1.4.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một quốc gia có dân số đông nhất thế giới trên 1.35 tỷ (2012) đã rất thành công trong việc thu hút FDI phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Từ những năm 80, Trung Quốc đã nằm trong danh sách 10 nước đang phát triển đứng đầu thế giới về thu hút FDI. Cho đến nay, quốc gia này là một trong 5 quốc gia thu hút được FDI nhiều nhất thế giới với lượng vốn FDI tiếp nhận trung bình mỗi năm là 119 tỷ USD. Quá trình thu hút FDI của Trung Quốc có thể chia làm bốn giai đoạn.
- Giai đoạn đầu đổi mới kinh tế (1979 - 1985): Trung Quốc thông qua đầu tiên Luật liên doanh đầu tư giữa Trung Quốc và nước ngoài năm 1979. Tiếp đến thành lập bốn Đặc khu kinh tế ở ven biển phía Bắc là Thâm Quyến, Chu Hải, Hạ Môn và Sán Đầu; “ba tam giác” phát triển là đồng bằng sông Dương Trạch, sông Ngọc ở Quảng Đông, và vùng Mẫn Nam ở Phúc Kiến cũng được thành lập, đến năm 1990 đặc khu kinh tế đã được mở rộng với 14 tỉnh ven biển. FDI đầu tư chủ yếu vào Trung Quốc trong giai đoạn này ngành gia công, chế tạo, sử dụng nhiều lao động.
- Giai đoạn phát triển (1992 – 2000): xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài. Năm 1993 vốn FDI vào nước này đứng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Để dòng vốn FDI đầu tư vào trong nước không bị giảm, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách: thực hiện miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cho các thiết bị sản xuất nhập khẩu, đồng thời quy định danh mục các ngành cho đầu tư nước ngoài, các danh mục hạn chế đầu tư (1998). Cải cách thủ tục đầu tư, mở rộng thẩm quyền cho địa phương các tỉnh, thành được quyền phê duyệt dự án đầu tư có vốn dưới 30 triệu USD.
- Giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế (2001 đến nay): từ khi chính thức trở thành thành viên của WTO (tháng 11/2001), đến nay Trung Quốc đã tạo những lợi thế mới về thu hút FDI. Chính sách thu hút FDI đã được chuyển từ lượng sang chất thể hiện:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến FDI.
Sửa đổi Luật đầu tư (2002), để đảm bảo hiệu lực pháp luật thực thi nghêm túc, chính phủ Trung Quốc đã quy định cấm thanh tra trái phép, thu lệ phí không hợp pháp, áp đặt thuế hay xử phạt vô cớ doanh nghiệp nước ngoài để kiểm soát, ngăn chặn những hoạt động trái phép, nhũng nhiễu của một số cơ quan nhà nước. Mở rộng các lĩnh vực kêu gọi đầu tư nước lên 371 lĩnh vực và 34 lĩnh vực không dành cho nhà đầu
tư nước ngoài. Công bố công khai kế hoạch phát triển kinh tế. Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương phê chuẩn dự án đầu tư FDI.
Thứ hai, đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ từ dự án FDI. Thứ ba, sàng lọc các dự án FDI
Cơ cấu FDI theo ngành: khuyến khích thu hút FDI vào ngành có giá trị gia tăng cao, những ngành sử dụng công nghệ tiến tiến, dự án nghiên cứu triển khai. Ít thu hút những dự án FDI đầu tư lắp ráp, chế biến các sản phẩm xuất khẩu có giá trị thấp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án đầu tư FDI.
Cơ cấu FDI theo vùng: khuyến khích các chủ đầu tư nước ngoài thành lập công ty ở miền Trung, miền Tây và các thành phố vùng Duyên hải. Giảm thuế thu nhập cho các công ty FDI đầu tư ở vùng miền trong nước có điều kiện kinh tế kém phát triển.
Cơ cấu FDI theo hình thức đầu tư: Chính phủ Trung Quốc khuyến khích tiếp nhận các hình thức đầu tư mới để mở rộng sản xuất kinh doanh mới, hạn chế đầu tư mua lại và sát nhập.
1.4.2. Kinh nghiệm của Singapore
Tự chủ năm 1959, lãnh thổ Singapore nằm trên một hòn đảo chính và 60 hòn đảo nhỏ, với mức xuất phát điểm thấp hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài nhưng đến nay Singapore trở thành nước phát triển với mức GDP bình quân đầu người 239,7 tỷ USD, xếp hàng cao nhất của thế giới (theo Niên giám Thống kê Khánh Hòa năm 2012 tính theo giá thực tế). Quốc gia này có xếp hạng cao về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sự minh bạch trong chính phủ và tính cạnh tranh kinh tế. Những năm gần đây nền kinh tế thế giới khủng hoảng nhưng nguồn vốn FDI quy mô lớn vẫn liên tục đổ vào đất nước này. Năm 2009 nguồn vốn FDI từ 24 tỷ USD nhưng đến năm 2013 đã lên đến 63,99 tỷ USD. Singapore đã sử dụng thành công chính sách thu hút FDI có thể rút ra như sau:
Chọn lọc các dự án FDI: cũng như Trung Quốc, Singapore thu hút chọn lọc các dự án FDI bằng việc tập trung ưu tiên các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Thời kỳ đầu nền kinh tế ở mức xuất phát thấp, Singapore chủ trương khuyến khích khu vực FDI đầu tư vào các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu như: dệt may, lắp ráp các thiết bị điện, hay phương tiện giao thông. Khi công nghiệp điện tử phát triển, Singapore đã tập trung thu hút FDI vào những ngành sản xuất máy vi tính, điện tử, những hàng dân dụng, công nghiệp lọc dầu, kỹ thuật khai thác mỏ…
Để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, khắc phục hạn chế thiếu hụt về tài nguyên, Singapore hướng thu hút FDI vào hệ thống ngành dịch vụ vận tải biển quốc tế.
Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, hệ thống chính sách pháp luật ổn định, nghiêm minh cho nhà đầu tư nước ngoài:
Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tục cấp giấy phép đầu tư đơn giản, thuận tiện cho nhà đầu tư. Có dự án xin cấp giấy phép vào sản xuất chỉ trong vòng vài tháng, nhưng cũng có những dự án chỉ trong vòng 49 ngày đã có thể đi vào hoạt động sản xuất. Đây được gọi là “kỳ tích 49 ngày” ở Singapore (Kinh tế và dự báo, 2013).
Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều được đối xử như nhau, nghiêm minh và phải tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, thưởng phạt cho cán bộ công chức nhà nước được quy định rõ ràng. Nhà nước trả lương rất cao cho cán bộ công chức, nhưng cũng xét xử nghiêm minh cho những hành vi tham nhũng. Hàng tháng những người này phải trích lại một phần lương để tiết kiệm khi về hưu (được gọi là quỹ dưỡng liêm), tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu phạm tội tham nhũng thì khoản tích lũy này bị mất, buộc cách chức và có thể phải chịu hình phạt tù.
Áp dụng chế độ chính sách ưu đãi rất đặc biệt cho nhà đầu tư nước ngoài: nếu kết quả kinh doanh có lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận của họ về nước; Bên cạnh đó, chính phủ còn ưu đãi cho nhà đầu tư được quyền cư trú nhập cảnh: được đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch tại Singapore; Ngoài ra còn ưu đãi cho nhà đầu tư có số vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 USD Singapore trở lên và có dự án đầu tư thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore.
1.4.3. Kinh nghiệm của Malaysia và Thái Lan
Thái Lan, Malaysia đều là những nước nằm trong khu vực Đông Nam Á đã sử dụng mô hình thu hút FDI đầu tư theo hướng chọn lọc. Theo Nguyễn Mại (2014) họ đã thành công trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút vốn FDI của
các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới để phát triển công nghiệp hỗ trợ 3.
3 Công nghiệp hỗ trợ có chức năng cung ứng linh kiện, phụ tùng và công cụ cho một ngành công nghiệp. Như ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cung ứng sắt thép làm vỏ xe, phụ tùng, linh kiện, săm lốp để tạo ra chiếc ô tô, hay ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc là những sản phẩm của ngành dệt vải, nhuộm, phụ kiện để sản xuất quần áo...
Thái Lan vốn là nước có nền nông nghiệp truyền thống, thập niên 1970 thực hiện chính sách hướng xuất khẩu, đến nay ngành công nghiệp, dịch vụ đã chiếm ưu thế quan trọng trong nền kinh tế, nông nghiệp giảm dần. Hiện nay, Thái Lan là một nước công nghiệp mới, GDP bình quân đầu người 9.874 USD (2013), chỉ số phát triển con người HDI 0,722 (2013). FDI được coi là một nhân tố quan trọng phát triển kinh tế. Từ năm 1959 – 1971, Thái Lan đã thực hiện chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Với chủ trương khuyến khích đầu tư tư nhân, giảm đầu tư của chính phủ.
Luật Đầu tư năm 1960 đã được ban hành. Năm 1972 – 1996, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu Thái Lan đã ban hành chính sách ưu đãi về đất, việc làm để thu hút chuyên gia, lao động chất lượng cao từ bên ngoài. Chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự biến chuyển theo hướng đầu tư chọn lọc. Dòng vốn FDI vào Thái Lan chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng. Từ những năm 1990 của thế kỷ XX, Thái Lan khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp ô tô, hiện đã thu hút được 17 hãng ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, khoảng một nữa để xuất khẩu. Với 635 nhà cung ứng cấp 1 chiếm 65% doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là người Thái, khoảng 1700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.
Malaysia xuất phát từ nền kinh tế dựa vào khai thác mỏ, và nông nghiệp. Hiện nay, GDP bình quân đầu người 12.243 USD (2014), chỉ số phát triển con người HDI 0,769 (2013). Đây cũng là quốc gia được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 1968 Luật khuyến khích đầu tư ban hành. Giai đoạn 1970-1989: áp dụng các biện pháp khuyến khích xuất khẩu đẩy mạnh chính sách kinh tế mở bằng công cụ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 1990 đến nay, Malaysia khuyến khích thu hút FDI vào những ngành sử dụng công nghệ cao, ít phát thải.
Những chính sách thu hút FDI của Thái Lan và Malaysia, đó là: cả hai quốc gia đều theo đuổi chính sách mở cửa để thu hút FDI. Thu hút công ty đa quốc gia công nghệ cao với dự án quy mô lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thiết lập mối quan hệ vững chắc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Thái Lan điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng FDI hàng năm xuất khẩu hơn triệu ô tô với giá trị gia tăng trên 59%, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong khi Malaysia tập trung phát triển điện, điện tử để phục vụ trong nước và
tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực, năm 2000 chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Bên cạnh đó, cả 2 quốc gia không ngừng đổi mới, chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư. Những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tài chính để hỗ trợ tối đa giai đoạn đầu cho doanh nghiệp trong nước có đủ nguồn vốn đổi mới công nghệ hiện đại để liên kết với doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ (Nguyễn Mại, 2014).
1.4.4. Tổng quan chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tổng quan chính sách thu hút FDI ở Việt Nam
Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ra đời, qua 04 lần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những năm 1990, 1992, 1996 và năm 2000, Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư năm 2014 mới thông qua 26/12/2014, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam từng bước hoàn thiện, vốn FDI vào Việt Nam tăng. Tính đến 15/12/2013 Việt Nam đã thu hút 1.275 dự án với tổng vốn FDI đăng ký 14.300 triệu USD. Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có tăng nhưng không ổn định, cao nhất là vốn FDI đăng
ký năm 2008, thể hiện (hình 1). Sau 27 năm thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập
quốc tế quá trình thu hút vốn FDI vào Việt Nam có thể chia ra thành 4 giai đoạn:
Hình 1.1: Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 1988 đến 2013
(Nguồn: Tổng Cục thống kê, 2013) - Giai đoạn 1988 đến 1996: luồng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm, mức cao nhất là năm 1996 với tổng số vốn đăng ký là 9.635,3 triệu USD. Mặc dù tốc độ vốn FDI đăng ký tăng qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ vốn thực hiện lại thấp, chỉ có
2.938,2 triệu USD năm 1996, chiếm 30,5% so với vốn đăng ký. Hình thức đầu tư FDI trong giai đoạn này chủ yếu là doanh nghiệp liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm tỉ lệ thấp. Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1992 đã bộc lộ những hạn chế. Trình tự thủ tục đăng ký đầu tư phải trải qua nhiều bước, thời gian dài phải mất 45 ngày dự án FDI mới nhận được giấy phép đầu tư và phải xin đăng ký hoạt động; hạn chế dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài, khuyến khích dự án FDI liên doanh với doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo cân đối ngoại tệ cho những dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ngoài ra các dự án FDI được thuê đất để hoạt động kinh doanh nhưng không được sang nhượng cho doanh nghiệp khác thuê; hạn chế quyền xuất nhập khẩu của dự án FDI là không được làm đại lý, và phải đảm bảo tỷ lệ ghi trong giấy phép xuất nhập khẩu.
- Giai đoạn 1997 đến 1999: luồng vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh, đến năm 1999 lượng vốn FDI đăng ký xuống còn 2.282,5 triệu USD, tỷ lệ vốn thực hiện trong giai đoạn này có cao hơn giai đoạn trước. Nguyên nhân lượng vốn FDI giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 (xuất phát ở Thái Lan), thêm vào đó là môi trường đầu tư của nước ta kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singarpo, Malaysia. Mặc dù, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này đã có sửa đổi khuyến khích dự án đầu tư vào các lĩnh vực xuất khẩu, trình tự thủ tục đầu tư thông thoáng hơn trước là doanh nghiệp FDI tự lựa chọn loại hình đầu tư, tỷ lệ vốn góp, địa điểm đầu tư, đối tác đầu tư…
- Giai đoạn 2000 đến 2005: dòng vốn FDI vào Việt Nam đã từng bước hồi phục và tăng trở lại. Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đã tăng nhanh và trở thành ưu thế so với các hình thức khác là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chính phủ đã cải thiện môi trường đầu tư, có sự thay đổi trong trình tự thủ tục đăng ký đầu tư được đơn giản bãi bỏ thu phí đăng ký, mở rộng lĩnh vực cho phép đầu tư, ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2001-2005, các doanh nghiệp FDI được tham gia đại lý xuất khẩu, được thế chấp tài sản gắn liền với đất… Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 2000 đã từng bước được hoàn thiện, chính sách thu hút FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến từ lượng sang chất. Đã thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm thuế quan, cho thuê đất,…để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào vùng miền có điều kiện khó khăn kinh tế - xã hội và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt
khó khăn, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng…(Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài, 2000).