Hiện nay khoai lang Bình Tân được trồng chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đối với tiêu dùng nội địa thì chủ yếu là khoai Trắng, Đỏ, Sữa, Nhân Ngọc; các loại khoai này chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Thị trường tiêu thụ ưa chuộng các loại khoai trên vì mùi vị của từng loại khoai thích hợp với thị trường trong nước, ví dụ như khoai Trắng thì ngọt và có nhiều bột, Khoai đỏ thì ngọt thanh màu sắc bắt mắt, các loại khoai tiêu dùng nội địa tuy chất lượng và mùi vị rất ngon nhưng lại bảo quản không được lâu chính vì lí do đó mà các loại khoai này không được xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng nhưng xa về mặt khoảng cách.
Khoai lang cũng được xuất khẩu đi một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Campuchia,… trong các thị trường trên thì Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng vì có trên 85% khoai xuất khẩu qua thị trường này và chủ yếu là khoai Tím Nhật. Vì khoai Tím Nhật rất phù hợp để vận chuyển đi xa mà phẩm chất khoai thì không thay đổi. Khoai lang xuất khẩu qua Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch qua cửa khẩu Móng Cái, vì xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát quá trình thu mua cũng như vận chuyển của khoai lang mà giá cả cũng bấp bênh, không có gì để đảm bảo về mặt đầu ra, miễn là mua thì mua không thì ngưng không tiêu thụ nữa, đây cũng là một khó khăn cho các nhà làm chính sách địa phương vì chưa chủ động quy hoạch vùng trồng cụ thể. Đối với các thị trường như Campuchia thì chủ yếu là các loại khoai như Sữa và Đỏ các loại khoai này phẩm chất tốt và giá cả cũng nằm ở mức trung bình. Các thị trường như Singapore và Nhật Bản chỉ mới thử nghiệm cho nên khối lượng xuất khẩu sang 2 thị trường này rất ít. Trong thời gian tới các nhà xuất khẩu đang tìm kiếm thêm thị trường mới để mở rộng thị trường xuất khẩu, bên cạch đó còn phát triển thêm các thị trường hiện có.