trường Trung học cơ sở
1.3.1. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nữtrường Trung học cơ sở trường Trung học cơ sở
Dưới chế độ cộng sản nguyên thủy, khi mà xã hội chưa có sự phân chia giai cấp, khi mà lao động của người phụ nữ có vai trò quan trọng thì địa vị của người phụ nữ trong gia đình cũng chưa có mâu thuẫn hay đối kháng về lợi ích của người vợ so với người chồng, họ vẫn sống bình đẳng với nhau trong quá trình đấu tranh để sinh tồn [35,tr.16]. Đến thời kỳ phong kiến, trong từng giai đoạn lịch sử và đặc thù của từng quốc gia thì vị trí, vai trò của người phụ nữ khác nhau:
- Theo quan điểm thời Nho giáo có tư tưởng trọng nam, khinh nữ, đề cao phụ quyền, nam quyền, chủ trương “tam tòng”, “tứ đức”, trói buộc người phụ nữ một cách nghiệt ngã theo lễ giáo phong kiến. Khổng Tử - người sáng lập ra Nho giáo, đã từng nói : “phụ nhân nan hóa” (đàn bà là giống khó dạy), ông còn xếp phụ nữ ngang hàng với trẻ con, thậm chí còn phỉ báng phụ nữ “đàn bà gần chúng thì chúng nhờn, xa chúng thì chúng oán”. Và tư tưởng Nho giáo du nhập vào Việt Nam, dưới chế độ phong kiến người phụ nữ được coi là tài sản của chồng. Dưới thời Hồng Đức, Vua Lê Thánh Tông đã ban 24 điều, trong đó có 9 điều bắt buộc đàn bà, con gái phải theo. Hơn thế nữa, gia đình phong kiến còn duy trì đạo “tam tòng” mà cơ sở kinh tế của nó là quyền thừa kế tài sản, để tăng cường giám sát phụ nữ trong gia đình.
- Trái ngược với quan điểm thời Nho giáo, các nhà triết học, tư tưởng ở Phương Tây như Tômát Môrơ - nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng nổi tiếng ở
Anh vào đầu thế kỷ XVI đã đặt vấn đề nam – nữ được tự do, bình đẳng trong yêu đương được tự do kết hôn và ly hôn; Campanela - nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng ở Ý vào thế kỷ XVII đã chủ trương xây dựng một xã hội bình đẳng “không ai là nô lệ của ai”, theo ông là trẻ em trai và gái đều học tập; Phuriê, đại biểu xuất sắc nhất của xã hội chủ nghĩa không tưởng ở Pháp đầu thế kỷ XIX đã phê phán sự bất bình đẳng trong quan hệ nam nữ trong gia đình và ngoài xã hội và ông là người đầu tiên khẳng định “trình độ giải phóng phụ nữ là thước đo tự nhiên của sự giải phóng nói chung”. Như vậy các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đều quan tâm đến phụ nữ, có cái nhìn nhân đạo với phụ nữ, các ông đều mong muốn đem lại quyền tự do, bình đẳng cho phụ nữ trong học tập, lao động, trong hôn nhân gia đình, tạo cơ hội cho phụ nữ làm tốt nhiệm vụ đối với gia đình và xã hội. Tuy nhiên do bị hạn chế về thế giới quan và bị quy định bởi hoàn cảnh lịch sử, các nhà tư tưởng tiến bộ đương thời dù có nỗ lực vượt bậc cũng không vượt qua được những hạn chế mà chính thời đại họ chưa cho phép. Vì vậy, các ông chưa tìm ra con đường để giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam – nữ.
- Cùng với Mác, Ăngghen, Lênin, các nhà nữ quyền Phương Tây đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong khoa học xã hội: coi phụ nữ là nửa nhân loại, có quyền bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực. Khi nghiên cứu lịch sử xã hội loài người, Mác – Ăngghen đã chỉ ra rằng: trong xã hội có giai cấp đối kháng, phụ nữ là nạn nhân trực tiếp của sự áp bức giai cấp và của sự bất bình đẳng trong gia đình và trong xã hội. Ăngghen còn cho rằng sự thắng lợi của chế độ tư hữu cũng chính là sự thất bại của chế độ mẫu quyền, “là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của phụ nữ”. Và theo Ph.Ăngghen đã xác định: Phụ nữ là “một nửa thế giới”, “một nửa nhân loại”; phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Trong chế độ phong kiến, vai trò của phụ
nữ chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, người phụ nữ bị thiệt thòi về nhiều mặt. Do vậy, vấn đề giải phóng phụ nữ là sự nghiệp mà cách mạng vô sản đã quan tâm từ nhiều thế kỷ trước. Như Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “điều kiện tiên quyết để giải phóng phụ nữ là làm cho toàn bộ nữ giới trở lại tham gia nền sản xuất xã hội và điều kiện đó lại đòi hỏi phải làm cho gia đình cá thể không còn là một đơn vị kinh tế trong xã hội nữa” [17,tr.116]. Chính con đường giải phóng phụ nữ sẽ là con đường đem lại sự bình đẳng cho phụ nữ, đưa phụ nữ tham gia quá trình lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào quá trình quản lý xã hội.
- Sau Cách mạng tháng Mười Nga, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ chính quyền Xô Viết còn non trẻ nhưng V.I.Lênin vẫn quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ và chăm lo gia đình. Theo ông, để xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa đòi hỏi người phụ nữ phải tích cực học tập, tham gia hoạt động chính trị, phải nâng cao trình độ về mọi mặt để nhanh chóng đuổi kịp nam giới và làm tốt hơn vai trò người vợ, người mẹ, người công dân. Bình đẳng về chính trị là điều kiện tiên quyết, song suy cho đến cùng bình đẳng về kinh tế là quan trọng nhất. Khi bình đẳng về kinh tế thì phụ nữ có việc làm, có thêm thu nhập và trong gia đình mới bình đẳng với người chồng. Có như vậy, trình độ năng lực và sự giác ngộ của phụ nữ mới được nâng lên, địa vị của người phụ nữ ngoài xã hội được củng cố, vai trò của họ trong gia đình được phát huy. Để tạo điều kiện cho người phụ nữ giải phóng, Lênin cho rằng: “ngay trong điều kiện hoàn toàn bình đẳng, phụ nữ vẫn bị trói buộc vì toàn bộ công việc gia đình đều trút lên vai họ. Trong phần lớn trường hợp lao động gia đình do phụ nữ gánh vác, là loại lao động hết sức vụn vặt, nặng nhọc, không giúp ích chút nào cho sự tiến bộ của phụ nữ cả” [32,tr.231]. Trong điều kiện đất nước khi
đó còn nhiều khó khăn, một số vấn đề xã hội chưa giải quyết triệt để do đó nhìn chung người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi và tiềm năng to lớn của phụ nữ vẫn chưa được giải phóng và phát huy một cách đầy đủ. Điều này đã được Lênin đề cập và cho rằng: “phụ nữ còn phải bận công việc gia đình, nên địa vị của họ không tránh khỏi bị hạn chế. Muốn triệt để giải phóng phụ nữ, muốn làm cho họ thật sự bình đẳng với nam giới, thì cần phải có kinh tế công cộng, cần phải để phụ nữ tham gia lao động sản xuất chung. Như vậy, phụ nữ mới sẽ ngang hàng với nam giới” [34,tr.36].
- Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, do sống trong chế độ phong kiến, chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo, Người đã thấu hiểu nỗi khổ của phụ nữ dưới chế độ cũ bị ràng buộc khắt khe với bao tập tục lạc hậu đã làm cho phụ nữ dốt nát, cực khổ, tối tăm và tâm lý “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo đã cột chặt người phụ nữ vào gia đình, ngoài xã hội thì địa vị thấp kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: giải phóng phụ nữ là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và trên phương diện này, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ đã mang tính dân tộc và quốc tế sâu sắc. Từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương “nam nữ bình quyền” và coi đó là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Tuyên truyền đường lối, chính sách của mặt trận Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa, một lần nữa, Hồ Chủ tịch khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ. Hiểu và thông cảm sâu sát với phụ nữ, Hồ Chủ tịch đã viết: “dưới chế độ phong kiến thực dân phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội phụ nữ bị xem khinh như nô lệ, trong gia đình bị kìm hãm bởi xiềng xích trói buộc họ, nếu không giải phóng phụ nữ thì không phải giải phóng một nửa loài người. Nếu
không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” [36,tr.498]. Đây là luận điểm cực kỳ quan trọng của Bác, là quan điểm rất mới mẻ.
Hồ Chí Minh từng phê phán gây gắt những hành động đánh đập vợ con, ép buộc con cái. Người giao trách nhiệm cho các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể phải tuyên truyền sâu rộng về Luật Hôn nhân và gia đình và xác định rằng: cùng với nhân dân cả nước, phụ nữ Việt Nam đã góp công sức đem lại hạnh phúc cho nhân dân lao động và quyền bình đẳng giới cho phụ nữ nước ta. Theo Hồ Chí Minh, “thực hiện nam nữ bình đẳng là một công cuộc cách mạng khá to và khó”. Nhận thức rất sâu sắc về những khó khăn của người phụ nữ, Bác luôn nhắc nhở các cấp, các ngành: phải hết lòng giúp đỡ phụ nữ để chị em tiến bộ về mọi mặt. Việc phát triển phong trào phụ nữ gắn liền với việc cất nhắc cán bộ nữ vào các cơ quan, các cấp, nhất là các cơ quan cấp cao, các ngành thích hợp với phụ nữ. Khi làm lãnh đạo, phụ nữ “ít mắc tệ tham ô lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam” [37,tr.489].
Quán triệt theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến phụ nữ. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 đã xác định: nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là “Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ”. Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến giới, bình đẳng giới, phụ nữ, Luật pháp xã hội chủ nghĩa đặc biệt ban hành có những bộ luật liên quan về gia đình như Luật Hôn nhân năm 1959 – 1982 và Hiến pháp năm 1992 khẳng định quyền bình đẳng giữa vợ chồng, 3 bộ luật có liên quan: Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực trong gia đình. Trong đó, Luật Bình đẳng giới khẳng định quyền tự do kết hôn, tự do ly hôn, quyền bình đẳng nam – nữ trong mọi lĩnh vực đời sống gia đình, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong việc xây dựng gia
đình mới. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trong đó có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nữ thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết như: Nghị quyết số 153-NQ/TW về Công tác cán bộ nữ (năm 1967), Chỉ thị số 44-CT/TW về Một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ (năm 1984), Nghị quyết số 04-NQ/TW về Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới (năm 1993), Chỉ thị số 37-CT/TW về Một số vấn đề về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới (năm 1993), Nghị quyết số 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (năm 2007)... Các quan điểm ấy cũng được cụ thể hoá vào các bản Hiến pháp các năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992, năm 2013 và ngày càng hoàn thiện, cụ thể hoá trong các văn bản khác. Hiện nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định về bình đẳng giới. Những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phụ nữ đảm nhận với tỷ lệ khá như Đại biểu Quốc hội nữ chiếm 24,4%, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm 25,2%, cấp huyện 24,6%, cấp xã 21,7%. Lao động nữ chiếm 48,5%, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ như nông nghiệp, chế biến, dệt may, y tế, giáo dục… có tỷ lệ nữ cao.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập và thách thức về bình đẳng giới trong xã hội hiện nay là vấn đề không nhỏ như: tư tưởng định kiến vẫn còn; tỷ số chênh lệch giới tính trẻ em mới sinh là 111,9 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em… còn diễn biến phức tạp; nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu; tiền công của lao động nữ thấp, bằng 69% so với nam; tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam, nhất là những vị trí then chốt,
vị trí ra quyết định còn ít; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt thấp nhất trong 4 khóa gần đây, riêng ở TPHCM, tỷ lệ nữ trong Ban Thường vụ Thành ủy đạt khá, có 5/17 là nữ, có 5 bí thư cấp ủy và 4/24 chủ tịch UBND các quận - huyện là nữ [48]. Tóm lại, những cống hiến của phụ nữ Việt Nam với đất nước trong những năm đổi mới đã khẳng định vị thế, khả năng của phụ nữ Việt Nam và cũng khẳng định đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của cách mạng cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thời gian gần đây, khi đất nước bắt đầu đổi mới, phụ nữ đã tham gia lao động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ trong nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, y tế, giáo dục, văn hóa đến các cương vị lãnh đạo quản lý.