Nhân vật “hắn – ngón tay trỏ”

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 72)

Đi tìm nhân vậtxuất hiện một nhân vật vô hình nhưng tồn tai khắp nơi – nhân vật hắn – ngón tay trỏ. Trong tác phẩm này, Chu Quý tình cờ vớ được mẩu báo, vẻn vẹn mấy dòng: “Nạn nhân là thằng bé đánh giày, quãng 10 – 12 tuổi bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết” [9, 10]. Chu Quý quyết định đi điều tra, quyết định tìm cái mà Chu Quý gọi là “hắn”: “Hắn” có thể là

hung thủ và “hắn” có thể là nguyên nhân án mạng. “Hắn” còn có thể đóng những vai khác mà Chu Quý đang tìm kiếm… “Vì một thôi thúc nhuốm màu sắc bi kịch mà tôi không thể diễn tả được. Về sau này rồi quý vị sẽ thấy, tôi hiểu rằng hóa ra tôi chỉ tiếp tục cuộc truy tìm hắn”. “Hắn” (hung thủ hay nguyên nhân án mạng) có thể là “tôi” (Chu Quý) bởi vì “hắn” không là “tôi”, thì tại sao hắn lại biết được địa chỉ xảy ra án mạng trong khi mẩu báo không hề ghi rõ. Kẻ đi tìm có thể chính là kẻ bị tìm. Đó là một sự tìm mình, tìm kiếm bản thân. Ông triết lí rằng: Tôi tìm tôi: Tôi là ai? Tôi là hắn? Hắn “giết” tôi? Tôi đi tìm hắn? Cái mà Chu Quý gọi là hắn được miêu tả như sau: “Hồi đó hắn xuất hiện trước mắt tôi như một khối đen khổng lồ. Từ cái buổi tối định mệnh ấy, tuổi thơ của tôi vĩnh viễn bị chôn sống. Tôi thấy cha tôi bị cùm giải đi” [9, 45]. Tôi chưa bao giờ nhìn vào tận mặt hắn. Sau khi lập mưu đẩy cha tôi vào tù, sau khi biến cha tôi thành thân tàn ma dại, đêm nào hắn cũng lảng vảng quanh nhà tôi khiến cha tôi suy sụp rất nhanh và chết âm thầm trong bóng tối”. “Có thể là hắn, dưới bộ mặt khác đã hạ sát thằng bé đánh giày” [9, 172]. “Hắn” có vô số khuôn mặt, núp bóng trong hầu hết các nhân vật, chỉ đạo các nhân vật theo ý muốn của “hắn”. “Hắn như kẻ to lớn, biết tàng hình, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu hắn muốn, chỉ trong chớp mắt là có cảnh tang tóc.

Gã thợ săn - người bắn chết ông lão gác rừng, khi bị kết án tử hình đã gào lên, vạch mặt, tố cáo hắn như kẻ chủ mưu: “Tôi không có một chút ý muốn giết người. Hắn đã chọn tôi để trốn tội. Trong vụ này hắn đã thắng tất cả chúng ta. Tôi không là thủ phạm duy nhất. Tôi hoàn toàn không có ý định giết người… Hắn, một kẻ vô hình, nhưng có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ chỗ nào con người có sự ganh ghét thù hận, đã biến tôi thành công cụ của hắn” [9, 41]. Gã thợ săn không có bằng chứng gỡ tội. Gã biết mình được hiệp săn chỉ định việc giết người nhưng không biết ngón tay trỏ là ai, của ai? Nó là vô hình, nó là đêm tối. Người anh sinh đôi của Chu Quý – tiến sĩ N, cũng gặp ngón tay chỉ đạo ấy trong chiến tranh. N nộp đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu nhưng vì động cơ là “tôi quyết định tìm kiếm một cái chết”. Trớ trêu thay, N không chết, song anh ta đã đúc kết được thủ phạm của chiến tranh: “Chiến tranh là cơ hội giết người tốt nhất. Khi đạn đã lên nòng rồi thì nó phải tìm ai đó để găm vào

thì mới hợp logic. Mình phải tưởng tượng những kẻ mình sắp giết là bọn quỷ. Ngón tay trỏ của mình đã tê cứng và nó sẽ cho ảo giác là mình không điều khiển được nó. Mọi sự do nó quyết định (…). Ai đó từng bảo rằng, không có đàn ông sẽ không có chiến tranh. Mình sẽ cải chính chỉ cần bọn đàn ông đừng có ngón tay trỏ. Tại sao lại gọi là ngón tay trỏ. Nó dùng để trỏ đường cho ai đó. Nó là vật cụ thể hóa ý nghĩ, ý tưởng đầu tiên. Nhưng ở chiến trường phải gọi nó là ngón tay giết người mới đúng”

[9, 145]. Sở dĩ vậy vì nó chính là ngón tay bóp cò súng. “Ngón tay trỏ” cũng là một loài đêm tối, luôn thay hình đổi dạng, luôn thay đổi hành tung: Nay là hiệp săn, mai là tổ chức, mốt là guồng máy, có lúc nó là chính nghĩa, tổ quốc,… Phải chăng nó chính là cái cái ác – phần bóng tối tồn tại trong mỗi con người. Cái ác muốn được thực thi, muốn giết người phải đội lốt, mượn danh điều gì đó. Hiệp săn muốn ông lão gác rừng chết đi vì quyền lợi của mình, nhưng người thực thi ý nghĩ xấu là gã thợ săn. Đúng như gã nói, gã không là thủ phạm duy nhất. Và vì cái ác cái xấu ở khắp nơi, như con bạch tuộc nhiều vòi nên Chu Quý không thể nào truy tìm được hắn:

“Không phải vô cớ mà tôi chuyên đi điều tra về những cái chết. Thực ra vẫn là cuộc truy tìm hắn mà tôi lao vào một cách tuyệt vọng. Có lúc tưởng như tôi đã vẽ được chân dung hắn. Có lúc hắn đã ở trong tầm tay tôi. Có lúc hắn bị tôi phù phép cho thất điên bát đảo để lộ nguyên hình. Nhưng có lúc hắn biến hóa không lường. Trở lại ghế phán xét bảnh bao dưới một chân dung khả ái” [9, 39].

Như vậy, nhân vật “hắn – ngón tay trỏ” đầy phi lí và hư ảo trong tác phẩm là một nhân vật đa biểu tượng và luôn thay đổi. “Hắn” có thể là kẻ đã giết hại thằng bé đánh giày, có thể là người đưa bố Chu Quý đến chỗ chết, hoặc là chính Chu Quý, hoặc cũng có thể là một tiếng nói vô thức nào đó trong bản thân mỗi con người.

Ngoài nhân vật hài nhi và “hắn – ngón tay trỏ”, trong tác phẩm của Tạ Duy Anh còn xuất hiện những nhân vật kì ảo khác. Thảo Miên (Đi tìm nhân vật) là một ví dụ. Thảo Miên như một tiên nữ sa lầy mà Chu Quý tìm cách giải thoát để xây dựng tình yêu tuyệt vời, thánh thiện, để có thể tin rằng ngoài tất cả những xấu xa tàn mạt, con người vẫn còn có tình yêu. Nhưng rồi đến cả Thảo Miên cũng chưa chắc là có thật. Có thể nàng chỉ là một giấc ngủ dài, giấc mộng triền miên của Chu Qúy, kẻ lạc

đường, kẻ vướng sa lầy chưa bao giờ tỉnh mộng? Thằng Thượng trong Giã biệt bóng tối cũng là một nhân vật kì ảo bởi quyền năng tối thượng của nó. Cậu bé này có thể khiến bất cứ người nào phải chết ngay lập tức nếu cậu phát ra miệng lời chửi rủa. Nhân vật Giang Tâm trong Lão Khổ cũng gắn liền với nhiều chi tiết kì ảo: “Giữa cái vũng lầy lội ấy, con bé Giang Tâm càng nổi trội lên ở vẻ đẹp thánh thiện. Từ hơi thở của nó cũng thơm lừng… Nó vẫn không bỏ được thói quen ăn hoa. Hình như con bé sống ở một cõi khác hẳn. Với nhân loại sôi sục của làng Đồng thì con bé đích thị là điên hay mắc nghiệp chướng gì đó. Đám phụ nữ thì thầm: “con bé không có kinh”. Điều kì lạ là những đứa trẻ bị ốm rất thèm được nó bế. Có người quả quyết đã thấy con bé trần truồng tắm, toàn thân trong suốt và ở ngực có hai hạt ngọc hồng hồng” [4; tr228].

Như vậy, nhiều nhân vật của Tạ Duy Anh được kì ảo hóa, huyền thoại hóa. Điều này có thể do ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, tiêu biểu là Kapka. Nhân vật của Kapka không phải là những cá nhân xã hội thông thường mà là những ý niệm mang tính trừu tượng, thiếu tính xác định. Nhân vật thường không có tên, hoặc tên viết tắt, tên chỉ chức vụ, nghề nghiệp, tên chung chung… chỉ là những K, Jozep K, người thầy thuốc, ông lão bán than… Nhân vật không được miêu tả hình dung, diện mạo, tính cách, tiểu sử. Điều này có nghĩa là nhân vật có thể là bất kì ai trong xã hội, họ là những con người vô danh. Nhân vật của Tạ Duy Anh cũng là những con người như vậy. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên, tuy thông thường nhưng hết sức quan trọng, là cái tên của các nhân vật. Người không tên là người của đám đông, lẫn vào đám đông, chẳng ai quen biết. Người anh sinh đôi của Chu Quý chỉ là tên viết tắt – tiến sĩ N. Cô gái dở người mà Chu Quý hãm hiếp, gã thợ săn, ông gác rừng, cô bé bị chôn sống,… hoàn toàn không có tên, hoặc tên nhân vật dường như là tên của tác giả: lão Tạ, Chu Qúy, Qúy Anh (giống như K có thể là bất kì ai trong xã hội nhưng cũng có thể là Kapka).

Tên nhân vật trong tác phẩm của ông cũng mang tính ý niệm. Cái tên Thảo Miên khi đọc lên tự bản thân đã có nhạc điệu. “Nó bao gồm sự êm dịu, nỗi hoài niệm và cả những ước vọng” [9, 358]. Và có thể, tác giả muốn gợi trí tưởng tượng đến một

vẻ đẹp không được biết tới do sự che lấp của dục vọng, thói vụ lợi và sự độc ác. Cái tên ấy cũng đầy chất thơ, như vừa hư vừa thực. Và người con gái với vẻ ngoài băng trinh như một tiên nữ, nàng là có thực nhưng cũng có thể chỉ là hư ảo, là giấc mộng – đó là một dụng ý. Còn cái tên Mặt Đen thì theo tác giả, là hình tượng hóa một nỗi ám ảnh từ thời thơ bé về tai họa mà ông không sao rũ bỏ được. Mặt Đen là hiện thân cho phần tăm tối của tâm hồn mà ông nhìn thấy ở nhiều người. Quả thật, chỉ cần nghe đến cái tên này, người đọc cũng đã cảm nhận được cái phần khuất, tối mà người ta không thể tránh khỏi sợ hãi. Nó không còn là một nhân vật cụ thể nào, nhưng nó có mặt ở nhiều nơi, mang đến tai họa cho nhiều người.

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 72)