3.2.6.1. Mục tiêu của giáo dục
Triển khai đầy đủ các văn bản của ngành đến từng CB, GV, CNV nhà trường; xác định cần phải thay đổi nhận thức trong ngành, trong toàn xã hội về vai trò, vị trí của người CBQL nữ; chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên mới trong ngành giáo dục nói chung và bậc THCS nói riêng đạt tỷ lệ trên 20% (theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện).
3.2.6.2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp
Theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”; do vậy để tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cần phải thực hiện một số nội dung như sau: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan về ngành giáo dục, về đội ngũ CBQL, về CBQL nữ, về giới… Thứ hai, tiếp tục nhận thức, quan điểm của Đảng về vấn đề cán bộ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong bậc THCS, trong ngành giáo dục và trong toàn xã hội. Thứ ba, quan tâm đến chính sách xã hội dành cho đội ngũ CBQL nữ. Thứ tư, thực hiện nghiêm túc Chương trình số 14-CTr/HU ngày 06 tháng 4 năm
2012 của Huyện ủy Hóc Môn về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2012-2015. Thứ năm, cần tăng cường quán triệt sâu sắc các quan điểm và mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ CBQL, trong đó có đội ngũ CBQL nữ ở các trường THCS. Thứ sáu, phát huy vai trò của các Đảng ủy xã – thị trấn trong công tác tạo nguồn và quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm CBQL đồng thời chú trọng công tác phát triển đảng, công tác nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ CBQLGD nói chung và đội ngũ GV nói riêng.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục; triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2020”; triển khai thực hiện Chương trình số 14-CTr/HU ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Huyện ủy Hóc Môn về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giai đoạn 2012-2015, đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt đối với ngành giáo dục.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Kết luận số 51-KL/TW ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cần quán triệt sâu sắc cho từng cán bộ, đảng viên Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12 tháng 7 năm 1993 của Bộ Chính trị về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Việc nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội là yêu cầu quan trọng để thật sự thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, đề bạt cán bộ nữ. Đồng thời cần nhận thức rõ về những đặc điểm riêng của cán bộ nữ, tạo sự cảm thông, giúp đỡ thiết thực để cán bộ nữ vươn lên, kể cả sự hỗ trợ và khích lệ từ mỗi gia đình cán bộ nữ. Bản thân cán bộ nữ cần chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, nâng cao phẩm chất và trình độ mọi mặt, tự khẳng định mình trong công tác, biết kết hợp hài hòa giữa công việc gia đình và công tác xã hội.
- Các cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu nhà trường kịp thời cử cán bộ, đảng viên, giáo viên, viên chức ngành giáo dục tham dự các lớp học tập, quán triệt nội dung kết luận, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật cho đội ngũ nhà giáo huyện nhà. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai hiệu quả, sáng tạo phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và Cuộc vận động “Hai không” trong mỗi đơn vị nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục và trong toàn ngành.
- Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện và cơ sở tiếp tục quán triệt nội dung Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 21 tháng 7 năm 2005 của Thành ủy TP.Hồ Chí
Minh triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”; Công văn số: 5516/BGD-ĐT-CBQLGD ngày 19 tháng 8 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo dục theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong dạy và học nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” cho đội ngũ CB, GV, CNV ngành giáo dục huyện nhà.
- Phát huy vai trò của cấp ủy chi bộ nhà trường trong việc lãnh đạo điều hành hoạt động nhà trường; chủ động rà soát, quy hoạch, sắp xếp, đề bạt đối với những cán bộ có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đạo đức, lối sống lành mạnh để giữ các chức vụ quản lý trong nhà trường. Đồng thời thường xuyên củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy gắn với quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ đảng viên trong ngành giáo dục là 20% trở lên.
- Đảng thống nhất lãnh đạo và toàn diện về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nên cần giao trách nhiệm cho hiệu trưởng, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện trong việc xác định các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng của đội ngũ CBQL, đội ngũ CBQL bậc THCS và đội ngũ CBQL nữ của bậc THCS.
- Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức truyền thống, lòng yêu Tổ quốc; tăng cường giáo dục về tình yêu biển, đảo quê hương cho CB, GV, CNV và HS. Đẩy mạnh chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm”, “Sống trung thực, nhân ái”, giáo dục học sinh lý tưởng sống, kĩ năng
sống. Triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong nhà trường và toàn ngành. Phấn đấu xây dựng một thế hệ học sinh có trí tuệ, có thể lực, có lối sống văn minh, nghĩa tình và có năng lực hội nhập quốc tế.
- Các đoàn thể chính trị - xã hội huyện thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội quan tâm, chăm lo tốt hơn cho công tác giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với vận động, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhất là con em đoàn viên, hội viên đoàn thể mình quản lý. Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện phối hợp với Hội Khuyến học huyện, Hội Cựu Giáo chức và các cơ quan truyền thông trong hoạt động tuyên truyền, phát huy truyền thống ham học, lao động sáng tạo của người Việt Nam. Phổ biến và nhân rộng các tấm gương điển hình tiêu biểu, xuất sắc trong đội ngũ GV, CBQL và HS.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện, Câu lạc bộ Cán bộ nữ huyện cần làm tốt vai trò tham mưu và thực hiện các giải pháp hiệu quả, phù hợp để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, níu kéo nhau, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội.
- Trong công cuộc đổi mới và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, việc chăm lo phát triển nguồn lực con người là một yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Chăm lo phát triển nguồn lực con người hướng vào cả nam và nữ với
các tiêu chí: phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tình cảm và đạo đức. Một trong những nhân tố quan trọng có tác động trực tiếp đến việc phát triển con người, phát triển đội ngũ người lao động, đặc biệt đội ngũ CBQL nữ ngành giáo dục đó là chính sách xã hội. Chính sách xã hội là một công cụ không thể thiếu của quản lý nhà nước nhằm thực hiện và điều chỉnh các mối quan hệ của con người xoay quanh mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và xã hội. Chính sách xã hội đúng đắn, phù hợp đảm bảo sự phát triển bình đẳng đối với cả nam và nữ. Nó là động lực to lớn khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của con người, đặc biệt của đội ngũ CBQL nữ tạo điều kiện thuận lợi để họ say mê lao động, phát huy khả năng sáng tạo của mình để đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, của ngành giáo dục và của bản thân họ. Cần có chế độ trợ cấp cho cán bộ nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng khi còn nuôi con nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, có chế độ hỗ trợ kinh phí công tác cách nhà trên 20km, điều kiện về chỗ ở cho những CBQL nữ có con nhỏ dưới 18 tháng tuổi, thời gian luân chuyển được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp theo lương trong 6 tháng; CBQL trường THCS nói chung, CBQL nữ nói riêng hầu như không được nghỉ hè theo quy định, vì vậy phải có chế độ công tác, nghỉ ngơi hoặc thanh toán làm thêm giờ; khuyến khích CBQL nữ, CBQL nữ trong quy hoạch, giáo viên trong quy hoạch tham gia các khóa đào tạo dưới 35 tuổi có chính sách hỗ trợ cao hơn đối với các đối tượng khác, trong đó tham gia đào tạo sau đại học trong nước sẽ có chế độ hỗ trợ: đối với Tiến sỹ: 120.000.000đồng/người/khoá, đối với Thạc sỹ: 50.000.000 đồng/người/khóa.
- Thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 02 tháng 02 năm 2009 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 đã xác định giải pháp là: “Đổi
mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ”; Ban Tổ chức Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện định kỳ hàng năm phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ GV giỏi, tổ trưởng tổ chuyên môn, chủ tịch công đoàn, bí thư chi đoàn, trong đó chú ý đến nội dung, chương trình đào tạo và tạo mọi điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho các học viên nữ. Chú ý phát hiện đội ngũ kế cận là nữ, trẻ và có quan tâm cân nhắc ưu tiên đối tượng nữ khi đề bạt, bố trí, quy hoạch.
- Định kỳ hàng năm phải rà soát đội ngũ CBQL nữ đương nhiệm để có những biện pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời số lượng CBQL nữ vào những nơi phù hợp với yêu cầu và năng lực của họ. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong đội ngũ GV nữ. Coi trọng việc phát triển đảng viên mới trong số giáo viên nữ giỏi có triển vọng đưa vào quy hoạch cán bộ. Song song đó, cấp ủy chi bộ trường học cần nắm vững đặc điểm của đảng viên nữ để phân công công tác hợp lý.
- Theo Kết luận số 55-KL/TW ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định: Công tác phụ nữ là vấn đề lớn, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường truyền thông để tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và của toàn xã hội về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của phụ nữ; về chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác phụ nữ, về bình đẳng giới, về hôn nhân và gia đình. Thông qua truyền thông để giáo dục giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam,
nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện phân biệt đối xử với phụ nữ.