- Yếu tố con người vẫn là thách thức lớn nhất trong việc tuân thủ các quy trình trồng Thanh long, đạt các chứng nhận quốc tế cũng như các yêu cầu chặt chẽ
3.2.8.2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của Chính quyền địa phương
Một số giải pháp đề ra là:
Thứ nhất, về quản lý quy hoạch:
Quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch vùng trồng Thanh long và vùng quy hoạch Thanh long xuất khẩu theo thị trường, không phát triển tràn lan. UBND các
cấp phải tổ chức công bố công khai diện tích điều chỉnh quy hoạch vùng trồng Thanh long tập trung đến người dân để biết và thực hiện theo đúng quy hoạch.
Thứ hai, về đầu tư kết cấu hạ tầng:
Xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm chi phí sản xuất của người dân, gồm các giải pháp cơ bản sau:
- Đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định phục vụ cho chông đèn Thanh long trái vụ đối với các hộ sản xuất Thanh long trong vùng quy hoạch;
- Phát triển hệ thống thủy lợi bền vững, đảm bảo nguồn nước tưới và tiêu nước hợp lý;
- Ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ cho các vùng sản xuất Thanh long tập trung đã được phê duyệt;
- Kêu gọi đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ xuất khẩu Thanh long như: xây dựng các trung tâm mua bán, đóng gói, sơ chế, kho lạnh bảo quản Thanh long, nhà máy xử lý nhiệt và chiếu xạ để phục vụ xuất khẩu.
Thứ ba, về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật :
- Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây Thanh long; giám sát, phòng chống kịp thời, không để bùng phát thành dịch; chú rộng bệnh đốm trắng trên Thanh long, ruồi đục quả ; đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên sản phẩm Thanh long;
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất Thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn khác tương đương nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu; Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa của việc sản xuất Thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP; triển khai thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở sơ chế, chế biến Thanh long theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó; việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm Thanh long là hoạt động có điều kiện, bắt buộc các tổ chức, cá nhân khi tham gia phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định;
- Chú trọng công tác khuyến nông, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân những kết quả nghiên cứu đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành đầu tư sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường;
- Có giải pháp giữ gìn, bảo vệ và phát huy Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” đối với sản phẩm Thanh long để nâng cao uy tín Thanh long Bình Thuận;
- Hỗ trợ DN đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị bảo quản trong việc xử lý, sơ chế, bảo quản và sản xuất, chế biến sản phẩm Thanh long sau thu hoạch.
3.3. KIẾN NGHỊ
(1) Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương:
- Hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí để mở rộng diện tích trồng Thanh long theo tiêu chuẩn EUREP GAP và hỗ trợ mở rộng thị trường ngoài nước.
- Có chính sách hỗ trợ bảo hiểm rủi ro cho người trồng Thanh long Bình Thuận vì cây Thanh long có giá trị kinh tế lớn, chi phí đầu tư lớn nhưng rủi ro đầu tư cao. Các rủi ro thường gặp: Rủi ro liên quan đến thời tiết (là những rủi ro liên quan tới các hiện tượng thời tiết không được dự đoán và không thể dự đoán ví dụ như tác động của thời tiết và khí hậu); Rủi ro liên quan đến sản xuất nông nghiệp (là những rủi ro liên quan đến các nhân tố như là sâu bệnh, bệnh dịch ở cây trồng); Rủi ro mang tính kinh tế (là những rủi ro liên quan tới sự biến động của giá nông phẩm và các nguyên liệu đầu vào do sự biến động khó dự đoán của thị trường).
(2) Đối với Chính quyền tỉnh Bình Thuận, để thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung trong quy hoạch phát triển Thanh long giai đoạn 2011-2020, cần tiếp tục thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện và tổng kết chương trình phát triển Thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
- Tiếp tục công tác nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật,... nhằm nâng cao chất lượng Thanh long. Đồng thời chú trọng công tác bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ.
- Đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội Thanh long, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây Thanh long Bình Thuận về công tác quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận”.
- Không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, khoa học công nghệ ở các cấp và tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới khuyến nông cơ sở.
- Xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư, nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm Thanh long sau thu hoạch. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi trong các công việc như: cấp vốn, cho vay vốn ưu đãi; giao đất, cho thuê đất; nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ;... đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các nội dung theo tiến độ quy hoạch.
(3) Đối với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính và các Ngân hàng:
Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoàn thành sớm thủ tục đầu tư và vay vốn ưu đãi để thực hiện sản xuất, chế biến sản phẩm Thanh long sau thu hoạch.
(4) Đối với Sở Tài nguyên Môi trường:
Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác sử dụng đất đúng mục đích theo quy hoạch. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất, cho thuê đất và hoàn thành các thủ tục cần thiết đối với các nhà đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm Thanh long sau thu hoạch.
(5) Đối với Sở Khoa học và Công nghệ:
Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm chế biến từ Thanh long.
(6) Đối với người sản xuất
- Thay đổi thói quen canh tác: hạn chế dần và từ bỏ thói quen canh tác sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật liều cao. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chuyên chở,..
- Nâng cao ý thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng thương hiệu mang lại, về an toàn thực phẩm, vấn đề bảo vệ môi trường…
- Tham gia vào các hiệp hội nghề nghiệp, không nên làm ăn manh mún, tự phát nhằm bảo vệ lợi ích lẫn nhau và tránh rủi ro. Hoạt động hợp tác này không
chỉ là hình thức. Xây dựng mô hình nông hộ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được tổ chức theo từng nhóm hộ nông dân, có sự tham gia của các cơ sở sản xuất và tiêu thụ Thanh long.
3.4. KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Tình hình sản xuất và tiêu thụ Thanh long Bình Thuận còn nhiều khó khăn. Tuy chính quyền đã có những chính sách hỗ trợ nhất định cho sản xuất, kinh doanh nhưng nhìn chung vẫn chưa đi sâu vào giải quyết gốc rễ của vấn đề. Người nông dân còn kém nhận thức về sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp chưa có sự liên kết với nhau và liên kết với người nông dân. Họ vẫn thích xuất khẩu tiểu ngạch đầy rủi ro hơn xuất khẩu chính ngạch. Giá cả xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc thì lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Thị trường Mỹ, ASEAN, Nhật đầy tiềm năng nhưng việc xuất khẩu qua các thị trường này lại gặp khó khăn do vấn đề về tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, VSATTP.
Các giải pháp được xây dựng trên cơ sở giúp đỡ người nông dân và DN trong việc sản xuất và kinh doanh Thanh long xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ chính quyền tỉnh Bình Thuận đưa ra các chính sách phù hợp nhằm phát triển Thanh long Bình Thuận. Từ đó, nâng cao được giá trị, thương hiệu và uy tín của Thanh long Bình Thuận trên thị trường quốc tế. Các giải pháp này cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, liên tục và có sự phối hợp giữa các chủ thể Nhà nước, DN, người nông dân, nhà khoa học. Từ đó, các giải pháp mới có thể phát huy được hiệu quả ở mức cao nhất góp phần ổn định sản xuất và tiêu thụ, hoàn thiện chuỗi cung ứng và hướng tới phát triển đầu ra cho Thanh long Bình Thuận một cách bền vững.
Điều kiện khí hậu và đất đai của tỉnh Bình Thuận là rất phù hợp cho trồng và phát triển Thanh long. Chỉ trong khoảng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của những cây trồng khác, người nông dân trong Tỉnh tích lũy nhiều kinh nghiệm trồng và phát triển cây Thanh long thành vùng sản xuất rộng lớn; từ đó sản xuất Thanh long đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập, làm giàu và giải quyết việc làm cho hàng ngàn nông dân trên địa bàn Tỉnh; đặc biệt là người trồng Thanh long đã từng bước có nhận thức về việc phát triển Thanh long theo hướng bền vững, an toàn, song bên cạnh đó cũng còn không ít thách thức, tồn tại, hạn chế.
Xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình liên tục, xuyên suốt, lâu dài, có sự kế thừa. Trong quá trình phát triển thương hiệu, điều quan trọng phải có chiến lược và các chương trình đồng bộ, với sự nỗ lực của mọi thành viên trong tổ chức. Việc xây dựng thương hiệu là một việc làm cấp thiết với nghề trồng Thanh long Bình Thuận. Luận văn đã trình bày các vấn đề có liên quan đến thương hiệu, nêu lên thực trạng thương hiệu Thanh long Bình Thuận, từ đó luận văn đã đề xuất 8 giải pháp đồng bộ và có mối quan hệ gắn bó với nhau để phát triển thương hiệu Thanh long Bình Thuận, đó là:
Nâng cao chất lượng sản phẩm. Kiểm soát giá cả sản phẩm. Phát triển hệ thống thông tin. Xây dựng hệ thống phân phối.
Hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu. Tăng cường hoạt động quảng bá thương hiệu. Nâng cao chất lượng và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước.
Những giải pháp đã trình bày sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Thanh long Bình Thuận trong cả nước và mong rằng Thanh long Bình Thuận sớm trở thành thương hiệu vững mạnh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.