bộ quản lý nữ trường Trung học cơ sở
- Việc hội nhập quốc tế là điều kiện thúc đẩy việc thiết lập cơ cấu lao động theo định hướng thị trường, đòi hỏi nguồn nhân lực nữ chất lượng cao phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hơn, phát triển một lực lượng lao động có khả năng nắm bắt công nghệ tiên tiến, bắt kịp với tiến bộ và chuyển đổi mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của đất nước có nguy cơ đẩy nguồn nhân lực nữ chất lượng cao nếu không tích cực cập nhật cái mới, học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ sẽ bị đào thải, không kiếm được việc làm và rơi vào tình cảnh nghèo khổ, không được tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, nước sạch vệ sinh và giáo dục. Và ngành giáo dục là một trong những ngành nghề có nhiều sự tham gia và đóng góp của phụ nữ. Tuy nhiên, trong công cuộc cải cách giáo dục một cách triệt để thì đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục nói chung, CBQL nữ trường THCS vẫn còn bộc lộ một số
hạn chế, bất cập như số lượng CBQL nữ còn thiếu so với nhu cầu; số lượng CBQL nữ có trình độ chuyên môn trên chuẩn, về nghiệp vụ quản lý, về trình độ lý luận chính trị còn ít; tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBQL nữ chưa cao, trình độ và năng lực điều hành quản lý còn nhiều bất cập, đặc biệt trong tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện … Vì lẽ đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL nữ các trường THCS một cách toàn diện, chuẩn hoá, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp tốt để thực hiện trọng trách lớn mà Đảng và nhân dân giao cho nhằm rút ngắn thời gian và khoảng cách để đưa đất nước ta phát triển, hòa nhập với xu thế chung của thế giới.
- Các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật có nhiều ảnh hưởng đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nữ, cụ thể như theo quan điểm của Lênin, mặc dù chính quyền Xô Viết còn non trẻ nhưng dưới sự lãnh đạo của Lê nin đã quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, quan tâm đến chính sách đối với nữ, ông yêu cầu các cơ quan, các cơ sở sản xuất “phải lập ra một số cơ quan kiểu mẫu như nhà ăn, nhà trẻ để phụ nữ thoát khỏi công việc gia đình. Việc lập ra các cơ quan đó, trước hết phải do chính phụ nữ đảm nhận”. Ngoài ra, Lênin đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và cho rằng:“kinh nghiệm của tất cả các phong trào giải phóng chứng tỏ rằng, thắng lợi của cách mạng là tùy thuộc vào mức độ tham gia của phụ nữ” [33,tr.102]. Những quan điểm tiến bộ của Lênin, Đảng Bônsêvích và chính quyền Xô viết về vấn đề phụ nữ và những thực tiễn sinh động ở Liên Xô trước đây đã mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Quan điểm của Đảng ta về chính sách đối với nữ thông qua hệ thống luật pháp đều theo hướng đảm bảo quyền lợi của phụ nữ như Luật Hôn nhân và gia
đình (năm 2000), Luật Đất đai (năm 2003), Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình (năm 2008). Và trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1946) đã ghi nhận: “phụ nữ bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện”. Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, năm 1992 cũng nhất quán quan điểm trên. Đặc biệt, trong những năm đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quan điểm về chính sách đối với nữ tiếp tục được thể hiện tại Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị (năm 1993) và Chỉ thị 37 của Chính phủ, trong đó đã nêu rõ mục tiêu giải phóng phụ nữ hiện nay là cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao địa vị xã hội và quyền bình đẳng của phụ nữ, đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Mặc dù chính sách dành cho phụ nữ đã được các ngành các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả song việc bố trí, sử dụng, đào tạo và thực hiện chính sách đối với lao động nữ còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với vị trí và vai trò của họ. Một số địa phương, một số ngành chưa phát huy hết tiềm năng của người phụ nữ, chưa quan tâm đến lực lượng hùng hậu và giàu tiềm năng này. Có lúc có nơi vẫn còn biểu hiện dè dặt, thiếu tin tưởng đối với giới nữ, điều này dẫn đến người phụ nữ không có điều kiện sáng tạo, cống hiến như nam giới. Hoặc các quy định của pháp luật đối với phụ nữ còn thiếu hoặc chưa có văn bản hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng nên trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
- Qua nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu trung người phụ nữ có những nét đặc thù như sau: Thứ nhất, về đặc điểm thiên chức làm mẹ: người phụ nữ có thiên chức làm mẹ như mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ song cũng chính thiên chức đặc biệt ấy đã và đang ảnh hưởng nhiều đến
việc làm, đến quá trình phấn đấu của người phụ nữ. Thứ hai, đặc điểm về sức khỏe và tâm sinh lý: Phụ nữ và nam giới có đặc điểm về sinh lý, tâm lý và thể lực khác nhau. Phụ nữ thường nhẹ nhàng, kiên nhẫn, chăm chỉ, tỉ mỉ, thận trọng, khéo léo nên rất phù hợp với một số ngành trong xã hội như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, may mặc,… Và theo kết quả cuộc điều tra vào năm 1993, tổ chức Ngân hàng thế giới đã đúc ra kết luận một số vấn đề như sau: đầu tư cho sự phát triển phụ nữ sẽ có hiệu quả hơn đầu tư cho phát triển nam giới, bởi vì phụ nữ có sức khỏe, có kiến thức sẽ đóng góp được nhiều hơn nam giới cho sự phát triển bền vững; đầu tư giáo dục cho phụ nữ là loại đầu tư đem lại nhiều lợi ích nhất cho gia đình và cho xã hội, bởi vì, phụ nữ được đào tạo sẽ đảm nhiệm được những công việc phức tạp hơn, tăng nâng suất lao động và thu nhập; phụ nữ có trình độ sẽ có xu hướng giảm tỷ lệ sinh con, có điều kiện chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ tốt hơn; phụ nữ có kiến thức cao sẽ quản lý gia đình hiệu quả hơn và kiến thức sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của họ trong gia đình và ngoài xã hội. Thứ ba, về đặc điểm xã hội: so với nam giới, điều kiện sinh hoạt và công tác của phụ nữ thường phức tạp đồng thời phụ nữ có quan niệm trách nhiệm kinh tế đối với bản thân, gia đình nên người phụ nữ cũng ít quan tâm đầu tư công sức, tiền của và thời gian cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; do quan niệm phải tìm những công việc, ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình; hoặc do định kiến của xã hội và các phong tục, tập quán lạc hậu làm cho phụ nữ có tư tưởng tự ti, cam chịu, chấp nhận định kiến, phân biệt như sự sắp đặt tự nhiên... Và đấy là hạn chế của phụ nữ trong việc khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Thứ tư, truyền thống văn hóa dân tộc có tác động rất lớn đến sự phát triển đội ngũ CBQL nữ, nhất là về mặt tinh thần. Ngoài ra, còn có yếu tố tiêu cực như tôn giáo đã kìm hãm sự phát triển tài năng của CBQL nữ. Thứ năm, yếu tố giáo
dục là chìa khóa để nâng cao chất lượng nguồn lao động của một quốc gia nói chung và nguồn lao động nữ nói riêng, trong giáo dục cho nguồn cán bộ quản lý nữ là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Vì CBQL nữ được giáo dục đầy đủ và ở tầm cao thì họ sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sẽ tốt hơn đồng thời họ có sự hiểu biết cơ bản về quyền và trách nhiệm của mình đối với thế hệ tương lai của đất nước. Với những đặc điểm có nét đặc thù của người phụ nữ nêu trên, Đảng và Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ, điều này thể hiện qua nội dung Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII, đã chỉ rõ và cần coi trọng: “cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em” [21].
Tóm lại, do cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật và sự khác biệt giới tính, sức khỏe, quan điểm xã hội, … đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ trở thành bị động, ít có điều kiện phấn đấu, tham gia các hoạt động ngoài xã hội, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động nghiên cứu khoa học… Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nữ nói chung và ở trường Trung học cơ sở nói riêng là hết sức có ý nghĩa và cần thiết góp phần thực hiện thắng lợi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.