Theo Vũ Công Hậu (2000), cây chỉ có nhiều trái, chất lượng tốt nếu nhận được thức ăn đầy đủ do hai nguồn: một là do bộ rễ cung cấp nhựa nguyên và chất tượng trưng nhất là đạm cho nên nguồn thức ăn này có thể gọi theo nghĩa quy ước là nguồn đạm (N); nguồn thứ hai là do bộ lá cung cấp nhờ vào hoạt động quang hợp, đó là nhựa luyện và chất tượng trưng là carbon, cho nên có thể gọi theo nghĩa quy ước là nguồn carbon (C). Phải có sự cân đối giữa hai nguồn này, giữa tỉ lệ C/N thì cây mới có thể sinh trưởng, phát dục bình thường và cho nhiều trái.
Năng suất trên cây có múi phụ thuộc rất nhiều vào dinh dưỡng đạm (N), vì đạm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây, quá trình tạo nên carbohydrat, khối lượng lá và sự phân phối carbon đến các bộ phận khác của cây. Theo Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài (2011), có sự tương quan chặt chẽ giữa cường độ ánh sáng và sự khử nitrate. Theo cơ chế của sự khử nitrate, ảnh hưởng của ánh sáng thể hiện sự biến động mức độ carbonhydrat và sự cung cấp tương ứng đương lượng chất khử. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ở lá của những cây sinh trưởng trong điều kiện ánh sáng thấp thường có mức độ enzyme khử nitrate thấp; hoạt tính của enzyme lại gia tăng khi cây được chuyển đến điều kiện có cường độ ánh sáng cao. Ánh sáng cũng ảnh hưởng tới tính ổn định của enzyme. Vì vậy, tốc độ khử nitrate ở lá bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trong nhiều cách khác nhau. Cây trồng được thường xuyên canh tác ở nơi có cường độ ánh sáng thấp có hàm lượng nitrate cao hơn cây được canh tác ở nơi có cường độ ánh sáng cao. Theo nghiên cứu về hàm lượng các dưỡng chất trong lá cây có múi của Chapman (1960), thì đạm và canxi là hai dưỡng chất chiếm tỉ lệ cao hơn các dưỡng chất khác. Hàm lượng đạm không ngừng tăng lên trong quá trình phát triển trái cho đến khi trái chín, điều này chứng tỏ trong quá trình phát triển của trái cây tăng cường huy động đạm từ lá về nuôi trái. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, đạm có vai trò làm tăng số lộc trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, nhưng trong thời kỳ kinh doanh bón nhiều đạm sẽ làm giảm phẩm chất trái, mẫu mã trái không đẹp.
Theo Lê Văn Hòa và Nguyễn Bảo Toàn (2004), khi mức ánh sáng tăng lên, quang hợp tăng lên cho tới điểm bù ánh sáng, là mức ánh sáng mà tại đó sự hấp thu CO2 bằng với sự thải CO2 (tốc độ trao đổi cacbon, CER = 0). Nếu mức ánh sáng tiếp tục gia tăng, sự gia tăng rất ít về CER cho mỗi đơn vị gia tăng của ánh sáng cho đến khi đạt mức bảo hòa ánh sáng. Carbohydrat được tổng hợp bởi chu trình Calvin được lưu trữ thành các dạng tồn trữ năng lượng và carbon như đường sucrose và tinh bột. Các sản phẩm của quá trình quang hợp sẽ được sử dụng để tồn trữ, cấu trúc, hô hấp và sinh trưởng. Mức hiệu quả
mà thực vật chia nguồn cung cấp quang hợp của nó vào các bộ phận khác nhau này có một ảnh hưởng quan trọng đến năng suất và chất lượng của trái.