh lùng. Mặt nó khá ngộ nghĩnh. Nó ngã xuống, khuôn mặt kia sẽ tối lại, y như một ngọn nến bị thổi tắt” [9, 318]. Như vậy, điểm đặc biệt là, ngay cả với những nhân vật chính của tác phẩm, những nhân vật bao giờ cũng là đồng minh của cái thiện, họ không phải lúc nào cũng nhận ra cái xấu, cái ác của mình. Và bản thân họ, luôn luôn có những tì vết. Lão Khổ trong tiểu thuyết cùng tên cũng vậy. Lão đã từng tiếp tay cho sự thù hận bằng cách cô lập và kéo cả một tập thể cô lập bố con nhà lão Tự. Lão đè bẹp ước mơ và ngăn cản tình yêu của con trai mình. Lão thanh trừng Tạ Bông một cách nhanh chóng… Chính những hành động ấy khiến lão đã có lúc bị coi là “quỷ dữ”. Còn ở Giã biệt bóng tối, qua các nhân vật, hiện thực của xã hội Việt Nam hiện đại được mô tả với các góc cạnh bi đát nhất, bát nháo nhất. Đó là một xã hội mà bọn quan chức thì trác táng ăn chơi, dâm ô, tham tàn, còn đám trí thức thì là một lũ đạo đức giả, bất tài, lưu manh… Có thể nói, ở xã hội đó, dường như sự tha hóa đã lan tỏa, ăn sâu, gặm nhấm đến từng con người, không trừ một tầng lớp, nghề nghiệp nào. Đó là chàng thanh niên nông thôn từ khi ra thành phố làm thuê, gặp được bà chủ giàu có đã biến thành một gã đĩ đực ma mãnh. Là một ông phụ trách an ninh