CĐ- ĐH tại TP.HCM
Trong công tác dạy và học tại các trường đại học, cao đẳng, vai trò của các phòng thí nghiệm là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt đối với nhóm ngành kỹ thuật, hay nghiên cứu cơ bản. Theo số liệu điều tra của tác giả, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 28 trường ĐH có phòng thí nghiệm phục vụ dạy học trong 45 trường ĐH công lập và ngoài công lập (Có 2 trường thuộc Sở giáo dục & đào tạo TP.HCM quản lý); Có 25 trường CĐ có phòng thí nghiệm phục vụ dạy học trong 37 trường CĐ công lập và ngoài công lập (Phụ lục 6).
Hiện nay nhiều phòng thí nghiệm, xưởng thực hành trong các trường Đại học, Cao đẳng đang thiếu kinh phí mua sắm thiết bị dạy học. Một số khác lại loay hoay với bài toán tìm nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng máy móc hàng năm. Chính vì vậy, nhiều khoa, ngành vẫn đang dạy và học bằng những thiết bị cũ kỹ. Sinh viên sau khi ra trường vẫn phải được các doanh nghiệp đào tạo lại… Như trường Cao đẳng Cao Thắng có khoa cơ khí là một trong số những khoa được nhà trường chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc với mức trung bình vào khoảng 2 tỷ đồng/năm. Nhưng trong số 7 xưởng thực hành chỉ có xưởng thực hành chẩn đoán động cơ là được đầu tư mạnh nhất (5 tỷ đồng), các xưởng khác chỉ được đầu tư ở mức cơ bản.
TS Vũ Trí Xương, Trưởng khoa Cơ khí động lực (Trường Cao đẳng Cao Thắng) cho biết: “Khoa có gần 2.500 sinh viên, trong đó có 400 sinh viên trong dạng thường xuyên thực hành. Nhưng do trường không đủ điều kiện trang bị các động cơ đời mới nên vẫn phải sắp xếp cho sinh viên kiến tập tại doanh nghiệp lắp ráp ô tô từ 6-20 tuần trong toàn thời gian học. Mục đích là để sinh viên quen dần với máy móc tại đây”.
Song không ít trường vẫn đang phải dạy và học với những thiết bị thực hành lạc hậu. Như không chỉ thiếu máy móc phân tích thiết yếu cho ngành sinh học phân tử, chuyên ngành sinh lý thực vật vốn có nhiều công đoạn thí nghiệm, thực hành cần máy đo quang hợp, đo hô hấp cũng đang sử dụng một máy có công năng tương tự được mua từ năm 1962, mỗi lần hư phải tìm phụ tùng thay thế rất vất vả. Giảng viên cũng phải tự tìm mua nhiều thiết bị khác nhau để chế các dụng cụ thí nghiệm...Vì vậy, các công đoạn thí nghiệm thực hiện khá thủ công.
TS Nguyễn Du Sanh, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) trưởng khoa sinh học, cho biết: “Chúng tôi nhiều lần đề nghị trường trang bị máy đo quang hợp mới nhưng chưa được duyệt vì kinh phí quá cao. Một máy hiện đại giá khoảng 50.000 USD”. Nhiều giảng viên của trường lo ngại về sự chênh lệch rất lớn giữa trường và các doanh nghiệp, khi các công ty hiện nay sử dụng máy móc hiện đại hơn hẳn khiến nhiều sinh viên ra trường không thể làm việc được.
Mặc dù các trường ĐH, CĐ đều đang thiếu thiết bị, song bản thân việc đầu tư mua sắm trang thiết bị cũng chưa được thực hiện một cách khoa học. Vì vậy hiệu quả đầu tư chưa được như mong muốn.Vì quá trình lập dự án đầu tư thiết bị đào tạo được thực hiện vào quý 1 hằng năm. Nhưng việc duyệt dự toán đầu tư rất dài, khoảng đầu quý 4 mới xong. Vì thế việc hoàn thành thủ tục đấu thầu, kết thúc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thường kết thúc vào cuối tháng 12. Trong khoảng thời gian này, biến động của ngoại tệ, lạm phát khiến việc lựa chọn thiết bị không như ý muốn của người lập dự án, dẫn đến sai lệch xuất xứ thiết bị, chất lượng không đạt yêu cầu.