Hoàn thiện các quy định về đại diện cổ đông nhà nước tại công ty cổ phần hình thành sau cổ phần hóa

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở nhà nước việt nam hiện nay (Trang 75)

phần hình thành sau cổ phần hóa

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ vấn đề đại diện cổ đông nhà nước tại công ty cổ phần đối với tiến trình CPH, tác giả đề xuất giải pháp tuyển chọn, bổ nhiệm đại diện cổ đông nhà nước tại công ty cổ phần hình thành sau CPH với nội dung cụ thể sau.

Thứ nhất, việc tuyển chọn, bổ nhiệm đại diện cổ đông nhà nước.

Cần dân chủ hóa việc lựa chọn đại diện cổ đông nhà nước bằng hình thức tập thể lựa chọn, quyết định theo đa số. Cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu thành lập Hội đồng tuyển chọn, căn cứ vào tiêu chuẩn tuyển chọn và các nội dung thuyết trình của các cá nhân được dự kiến (hoặc đăng ký dự tuyển) về chương trình hành động, chiến lược kinh doanh, giải pháp khắc phục tồn tại yếu kém của doanh nghiệp... để quyết định việc tuyển chọn các cá nhân cụ thể.

Thứ hai, về phương thức thực hiện quyền cổ đông nhà nước.

- Bổ nhiệm nhóm cá nhân đại diện cổ đông nhà nước đối với các công ty cổ phần nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (lớn hơn 50%). Về số lượng: quá bán số thành viên của Hội đồng quản trị theo điều lệ của công ty cổ phần (3/5; 4/7; 5/9). Mỗi cá nhân được đại diện cho số cổ phần và số phiếu bầu như nhau, các đại diện này có trách nhiệm ứng cử vào Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.

- Dành quyền lựa chọn người giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị cho các cổ đông và người lao động bằng hình thức bỏ phiếu kín lựa chọn theo đa số. Căn cứ vào kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các cá nhân đại diện cổ đông nhà nước có trách nhiệm bầu dồn phiếu hoặc biểu quyết theo đa số (trường hợp Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị) để bầu người được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

- Việc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị được nhóm đại diện cổ đông nhà nước bàn bạc tập thể và quyết định theo đa số (nếu không có ý kiến đa số, quyết định theo ý kiến có sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng quản trị). Các cá nhân không thống nhất ý kiến được bảo lưu ý kiến trong biên bản họp và có quyền báo cáo cơ quan bổ nhiệm mình lý do phản đối phương án giải quyết, để loại trừ trách nhiệm và cũng là để cơ quan thực hiện quyền sở hữu có cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực cán bộ.

- Khi có sự điều chuyển các cá nhân giữ cương vị chủ chốt của công ty cổ phần, các cá nhân đại diện còn lại là đối tượng ứng cử thay thế, để đảm bảo tính ổn định về tổ chức cũng như đảm bảo sự ổn định và sâu sát của hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp.

Theo tác giả, việc quy định các vấn đề về đại diện cổ đông nhà nước như nêu trên vừa đảm bảo được các tiêu chuẩn lựa chọn của Nhà nước, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân đại diện, đồng thời đặt hoạt động của cá nhân các đại diện này trong sự giám sát đánh giá của các cổ đông, của người lao động mà sự lựa chọn và giám sát, đánh giá này hoàn toàn xuất phát từ lợi ích hợp pháp của họ, phù hợp với lợi ích của chủ sở hữu nhà nước. Các nội dung này có thể được quy định với hình thức: "Quy chế đại diện cổ đông nhà nước" do Chính phủ ban hành.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở nhà nước việt nam hiện nay (Trang 75)