Các quy định về đại diện cổ đông nhà nước trong công ty cổ phần hình thành sau cổ phần hóa

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở nhà nước việt nam hiện nay (Trang 41)

Đại diện cổ đông nhà nước trong công ty cổ phần hình thành sau CPH là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền của cổ đông tương ứng với số cổ phần thuộc quyền sở hữu của Nhà nước trong công ty cổ phần. Đây là một nội dung quan trọng gắn liền với hoạt động CPH DNNN, các quy định của pháp luật về vấn đề này có ảnh hưởng to lớn đến việc đẩy nhanh tiến trình CPH, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý sử dụng tiền vốn, tài sản của Nhà nước trong công ty cổ phần mới hình thành bởi vì: Người đại diện cho cổ đông nhà nước trong công ty cổ phần là người bằng hành vi của mình, theo quy định của Luật doanh nghiệp thực hiện quyền cổ đông của Nhà nước, là người có trách nhiệm trực tiếp nhất đối với việc quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn, tài sản của Nhà nước trong công ty cổ phần. Trong các trường hợp Nhà nước giữ cổ phần chi phối, bằng quyền biểu quyết của số cổ phần tương ứng, người đại diện cổ đông nhà nước trong công ty cổ phần đương nhiên được nắm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của công ty cổ phần, có vai trò quan trọng trong việc quản lý điều hành hoạt động của công ty, hoạt động của họ có ảnh hưởng to lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần.

Nếu như trước khi CPH, các quy định về kiểm tra giám sát, chỉ đạo đối với hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp theo luật DNNN là rất chặt chẽ, thậm chí dẫn đến sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp, thì sau CPH, sự quản lý, giám sát, chi phối đó là được tháo dỡ đáng kể do hoạt động của Công ty cổ phần được điều chỉnh bởi các quy định của luật doanh nghiệp. Sự thay đổi cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp sau CPH sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự chủ động của cơ quan quản lý doanh nghiệp trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi mà người đại diện cho cổ đông nhà nước không thật sự gắn bó lợi ích với doanh nghiệp (bởi vì họ không thực sự là chủ sở hữu cổ phần doanh nghiệp), nhưng họ lại là người nắm giữ các cương vị chủ chốt của doanh nghiệp theo cơ chế tuyển chọn bổ nhiệm mang tính áp đặt ý chí của cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu như hiện nay, thì nguy cơ lợi dụng chức vụ quyền hạn của các chủ thể này phục vụ cho lợi ích cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của các cổ đông (trước đó là các nhà đầu tư) cũng có "hành lang pháp lý" rộng hơn.

Thực trạng tham nhũng "đã trở thành thói quen" và "khi các cơ quan nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra bất cứ ở đâu đều phát hiện có những sai phạm và tiêu

cực..." [88, tr. 130] nói lên rằng, cơ chế tuyển chọn bổ nhiệm, kiểm tra giám sát cán bộ của chúng ta chưa được làm tốt. Cũng vì các lý do nêu trên, các nhà đầu tư có lý do để lo ngại khi đầu tư vốn vào các doanh nghiệp CPH, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối là có cơ sở. Có lẽ cũng chính vì vậy đã có quan điểm cho rằng CPH với việc Nhà nước giữ lại 51% vốn là "chuyển đổi nửa vời" và từ khi nhà nước có chủ trương giữ lại 51% vốn trong các DNNN có vốn từ 5 tỷ trở lên (nay là 20 tỷ trở lên), làm cho tiến trình CPH "trở nên chậm hẳn lại" [88, tr. 204].

Dân chủ hóa công tác cán bộ là một quan điểm quan trọng, một quan điểm lớn của Đảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo tác giả, chỉ có thể triệt để quán triệt quan điểm của Đảng, quán triệt các nguyên tắc, cơ chế dân chủ trong việc thiết lập các quy định về vấn đề đại diện cổ đông nhà nước mới có thể giải quyết tốt những tồn tại bất cập nêu trên.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở nhà nước việt nam hiện nay (Trang 41)