Thực trạng giáo dục các trường Trung học cơ sở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2010 – 2013)

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nữ ở các trường trung học cơ sở huyện hóc môn thành phố hồ chí minh (Trang 59)

thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2010 – 2013)

2.1.3.1. Quy mô phát triển giáo dục Trung học cơ sở huyện Hóc Môn trong những năm gần đây

Việc nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới nhiều công trình trường học để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn huyện đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo và quy mô phát triển của ngành giáo dục huyện Hóc Môn nói chung và của bậc THCS nói riêng. Theo bảng số liệu thống kê tình hình xây dựng CSVC ở các trường học trên địa bàn huyện Hóc Môn của phòng Giáo dục – Đào tạo huyện (bảng 2.1, 2.2), chúng tôi nhận thấy: huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất và ngân sách để đầu tư sửa chữa trường lớp cho các trường học vào dịp hè; quan tâm xây dựng mới trường học, lớp học đối với các bậc học trong đó có chú trọng đối với bậc mầm non và tiểu học. Tuy nhiên việc chuẩn bị đầu tư các công trình trường học ngày càng tăng, từ 10 công trình (năm học 2010-2011) và lên đến 19 công trình (năm học 2012-2013), trong đó có tập trung đầu tư cho bậc THCS. Qua đó nhận thấy công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp đã được huyện quan tâm tạo điều kiện về kinh phí và nguồn quỹ đất để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện

đại hóa và tầm nhìn chiến lược về nhu cầu trường lớp nhằm đáp ứng theo yêu cầu phát triển của ngành giáo dục đồng thời tạo môi trường sư phạm ngày càng khang trang, đảm bảo thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục và đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu về tình hình dân số cơ học tăng nhanh tại địa phương.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện khóa X nhiệm kỳ 2010-2015 có đề ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ xây dựng mới 10 trường học, đến nay đã có một số công trình trường THCS đã khởi công như: trường THCS Đông Thạnh, trường THCS Đặng Công Bỉnh, còn 01 trường THCS Đỗ Văn Dậy đang ghi vốn đến cuối năm 2014 sẽ khởi công. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của toàn Đảng bộ huyện đối với ngành giáo dục huyện nhà.

Mặc dù huyện có quan tâm đầu tư xây dựng nhiều trường lớp nhưng tiến độ thực hiện một số công trình còn chậm, sự gia tăng dân số cơ học cao nên tốc độ xây dựng trường lớp vẫn chưa theo kịp nhu cầu học tập dẫn đến một số trường không đủ phòng học, sỉ số học sinh/lớp còn cao, tỉ lệ học 2 buổi/ngày của các cấp học ngày càng giảm, nhất là bậc THCS chỉ có 04/12 trường tổ chức dạy còn lại đa số các trường không bố trí đủ phòng để dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu,… điều này ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục của toàn huyện nói chung; đồng thời ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến theo xu hướng hội nhập.

Qua 3 năm học, ngành giáo dục rất quan tâm phát triển về quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên và đội ngũ CBQL ở bậc THCS nhằm đáp ứng theo số lượng học sinh tăng nhanh, trung bình khoảng 1.000 học sinh/1năm. Điều này

được thể hiện rất rõ qua bảng số liệu tình hình trường, lớp, đội ngũ giáo viên và CBQL bậc Trung học cơ sở huyện Hóc Môn (2.3), theo đó chúng tôi nhận thấy:

- Về quy mô trường, lớp: trong năm học 2012-2013 thì số lượng trường THCS của huyện đã tăng thêm 01 trường so với trước đây, đó là thành lập mới trường THCS Tô Ký thuộc xã Tân Xuân. Như vậy đảm bảo mỗi xã - thị trấn đều có 01 trường THCS, riêng trường THCS Nguyễn An Khương là trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1, là trường đào tạo đạt chất lượng cao, trường trọng điểm của huyện, là trường duy nhất được ưu tiên xét tuyển lớp đầu cấp (lớp 6). Như đã phân tích ở trên, huyện Hóc Môn là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh và có các tuyến đường trục chính của cả nước như Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A do vậy số lượng dân nhập cư từ các tỉnh, thành, quận, huyện khác về sinh sống nhiều và ngày càng tăng. Vì thế, việc xây dựng thêm 01 trường THCS vừa đảm bảo về nhu cầu trường, lớp không chỉ cho con em địa phương mà còn đảm bảo về mặt xã hội. Khi số lượng trường học tăng, kéo theo tăng về số lượng phòng học, mặc dù trong năm học 2011-2012 huyện Hóc Môn không tăng về số trường học nhưng vẫn tăng về số lớp (tăng 9 lớp). Như vậy, số lượng lớp học tăng đều mỗi năm nhằm đáp ứng cơ bản theo nhu cầu của xã hội.

- Qua bảng thống kê số liệu, chúng tôi còn nhận thấy số lượng học sinh cũng tăng đều mỗi năm, trung bình tăng khoảng 1000 học sinh/năm. Qua đấy cho thấy, số lượng dân nhập cư vào huyện ngày càng đông, điều này kéo theo các khâu quản lý về chính quyền và đảm bảo về mặt xã hội cần phải có sự quan tâm kịp thời mới có thể giải quyết tình trạng trường, lớp cho các em. Đấy là nỗi lo chung của toàn xã hội vì ngành giáo dục đang tiến đến phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, còn các bậc học còn lại thì huyện cơ bản đã được công nhận hoàn

thành phổ cập theo quy định. Song song đó, đội ngũ giáo viên cũng phải tăng theo để kịp thời đảm bảo việc dạy – học của nhà trường, cụ thể năm học 2011- 2012 tăng thêm 23 giáo viên, năm học 2012-2013 tăng 30 giáo viên. Như vậy, mỗi năm bậc THCS chỉ tăng từ 20-30 giáo viên. Song việc phát triển quy mô trường, lớp, số học sinh, đội ngũ giáo viên tăng và có nhiều chuyển biến thì số lượng đội ngũ cán bộ quản lý lại ít biến động, năm học 2012-2013 chỉ tăng thêm 02 cán bộ.

Nhìn chung, qua 3 năm học số lượng học sinh tăng trung bình 1.000 em/1năm nhưng số lượng lớp tăng 9 lớp, số giáo viên tăng 20 người là chưa đảm bảo về quy định, số học sinh/lớp vượt quá chuẩn quy định, gây khó khăn trong công tác giảng dạy. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo của bậc học và điều bất cập nhất là không tăng số lượng đội ngũ CBQL.

2.1.3.2. Thực trạng giáo dục bậc Trung học cơ sở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh

Khi phân tích về thực trạng ngành giáo dục của bậc THCS, trước tiên tác giả xin phân tích kỹ về chất lượng đào tạo của bậc học này trong 03 năm học để từ đó chúng ta nắm rõ hơn về kết quả đào tạo. Theo số liệu của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện về chất lượng đào tạo của bậc Trung học cơ sở huyện Hóc Môn (bảng 2.4), tác giả nhận thấy khi xét về xếp loại học lực trong 3 năm học: kết quả đạt yêu cầu có nhiều biến động mỗi năm như năm học 2011-2012 đạt 100% (tăng so với năm học trước là 0,1%), năm học 2012-2013 đạt 94,37% (giảm so với năm học trước là 5,63%). Tỷ lệ học sinh giỏi cũng có nhiều biến động như năm học 2011-2012 đạt 66,22% (giảm so với năm học trước là 28,87%), năm học 2012-2013 đạt 68,4% (tăng so với năm học trước là 2,18%) và tỷ lệ học sinh

yếu, kém giảm rõ rệt như năm học 2011-2012 giảm so với năm học trước là 0,1%, năm học 2012-2013 giảm so với năm học trước là 5,63%. Nhìn chung, có thể khẳng định chất lượng đào tạo của bậc THCS có nhiều biến động, nhất là tỷ lệ học sinh đạt loại khá - giỏi lại giảm nhiều, dần ổn định qua 3 năm học và công tác quản lý về chuyên môn khá tốt, có tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng vào bồi dưỡng học sinh giỏi song song với công tác phụ đạo học sinh yếu. Về xếp loại hạnh kiểm, kết quả đạt yêu cầu có nhiều biến động, cụ thể: năm học 2011-2012 đạt 99,97% (tăng 8,88% so với năm học trước) và tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt đạt 95,92% (tăng 35,49% so với năm học trước) hoặc năm học 2012-2013 tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt (tăng 0,52% so với năm học trước). Điều này chứng tỏ trong quá trình giảng dạy, CBQL và đội ngũ GV đã có những biện pháp uốn nắn, rèn luyện, giáo dục đúng định hướng, kịp thời và các em đã có nhiều chuyển biến tốt. Qua kết quả xếp loại về học lực và hạnh kiểm, năm học 2011-2012 là năm học có nhiều biến động như tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá tăng trong khi đó tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi, khá lại giảm, đây có phải là bước chuyển mình trong cách nhận xét đánh giá về chất lượng giảng dạy, đào tạo và không bệnh thành tích của bậc THCS không?

Khi xét về kết quả tốt nghiệp THCS cũng tăng khá đều mỗi năm, đặc biệt luôn vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, cụ thể: năm học 2011- 2012 đạt tỷ lệ là 97,99%, tăng 2,13% so với năm học trước; năm học 2012-2013 đạt tỷ lệ 98,52%, tăng 0,53% so với năm học trước. Và so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện thì kết quả tốt nghiệp THCS luôn vượt khoảng 3%. Đây là thành quả đáng khích lệ của bậc học THCS và là sự nỗ lực, phấn đấu của cả đội ngũ CBQL, GV và HS ở bậc học này. Theo đó, khi xét về hiệu suất đào tạo cũng tăng hơn so với năm học trước, cụ thể: năm học 2011-2012 đạt 84,47%

(tăng 3,33% so với năm học trước), năm học 2012-2013 đạt 84,04 % (tăng so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện 6,4%, mặc dù so với năm học trước giảm 0,43%). Ngoài ra, về tình hình học sinh nghỉ, bỏ học giảm đều trong mỗi năm và luôn đạt, vượt chỉ tiêu Nghị quyết, cụ thể: năm học 2011-2012 tỷ lệ học sinh nghỉ bỏ học đạt 1,35% (giảm 0,72% so với năm học trước), năm học 2012-2013 đạt 1,19% (giảm 0,14% so với năm học trước). Đây là mặt tích cực trong công tác quản lý của đội ngũ CBQL bậc THCS và đã phản ánh công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể của trường, của địa phương. Hiện nay, theo chủ trương chung của ngành, việc phổ cập bậc THCS của huyện Hóc Môn trong 3 năm qua đều đạt tỷ lệ theo Nghị quyết đề ra và năm học sau luôn tăng so với năm trước, cụ thể: năm học 2011-2012 vượt 2,73%, năm học 2012-2013 vượt 3,15% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, huyện quan tâm cấp nguồn kinh phí hoạt động tuy nhiên tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố hàng năm không ổn định, cụ thể năm học 2011-2012 là năm học có tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện cao nhất trong 3 năm học, đạt 8,55% hoặc năm học 2012-2013 là năm học có tỷ lệ học sinh giỏi cấp thành phố cao nhất trong 3 năm học, đạt 49,5%. Qua đó chúng ta có thể đánh giá chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi chưa bền vững, phương pháp bồi dưỡng chưa chú trọng hoặc đội ngũ giáo viên, CBQL có lúc chưa tập trung đầu tư cho công tác này.

Theo quy định mới của ngành giáo dục về kiểm định chất lượng với 5 tiêu chuẩn, 36 tiêu chí và 108 chỉ số, qua kết quả tự đánh giá có 02/13 trường đạt cấp độ 3, 11/13 trường đạt cấp độ 1; có trường THCS Nguyễn An Khương được Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đánh giá công nhận là trường đạt Kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3.

Tóm lại, theo tác giả chất lượng đào tạo bậc THCS tương đối ổn định, có nhiều chuyển biến tốt, chất lượng giáo dục khá bền vững và quản lý khá tốt về chuyên môn, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu khá đều ở 13 trường THCS, mỗi năm có tăng tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu, giảm tỷ lệ học sinh nghỉ, bỏ học, đạt chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS theo kế hoạch đã đề ra, tỷ lệ xếp loại học lực đạt yêu cầu cao hơn năm học trước, hiệu suất đào tạo năm học sau cao hơn so với năm học trước, có chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu kém.

Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy của một số giáo viên một số bộ môn chưa đều ở các trường THCS và chưa xây dựng thêm trường đạt chuẩn quốc gia; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi chưa cao do đội ngũ CBQL chưa xây dựng hoặc việc triển khai kế hoạch chuyên môn chưa đạt yêu cầu, chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nữ ở các trường trung học cơ sở huyện hóc môn thành phố hồ chí minh (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w