Về đặc trưng của tiểu thuyết, M.Kundera cho rằng:“Tiểu thuyết là sự chiêm nghiệm về cuộc đời được nhìn thấy thông qua các nhân vật được tưởng tượng” [54]. Tạ Duy Anh đã tạo ra nhân vật tưởng tượng – nhân vật bào thai – đứa bé trong bụng mẹ chỉ còn 72 giờ sẽ chào đời. Ngay từ đầu tiểu thuyết, thai nhi dường như thách đố độc giả bằng lời giáo đầu:“Đừng ai nghi ngờ chuyện này như kiểu nhiều độc giả thiếu trí tưởng tượng. Bởi xét cho cùng thì các vị không phải là tôi nên làm sao biết rằng tôi không hề và không thể bịa tạc” [4, 254]. Tạ Duy Anh lấy sự tưởng tượng làm gốc rễ cho nhân vật. Ông viết: “Trí tưởng tượng là tất cả với tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Bản thân nó là sự thăng hoa và khi có nó thì ý tưởng chính là hình ảnh siêu thực về một thế giới khác” [4, 404].
Sáng tạo nên nhân vật bào thai, tác giả đưa ra một ẩn dụ về thân phận con người. Nhân vật bào thai với câu chuyện kể của nó khi còn nằm trong bụng mẹ là biểu tượng về một sự nghiệm sinh cõi đời từ trong tiền kiếp, một quá trình nhọc nhằn, đau khổ nhưng đầy hạnh phúc của sự sống. Câu chuyện của bào thai gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn hoang mang về kiếp người.
Nằm trong bụng mẹ, bào thai lắng nghe cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình. Cuộc đời qua những gì thai nhi được biết thật nghiệt ngã, chua chát, vô lương. Bào thai kinh sợ, nấn ná chưa muốn chào đời. Nó phân vân: Tồn tại hay không tồn tại? Ở đây sự sinh nở không còn là lẽ tự nhiên của tạo hóa mà thai nhi tự quyết định số phận của mình. Nó phán xét mảnh đất mà nó sẽ sống và làm phép thử cho những bậc sinh thành, xem họ có xứng đáng là cha là mẹ. Hai lần bào thai định chui ra làm người nhưng rồi dừng lại vì nỗi nghi ngờ rằng cuộc sống có đáng sống hay không? Nhưng rồi “vào cái ngày cuối cùng đáng nhớ so với thời hạn tôi cần phải đưa ra quyết định có nên ra đời hay không…” [4, 340], thai nhi nghe được tiếng nói của người mẹ rằng con có thể nguyền rủa phần thế giới còn đầy tội ác bất công, nhưng
cuộc sống là ân sủng lớn nhất. Chính những lời nói trong ý nghĩ ấy của người mẹ đã thôi thúc bào thai quyết định chào đời: “Tôi phải đến thay vì bỏ đi” [4, 370]. Thai nhi đã chủ động đến với cuộc sống như chấp nhận một cuộc thách đấu với bóng tối, cái ác và cái chết.
So với các nhân vật kì ảo của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái thì nhân vật bào thai của Tạ Duy Anh có điểm khác biệt. Đó là, nhân vật bào thai không được quan sát, miêu tả về ngoại hình. Chỉ có sự lắng nghe và suy ngẫm xác định sự tồn tại của nhân vật này. Nhân vật trong tác phẩm của ông không phải là một vị thần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, làm thay đổi thế giới. Bào thai là kẻ hoài nghi cuộc sống và đang phải lựa chọn có nên làm người hay không nên nó chỉ lắng nghe và kể lại chứ không trực tiếp can thiệp vào đời sống. Nhân vật bào thai khiến người đọc chiêm nghiệm về cuộc đời, có những suy tư sâu sắc về cõi chết và cõi sống, về tội ác và sự trừng phạt.
Bào thai là một nhân vật huyền ảo, phi lý, song nhân vật ấy vẫn rất gần gũi với con người bởi lời nói và ý nghĩ của bào thai là của con người trong hiện thực, hơn nữa tác phẩm không có các yếu tố ma quái, không gian kì ảo… Nhà văn viết về cái không có thực, cái phi lí nhằm phản ánh một hiện thực hữu lí như quan niệm của ông mà thôi: “Sự phi lí nằm trong logic đời sống mà tôi cảm nhận được hàng ngày vì thế tôi tái hiện nó như không có gì phi lí cả” [4, 387]. Nhân vật bào thai trong Thiên thần sám hối quả có sức ám ảnh lớn đối với người đọc. Gấp trang sách lại, độc giả không thể quên một nhân vật chưa thành người với những câu hỏi chất vấn xoáy sâu vào lòng người.