Các đặc trưng của siêu thị

Một phần của tài liệu Tác động của bầu không khí trong siêu thị ảnh hưởng đến hành vi mua ngẫu hứng của khách hàng tại siêu thị CO OPMART TP HCM luận văn thạc sĩ 2015 (Trang 28)

Theo Viện nghiên cứu thương mại Việt Nam, siêu thị có đặc trưng sau:

- Thứ nhất, siêu thị là cửa hàng bán lẻ: mặc dù được định nghĩa là "chợ" song đây được coi là loại "chợ" ở mức phát triển cao, được quy hoạch và tổ chức kinh doanh dưới hình thức những cửa hàng bề thế, có trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, văn minh, do thương nhân đầu tư và quản lý, được Nhà nước cấp phép hoạt động. Siêu thị thực hiện chức năng bán lẻ - bán hàng hoá trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng chứ không phải để bán lại.

- Thứ hai, siêu thị sáng tạo và áp dụng phương thức tự phục vụ (self- service hay libre - service): Khi nói đến siêu thị người ta không thể không nghĩ tới "tự phục vụ", một phương thức bán hàng do siêu thị sáng tạo ra, được ứng dụng trong nhiều loại cửa hàng bán lẻ khác và là phương thức kinh doanh chủ yếu của xã hội văn minh công nghiệp hoá, ở đây cũng cần phân biệt giữa phương thức tự chọn và tự phục vụ:

+ Tự chọn: khách hàng sau khi chọn mua được hàng hoá sẽ đến chỗ người bán để trả tiền hàng, tuy nhiên trong quá trình mua vẫn có sự giúp đỡ của người bán hàng.

+ Tự phục vụ: khách hàng xem xét và chọn mua hàng, bỏ vào giỏ hoặc xe đẩy đem đi thanh toán tại quầy tính tiền đặt gần lối ra vào, người bán không có mặt trong quá trình mua hàng.

Do áp dụng phương thức tự phục vụ, giá cả trong các siêu thị được niêm yết rõ ràng để người mua không phải tốn công mặc cả, tiết kiệm được thời gian và hàng hoá bán trong siêu thị thường là những hàng hoá tiêu dùng phổ biến.

Ngoài ra, phương thức thanh toán tại các siêu thị rất thuận tiện. Hàng hoá gắn mã vạch và tự động in hoá đơn. Hình ảnh các quầy tính tiền tự động luôn là biểu tượng cho các cửa hàng tự phục vụ. Đây chính là tính chất "siêu" của siêu thị, đem đến cho khách hàng cảm giác hài lòng, tự tin và sự thoải mái cao nhất cho người mua sắm.

- Thứ ba, siêu thị sáng tạo nghệ thuật trưng bày hàng hóa (merchandising): ngoài việc sáng tạo ra phương thức bán hàng tự phục vụ, đóng góp của siêu thị cho hệ thống bán lẻ còn là nghệ thuật trưng bày hàng hoá. Các siêu thị cũng là những nhà bán lẻ đầu tiên nghĩ đến tầm quan trọng của nghệ thuật trưng bày hàng hoá và nghiên cứu cách thức vận động của người mua hàng khi vào cửa hàng. Nhiều cửa hàng bán lẻ khác, dựa trên các nghiên cứu của siêu thị để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khách hàng sâu sắc hơn nhằm tối đa hoá hiệu quả của không gian bán hàng. Do người bán không có mặt tại các quầy hàng nên hàng hoá phải có khả năng tự quảng cáo, lôi cuốn người mua. Siêu thị làm được điều này thông qua các nguyên tắc sắp xếp, trưng bày hàng hoá nhiều khi được nâng lên thành những thủ thuật. Chẳng hạn, mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao được ưu tiên xếp ở những vị trí dễ thấy nhất, được trưng bày với diện tích lớn; những hàng hoá có liên quan đến nhau được xếp gần nhau; hàng khuyến mãi phải trưng bày bằng những kỹ thuật để thu hút sự chú ý của khách hàng; hàng có trọng lượng lớn phải xếp ở bên dưới để khách hàng dễ lấy; bày hàng với số lượng lớn để tạo cho khách hàng cảm giác là hàng hoá đó được bán rất chạy.

- Thứ tư, hàng hoá trong siêu thị chủ yếu là hàng tiêu dùng thường ngày: như thực phẩm, quần áo, bột giặt, đồ gia dụng điện tử, với những chủng loại hàng rất phong phú, đa dạng. Điều này thể hiện đúng tính chất "chợ" của siêu thị. Theo quan niệm của nhiều nước, siêu thị phải là nơi mà người mua có thể tìm thấy mọi thứ đồ mà họ cần ở "dưới một mái nhà" và với mức giá " ngày nào cũng thấp". Chủng loại hàng

hoá của siêu thị có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn loại hàng hoá của siêu thị được 70 - 80% nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng về ăn uống, trang phục, mỹ phẩm, đồ làm bếp, chất tẩy rửa, vệ sinh.

Một phần của tài liệu Tác động của bầu không khí trong siêu thị ảnh hưởng đến hành vi mua ngẫu hứng của khách hàng tại siêu thị CO OPMART TP HCM luận văn thạc sĩ 2015 (Trang 28)