đối với hoạt động cổ phần hóa DNNN
Như tác giả đã trình bày phân tích ở mục 2.5 chương 2, với thực trạng các qui định của pháp luật về CPH DNNN, chúng ta chưa thực sự có được một cơ chế kiểm tra giám sát có hiệu lực và hiệu quả đối với một hoạt động của DNNN nói chung và đối với
hoạt động CPH DNNN nói riêng. Để đảm bảo kiểm tra giám sát đối với hoạt động CPH DNNN được thực hiện khách quan, có trách nhiệm, có hiệu quả và hiệu lực, tác giả đề xuất thành lập ủy ban giám sát CPH của Quốc hội, các Ban giám sát CPH của HĐND cấp tỉnh với các nội dung cụ thể sau đây:
* Về cơ cấu tổ chức:
Các ủy ban, Ban này do Quốc hội, HĐND cấp tỉnh thành lập. Thành phần gồm các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh là những đại biểu có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giám sát việc thực hiện CPH DNNN. Các đại biểu này không làm việc trong các cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp. Số lượng người trong các ban này tùy thuộc vào số lượng doanh nghiệp thuộc diện CPH ở mỗi cấp. (Có thể từ 5 người đến 11 người) do HĐND cùng cấp, do Quốc hội cử ra và giao nhiệm vụ.
* Về nhiệm vụ quyền hạn:
Giám sát toàn diện việc thực hiện CPH DNNN theo các phương thức phù hợp. Trực tiếp giám sát việc thực hiện các công việc sau đây:
- Việc tổ chức Đại hội công nhân viên chức để giải quyết các vấn đề về CPH DNNN, để đảm bảo dân chủ thực sự cho người lao động trong việc tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan đến việc CPH doanh nghiệp.
- Hoạt động kiểm kê, phân loại tài sản, xác định tài sản của doanh nghiệp. Nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc xác định tài sản, tiền vốn thuộc sở hữu nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.
- Giám sát việc công khai thông tin về doanh nghiệp CPH và về bán cổ phần. Nhằm hạn chế tình trạng bưng bít thông tin, cản trở, hạn chế việc tham gia mua cổ phần của các tổ chức và công dân với mục đích giảm cầu hạ thấp giá bán cổ phần hoặc bán cổ phần khép kín trong nội bộ doanh nghiệp.
- Giám sát hoạt động bán đấu giá cổ phần.
Nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc tổ chức bán đấu giá cổ phần như việc xác định giá dự thầu, số lượng đăng ký mua của nhà đầu tư, xác định giá
trúng thầu, mức giá đấu bình quân... và đảm bảo cho việc quản lý thông tin nội bộ được thực hiện nghiêm chỉnh tránh tình trạng rò rỉ thông tin liên quan đến việc bán cổ phần về mức cung cầu, về giá chào mua... tạo cơ hội cho việc thao túng giá bán cổ phần.
- Giám sát việc bàn giao hồ sơ tài liệu, tài sản tiền vốn giữa doanh nghiệp CPH và công ty cổ phần.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ban, ủy ban này có quyền:
+ Trực tiếp kiểm tra xem xét hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện CPH, có quyền yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu phục vụ cho việc giám sát.
+ Yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh hoặc cấp dưới (UBND tỉnh, UBND huyện), tổ chức công đoàn cơ sở cử cán bộ có chuyên môn phối hợp để thực hiện việc giám sát.
+ Đề nghị HĐND cấp tỉnh, Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động CPH khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc theo yêu cầu của đa số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh.