Môtíp “giấc mơ”

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 82)

Cái làm nên giá trị cho tác phẩm của Tạ Duy Anh được thể hiện trên nhiều phương diện nghệ thuật đặc sắc và phong phú khác nhau mà yếu tố giấc mơ kì ảo là một đóng góp không nhỏ. “Chiêm mộng là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm đến nỗi nó khó vượt ra khỏi vòng cương tỏa của người sáng tạo ra nó; Chiêm mộng hiện ra với chúng ta như là biểu hiện bí mật nhất và trơ trẽn nhất của chính chúng ta” (F. Gaussen - Dẫn theo Nguyễn Thị Vũ Hoài - Giấc mơ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn). Giấc mơ là sự tái hiện những suy nghĩ của con người dưới dạng không tự giác, là những ám ảnh của quá khứ, của những điều đã xảy ra và sẽ xảy ra. Giấc mơ là cầu nối giữa tiềm thức và thực tại. Nó có quan hệ trực tiếp với hiện thực cuộc sống. Thế giới của những giấc mơ có khi là sự tái tạo, lắp ghép những sự việc có thật trong cuộc sống nhưng thường không theo logic, trật tự. Nó mang tính chất huyền bí, kì lạ. Giấc mơ không chỉ là những gì diễn ra trong lúc ngủ, nó còn là sự phản ánh những gì đã, đang và sẽ diễn ra trong thực tại. Con người thường tin vào sự trùng hợp kì lạ giữa những giấc mơ và thực tại cuộc sống, đồng thời khao khát giải thích tính chất kì lạ đó.

được câu trả lời. Trong cuốn Những giấc mơ của tôi (2008, Nxb Hội Nhà văn), nhà văn kể về những giấc mơ của mình đã cho ta thấy điều đó. Chẳng hạn, ông nằm mơ “thấy mình bế một đứa bé không có đầu cũng chẳng có chân, tay, nửa là người, nửa giống như cái bọc cứ lùng nhùng cựa quậy”, ông nghĩ đến cái thai của người em gái đã hỏng và sự thực đúng như vậy. Ông cũng hay mơ gặp cha, gặp mẹ, gặp bà nội sau khi họ qua đời. Họ đã phù hộ, che chở, giúp đỡ ông bằng nhiều cách. Đặc biệt là bà nội – người yêu thương ông nhất trong số những người cháu của mình. Bà nhiều lần giúp ông tránh khỏi cái chết. Bà báo cho ông biết ông không bị ung thư, bà còn cho ông thấy ông chui được vào trong dạ dày để nhìn thấy vết loét đã lành, chỉ còn bằng hạt đỗ xanh… Có thể đó là một trong nhiều lí do mà môtip giấc mơ trở đi trở lại trong tác phẩm của ông như một sự ám ảnh. Nó tạo ra màu sắc khác lạ cho tác phẩm, đan kết với các chi tiết hiện thực, tạo ra sự hấp dẫn cho câu chuyện. Nó tham gia vào sự phát triển của cốt truyện, phản ánh những biến đổi tinh vi trong đời sống tâm linh - đó là những suy tư dằn vặt của con người.

Những giấc mơ luôn hiện về với các nhân vật thể hiện sự lo âu, mặc cảm tội lỗi. Trong Lão Khổ, hình ảnh oan hồn không đầu liên tiếp xuất hiện trong những giấc mơ của Tư Vọc, đẩy nhân vật vào sự sợ hãi tột cùng: “Ông Tư chưa kịp định thần thì từ ngoài đầm vực, một hình nhân không đầu lừ lừ trôi về phía ông. Hai tay nó quều quào như tìm kiếm vật gì đó. Đến bên cửa sổ hình nhân không đầu dừng lại, đưa tay dờ dẫm cơ thể ông Tư. Chợt có tiếng cười lanh lảnh vang lên:

- A! Thằng Tư Vọc. Đích thị mày rồi. Trả đầu cho tao ngay…” [4, 125].

Ông có những giấc mơ thật hãi hùng: “Có cảm giác cửa âm ti mở ra và hàng bầy ma quỷ tràn lên bao bọc lấy ông. Những ngày gần đây hình ảnh thường hiện lên trong cơn ác mộng của ông lại mang bộ mặt lão Khổ. Có hôm lão im lặng nhìn ông. Có hôm lão cười khanh khách, gí khẩu súng vào trán ông (…). Ông nghe “tách” một cái và thấy đầu buốt nhói. Ông ôm đầu lăn lộn một hồi, khi tỉnh dậy còn sờ chiếu vì hình như có máu” [4, 223]. Có lần ông nằm mơ thấy hàng trăm hình nhân kì quái đang đưa ma ông. Ông lần lượt nhận ra họ. Có người chỉ còn thấy xương, lại có những mụ đàn bà “đầy lông lá, vừa đi vừa nhét từng khúc ruột vào bụng”. Và rồi ông

bị đặt xuống bãi đấu tội phạm, kẻ xét xử ông là lão Khổ “ngồi uy nghiêm, toàn thân dát vàng”. Đám đông đòi xả thịt, rút lưỡi, cắt đầu ông. Khi lão Khổ cúi xuống gài mảnh giấy ghi tội lên ngực ông, ông ngồi bật dậy, chọc con dao vào mỏ ác lão. Đó là giấc mơ kinh hoàng của ông Tư, và còn kinh hoàng hơn khi đó không chỉ là mơ. Bởi hành động đâm chết lão Khổ trong mơ chuyển thành đâm chết người em trai trong hiện thực. “Ông Tư rú lên khi trước mặt ông, dưới ánh nến leo lắt, ông Năm cuộn mình lăn lộn, máu xối ra phì phì …” [4, 242]. Đâu phải vô cớ mà ông Tư phải sống trong những giấc mơ khủng khiếp ấy. Trước đây, ông đã cắt đầu Tài Lụy – vì Tài Lụy biết được sự vụng trộm giữa ông với bà vợ Chánh tổng. Ông cũng có vô vàn những tội ác với anh em cu Mẫn, hàng chục cô gái,… và đặc biệt là lão Khổ. Tất cả họ không trả thù được ông trong cõi thực thì lại hành hạ ông trong cõi mơ. Họ còn khiến ông phải đâm chết chính người em trai của mình. Như vậy, giấc mơ đối với ông Tư thể hiện sự mặc cảm về tội lỗi và nỗi âu lo về sự trừng phạt bởi những tội lỗi của ông trong quá khứ.

Ý thức về tội ác và ám ảnh về nó khiến nhân vật của Tạ Duy Anh luôn sống trong sự tự trừng phạt. Ở Thiên thần sám hối, bóng ma của ả cave luôn xuất hiện trong những giấc mơ của vợ người chồng từng đâm thuê chém mướn – mỗi lần cô mang thai: “Ả cave mặt bự phấn, nghiến răng ken két” rồi ả thò tay vào móc đứa con trong bụng người vợ. Cô chỉ còn “kịp thấy một vật gì nhão nhoét máu, oằn oại trong tiếng cười mãn nguyện của ả”. Có lần “ả thè lưỡi liếm vết thương đỏ máu” [4, 275]. Và sau những giấc mơ như vậy, cô đã không giữ được cái thai của mình. Sở dĩ có sự trừng phạt khủng khiếp ấy bởi người phụ nữ mang thai luôn ý thức rõ và ghê sợ tội ác mà chồng mình đã gây ra với cô gái điếm. Nếu chồng cô không vì tiền mà giết ả gái điếm đang mang thai chắc hẳn cô không bị ám ảnh về sự trừng phạt như thế. Hay như giấc mơ ngay trong khi thức của lão Phụng cũng diễn ra bởi sự ám ảnh về tội lỗi. Lão Phụng đến chỗ ông Năm để báo tin về Hai Duy – con trai lão Khổ, mới chỉ leo lên cấp hạ sĩ, cái tin mà lão tin chắc “ông Năm phải sướng điên lên”. “Lão Phụng qua khỏi cống Queo, bắt đầu chạm đầm vực thì chuyển trời. Lão Phụng tưởng có cả bầy ngừa đang phi đằng sau lão. Đến Đồng Quan, lão thấy một đoàn người mặc áo xô

trắng, nhảy múa như điên. Lão Phụng sợ mất vía. Hình như có tiếng hú hét, tiếng dao kiếm loeng choeng. Đêm nay âm binh nổi loạn. Lão Phụng co cẳng chạy chỉ thấy trước mặt vùn vụt lùi lại những bóng người. Lão chạy mãi, luật quật một mình. Lão thấy mặt đất oằn oại mấy cái trước khi cửa âm ti mở ra và lão lao đầu xuống chiếc vực xoáy đen ngòm. Bọn quỷ xúm vào lôi tuột lão đi, mặc lão quấy đạp điên cuồng”

[4, 229]. Lão Phụng đã tự rơi xuống vực chết chỉ bởi những ảo tưởng. Nếu không có tâm địa phản trắc, hại người, lão sẽ không phải chịu những ám ảnh về sự trừng phạt như thế.

Những giấc mơ của nhân vật trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh còn thể hiện rõ sự thức tỉnh về tội ác, tìm về với bản tính lương thiện. Lão Khổ mơ thấy mình là bị cáo trong một phiên tòa xét xử, ở đó những con người đã chết làm nhân chứng buộc tội lão. Và cuối cùng lão phải chịu hình phạt khủng khiếp nhất là “bắt về trần sống tiếp.

Có những giấc mơ như vậy là vì hơn ai hết, lão Khổ tự nhận thấy rõ những tội ác, sai lầm của bản thân. Lão Khổ tuy là người có công với nhân dân, nhưng lại hành hạ, xử ác với lão Tự - địa chủ trước kia. Lão còn là người mang nặng thù hận và trút lên vai những thế hệ sau tất cả gánh nặng thù hận mà họ chỉ khao khát được cởi bỏ. Và trong những năm tháng huy hoàng của cuộc đời có lúc lão đã sống như một ông thánh nhưng có lẽ nếu lão sống như một con người thì chắc hẳn sẽ đem lại hạnh phúc thực sự cho những người xung quanh lão. Chính vì thế, sau giấc mơ, lão có sự thay đổi trong suy nghĩ, hành động như một sự tự sửa chữa lỗi lầm đã mắc phải. Như vậy, thông qua môtíp giấc mơ, nhà văn gửi gắm niềm tin vào những phần tốt đẹp còn ẩn sâu, chìm khuất trong tâm hồn con người.

Như vậy, những giấc mơ trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh là sự ảnh và sự trừng phạt đối với tội ác. Bởi qua giấc mơ, nhân vật cảm thấy thực sự hãi hùng trước tội lỗi của mình. Tạ Duy Anh mượn giấc mơ để cho nhân vật tự giác hơn về sự trừng phạt.

Giấc mơ là một chi tiết nghệ thuật quan trọng. Chúng tham gia vào sự phát triển của cốt truyện, phản ánh những biến động trong đời sống tâm linh của nhân vật. Ngoài ra, những giấc mơ ám ảnh lại có mối liên hệ với thực tại. Chúng hòa lẫn với chất liệu hiện thực sinh động tạo cho tác phẩm màu sắc huyền thoại, cuốn hút độc

giả.

Một phần của tài liệu những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 82)