MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU
3.2.3.2 Giải pháp nâng cao thị phần
Để thâm nhập sâu hơn, DN cần lưu ý nhìn nhận từ góc độ “cầu” của thị trường EU về sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như phân khúc thị trường, dân số..., trong đó điều rất quan trọng là nhận thức và khả năng thích ứng. Tham gia XK sang thị trường này, DN phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, đó là không buôn bán theo kiểu lẻ, sỉ, mà phải thích ứng theo những tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi. Đồng thời, DN nên tích cực tiếp cận thông tin, đúc rút kinh nghiệm từ những bài học trong ngành dệt may, cả trong nước và quốc tế, để tổ chức lại sản xuất
Thực hiện chuyên môn hoá các sản phẩm và xác định quy mô sản xuất của các doanh nghiệp lớn theo mô hình “công ty mẹ, công ty con” đủ mạnh về tài chính, công nghệ, khả năng điều hành nhằm đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời chú trọng khuyến khích phát triển sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo hướng đa dạng hoá (sản phẩm phổ biến với nhiều màu sắc, hoa văn kiểu cách, chủng loại vật liệu thích hợp), thực hiện cơ chế linh hoạt trong sản xuất nhằm thích nghi với sự thay đổi và biến động của thị trường như: thay đổi mẫu mã, sản xuất đơn hàng nhỏ, ứng dụng công nghệ mới và cải tiến kỹ thuật,… để tăng năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tiếp tục phát triển mạng lưới tiêu thụ để chiếm lĩnh thị trường, Tổng công ty dệt may (VINATEX) có thể là đầu mối tập hợp các doanh nghiệp dệt may trong cả nước để hình thành hệ thống cửa hàng - siêu thị kinh doanh hàng thời trang dệt may, trước hết mở tại các thành phố lớn để trong một vài năm tới hệ thống cửa hàng siêu thị này sẽ có mặt hầu hết tại các tỉnh thành, thành phố lớn trong cả nước và lan rộng ra thị trường nhập khẩu.
Cuối cùng, Các doanh nghiệp cần phân khúc thị trường và nhóm khách hàng mục tiêu. Thực tế, dệt may xuất khẩu Việt Nam mới chỉ tập trung đi vào nhóm khách hàng trung bình ( 60%) với đặc tính sử dụng các mặt hàng có chất lượng trung bình với giá cả hợp lý. Đây là một chiến lược hoàn toàn phù hợp với năng lực cạnh tranh của mặt hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên nhược điểm của chiến lược này là thương hiệu của hàng dệt may Việt Nam trong tuơng lai sẽ không có giá trị
cao. Giải pháp giải quyết vấn đề này là(1) xây dựng một số thị trường ngách căn cứ vào những đặc trưng riêng của sản phẩm như thị truờng hàng dệt thổ cẩm, hàng lụa tơ tăm,và hàng thêu, ren… Với thị trường này, nhóm khách hàng được tập trung chủ yếu là nhóm khách hàng cao cấp, số lượng sản phẩm tiêu thụ thấp hơn so với sản phẩm đại trà tuy nhiên doanh thu đem lại là đáng kể. Đặc biệt trong tương lai, khi phát triển tốt thị trường ngách này, chúng ta có thể nắm gần như độc quyền về loại sản phẩm đó. (2) Tiếp tục duy trì, giữ vững thị phần trên thị trường tại nhóm khách hàng truyền thống của Việt Nam, sản xuất tập trung vào các sản phẩm mang tính đại trà, tiện dụng dễ sử dụng và nâng chất lượng sản phẩm.