4.2.4.1 Căn cứ của giải pháp
Kết quả phân tích cho thấy FDI không có tác động có ý nghĩa đến tăng trưởng kinh tế Khánh Hòa. Nguyên nhân bởi vì, so với các địa phương khác trong khu vực Duyên hải miền Trung, các tỉnh thành cả nước môi trường đầu tư của Khánh Hòa chưa thật sự hấp dẫn, dẫn đến lượng thu hút vốn FDI vào Khánh Hòa còn hạn chế. Việc cải thiện môi trường đầu tư ở Khánh Hòa, tăng sức cạnh tranh thu hút và giữa chân dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn là hết sức quan trọng và cần thiết.
4.2.4.2. Nội dung của giải pháp
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tăng tính minh bạch trong văn bản pháp luật.
Hoàn thiện thể chế về đầu tư, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm cho thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp FDI đầu tư dự án lớn, dự án thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển tiềm năng tỉnh Khánh Hòa (dịch vụ vận tải biển, kinh tế biển), ngành công nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, không ngừng thu hút đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh), và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc tỉnh); hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài sớm thực hiện dự án.
Thủ tục hành chính gọn nhẹ, thực hiện đúng cơ chế “một cửa”. Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư, lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư, chế độ ưu đãi đầu tư được công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhân rộng áp dụng công nghệ thông tin quản lý doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thực hiện rộng rãi đăng ký thủ tục cấp phép đầu tư, quản lý kê khai thuế qua mạng. Tạo lập các trang web công khai quy trình đăng ký cấp phép đầu tư, những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư...
Tăng cường hiệu quả thực hiện các chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nước ngoài về thuế, môi trường…; đồng thời nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Có chế độ đãi ngộ, thưởng phạt nghiêm minh đối với cán bộ nhà nước trong thực thi nhiệm vụ, chống tham nhũng.
Chế độ đãi ngộ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý nhà nước đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, mạng lưới giao thông, thông tin liên lạc, điện nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Thực hiện xã hội hóa đối với dịch vụ công từ nhà nước nhằm giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
4.2.4.3. Hiệu quả do giải pháp mang lại
Việc hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút rộng rãi các nguồn vốn xã hội để đầu tư cung ứng dịch vụ công thông qua xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp cả về tổ chức, biên chế, tài chính nhằm tạo ra nguồn nội lực cung cấp dịch vụ công từ Nhà nước cho các thành phần kinh tế sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài góp phần tăng trưởng kinh tế.