Giọng dung tục

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 96)

Trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh, giọng dung tục thể hiện rõ qua những cuộc đối thoại của các nhân vật. Nhà văn đưa giọng dung tục vào tác phẩm của mình nhằm phản ánh một cách chân thực và sinh động hiện thực cuộc sống.

Trong Lão Khổ, xuất hiện những tiếng chửi tục không cách điệu, không gọt giũa, không kiêng dè: “Rõ ra mặt tử tế! Chó lắt mẹ mày chứ cả ổ cả ê nhà mày kiệt nõ đít, có bao giờ lại thảo lảo thế” [4, 95]; “Cha tông ngôn bố thằng trời đánh, mày để dái mày vào mặt vào mặt các cụ đấy à?” [4, 77]. Trong Đi tìm nhân vật có một loạt lời nói ghê gớm của những kẻ không coi air a gì: “Không có đàn bà thì nó chui ra từ háng trâu chắc, lại chưa kể ai cho nó thỏa cơn rửng mỡ. Con nhớ mặt nó sau này bảo mợ, mợ sẽ thiến nó lấy cật uống rượu. Đứa nào thở ra thứ hơi cứt ấy trước mặt tao đều ăn đủ” [9, 64]. Rồi thì: “Mày nói cho bướm tao đây nó nghe. Đã hồ đồ lại còn “vì hồ đồ”. Trí thức chúng mày toàn loanh quanh thế à” [9, 62]. Ở đây, giọng dung tục phù hợp với kiểu nhân vật.

Đến Thiên thần sám hối, giọng bỗ bã, dung tục xuất hiện với mức độ đậm đặc. Ở đó có thứ ngôn ngữ chợ búa của sự lừa lọc, tính toán; thứ ngôn ngữ dung tục của sự đồi bại. Khu bệnh dành cho sản phụ của bệnh viện X trở thành cái chợ của những giọng bỗ bã, dung tục hết mức. Giọng bà hộ lý thì the thé, sa sả; giọng chửi rủa của những gã trai không thích làm bố; giọng chê bai của kẻ giàu có, lắm tiền – vào bệnh viện như nhìn ngó một vật gì đã quá hạn sử dụng. Có cả giọng đau xót, tức tưởi của người mẹ mất con, giọng hả hê của những người đàn bà trút con ra như trút đi được gánh nặng. Lại cũng có cả giọng quát tháo được thay đổi hoàn toàn bằng giọng điệu cảm thông chỉ bởi có sự tham gia của đồng tiền: “Một người trong đám thân nhân nôn nóng chen vào muốn được xem mặt đứa bé, liền bị một bà giọng Nghệ quát cho một thôi, một hồi, sợ chết khiếp. Ái chà, người ta bảo vệ tương lai cứ như bảo vệ con ngươi của mắt mình ấy. Nhưng kìa, bà thân nhân kia vừa móc ra tờ giấy gì đó. Bà

giọng Nghệ liếc nhanh một cái rồi lại cắm cúi với công việc. Chợt như thấu hiểu nỗi lòng nôn nóng của bà thân nhân, bà giọng Nghệ bảo: Muốn xem có ai cấm. Nhưng các người có hiểu đâu công việc của tôi. Chắc là của hiếm muộn hả, vào đi” [4, 266]… Lắng nghe những âm thanh hỗn tạp ấy từ trong bụng mẹ, người kể chuyện chưa thành người chua chát nhận ra rằng: “Hóa ra nơi mẹ tôi đang nằm chờ ngày tôi chui ra là một cái bệnh viện. Thế mà lúc đầu tôi cứ ngỡ nó là một cái lò mổ gia súc. Thì cũng dao, kéo, máu me, quát tháo, kêu khóc… Có thiếu cái gì không làm người ta chết khiếp đâu” [4, 263]. Chính những thanh âm ấy đã làm nên cái chao chát, cay đắng, tàn nhẫn trong giọng điệu trần thuật Tạ Duy Anh.

Giã biệt bóng tối, giọng bỗ bã dung tục tiếp tục xuất hiện tuy không đậm đặc như trong Thiên thần sám hối nhưng có những cách ví von đầy màu sắc dân dã. Nhiều biệt ngữ, tiếng lóng được vận dụng đúng lúc, đúng chỗ để làm nổi bật chân dung các nhân vật: “Biết thế mỗi món tao đều xỉ mũi vào cho nó ngon một thể. Chỉ có tao là thiệt đơn thiệt kép thôi, đã mất tiền lại còn nghe chửi. Còn mày, tao thấy rõ là mày chộp đúng con ba ba của mụ ta, “lỡi” quá còn gì. Nếu phải tay ông hôm nay thì con mụ đĩ ngựa cũng trụi một đám. Thôi, cút đi. Càng nói càng tức dái tao” [15, 126]. Giọng trong Giã biệt bóng tối chủ yếu là giọng của người kể chuyện. Với tinh thần phê phán, giọng điệu người kể chuyện có chút gì hơi khinh mạn: “Đám trí thức luôn luôn tưởng mình là tầng lớp tinh hoa của xã hội chỉ cần nhìn cũng biết và tao đi guốc trong bụng từng thằng. Mày đừng để ý đến mặt thằng nào vênh vênh váo váo. Nó vênh váo như cái bánh đa cũng kệ mẹ nó còn nếu mày muốn biết thì nghe đây, đó là những kẻ vừa kiêu ngạo vừa hèn mạt. Chúng nó ngồi đâu cũng vãi ra những lời sặc mùi ái quốc, thực chất còn thối hơn cả rắm tao nhưng lại tự cho mình cái quyền khinh người khác như mẻ” [15, 122]. Có thể nói giọng bỗ bã dung tục trong đời sống được đưa vào trang văn của Tạ Duy Anh hết sức chân thực. Ẩn sau giọng điệu đó là một hiện thực trần trụi đến đau lòng mà nhiều người không đủ can đảm để đối mặt. Tạ Duy Anh đưa giọng điệu ấy vào tiểu thuyết để người đọc buộc phải nhìn nhận nó, phải phản ứng lại nó. Và hơn thế nữa, người đọc còn nhận ra tấm lòng luôn day dứt về cuộc đời của nhà văn.

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 96)