b. Điều kiện hoạt động của sàn giao dịch BCEC
3.4.4 Nhóm giải pháp đối với thị trường
- Tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm, nội qui giao dịch
Tăng cường công tác marketing, quảng cáo, hay những buổi diễn thuyết trình bày khoa học cho mọi đối tượng có nhu cầu tham gia vào thị trường giao sau cà phê. Cung cấp những kiến thức, tài liệu về lợi ích, qui trình giao dịch, trách nhiệm khi tham gia, hoặc thiết lập và công bố rộng rãi các trang web, diễn đàn trao đổi những bí quyết kinh nghiệm khi tham gia giao dịch trên thị trường giao sau quốc tế.
Cần thay đổi thói quen của người sản xuất và nhà đầu tư về những lợi ích thiết thực mà hoạt động kinh doanh của thị trường giao sau cà phê mang lại như cà phê khi giao dịch qua sàn sẽ theo tiêu chuẩn nhất định và lượng hàng hóa không manh mún nên giá mua bán sẽ tốt, giảm thiểu rủi ro…
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch giao sau cà phê của Việt Nam bằng các biện pháp thiết thực
Sàn cần có qui trình giao dịch một cách hợp lý, khoa học và đơn giản dễ hiểu. Dù biết rằng cơ chế hoạt động của sàn giao dịch giao sau cà phê phức tạp hơn sàn giao dịch chứng khoán vì nó có sản phẩm thật là cà phê giao nhận và sản phẩm ảo là các hợp đồng tương lai, hợp đồng lựa chọn, tuy nhiên qui trình cần thể hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu cho mọi người dân. Hơn nữa, phải có quy chế hoạt động minh bạch và
chi tiết cho từng lĩnh vực tại sàn như quy chế kết nạp thành viên, quy chế giao nhận hàng hóa, quy chế thanh toán, quy chế kiểm soát hạn mức đầu tư… cũng như phải có chế tài đủ mạnh để điều hành hoạt động của sàn được thông suốt cũng như xử lý kịp thời các tranh chấp và các vi phạm có thể xảy ra.
Tập trung nghiên cứu phát triển không chỉ sản phẩm cà phê gốc mà cả những sản phẩm cà phê phái sinh, làm đa dạng sự lựa chọn cho nhiều nhà đầu tư bằng nhiều loại sản phẩm, điều này không chỉ thu hút nhiều người tham gia mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của sàn Việt Nam so với các sàn thế giới. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung Tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột và nhanh chóng phát triển các sản phẩm giao sau cà phê ra thị trường , hoàn thiện và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia giao dịch và giới thiệu các sản phẩm chất lượng tốt nhất của mình, xem đây là kênh hiệu quả nhằm giới thiệu tới khách hàng tiềm năng và những mặt hàng sản phẩm cà phê tốt nhất của Việt Nam. Ngoài ra cần tích cực tham gia và học hỏi kinh nghiệm các sàn giao dịch cà phê lớn như sàn giao dịch New York, Chicago…
Ngoài ra, có thể phân tích, trình bày làm nổi bật lên những thuận lợi của nhà đầu tư khi tham gia sàn giao dịch ở Việt Nam như chi phí giao dịch nhỏ, không bị chênh lệch múi giờ, đặc điểm sản phẩm trên sàn Việt Nam phù hợp với thực tế, giao hàng ở Việt nam sẽ tiết kiệm thời gian chi phí cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, vì thói quen giao dịch của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và sàn giao dịch Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để làm cơ sở tham chiếu giá trong thị trường nội địa, do vậy trước mắt cần điều chỉnh và thiết lập những tiêu chuẩn của sàn Việt Nam sao cho tương thích với các sàn giao dịch có từ lâu đời, điều này vừa phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế mà còn giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu lớn trên thế giới.
- Tạo sự liên thông giữa thị trường giao sau cà phê Việt Nam với thế giới
Phát triển sàn giao dịch trong mối liên kết với các sàn giao dịch trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển các công cụ phái sinh tại thị trường Việt Nam và nhanh
chóng hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần giảm chi phí giao dịch, đảm bảo lợi ích của những người tham gia giao dịch mua bán qua sàn giao dịch giao sau.
Ngoài ra, việc tạo sự liên thông giữa thị trường giao sau nội địa và quốc tế sẽ giải quyết được vấn đề nguồn cung, nguồn cầu, tăng tính thanh khoản cho thị trường và tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách giá trong nước và quốc tế giúp thị trường phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện và tiệm cận, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn thế giới. Hơn nữa, mối liên kết này sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu hàng hóa thực thông qua việc thực hiện hợp đồng giao sau cà phê trên thị trường mà không mất nhiều thời gian, chi phí.
- Thành lập các trung tâm tư vấn về pháp luật lẫn thông tin liên quan đến thị trường giao sau cà phê
Hiện nay, hiểu biết của các doanh nghiệp và người dân về pháp luật, kiến thức thông tin về thị trường giao sau cà phê thế giới lẫn trong nước còn rất hạn chế, kể cả những kiến thức kinh doanh thương mại quốc tế, vì thế khi tham gia kinh doanh hoặc giao dịch các hợp đồng giao sau doanh nghiệp Việt Nam thường thua thiệt so với các đối tác kinh doanh nước ngoài. Do đó, ngoài việc doanh nghiệp tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật trong kinh doanh, tập quán thương mại cũng như những kiến thức khi tham gia kinh doanh trên sàn giao dịch giao sau cà phê mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê của Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ tư vấn về pháp luật trong kinh doanh đặc biệt là pháp luật liên quan đến thị trường giao sau cà phê lẫn việc cung cấp các kiến thức, thông tin mới nhất và kịp thời để các doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của mình. Vì vậy, việc thành lập trung tâm tư vấn pháp luật, kiến thức và cung cấp thông tin liên quan đến thị trường giao sau cà phê để tư vấn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê của Việt Nam khi tham gia kinh doanh trên thị trường giao sau là rất cần thiết. Hiệp hội ca cao cà phê có thể đứng ra thành lập trung tâm tư vấn này để thu thập và tìm hiểu pháp luật, tập quán thương mại khi các doanh nghiệp có nhu cầu, hoặc có thể đứng ra nhận ủy quyền giải quyết các tranh chấp với các đối tác khi được doanh nghiệp yêu cầu, hay cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường giao
sau cà phê ở Việt Nam một cách chính xác, nhanh chóng... Nếu làm được việc này, chắc chắn phần nào hỗ trợ và củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi kinh doanh trên thị trường giao sau cà phê ở Việt Nam
Tóm lại, giao dịch hàng hóa giao sau (kỳ hạn) là một sản phẩm hiện đại đòi hỏi người tham gia cần một thời gian dài để làm quen, học hỏi, vì thế không thể nôn nóng mà cần có thời gian bền bỉ tuyên truyền, giáo dục, bổ trợ kiến thức cho nhà đầu tư
Bên cạnh đó, việc nâng cao cơ sở hạ tầng cho sàn giao dịch Việt Nam bằng ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại giúp cho việc đặt lệnh nhanh chóng, dễ dàng, chính xác, giúp cho nhà đầu tư dễ dàng truy cập và theo dõi kịp thời trạng thái của mình cũng là một trong những nhân tố giúp thị trường giao sau Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
- Xây dựng và triển khai cách yết giá minh bạch công khai gắn liền với thị trường, chú trọng phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá của hợp đồng giao sau
Giao dịch hàng hóa và các sản phẩm hợp đồng giao sau trong đó có cà phê đã trở thành kênh đầu tư có tính toàn cầu hóa sâu rộng và với rất nhiều nhân tố vĩ mô của thế giới tác động. Do đó, khi tham gia đầu tư trên thị trường giao sau cà phê các nhà kinh doanh không chỉ tìm hiểu các thông tin kinh tế – tài chính và cà phê trong nước, mà nhà đầu tư cần phải nắm bắt được các thông tin liên quan tới tình hình kinh tế và xu hướng biến động giá cả hàng hóa, đặc biệt là những biến động giá cả trên các sàn giao dịch chính trên thế giới, cụ thể là giá hợp đồng cà phê Robusta tương lai trên sàn Liffe tác động rất lớn đến giá cà phê xuất khẩu lẫn thu mua nội địa của Việt Nam.
Vì thế, để thị trường giao sau cà phê ở Việt Nam phát triển bền vững, lâu dài và là cơ sở tham chiếu cho thị trường trong nước, các biện pháp xây dựng và triển khai cách yết giá một cách minh bạch, công khai gắn liền với thị trường và phân tích yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê giao sau cần được chú trọng.
Cung cầu là yếu tố quan trọng và cơ bản tác động đến sự biến động giá cả, nhưng không phải ai cũng nắm được lượng cung- lượng cầu cà phê lẫn những giao dịch mua bán hợp đồng giao sau cà phê, vì thế thiết nghĩ các cơ quan chức năng đề nghị các sàn giao dịch, các tổ chức thu mua, tồn kho dự trữ cà phê thống kê và thường xuyên hoặc định kỳ (tùy theo giới hạn cho phép) công bố lượng hàng mình đang giữ. Bên cạnh đó, với những biến động về tỷ giá hối đoái, lãi suất, lạm phát hay những thay đổi về chính sách kinh tế của các cường quốc lớn , sản xuất, tiêu thụ cà phê lớn lẫn những thay đổi tình hình kinh tế trong nước …là những yếu tố vĩ mô nằm ngoài khả năng của nhà đầu tư, tuy nhiên có thể hạn chế phần nào mức độ rủi ro trong kinh doanh cà phê giao sau khi có sự theo dõi sát những diễn biến, thay đổi để có những biện pháp, chiến lược phù hợp với trạng thái kinh doanh của nhà đầu tư. Thêm nữa, đề nghị chính phủ, nhà nước hay các cơ quan quản lý khi ban hành những chính sách kinh tế hay những điều chỉnh vĩ mô có thể công bố rộng rãi, chi tiết, dễ hiểu cho mọi thành phần kinh tế có thể kịp thời nắm bắt được thông tin. Ngoài ra, cà phê là mặt hàng nông sản còn chịu sự chi phối lớn của tình hình thời tiết, thay đổi của những chi phí đầu vào, thiên tai…do vậy thường xuyên theo dõi và cập nhật việc những diễn biến thời tiết, thiên tai ảnh hưởng đến cà phê và sự thay đổi về chi phí đầu vào tác động đến giá cả.
Ai cũng biết nguyên tắc kinh doanh “rủi ro cao, mức sinh lời cao”, nhưng để tuân thủ đúng không phải là việc dễ dàng, đặc biệt với nhà đầu tư Việt Nam còn khá non trẻ trên thị trường giao sau có từ lâu đời và có nhiều rủi ro, do đó nhà đầu tư cần xác định mục tiêu và có chiến lược đầu tư phù hợp như phòng vệ rủi ro, đầu tư hay lướt sóng…, quan trọng là phải biết lập ra các kịch bản đầu tư để xác định được khi nào thì nên chốt lời, hay giá biến động đến mức nào thì khả năng tài chính của mình có thể chịu đựng được nhằm giảm thiểu rủi ro và đáp ứng lợi ích của mình.
Kết luận chương 3
Từ thực trạng thị trường giao sau cà phê Việt Nam, qua những kết quả về phân tích số liệu thực tế và những xử lý các kết quả khảo sát theo ý kiến chủ quan của tác giả đã đưa ra một số giải pháp gắn liền với thực tế nhằm phát triển thị trường giao sau
cà phê Việt Nam trong thời gian tới mạnh mẽ và bền vững. Sau đó, đã đưa ra một số kiến nghị từ cấp nhà nước, chính phủ, hiệp hội cà phê- cà cao, doanh nghiệp tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường giao sau cà phê Việt Nam. Phát triển thị trường giao sau cà phê là một nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên để phát triển thị trường giao sau của Việt Nam không phải là việc dễ dàng, trước hết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, giải quyết triệt để những khó khăn, mà còn phải có sự đồng lòng, quyết tâm từ các cơ quan quản lý Nhà Nước đến doanh nghiệp, người sản xuất.
KẾT LUẬN
Hội nhập kinh tế toàn cầu đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Sự lưu thông của các dòng chảy về vốn, kỹ thuật và hàng hóa trong hoạt động thương mại diễn ra tấp nập hơn với độ mở kinh tế ngày càng được nới rộng. Các hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu đang tiến gần tới những qui chuẩn quốc tế với tính cạnh tranh cao về giá và chất lượng. Ý thức được tầm quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới, tất cả mọi thành phần kinh tế đều phải đón nhận những cơ hội và thách thức, hơn nữa sau những biến cố của khủng hoảng kinh tế thế giới dù cũng có những nghi ngại về tính năng của các công cụ phái sinh cho rằng nó là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, đã làm nhiều người lo sợ khi sử dụng các sản phẩm tài chính phái sinh, tuy nhiên với góc độ là công cụ phòng ngừa rủi ro thì tác dụng của các sản phẩm phái sinh vẫn là công cụ hiệu quả để mọi người có thể bảo vệ trạng thái kinh doanh một cách tốt nhất. Do vậy, việc tồn tại và phát triển thị trường giao sau hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống sẽ trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng hỗ trợ cho kinh tế phát triển hơn nữa.
Nghiên cứu về thị trường giao sau cà phê đã cho những cái nhìn từ tổng quát đến chi tiết của một thị trường cà phê nói chung và thị trường giao sau cà phê ở Việt Nam. Ngoài ra, nó không những đáp ứng yêu cầu tìm hiểu kiến thức về kinh doanh cà phê giao sau mà còn nhận thấy những rủi ro, những nhân tố tác động đến sự biến động giá cà phê giao sau để đề ra những chiến lược kinh doanh và phòng ngừa rủi ro phù hợp với trạng thái của từng người.
Mặc dù, thị trường giao sau cà phê Việt Nam ra đời và phát triển còn khá mờ nhạt và chưa được nhiều thành phần kinh tế quan tâm nhưng nếu chúng ta cùng đồng lòng, cùng quyết tâm vượt qua các trở ngại khó khăn ban đầu, tin rằng thị phần của lĩnh vực này sẽ được phát triển rộng rãi trong thời gian sắp tới.
Luận văn được thực hiện với sự cố gắng tối đa tìm hiểu từ thực tế thị trường giao sao cà phê Việt Nam. Việc sử dụng số liệu từ thị trường giao dịch giao sau thế giới
để tham chiếu cho Việt Nam là không phù hợp nhưng với độ tương thích cao, xin phép cho tác giả sử dụng để đánh giá, đồng thời với thời gian và kiến thức có hạn nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, mong được sự thông cảm và đóng góp ý kiến của Thầy Cô và độc giả
TIẾNG VIỆT
1. Chính phủ (2006), nghị định số 158/2006/ND-CP quy định chi tiết Luật
Thương Mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
2. Mạc Quang Huy, MBA, FCCA, CPA (tháng 6/2009), cẩm nang ngân hàng
đầu tư, nhà xuất bản thống kê hà nội
3. Nguyễn Văn Nam, PTS. Đặng Đình Thanh, Nguyễn Lương Thanh (năm
2000), Thị trường hàng hóa giao sau, Bộ Thương Mại viện Nghiên Cứu
Thương Mại- Nhà xuất bản lao động
4. Nguyễn Thị Ngọc Trang (năm 2007), quản trị rủi ro tài chính, nhà xuất
bản thống kê
5. Nguyễn Dương Diễm Linh (2010), Xây dựng thị trường giao sau nhằm
phòng ngừa rủi ro biến động giá cà phê tại Việt Nam, luận văn thạc sĩ,
trường Đại Học Kinh Tế TPHCM, TPHCM
6. Nhóm ngành XH1b (2008), Sử dụng hợp đồng giao sau trong quản trị rủi
ro biến động giá cà phê xuất khẩu tại Việt Nam, công trình nghiên cứu
khoa học, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, TPHCM
7. Nhóm CHK16-NH 1 (2009),Thực trạng thị trường hàng hóa giao sau, Tiểu
luận cao học kinh tế, trường Đại Học Kinh Tế TPHCM, TPHCM
8. Tài liệu hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2008-2009 (tháng 10/2009)