Giải pháp xây dựng hệ thống thông tin

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp phát triển thương hiệu thanh long Bình thuận đến năm 2020 (Trang 76)

- Yếu tố con người vẫn là thách thức lớn nhất trong việc tuân thủ các quy trình trồng Thanh long, đạt các chứng nhận quốc tế cũng như các yêu cầu chặt chẽ

3.2.3.2.Giải pháp xây dựng hệ thống thông tin

Trên thực tế ngành nông nghiệp nói chung và ngành Thanh long nói riêng có 1 hạn chế đang tồn tại đó là hệ thống thông tin về thị trường còn thiếu và yếu dẫn đến 1 nghịch lý “được mùa mà không lãi”. Do vậy, cần xây dựng hệ thống thông tin nhiều chiều trên nguyên tắc nhà nước là trung tâm cung cấp và xử lý thông tin đảm bảo:

- Thông tin từ thị trường đến nhà sản xuất: Nông dân, người sản xuất cần biết thông tin thị trường đang cần gì, sản phẩm sản xuất ra bán được ở đâu, sản phẩm đó có ai sản xuất hay chưa, sản xuất như thế nào, bằng công nghệ gì... để nông dân quyết định sản xuất mặt hàng nào và sản xuất bao nhiêu.

- Thông tin từ nhà sản xuất đến thị trường: Thị trường hay người tiêu dùng cần biết mặt hàng mình mua sản xuất như thế nào? có an toàn không? Những mặt hàng nào đang được cung cấp trên thị trường? để có quyết định tiêu dùng cho đúng.

- Thông tin từ nhà khoa học đến nhà sản xuất: phổ biến các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, giống cây, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến… ngược lại nhà sản xuất sẽ phản hồi thông tin ngược lại cho nhà khoa học kịp thời nghiên cứu các quy trình, công nghệ, giống cây… có phù hợp hay không.

Xây dựng hệ thống thông tin về tình hình thị trường (giá cả, lượng cung, lượng cầu trên thị trường); thông tin về kỹ thuật, công nghệ, giống, máy móc một cách kịp thời. Để xây dựng hệ thống thông tin được tốt cần:

- Xây dựng mối liên kết giữa 3 nhà: nhà sản xuất – nhà khoa học - nhà nước trong đó nhà nước đóng vai trò trung tâm quản lý và điều phối các mối quan hệ. Đó cũng chính là phát huy hết tiềm năng, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa sản xuất và thị trường, giữa khoa học và thực tiễn, giữa cơ chế chính sách của Nhà nước với thực tế sản xuất.

- Hạn chế lớn nhất ngành hàng Thanh long an toàn là người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Cho nên cần xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn về Thanh long để người sản xuất có thể căn cứ vào đó mà sản xuất, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm Thanh long. Hướng dẫn người tiêu dùng quan tâm sử dụng sản phẩm Thanh long sạch.

- Xây dựng mô hình sản xuất liên kết, thành lập hiệp hội … để đủ năng lực tổ chức sản xuất theo yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; tránh hiện tượng mạnh ai nấy làm, làm theo số đông mà không tính đến yếu tố thị trường, hiệu quả đầu tư.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cả về nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất; hỗ trợ cho người sản xuất, DN đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử, công tác cung cấp thông tin thương mại và thị trường.

- Các tổ chức, hợp tác xã, hộ nông dân… hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh Thanh long cần chú trọng trong việc xác lập và đăng ký thương hiệu Thanh long của mình đồng thời liên kết để xây dựng và phát triển thương hiệu chung thương hiệu Thanh long Bình Thuận.

- Thành lập trung tâm nghiên cứu thị trường Thanh long (kinh phí một phần do nhà nước tài trợ, một phần do đóng góp của các tổ chức, cá nhân…). Hoạt động của trung tâm này dưới sự quản lý của nhà nước.

- Thành lập một trang web chuyên về Thanh long bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trong đó, trang web cung cấp các thông tin: thông tin thị trường; thông tin về công nghệ, thông tin về sản xuất… cho các đối tượng như đã nói ở trên. Đây là nơi quảng bá và tiếp thị sản phẩm Thanh long ra thị trường, đồng thời cũng là nơi giúp các DN kinh doanh xuất nhập khẩu Thanh long nhận được những đơn hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp phát triển thương hiệu thanh long Bình thuận đến năm 2020 (Trang 76)