Cùng với chế độ chính sách thì môi trường làm việc (chế độ đãi ngộ, khen thưởng) cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ CBQL các trường THCS nói chung và đội ngũ CBQL nữ các trường THCS nói riêng. Trong công tác, người CBQL luôn muốn hoàn thành tốt công việc để được cấp trên khen, cấp dưới nể phục và đó chính là động lực để người CBQL hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với CBQL nói riêng và CBQL nữ nói riêng, khi làm việc nếu có lời động viên, chia sẻ đúng lúc hoặc nhận một phần thưởng nhỏ cũng tạo động cơ cho họ làm việc hăng say hơn, có động lực vươn tới mục tiêu nhanh hơn, nhất là đối với giới nữ họ là đối tượng rất nhạy cảm, giải quyết công việc thiên về tình nhiều hơn về lý. Đấy vừa là mặt tích cực song cũng là mặt hạn chế của người CBQL nữ.
So với CBQL nam, CBQL nữ luôn quan tâm đến đời sống tình cảm, tinh thần của đội ngũ giáo viên, họ gần gũi hơn và dễ chia sẻ công việc và cuộc sống riêng tư của giáo viên; người giáo viên khi gặp khó khăn đều tìm đến CBQL nữ để chia sẻ, trao đổi và trình bày nguyện vọng hay bức xúc của mình. Tuy nhiên, người CBQL nữ do đặc tính của giới là mềm mỏng, nhẹ nhàng nên trong xử lý công việc thiếu tính quyết đoán, thiếu bản lĩnh và do sống thiên về tình cảm nên trong xử lý công việc đôi lúc thiếu công bằng, điều này dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Do vậy, đối với người CBQL nữ phải biết phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, khuyết điểm về giới của mình, nhất là vừa tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ CBQL an tâm công tác như phương tiện làm việc, chế độ chính sách kịp thời, tập thể hòa đồng, đoàn kết, tinh thần làm việc thoải mái, ít có tính cạnh tranh, các chế độ khen thưởng và kỷ luật phù hợp với từng đối tượng.