Trong những cung bậc đa dạng của giọng điệu trần thuật Tạ Duy Anh, giọng chất vấn nổi lên đầy âm vang, riết róng và ám ảnh. Nó luôn thể hiện ở các dạng câu hỏi và tìm lời giải đáp về hiện thực cuộc sống và về chính bản thân mình.
Khác với những nhà văn cùng thời, Tạ Duy Anh đã đi vào những vấn đề gai góc của xã hội hiện đại. Trong Lão Khổ,những suy tư về cuộc đời tập trung, cô lại và
dồn nén trong chính cái “tôi” tự vấn về bản thân mình. Trong tác phẩm, ở cả nhiều nhân vật, luôn lặp đi lặp lại day dứt câu hỏi “tôi là ai?”, đó không phải là câu hỏi hoàn toàn mới song nó vẫn rất cần thiết cho mỗi con người. Chúng ta cần suy nghĩ, chiêm nghiệm về nó để tránh sa vào vong thân, vong bản.
Những vấn đề muôn thuở xoay quanh cái Tôi - bản ngã và cuộc chiến giữa cái Thiện - cái Ác, sự tha hóa về đạo đức nhân phẩm được Tạ Duy Anh nhìn nhận dưới góc nhìn mới, với giọng tự vấn, đay đả hơn. Nhà văn hiểu rằng, chỉ có không ngừng tự vấn, ông mới có thể giúp trang sách của mình lưu lại trong trí óc người đọc, mới tạo ra giọng điệu có chiều sâu nhân bản. Như vậy, day dứt, khắc khoải, trăn trở, riết róng về vấn đề nhân sinh và luôn tự vấn là giọng chủ trong tác phẩm Tạ Duy Anh - giọng điệu khá riêng biệt với các nhà văn đương thời.
Trong tiểu thuyết Lão Khổ,trải qua những chuỗi ngày thất bại, lão Khổ tự chất vấn mình và chất vấn cuộc đời. Lão băn khoăn: “Lẽ nào có một thế lực điều khiển được vận mạng con người ta” [4, 236]. Rốt cuộc, ý nghĩa cuộc sống là gì lão đâu có biết, lão chỉ biết mình cô đơn và lạc lõng ngay giữa đồng loại.
Tác phẩm Tạ Duy Anh bao giờ cũng chất chứa những lo âu, khắc khoải khi cảm nhận sự mong manh của số phận con người. Trong khoảnh khắc nào đó, nhiều nhân vật thốt lên “Cuộc đời thật ngắn ngủi”. Cuộc đời quá ngắn ngủi nhưng con người lại cảm thấy mệt mỏi đến tận cùng trong cuộc loại trừ nhau. Đời người “khủng khiếp nhất là sự vô nghĩa. Nó không cho ta tái sinh vào những kiếp sống tương lai” [4, 253] và việc không chịu tìm ra lí do tồn tại của mình là sai lầm lớn nhất của con người.
Ở Đi tìm nhân vật,ông nội nhân vật “tôi” luôn có cái nhìn thảng thốt vào một thế giới mù mịt : “Vì sao người ta lại sinh ra làm người để rồi có lúc mất hút”. Còn nhân vật “tôi” lại đặt ra cho mình hàng ngàn lần câu hỏi “ta là ai”. “Ta” là kẻ đi tìm nguyên nhân cái chết của thằng bé đánh giày, hay “ta” chính là thủ phạm, là đồng bọn hay gã tâm thần dở hơi?...Đau đớn thay, những câu hỏi liên tiếp ấy không hề có sự phản hồi, nó bị rơi vào khoảng không trống rỗng.
Bào thai trong Thiên thần sám hối, nằm trong bụng mẹ, lắng nghe những âm thanh của cuộc sống lại thấy “Có quá nhiều điều không thể hiểu nổi”, “chẳng hạn tiền đẻ là cái gì? Lại còn chửa hoang, trút con ra, bỏ lại tội nợ, ăn quỵt, giao hợp…. việc ra đời của một đứa bé gắn với nhiều chuyện thế kia ư? Hành động đó có ý nghĩa gì nhỉ?” [4, 12]. Nhiều câu hỏi được đưa ra như bị lạc vào khoảng không trống rỗng, nhân vật không nhận thấy bất cứ tín hiệu nào của sự phản hồi, cũng không thể tự tìm được câu trả lời. Những câu hỏi ấy cứ riết róng trong tác phẩm, thể hiện nỗi bất an trước cái ác, sự băng hoại của nhân tính con người.
Như vậy, Tạ Duy Anh đã nhìn nhận những vấn đề của xã hội dưới một góc nhìn mới, bằng một giọng tự vấn riết róng hơn. Chính giọng điệu ấy đã có sức ám ảnh lớn đối với người đọc và cũng tạo nên một giọng điệu rất đặc trưng của nhà văn này.