Giải pháp của các nhà tài trợ

Một phần của tài liệu Tác động kinh tế xã hội của viện trợ quốc tế đối với việc giải quyết đại dịch AIDS tại châu phi từ năm 2000 đến nay (Trang 138)

Kinh tế-xã hội Viện trợ quốc tế

4.2.1. Giải pháp của các nhà tài trợ

Một là, các nhà tài trợ kết hợp với các quốc gia nhận viện trợ đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội của viện trợ quốc tế cho giải quyết đại dịch AIDS xem nó có thực sự hiệu quả hay không. Nếu nguồn viện trợ

quốc tế cho châu Phi thực sự có hiệu quả với những vấn đề kinh tế, xã hội cụ thể thì các nhà nên tiếp tục đầu tư viện trợ. Ngược lại, những lĩnh vực hoạt động phòng chống HIV/AIDS không hiệu quả thì nhà tài trợ nên xem xét lại cách thức viện trợ của mình đã thực sự phù hợp với nhu cầu của đất nước hay chưa, hay cần phải ngừng viện trợ để đảm bảo nguồn tài chính này không bị thất thoát, lãng phí.

Hai là, làm rõ hơn mục đích của viện trợ.

Mục tiêu của viện trợ là cung cấp tài chính cho các quốc gia châu Phi trong việc giải quyết đại dịch AIDS. Phòng chống HIV/AIDS tại châu Phi không phải là một mục tiêu mới, song có thể có nhiều cách nhìn khác nhau trong việc thực hiện nó. Một số người nhận định phòng chống HIV/AIDS qua góc độ là những chương trình mà mục tiêu là những người nhiễm HIV/AIDS, trong đó bao gồm cả các dự án phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Nhưng người khác lại thấy viện trợ không chỉ tập trung vào những đối tượng hưởng thụ cụ thể mà còn bao gồm việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng nhằm phòng tránh tình trạng lây nhiễm, giảm các tác động tiêu cực trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội châu Phi.

Để đạt được những thành công trong việc cung cấp các nguồn tài chính cho châu Phi cần phải có cái nhìn kết hợp của cả hai hướng trên – đó là viện trợ phải hướng vào mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các tác động về kinh tế - xã hội do HIV/AIDS đem lại, từ đó kiểm soát được mức độ lây lan của đại dịch trên phạm vi toàn châu lục. Nói cách khác viện

trợ nên được dùng để đưa những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người đang chịu tác động từ HIV/AIDS thoát khỏi cảnh “cái chết được

báo trước” hơn là đưa cho họ những khoản tiếp tế ngắn hạn. Viện trợ cần

được coi như hạt giống gieo trồng chứ không phải là vụ thu hoạch.

Thực tế, viện trợ cần nhằm vào việc thiết lập nên một thế hệ không còn HIV/AIDS bằng cách nâng cao các cơ hội tiếp cận với nguồn vốn dù là ít, được nâng cao ý thức phòng tránh lây nhiễm, có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng. Viện trợ nên được sử dụng để đưa người có HIV/AIDS thoát khỏi tình trạng lây nhiễm và ảnh hưởng chứ không phải hạn chế tình trạng HIV/AIDS trong một thời gian ngắn.

Ba là, lập kế hoạch chi tiêu khoản viện trợ cho HIV/AIDS. Mặc dù số tiền có sẵn để chống lại đại dịch AIDS đã tăng lên đáng kể từ năm 2001 nhưng vẫn không đủ với số người nhiễm HIV/AIDS hiện nay tại châu Phi Cận Sahara. Trong thời gian tới, nhu cầu chi tiêu cho phòng chống HIV/AIDS sẽ tăng lên nhiều lần do đại dịch vẫn đang là căn bệnh thế kỷ của lục địa đen. Để lập kế hoạch đấu tranh lâu dài chống AIDS, kinh phí cần phải được quản lý một cách tốt hơn, để các nước có thể lập kế hoạch trước biết bao nhiêu tiền mà họ sẽ nhận được mỗi năm, và hệ thống này phải được thực hiện để kiểm tra xem kinh phí của các nhà tài trợ sẽ đúng như cam kết.

Bốn là, phân tán dòng viện trợ nhằm phân bổ chặt chẽ hơn cho các nước nhận viện trợ.

Để viện trợ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người nhiễm những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thì việc cung cấp viện trợ của các nhà tài trợ phải được phân ra cho chính quyền địa phương và các cộng đồng thụ hưởng. Đồng thời cần phải củng cố thêm cho những chính quyền địa phương và cộng đồng này để nâng cao năng lực của họ trong việc quản lý các chương trình phòng chống lây nhiễm cấp quốc gia và địa phương.

Hệ thống cung cấp và giám sát viện trợ cần phải minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để giúp các cộng đồng địa phương có khả năng đảm đương công việc và ngăn chặn các quan chức địa phương làm thất thoát các nguồn viện trợ. Do đó, nhu cầu về một chính quyền trung ương có năng lực sử dụng nguồn viện trợ là một nhu cầu thiết yếu.

Năm là, mở rộng viện trợ vượt ra khỏi ranh giới quốc gia. Hiện nay,

cơ cấu phân bổ viện trợ vẫn đang tập trung vào từng nước riêng lẻ. Tuy nhiên, các nhu cầu giống nhau và sự gia tăng của các hoạt động phòng chống HIV/AIDS qua biên giới ngày càng gia tăng, nên viện trợ cần phải được phân bổ rộng rãi hơn, đặc biệt nên hướng vào các dịch vụ chăm sóc y tế hiện đại, dịch vụ thông tin liên lạc, củng cố việc thu nhận và chia sẻ sự hiểu biết về HIV/AIDS ở khu vực và thế giới. Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng và mở ra một mạng lưới thông tin liên lạc trên phạm vi châu lục và toàn cầu. Các chương trình phòng chống HIV/AIDS mang tính quốc gia cần phải được áp dụng các tiêu chí khu vực cho lĩnh vực chính sách và chương trình cung cấp viện trợ.

Sáu là, cải thiện các phương pháp viện trợ đã và đang thực hiện thành các phương pháp tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế của quốc gia.

Tính minh bạch cần được thực hiện trong suốt quá trình tiếp nhận và sử dụng viện trợ, do đó những đánh giá về việc cung cấp, sử dụng và tác động của những dòng viện trợ trong quá khứ cần phải được công chúng kiểm soát, đòi hỏi có sự bàn bạc giữa nhà tài trợ và quốc gia tiếp nhận viện trợ. Thực hiện điều này sẽ khuyến khích sự bàn bạc giữa các nhà tài trợ với các nước nhận viện trợ để tìm sự thống nhất về các ưu tiên khi sử dụng nguồn viện trợ.

Bảy là, củng cố khả năng của các đối tượng nhận viện trợ.

Đối tượng tiếp nhận viện trợ cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS dù là chính quyền trung ương hay địa phương, các tổ chức cá nhân hay là các NGOs phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các chương trình

phòng chống. Năng lực sử dụng viện trợ của các chính phủ tiếp nhận viện trợ là chìa khóa của sự thành công trong những cố gắng phòng chống HIV/AIDS. Những chính phủ yếu kém trong quản lý và sử dụng nguồn viện trợ, cộng với tình trạng tham nhũng nặng nề thì nguồn viện trợ sẽ mất đi tính hiệu quả và ngược lại.

Một phần của tài liệu Tác động kinh tế xã hội của viện trợ quốc tế đối với việc giải quyết đại dịch AIDS tại châu phi từ năm 2000 đến nay (Trang 138)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w