I. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ PHƯƠNG THỨC ỦY THÁC CHO VAY VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH:
4. Trách nhiệm của tổ chức Hội, đoàn thể các cấp
Căn cứ vào nội dung công việc được uỷ thác, tổ chức Hội, đoàn thể ở mỗi cấp sẽ đảm nhiệm những phần công việc khác nhau, cụ thể:
4.1. Trách nhiệm tổ chức Hội, đoàn thể cấp trung ương, cấp tỉnh, cấphuyện huyện
Trong 6 công đoạn nhận uỷ thác với NHCSXH, tổ chức Hội, đoàn thể cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện 2 công đoạn là (5 và 6) với nhiệm vụ chủ yếu là tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động ở cấp dưới; phối hợp với NHCSXH cùng cấp bàn các biện pháp, giải pháp để đưa hoạt động tín dụng chính sách đi vào nề nếp và đảm bảo chất lượng cao, cụ thể:
* Về công tác kiểm tra: Theo văn bản đã thoả thuận giữa NHCSXH
với các tổ chức Hội, đoàn thể, Hội cấp Trung ương tổ chức kiểm tra ít nhất 40% Hội, đoàn thể cấp tỉnh; Hội, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức kiểm tra Hội, đoàn thể cấp huyện thuộc miền núi ít nhất một năm 1 lần và kiểm tra Hội, đoàn thể cấp huyện thuộc đồng bằng ít nhất một năm 2 lần; Hội, đoàn thể cấp huyện tổ chức kiểm tra 100% Hội, đoàn thể cấp xã và ít nhất 25 - 30% Tổ TK&VV.
* Về công tác tổ chức giao ban định kỳ:
- NHCSXH cấp huyện với Hội, đoàn thể cấp huyện: giao ban 2 tháng/lần.
- NHCSXH cấp tỉnh với Hội, đoàn thể cấp tỉnh: giao ban 3 tháng/lần. - NHCSXH cấp TW với Hội, đoàn thể cấp Trung ương: giao ban 6 tháng/lần.
* Về công tác sơ kết, tổng kết:
Định kỳ, NHCSXH cùng tổ chức Hội, đoàn thể tổ chức tổng kết đánh giá kết quả uỷ thác: cấp tỉnh, cấp huyện định kỳ tổ chức tổng kết 1 năm/lần, cấp Trung ương định kỳ tổ chức tổng kết 2-3 năm/lần.
4.2. Trách nhiệm tổ chức Hội, đoàn thể cấp xã
Đây là cấp trực tiếp thực thi nhiệm vụ nên phải thực hiện đầy đủ cả 6 công đoạn trong quy trình cho vay và được cụ thể như sau :
- Lựa chọn những Tổ TK&VV đủ điều kiện đề nghị NHCSXH cấp huyện chấp thuận làm uỷ thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác;
- Tổ chức Hội, đoàn thể cử bộ phận cán bộ chuyên trách theo dõi và thực hiện việc uỷ thác cho vay của NHCSXH, phải mở sổ sách theo dõi hoạt động uỷ thác cho vay của NHCSXH. Ban thường vụ tổ chức Hội ở cấp xã không được kiêm nhiệm Ban quản lý Tổ TK&VV để đảm bảo việc kiểm soát và đôn đốc hoạt động của các Tổ TK&VV;
- Chỉ đạo các Tổ TK&VV chủ động kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của từng hộ đúng mục đích xin vay, đôn đốc hộ trả nợ, trả lãi tiền vay khi đến hạn trả;
- Tổ chức Hội, đoàn thể cấp xã phải chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra trong năm và phải kiểm tra 100% hoạt động Tổ TK&VV. Ngoài ra, phải tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết và tổ chức đối chiếu công khai đến từng hộ vay vốn mỗi năm một lần theo mẫu số 15/TD ;
- Phối hợp với NHCSXH cấp huyện tổ chức giao ban theo định kỳ 01 tháng/lần;
- Hàng quý, 6 tháng, cả năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu của ngân hàng), phối hợp với NHCSXH cấp huyện tiến hành đánh giá hoạt động của Tổ TK&VV để xếp loại Tổ làm cơ sở củng cố, đào tạo, tập huấn, xếp loại thi đua theo tiêu chí đã quy định tại văn bản số số 896/NHCS-TDNN ngày 21/4/2011, cụ thể:
+ Tổ xếp loại tốt: Đạt từ 85 điểm - 100 điểm. + Tổ xếp loại khá: Đạt từ 70 điểm - 84 điểm.
+ Tổ xếp loại trung bình: Đạt từ 50 điểm - 69 điểm. + Tổ xếp loại kém: Các Tổ TK&VV đạt dưới 50 điểm.
- Có trách nhiệm quản lý hoạt động của Tổ TK&VV trực thuộc, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng cán bộ tổ chức Hội, đoàn thể ban lãnh đạo Tổ TK&VV,… lợi dụng, tham ô, chiếm dụng tiền của người vay thông qua việc thu nợ, thu lãi, vay ké,…
- Thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải thích, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của NHCSXH đến người nghèo, các đối tượng chính sách khác, đến nhân dân và chính quyền địa phương.
- Kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... hướng dẫn giúp hộ nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo thêm việc làm, tăng thu nhập để xoá đói giảm nghèo.
- Cán bộ của tổ chức Hội, đoàn thể được giao làm công tác uỷ thác cho vay của NHCSXH cần hiểu và nắm rõ quy định nghiệp vụ cho vay của
NHCSXH để hoàn thành công việc nhận uỷ thác cho vay và không được thu tiền (gốc, lãi, tiền tiết kiệm) của tổ viên; không được lợi dụng nhiệm vụ được giao để tham ô, chiếm dụng, vay ké làm ảnh hưởng đến tổ chức Hội, đoàn thể NHCSXH và mất tín nhiệm đối với tổ viên, Tổ TK&VV, tổ chức Hội, đoàn thể UBND xã, NHCSXH.
- Định kỳ hàng năm, tổ chức Hội, đoàn thể phải tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương điển hình tiên tiến, nêu ra những vướng mắc tồn tại và giải pháp khắc phục.