Thái Lan, Malaysia đều là những nước nằm trong khu vực Đông Nam Á đã sử dụng mô hình thu hút FDI đầu tư theo hướng chọn lọc. Theo Nguyễn Mại (2014) họ đã thành công trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút vốn FDI của
các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới để phát triển công nghiệp hỗ trợ 3.
3 Công nghiệp hỗ trợ có chức năng cung ứng linh kiện, phụ tùng và công cụ cho một ngành công nghiệp. Như ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cung ứng sắt thép làm vỏ xe, phụ tùng, linh kiện, săm lốp để tạo ra chiếc ô tô, hay ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc là những sản phẩm của ngành dệt vải, nhuộm, phụ kiện để sản xuất quần áo...
Thái Lan vốn là nước có nền nông nghiệp truyền thống, thập niên 1970 thực hiện chính sách hướng xuất khẩu, đến nay ngành công nghiệp, dịch vụ đã chiếm ưu thế quan trọng trong nền kinh tế, nông nghiệp giảm dần. Hiện nay, Thái Lan là một nước công nghiệp mới, GDP bình quân đầu người 9.874 USD (2013), chỉ số phát triển con người HDI 0,722 (2013). FDI được coi là một nhân tố quan trọng phát triển kinh tế. Từ năm 1959 – 1971, Thái Lan đã thực hiện chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Với chủ trương khuyến khích đầu tư tư nhân, giảm đầu tư của chính phủ.
Luật Đầu tư năm 1960 đã được ban hành. Năm 1972 – 1996, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu Thái Lan đã ban hành chính sách ưu đãi về đất, việc làm để thu hút chuyên gia, lao động chất lượng cao từ bên ngoài. Chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự biến chuyển theo hướng đầu tư chọn lọc. Dòng vốn FDI vào Thái Lan chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng. Từ những năm 1990 của thế kỷ XX, Thái Lan khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp ô tô, hiện đã thu hút được 17 hãng ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, khoảng một nữa để xuất khẩu. Với 635 nhà cung ứng cấp 1 chiếm 65% doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là người Thái, khoảng 1700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.
Malaysia xuất phát từ nền kinh tế dựa vào khai thác mỏ, và nông nghiệp. Hiện nay, GDP bình quân đầu người 12.243 USD (2014), chỉ số phát triển con người HDI 0,769 (2013). Đây cũng là quốc gia được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 1968 Luật khuyến khích đầu tư ban hành. Giai đoạn 1970-1989: áp dụng các biện pháp khuyến khích xuất khẩu đẩy mạnh chính sách kinh tế mở bằng công cụ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 1990 đến nay, Malaysia khuyến khích thu hút FDI vào những ngành sử dụng công nghệ cao, ít phát thải.
Những chính sách thu hút FDI của Thái Lan và Malaysia, đó là: cả hai quốc gia đều theo đuổi chính sách mở cửa để thu hút FDI. Thu hút công ty đa quốc gia công nghệ cao với dự án quy mô lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thiết lập mối quan hệ vững chắc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Thái Lan điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng FDI hàng năm xuất khẩu hơn triệu ô tô với giá trị gia tăng trên 59%, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong khi Malaysia tập trung phát triển điện, điện tử để phục vụ trong nước và
tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực, năm 2000 chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Bên cạnh đó, cả 2 quốc gia không ngừng đổi mới, chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư. Những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tài chính để hỗ trợ tối đa giai đoạn đầu cho doanh nghiệp trong nước có đủ nguồn vốn đổi mới công nghệ hiện đại để liên kết với doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ (Nguyễn Mại, 2014).
1.4.4. Tổng quan chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tổng quan chính sách thu hút FDI ở Việt Nam
Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ra đời, qua 04 lần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những năm 1990, 1992, 1996 và năm 2000, Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư năm 2014 mới thông qua 26/12/2014, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam từng bước hoàn thiện, vốn FDI vào Việt Nam tăng. Tính đến 15/12/2013 Việt Nam đã thu hút 1.275 dự án với tổng vốn FDI đăng ký 14.300 triệu USD. Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có tăng nhưng không ổn định, cao nhất là vốn FDI đăng
ký năm 2008, thể hiện (hình 1). Sau 27 năm thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập
quốc tế quá trình thu hút vốn FDI vào Việt Nam có thể chia ra thành 4 giai đoạn:
Hình 1.1: Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 1988 đến 2013
(Nguồn: Tổng Cục thống kê, 2013) - Giai đoạn 1988 đến 1996: luồng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm, mức cao nhất là năm 1996 với tổng số vốn đăng ký là 9.635,3 triệu USD. Mặc dù tốc độ vốn FDI đăng ký tăng qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ vốn thực hiện lại thấp, chỉ có
2.938,2 triệu USD năm 1996, chiếm 30,5% so với vốn đăng ký. Hình thức đầu tư FDI trong giai đoạn này chủ yếu là doanh nghiệp liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm tỉ lệ thấp. Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1992 đã bộc lộ những hạn chế. Trình tự thủ tục đăng ký đầu tư phải trải qua nhiều bước, thời gian dài phải mất 45 ngày dự án FDI mới nhận được giấy phép đầu tư và phải xin đăng ký hoạt động; hạn chế dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài, khuyến khích dự án FDI liên doanh với doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo cân đối ngoại tệ cho những dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ngoài ra các dự án FDI được thuê đất để hoạt động kinh doanh nhưng không được sang nhượng cho doanh nghiệp khác thuê; hạn chế quyền xuất nhập khẩu của dự án FDI là không được làm đại lý, và phải đảm bảo tỷ lệ ghi trong giấy phép xuất nhập khẩu.
- Giai đoạn 1997 đến 1999: luồng vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh, đến năm 1999 lượng vốn FDI đăng ký xuống còn 2.282,5 triệu USD, tỷ lệ vốn thực hiện trong giai đoạn này có cao hơn giai đoạn trước. Nguyên nhân lượng vốn FDI giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 (xuất phát ở Thái Lan), thêm vào đó là môi trường đầu tư của nước ta kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singarpo, Malaysia. Mặc dù, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này đã có sửa đổi khuyến khích dự án đầu tư vào các lĩnh vực xuất khẩu, trình tự thủ tục đầu tư thông thoáng hơn trước là doanh nghiệp FDI tự lựa chọn loại hình đầu tư, tỷ lệ vốn góp, địa điểm đầu tư, đối tác đầu tư…
- Giai đoạn 2000 đến 2005: dòng vốn FDI vào Việt Nam đã từng bước hồi phục và tăng trở lại. Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đã tăng nhanh và trở thành ưu thế so với các hình thức khác là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chính phủ đã cải thiện môi trường đầu tư, có sự thay đổi trong trình tự thủ tục đăng ký đầu tư được đơn giản bãi bỏ thu phí đăng ký, mở rộng lĩnh vực cho phép đầu tư, ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2001-2005, các doanh nghiệp FDI được tham gia đại lý xuất khẩu, được thế chấp tài sản gắn liền với đất… Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 2000 đã từng bước được hoàn thiện, chính sách thu hút FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến từ lượng sang chất. Đã thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm thuế quan, cho thuê đất,…để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào vùng miền có điều kiện khó khăn kinh tế - xã hội và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt
khó khăn, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng…(Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài, 2000).
- Giai đoạn từ 2006 đến nay: nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam gia tăng và ổn định. Sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2006 đã đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đã mở ra hướng phát triển cho kinh tế đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006-2008 liên tục đạt 8%/năm. Số dự án FDI tăng mạnh từ 391 dự án năm 2000 đến 2007 đã tăng lên đến 1.544 dự án với tổng số vốn đăng ký 21.348,8 triệu USD. Năm 2008-2009, khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng, nhà đất tại Mỹ, đã lan sang các quốc gia khác. Số lượng dự án FDI đầu tư vào Việt Nam cũng ảnh hưởng, giảm còn 1.171 dự án, đến nay lượng vốn FDI thực hiện ổn định ở mức 11.500 triệu USD. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là chủ yếu, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 thay thế Luật Đầu tư 2005, đã có những điểm mới trong hoạt động đầu tư. Cải cách quy định về lĩnh vực cấm đầu tư thay “chọn cho” thành “chọn bỏ” có nghĩa quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư (kinh doanh ma túy; kinh doanh hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật hoang dã, …) (Điều 6, Luật Đầu tư 2014). Ngoài ra, còn quy định danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, còn bổ sung quy định nhà đầu tư áp dụng điều kiện, thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp: (1) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm trên 51% vốn điều lệ hoặc chiếm đa số thành viên công ty hợp danh; (2) có tổ chức kinh tế nói trên nắm giữ trên 51% vốn điều lệ; (3) có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nói trên nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Và một số điểm mới sửa đổi thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (Luật Đầu tư, 2014).
Nhìn chung chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ. Luật Đầu tư năm 2014 ban hành phần nào cải thiện những hạn chế chính sách đầu tư trước. Tuy nhiên, luồng vốn FDI vào Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực có xuất phát điểm thấp, tương tự như nước ta. Môi trường đầu tư ở Việt Nam còn kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực, đây cũng là thách thức đặt ra cho Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, năng động… trong thời kỳ tới.
Một số bài học kinh nghiệm thu hút FDI cho Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật nghiêm minh, bổ sung, sửa đổi chính sách đầu tư cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ
Để tăng cường thu hút FDI cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật từ trung ương xuống địa phương, chính sách phải thống nhất không chồng chéo giữa các Bộ, ngành; và chính sách đầu tư phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư hướng nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền ưu tiên phát triển. Ngoài ra, chính sách đầu tư phải dựa trên tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được tính toán để đảm bảo lợi ích quốc gia. Khuyến khích dự án FDI đầu tư vào các ngành công nghệ điện tử, tin học, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, chăm sóc sức khỏe hiện đại, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
- Đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu để tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta thể hiện qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội Đảng khóa IX (2001) đến khóa XI (nay) xác định tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa trên nền kinh tế tri thức, có chất lượng cao. Muốn vậy, phải xây dựng môi trường thể chế thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức, hỗ trợ đầu tư mạng lưới công nghệ thông tin. Kết nối nhu cầu lao động, nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của chủ doanh nghiệp. Đồng thời dự báo được nhu cầu lao động trong tương lai, có kế hoạch chủ động, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng người lao động đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước.
- Chủ động, nâng cao hiệu quả trong phân cấp phân quyền, trách nhiệm quản lý hoạt động thu hút FDI đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững.
Để nâng cao hiệu quả quản lý khu vực FDI cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành các cấp, phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp trong việc quản lý. Đồng thời thực hiện cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra trong việc thẩm định, quản lý dự án FDI từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động. Công tác kiểm tra, giám sát còn giúp cơ quan quản lý kịp thời phát hiện các sai sót, hạn chế trong quản lý và có kiến nghị chấn chỉnh kịp thời các sai phạm theo quy định pháp luật.
- Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại : là điều kiện cần thiết để thu hút được đầu tư nước ngoài.
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu chất lượng tăng trưởng bền vững.
Tóm tắt chương 1
Chương 1 hệ thống hóa cơ sở lý luận chung về FDI và tăng trưởng kinh tế, các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, vai trò của FDI đối với tăng trưởng kinh tế. Đồng thời chương này cũng tổng hợp một số lý thuyết về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài, những nghiên cứu có liên quan, đề xuất xây dựng các biên trong mô hình nghiên cứu; tổng hợp kinh nghiệm thu hút FDI thành công của một số quốc gia trong khu vực, và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng như tỉnh Khánh Hòa.
CHƯƠNG 2 - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU